Phương pháp Tâm Vận Động

Phần thứ hai : Nền Tảng Lý Thuyết

2-1 Thể thức diễn tả Tâm Vận Động - Tính Tổng Thể

Xuyên qua những công tác quan sát hằng ngày cũng như trong khuôn khổ của kinh nghiệm hành nghề, tác giả B. AUCOUTURIER đã ghi nhận một sự kiện : trước 6-7 tuổi, trẻ em trao đổi, thông đạt với toàn diện con người của mình. Trong suốt giai đoạn nầy, trẻ em chưa thể tạo ra một khoảng cách đối với những gì mình đang sống. Nói cách khác, trẻ em chưa thể tách mình ra khỏi kinh nghiệm, để đứng nhìn và quan sát mình từ ngoài.

Khi trẻ em diễn tả mình, toàn thể mọi thành phần của cơ thể đều nói cùng một lúc. Trẻ em vừa thét la, phát âm. Vừa làm những điệu bộ. Vừa bày tỏ ra bên ngoài những tư thế, những cử chỉ. Và tất cả mọi thành tố khác như trương lực cơ, liếc nhìn, vận động … cũng đóng góp phần mình, bằng cách này hay cách khác. Tất cả những cách làm ấy được tác giả B. Aucouturier đặt tên là THỂ THỨC DIỄN TẢ TÂM VẬN ĐỘNG của trẻ em.

Trong chiều hướng ngược lại, khi trẻ em sử dụng năm giác quan của mình, để tiếp thu, ghi nhận thế giới bên ngoài, trẻ em chưa có khả năng phân biệt một cách rõ ràng, minh bạch cái gì là chủ quan, cái gì là khách quan. Đời sống tình cảm và xúc động, cũng như những xung đột nội tâm của trẻ em đang xuyên tạc và bóp méo những sự kiện khách quan, trong thế giới bên ngoài.

Trên nguyên tắc, người lớn có khả năng làm chủ tình huống, một cách hữu hiệu hơn trẻ em, khi phải diễn tả ra ngoài thực trạng nội tâm của mình. Hay là khi cần nhận thức thực tại bên ngoài một cách khách quan. Cũng vậy, người lớn ý thức hơn về đời sống tình cảm của mình. Họ có khả năng nói về những gì mình đang cảm nghiệm. Họ có thể thông đạt cho người bạn đối diện về thể thức và chất lượng quan hệ mà chính họ đang trải qua và chia sẻ với người ấy. Từ chuyên môn, thường được dùng trong tâm lý đương đại, là « Thông đạt phản tĩnh ( méta-communiquer ) », có nghĩa là : tôi nhìn tôi đang trao đổi. Tôi đánh giá những quan hệ, mà chính tôi đang kết dệt với người khác. Sau hết, người lớn có thể chủ động một phần nào, trong vấn đề điều hướng những xúc động đa phức và phiền toái của mình.

Nhận thức được những nét khác biệt giữa trẻ em và người trưởng thành, tác giả H. Wallon đã phát biểu :

« Những ai có khả năng vận dụng và điều động các giác quan cũng như trí tụê, để đương đầu, đối diện với những xúc động của mình, người ấy không nộp mình, đầu hàng, để cho xúc dộng lèo lái, chỉ huy. Đối với trẻ em, đời sống trí tuệ còn thiếu vắng hay là mong manh, chưa vững chãi, không thể tạo nên thế cân bằng, đối với những xúc cảm lớn lao, mãnh liệt. Chính vì vậy, những ai biết quan sát, suy tư và tưởng tượng, người ấy có khả năng giải trừ hay là chuyển biến tình trạng rối loạn do đời sống xúc động gây nên… »



Để cụ thể hóa những tư tưởng vừa được trình bày, chúng ta hãy khảo sát một vài minh họa :

  • Khi một trẻ em lên 4 tuổi, dạy cho trẻ em làm bài tính trừ có nghĩa là bảo em ấy lấy cất đi khỏi mình, những điều thuộc về mình. Cho nên trẻ em từ chối, chống đối, cơ hồ không thể nào chấp nhận lấy ba chiếc kẹo mình đang có, trừ đi hai và mình chỉ còn giữ lại một mà thôi.
  • Trong địa hạt hội họa, trình bày lên trang giấy hình của một con người ta có nghĩa là vẽ ra chính mình, đúng như mình cảm nghiệm. Cho nên, trẻ em tìm cách vẽ lớn ra những phần thân thể mà chúng nó cảm thấy là rất quan trọng về mặt tình cảm. Và theo ý kiến chủ quan của chúng nó, « quan trọng » có nhiều ý nghĩa như : làm cho mình sợ, được mình yêu thích hay là chọc tức mình…Chính vì vậy, khi trẻ em vẽ một ông người ta to lớn, đồ sộ, có những cánh tay rất dài, chúng nó muốn trình bày một con người có quyền uy, sẵn sàng bệnh vực, nâng đỡ mình, khi mình gặp nguy hiểm. Trái lại, khi trình bày một hình người không có tay, chắc hẳn trẻ em đang nhắc nhở cho mình một lệnh cấm đã được nhập tâm : không được đưa tay sờ vào những chỗ bậy bạ. Hay là trẻ em đang nhớ lại những lời đe dọa : « Mày đụng vào, tao sẽ chặt tay mày... ».
Người trưởng thành không còn ở vào giai đoạn « tự kỷ trung tâm », giống như một trẻ em lên 4 tuổi. Tuy nhiên, trong những tình huống phải kinh qua những xúc động mãnh liệt, như đang yêu say đắm, đang sợ hãi kinh hoàng, hay là đang phải chịu tang một người thân yêu trong gia đình…,người ấy có thể đánh mất khả năng tạo khoảng cách cần thiết và trở lại tình trạng « hoang mang, hổn loạn » như một trẻ em.

