Phương pháp Tâm Vận Động

Phần thứ Năm: Thể thức tổ chức Các Nhóm Sinh Hoạt tùy theo lứa tuổi (và cấp độ phát triển)


Thông thường, những buổi sinh hoạt được qui định như sau :

  • Mỗi buổi sinh hoạt luôn luôn bắt đầu với những trò chơi « Tìm lại niềm tin và an toàn nội tâm » ( trò chơi Núi Đồi bằng chất mút ),
  • Trò chơi « giải tỏa và khai phóng Xung Năng » cũng được tổ chức cho mọi lứa tuổi và cấp độ phát triển,
  • Thể thức phân định những loại không gian, một cách rõ ràng, chỉ được qui định và áp dụng một cách tuần tự. Với những trẻ em còn bé dại về tuổi tác và trình độ phát triển, không gian là môi trường chính yếu, để trẻ em có thể thực thi và thao tác những kinh nghiệm, thuộc hai địa hạt giác quan và vận động mà thôi. Những trẻ em lớn hơn, nhất là chung quanh 5-6 tuổi, sẽ từ từ phân biệt nhiều loại không gian khác nhau, với những loại kinh nghiệm và sinh hoạt hoàn toàn khác nhau.
  • Trong loại trò chơi « đồng hóa », với cách khuyến khích và gợi ý của chúng ta, đối tượng đầu tư của những trẻ em bé nhỏ là các con loài vật, ( cọp, beo, chó sói, sư tử, cá voi, cá sấu… chó, mèo, gà, thỏ và các loại chim…). Trong các trò chơi nầy, trẻ em diễn tả những xúc động và giải tỏa những xung năng của mình.
  • Đối với những trẻ em lớn hơn, có trình độ phát triển chung quanh 6 tuổi - nhất là trên hai bình diện tự chủ xác thân và khả năng hiểu biết - chúng ta cần khuyến khích những cách đồng hóa với các nhân vật như các lực sĩ, các võ sĩ, các người chơi trò nhào lộn…Với những cách đồng hóa nầy, trẻ em lớn khôn sẽ diễn tả thân thể cường tráng của mình.


5.1 Những trẻ em từ 18 tháng đến 2 năm ( trước khi vào Vườn Trẻ )

Nhu cầu ưu tiên số một, đối với những trẻ em nầy gồm có hai loại : một là những kinh nghiệm trong hai địa hạt cảm giác và vận động, hai là thế đứng thẳng người. Cho nên không gian sinh hoạt cần được tổ chức và trang bị, cho các trẻ em nầy, bao gồm hai trọng điểm : một là mặt đất, để trẻ em có thể di động một cách tự do và an toàn, bằng cách bò, lết từ chỗ nầy qua chỗ khác... Hai là những đồ dùng vững chắc, kiên cố, có chiều cao ngang tầm trẻ em, để chúng nó có thể vịn vào, tập đứng thẳng người lên, và đưa mắt nhìn chung quanh.

Trong chiều hướng đó, không gian cần có những trang bị như sau :

  • Diện tích lồi lõm và các dụng cụ như các đồ hình sau đây :
  • Những dụng cụ làm bằng nhiều vật liệu cứng và mềm khác nhau :
  • - vật liệu dẻo và mềm, những tấm vải,
  • những tấm thảm cứng và mềm,
Với những vật liệu nầy, trẻ em có thể thực hiện những trò chơi giữ thế cân bằng - mất cân bằng, những kinh nghiệm té ngã, nhào lộn, đu đưa qua lại.

Ví dụ : cho trẻ em ngồi trên tấm thảm, người lớn đẩy tấm thảm qua lại, lui tới. Dùng tấm vải làm võng, để đu đưa trẻ em…

Những loại kích thích nầy sẽ tạo cho trẻ em những cảm giác về vận động, những kinh nghiệm về các vị trí cân bằng khác nhau của cơ thể trong không gian. Nhờ đó, những xúc động như vui thú, lo sợ sẽ xuất hiện trong con người của trẻ em. Đồng thời, trẻ em sẽ càng ngày càng ý thức hơn về thân thể của mình : tôi chỉ có một thân thể duy nhất và toàn diện.

Ngoài ra, với những tấm thảm mềm kê sát trên mặt đất, trẻ em sẻ phát huy những cảm giác vận động nội thân. Những tấm thảm cứng, trái lại, giúp trẻ em phát huy những cảm giác vận động bên ngoài.

Trong lãnh vực cảm giác và vận động, còn có thêm những dụng cụ có khả năng kích thích động tác « đứng thẳng lên » :

  • Những tầng cấp, những chiếc đẩu, những giây thừng ( dăng ra từ hai điểm ),
  • Dùng bàn chân để đẩy vào một bức tường, đẩy ra xa một đồ vật hay là đẩy lui bàn tay của người lớn…
  • Khi nằm trên những diện tích cứng và mềm, trẻ em có thể có nhiều cảm xúc va chạm và sức ép mạnh, yếu khác nhau…
  • Với những vật liệu bằng chất mút, chúng ta có thể đề xuất những trò chơi « tìm lại niềm tin và an toàn nội tâm », hay là những trò chơi « giải tỏa xung năng ».
Với trẻ em còn bé nhỏ, những chiếc gối chưa được sử dụng để « xây cất và phá hủy ». Thông thường, chúng nó dùng những đồ vật nầy, trong những trò chơi sau đây :

  • nằm lún sâu ở giữa,
  • lật qua lật lại,
  • dùng đầu đẩy tới trước,
  • kéo lôi từ chỗ nầy qua chỗ khác,
  • dùng gối đặt vòng quanh mình,
  • dùng gối để che kín thân mình,
  • dùng gối để té ngã,
  • ôm gối để đu đưa qua lại,
  • dùng gối để bước lên trên…
Tiếp theo giai đọan nầy, những trò chơi « xây dựng » bắt đầu xuất hiện, với những hình thức còn rất đơn giản như :

  • Đặt chiếc gối vào trong một đồ vật khác và lấy ra,
  • Sắp những chiếc gối thành hàng ngang, hàng dọc…
Vào giai đoạn nầy, người chuyên viên có thể đề nghị và hướng dẫn những trò chơi sau đây :

  • Đẩy ra xa - kéo trở về những thùng bằng bìa cứng,
  • Lấp đầy - đổ ra hay là lấy hết ra những trái banh nhỏ, những túi gạo hay túi đậu…
  • Dùng những tấm vải để cuộn tròn, che phủ,
  • Trò chơi biến mất và xuất hiện.
Từ đây, chúng ta có thể mở ra không gian « hình dung », với những tấm hình, giấy vẽ và bút chì màu cỡ lớn. Trẻ em có thể tha hồ vẽ những vòng tròn, những đường ngang, dọc…

Để kết thúc, cũng như vào lúc đón tiếp, chúng ta có thể hát một bài hát nho nhỏ, hay là cùng với trẻ em làm một vòng tròn, nhảy một vũ khúc, bằng cách dùng tay chỉ ra các phần thân thể của mình.



5.2 Trẻ em từ 2 tuổi rưởi đến 4 năm ( bắt đầu lớp mẫu giáo )

Không gian với những cấu trúc mặt bằng và mặt xiên là ưu tiên dành cho lớp tuổi nầy, để trẻ em có thể tuột từ trên cao xuống, và té rơi một cách an toàn trên những tấm đệm dày và lớn.

Dần dần, chúng ta có thể đưa vào những cấu trúc thẳng đứng, để trẻ em có thể leo trèo, đưa tay bám chặt vào và từ trên cao buông tay té nhảy xuống trên tấm nệm.