Khi áp dụng Phương Pháp Tâm Vận Động Aucouturier, chúng ta cần lưu tâm đến thể thức sinh hoạt, mà chúng ta vừa khảo sát và ghi nhận. Tự bản chất, trẻ em dưới 5-6 tuổi, còn sống trong thế giới chủ quan của mình. Tự kỷ trung tâm là một chặng đường tất yếu, trẻ em không thể KHÔNG ĐI QUA. Cho nên, thể theo những điều được quan sát và chứng nghiệm, chúng ta cho phép trẻ em diễn tả một cách tổng thể, những đặc điểm thuộc bản thân của mình. Chúng ta để cho trẻ em tha hồ sống những kinh nghiệm thuộc địa hạt cảm giác và vận động. Chúng ta tạo ra mọi điều kiện thuận lợi, cho phép trẻ em hoàn thành tiến trình tăng trưởng và phát triển, một cách hài hòa, tốt đẹp, với tư cách là một chủ thể - có khả năng chủ động, hoặc làm chủ đời mình - trong lãnh vực trao đổi, tiếp xúc, thông đạt và sáng tạo.

Những kinh nghiệm vừa được đề xuất, phải được cụ thể hóa bằng những động tác của chính trẻ em, chứ không phải bằng những động tác của người lớn, áp đặt cho trẻ em, từ trên, từ ngoài. Chúng ta không cưỡng chế trẻ em phải tuân hành những mệnh lệnh của chúng ta. Chúng ta chỉ kêu mời, thôi thúc, cổ vũ - trình bày, đề nghị, nếu cần - trong ý hướng xúc tác, tạo nhịp cầu cho trẻ em bước qua, đi tới, và sáng tạo. Chính động tác, khi được lặp đi lặp lại nhiều lần, sẽ phát sinh nhiều loại cảm giác khác nhau về nội thân, thính, thị, khứu, vị và vận động. Nhờ đó, con người của trẻ em sẽ từ từ chuyển hóa, về mặt khách quan bên ngoài, cũng như trong lãnh vực nội tâm.

Ví dụ : để có thể từ trên cao nhảy xuống, trẻ em phải thực thi nhiều động tác khác nhau, như sau :

  • leo, trèo ( có kinh nghiệm về vận động ),
  • bám chặt vào một cành cây hay một thanh gỗ ( có cảm giác về trọng lượng và tình trạng mất thăng bằng ),
  • từ trên nhìn xuống, ước lượng chiều cao.
Nhờ bao nhiêu động tác ấy, trẻ em sống được, trong thân xác, những cảm giác mãnh liệt khả dĩ biến đổi con người của mình. Đồng thời, khi chính mình làm được bấy nhiêu điều ấy, trẻ em đã tác động trên môi trường bên ngoài, và khám phá được thế nào là chiều cao, thế nào là không gian, ở phía trên.

Thế rồi, khi thả mình rơi xuống trên tấm thảm, trẻ em khám phá thêm được hai chiều kích mới lạ khác :

  • trong không khí, mình đã mất đi những giới hạn của thân thể, không còn có gì cản trở mình.
  • Khi rơi xuống trên tấm thảm ở bên dưới, mình vẫn còn nguyên vẹn, không bị mất mát, sứt mẻ gì cả.
Nhờ lặp đi lặp lại nhiều lần kinh nghiệm nhảy từ trên cao xuống như vậy, trẻ em sẽ khám phá thêm hai điểm quan trọng :

  • Những yếu tố nào có tính thường hằng, bất biến ? - Đó là thời gian, không gian và thân thể.
  • Những yếu tố nào, trái lại, thay đổi, tùy mỗi trường hợp và kinh nghiệm ? - Đó là vận tốc, tư thế và những cảm giác.
Thay vì chờ đợi, cho phép làm một mình, nếu chúng ta mất kiên nhẫn, bồng trẻ em và đặt ở trên cao…trẻ em sẽ không tự mình học được gì cả và sẽ không bao giờ tiến phát, trên con đường làm người.

Chính vì những lý do ấy, chúng ta hãy cho trẻ em có đầy đủ thời giờ, để tự mình bắt đầu và kết thúc một động tác. Chỉ với điều kiện nầy, động tác mới mang lại những thành quả biến đổi, chuyển hóa và trở nên một động cơ thúc đẩy trẻ em phát triển từ bên trong.