Trẻ em dùng những chiếc gối, để xây lên những những tòa thành, một cách thích thú, mà không cần có người lớn kể kèm theo những câu chuyện. Có hai loại trò chơi xây cất :

  • Xây cất những công trình cần giữ lại,
  • Xây để phá và phá để xây.
Vào lứa tuổi nầy, nững câu chuyện được thêu dệt, chung quanh đề tài từ biệt, xa rời. Tiếp theo sau đó là đề tài nhai, nuốt, ngấu nghiến với những hình ảnh chó sói và bà phù thủy...

Không gian « hình dung » sẽ được mở ra, trước lúc kết thúc. Trong không gian nầy, chúng ta có thể đưa vào hai loại sinh hoạt sau đây :

  • Trò chơi « tạc tượng », trong vòng một vài ba phút,
  • Trò chơi « giữ thinh lặng », trong vòng một vài giây đồng hồ, sau khi chúng ta đưa ra hiệu lệnh : « Bây giờ chúng ta chơi, trong thinh lặng, không làm ồn ».
Nên nhớ rằng vào lứa tuổi nầy, vì nhu cầu « an toàn tình cảm », trẻ em còn cần những trò chơi vận động. Cho nên chúng ta đừng quá vội vàng can thiệp, để yêu cầu trẻ em phải chấm dứt những trò chơi của mình.

Những câu chuyện, trong nghi thức tạm biệt, có thể kéo dài lâu hơn, với trẻ em thuộc lứa tuổi nầy. Thêm vào đó, trẻ em có thể dùng lời nói, để phát biểu một cách vắn gọn… thay vì dùng tay để chỉ hay là dùng toàn thân, để diễn tả bằng bộ điệu.

5.3 Trẻ em thuộc lứa tuổi chung quanh 4-5 năm ( lớp vỡ lòng )

Trong các sinh hoạt giác quan và vận động, được thực hiện trên các diện tích mặt bằng, trẻ em thuộc lứa tuổi nầy, đã làm chủ được tình hình, không còn gặp những khó khăn quan trọng. Tuy nhiên, với những diện tích mặt đứng, trẻ em còn phải tập luyện :

  • Nhảy xuống từ trên cao,
  • Vịn tay vào các nấc thang kê sát tường, để trèo lên trên cao. Dùng tay để di động từ trái sang phải hay từ phải sang trái. Trở mình từ phía trước ra phía sau. Từ trên cao, nhảy xuông trên tấm nệm.
  • Đi theo một chu trình với những giai đọan : lấy đà - tạo nên một thế căng thẳng - để rồi buông xuôi, tạo được thư giản cho toàn diện cơ thể.
Với những chiếc gối, trẻ em vẫn thực hiện những trò chơi « tìm lại niềm tin và an toàn nội tâm », hay là « giải tỏa những xung năng ». Tuy nhiên, trong lứa tuổi nầy, trẻ em cần phân biệt thành hai không gian khác biệt nhau.

Những trò chơi « xây dựng » vẫn tiếp tục và tiến triển. Tuy nhiên, trong giai đọan nầy, người chuyên viên Tâm Vận Động cần khuyến khích trẻ em thực hiện những công trình, với bốn đặc điểm sau đây :

  • vận dụng toàn diện cơ thể,
  • tôn trọng vai trò đặc biệt của mỗi loại không gian : có chỗ để liệng, có chỗ để phá hủy…có chỗ để bảo tồn, giữ lại, không lẫn lộn với nhau, có chỗ để chiến đấu, có chỗ để nghỉ ngơi…
  • sử dụng những vật liệu và đồ vật có liên hệ đến những câu chuyện thuộc các nhân vật hay chủ đề như : Tác-dăng, ngựa, chó sói, những cuộc du ngoạn, những nàng công chúa, các bác sĩ, bà mẹ…
  • Trong những trò chơi « đồng hóa », trẻ em biết phân biệt con gái và con trai.
Chúng ta cũng đề nghị hai loại trò chơi sau đây, với những yêu cầu thích ứng với lứa tuổi :

  • Trò chơi « tạc tượng » : chú trọng đến tư thế được chọn lựa và duy trì tư thế ấy trong một thời gian khá dài : « Khi chơi, các em hãy giữ thinh lặng. Hãy lưu tâm đến cách đứng, cách ngồi, đến tay chân… của mình ».
  • Trò chơi « giữ thinh lặng ». Thời gian càng ngày càng kéo dài thêm mãi, trong suốt năm. Trước khi bắt đầu, chúng ta ra hiệu lệnh : « Bây giờ chúng ta hãy lắng nghe tiếng nói của thinh lặng ».
Sinh hoạt « kể chuyện » được trẻ em tham dự một cách tích cực. Thêm vào đó, trẻ em cần tập lắng nghe, với một cơ thể hoàn toàn bất động. Đề tài của câu chuyện nói đến những anh hùng, tráng sĩ có mọi quyền năng. Tiếp theo sau, chúng ta đưa ra những câu chuyện về các tên ăn trộm, chú công an, các hoàng tử, công chúa…

Vào cuối giờ, chúng ta dành ra từ 10 đến 15 phút, để trẻ em có thể thực thi những « sinh hoạt Hình Dung » :

  • Trò chơi « kiến dựng », với những tấm hình bằng gỗ,
  • Hội họa,
  • Tạo hình với chất liệu đất sét.
Trong nghi thức « giả từ ra về », chúng ta gợi ý, để trẻ em phản ảnh, bằng ngôn ngữ, về tất cả những sinh hoạt và sản phẩm của mình.

5.4 Những trẻ em thuộc lứa tuổi chung quanh 5-6 năm ( bắt đầu tiểu học )

Đối với những trẻ em thuộc lứa tuổi nầy, không gian sinh hoạt giác quan và vận động vẫn còn là mặt đất có trải nệm ( cấu trúc mặt bằng ) và cấu trúc thẳng đứng.

Hai sinh hoạt chủ yếu là :

  • từ trên cao nhảy xuống
  • thực hiện chu kỳ tạo căng thẳng - trở về tình trạng thư giản.
Thông thường vào cuối niên khóa. khi nhận thấy trẻ em có khả năng giải tỏa những tình trạng khó khăn và căng thẳng, cũng như tỏ ra những dấu hiệu muốn tiến xa hơn, trong vấn đề tập luyện kỹ năng và làm chủ tình hình, chúng ta có thể thay đổi hình thức và nội dung sinh hoạt.

Ví dụ :

  • Chỉ dùng một chiếc ghế dài ( thay vì hai như từ trước tới nay ), để trẻ em leo lên, đứng nhảy xuống,
  • Đề nghị nhiều chu kỳ tạo cân bằng,
  • Nhảy dài, bằng cách vượt qua những chướng ngại, hay là nhắm tới những lằn ranh được ấn định,
  • Nhào lộn,
  • Lách mình đi qua những lối hẹp.
Những không gian dành cho hai sinh hoạt Xây Dựng và Phá Hủy, vẫn luôn luôn được phân định một cách rõ ràng.

Trẻ em vẫn được phép bày tỏ ra ngoài những xúc động của mình, cũng như giải tỏa những xung năng. Nhưng thời gian được phép bộc lộ ra ngoài như vậy, càng ngày càng rút ngắn lại.

Người chuyên viên Tâm Vận Động luôn luôn tìm cách phân định một các rõ ràng những loại không gian sau đây:

  • Không gian dành cho những trò chơi chiến đấu,
  • Không gian dành để chơi banh, vòng tròn…
  • Không gian dành cho âm nhạc,
  • Không gian dành cho trò chơi Tác-Dăng,
  • Không gian dành cho những người đi săn bắn…
Vào giai đoạn thứ ba - độ 15 phút trước lúc kết thúc - một không gian sẽ được mở ra, dành cho sinh hoạt « Hình Dung ». Mọi trẻ em được kêu mời tham dự, sau khi chia sẽ những câu chuyện về những cảm nghiệm và sản phẩm của mình.

Vào tam cá nguyệt thứ ba của năm học, nếu trẻ em thuộc cấp tiểu học bày tỏ ý muốn tập luyện và học hành, lúc bấy giờ chúng ta sẽ phân chia mỗi buổi sinh hoạt thành hai giai đoạn : giai đoạn tâm vận động và giai đoạn hình dung.

Chúng ta cũng có thể chọn lựa « phương thức cách khoảng » : một buổi dành cho sinh hoạt Tâm Vận Động. Buổi kế tiếp sẽ dành cho sinh hoạt Hình Dung.

Mục đích của sinh hoạt tâm vận động không phải là tập luyện những kỹ năng chuyên môn. Với những trò chơi nầy, trẻ em có dịp « Đồng Hóa » với các lực sĩ thể thao, thể dục. Cho nên, kết quả cần được nhắm tới, vẫn luôn luôn là những tình cảm « VUI THÍCH » của trẻ em.

Trong địa hạt Hình Dung, chúng ta cần vận dụng và khai thác những cách sinh hoạt sau đây :

  • Kiện toàn trò chơi « Tạc Tượng »,
  • Sáng tạo những thể thức diễn tả và những tư thế độc đáo,
  • Khuôn đúc lại tư thế của một người khác,
  • Nhớ lại, tạo lại tư thế mà mình đã chọn lựa,
  • Nhớ lại tư thế của kẻ khác,
  • Dùng kẻ khác để đúc tượng, bằng cách điều khiển, uốn nắn, xếp đặt chân tay, thân mình của họ, theo đúng ý của mình,
  • Chấp nhận để cho kẻ khác uốn nắn mình,
  • Sáng tạo những bức tượng tập thể và nhớ lại bức tượng mà chính mình đã uốn nắn,
  • Vẽ lại, hay là tạo lại với cơ thể của mình, bức tượng mà kẻ khác đã làm ra.
Trong vòng ba năm thực tập và kinh nghiệm, trẻ em đã hướng đến những thành quả cụ thể sau đây :

  • bộc lộ ra ngoài và giảm hạ những tình trạng căng thẳng của mình,
  • thâu đạt những kinh nghiệm cụ thể và những khả năng, trong địa hạt giác quan và vận động,
  • có khả năng biết mình đang cảm nghiệm những gì và diễn tả ra ngoài, trong đời sống xúc động và tình cảm,
  • Học tập nhìn mình, nhận ra những gì đang xảy ra trong cơ thể của mình, để tìm cách bộc lộ, giải tỏa và khai thông từ từ.
Trên cơ sở ấy, trẻ em có thể đi xa hơn nữa, để tìm cách hiểu biết về những gì có liên hệ đến trương lực cơ và xúc động của mình. Nhờ vào những vốn liếng cơ bản nầy, trẻ em có thể tiếp tục con đường phát triển và trưởng thành, trong đời sống tình cảm và tâm lý.

Nói tóm lại, nhờ trò chơi và xuyên qua trò chơi, trẻ em đã từ từ tiến tới giai đoạn trưởng thành. Những dấu hiệu sau đây bộc lộ và thể hiện thành quả ấy :

  • Trẻ em càng ngày càng ý thức hơn về thân xác của mình,
  • Trẻ em càng ngày càng phát huy khả năng sáng tạo, hồi tưởng, tái tạo, hình dung và làm chủ bản thân mình.
Xuyên qua những kết quả trong ba loại sinh hoạt hội họa, tạo hình và kiến dựng, trẻ em thể hiện một cách rõ ràng và cụ thể khả năng HÌNH DUNG thân xác của mình. Khả năng nầy là dấu chứng cho phép chúng ta khẳng định rằng : Nhờ vào tiến trình sinh hoạt Tâm Vận Động, trẻ em đã thực sự thành đạt hai kết quả :

Một : Hội nhập sơ đồ về thân thể,

Hai : Thực sự trưởng thành trong ba lãnh vực : tâm lý, thần kinh-vận động và đời sống xúc động.