Vậy, một lần nữa, tôi muốn nhấn mạnh rằng : trẻ em phải tự mình thực thi những kinh nghiệm có tính tổng thể, lúc ban đầu. Nhờ vậy, chúng nó làm VÌ VUI THÍCH, hứng thú, thay vì bị ép buộc.

Ví dụ, trong một buổi sinh hoạt Tâm Vận Động, trẻ em phải được tự do chạy, nhảy, lăn tròn, tuột từ trên cao xuống, đu đưa, bò lết, leo trèo, trốn tìm, cuộn mình trong một tấm thảm hay là nằm nghỉ ngơi…làm như vậy bao nhiêu lâu cũng được, trước khi có thể bắt đầu chơi những trò chơi điều động những phần thân thể, một cách hài hòa.

Bao nhiêu kinh nghiệm ấy cho phép trẻ em thành tựu một cách tự nhiên tiến trình phát triển của mình, chung quanh 6-7 tuổi. Khi đạt được giai đoạn nầy, trẻ em sẽ có khả năng vận dụng trí tưởng tuợng, để HÌNH DUNG những gì mình đã sống và cảm nghiệm với cơ thể của mình. Cũng vào giai đoạn nầy, trẻ em bắt đầu trở nên hiếu kỳ, một cách tự phát, thích biết và thích học về những lãnh vực khác như : tư duy và kiến thức. Từ đây, trẻ em sẽ có một LỐI NHÌN khác về các sự vật bên ngoài. Nhờ đó, chúng nó từ từ biết liên kết, phối hợp cuộc sống hiện tại, ở đây và bây giờ với lịch sử của đời mình thuộc về các thời điểm khác như : ngày qua, trước đó, trong quá khứ và ngày mai. Dựa vào những kiến thức nầy, trẻ em sẽ có khả năng phân tích, liên kết, tách rời, so sánh, tổng hợp, mỗi lần hình dung cơ thể của mình và tìm hiểu thực tại khách quan bên ngoài. Đó là những bài học cơ bản, thuộc chương trình học vấn ở cấp Tiểu Học. Nói tóm lại, với tất cả nỗi niềm vui thích và hứng thú, trẻ em dần dần bước vào lãnh vực hình dung và suy tư.

Trong những buổi sinh hoạt Tâm Vận Động, để chuẩn bị và xúc tác tiến trình phát triển ấy, chúng tôi tạo dịp cho trẻ em bày tỏ cách thế ở đời của mình, nghĩa là ngoại hiện thể thức diễn tả Tâm Vận Động. Chúng tôi đón nhận loại ngôn ngữ nầy, nơi mọi trẻ em. Với một số trẻ em khác, chúng tôi ghi nhận những ký hiệu, những sứ điệp không lời trình bày cho chúng tôi những nỗi thống khổ đang có mặt trong cuộc đời. Sau đây, chúng tôi xin đưa ra một vài minh họa cụ thể :

  • Một vài trẻ em không chấp nhận cổi trần ra. Ao quần, đối với những trẻ em nầy, là một loại vỏ bao bọc có phần vụ che chở, tạo an toàn, trước bất cứ loại tấn công nào đến từ bên ngoài. Một làn da trần trụi sẽ đánh thức dậy nhiều nỗi niềm sợ hãi.
  • Nhiều trẻ em khác đã đến tuổi có khả năng nhảy từ trên cao xuống. Nhưng các em vẫn cảm thấy lo sợ : sợ khoảng trống, sợ té ngã… Đó là những nỗi sợ, bắt nguồn từ những cách bồng ẵm không tạo được an toàn, lúc các em ấy còn ở tuổi thời thơ ấu.
  • Nhiều trẻ em khác chạy lăng xăng, hỗn loạn… nhường như chạy khắp nơi, không bao giờ mệt, để tìm lại chính mình. Những trẻ em nầy không ý thức được rằng : Mình chỉ có một thân thể duy nhất. Hay là những trẻ em ấy đang tìm cách chạy trốn, thoát khỏi liếc nhìn khống chế và kềm tỏa của người lớn.
  • Có vài trẻ muốn khép kín mình lại, trong những chiếc thùng, chiếc rương, chiếc hòm eo hẹp, để kiếm tìm những cảm giác bị kềm kẹp, va chạm, xô đẩy… với những đồ vật chung quanh. Nhờ những cảm giác ấy, các em cảm thấy mình có thân thể với những giới hạn rõ rệt. Khi chứng kiến những hiện tượng như vậy, chúng tôi nêu lên câu hỏi : những trẻ em nầy, có nhận được đầy đủ liều lượng xúc giác, lúc mới sinh ra không ?
Tất cả những nhận xét vừa nêu ra, cho phép chúng ta đề xuất những giả thuyết về lịch sử của trẻ em. Công việc khảo sát nầy càng dễ dàng và có những câu trả lời đứng đắn, nếu chúng ta có những tin tức và kiến thức rõ ràng, chính xác, về nhu cầu của trẻ em, trên bình diện tâm lý và thể lý, ở mỗi lứa tuổi khác nhau.

Trái lại, có những phản ứng sợ sệt, những loại mơ tưởng hay là những cơn lo hải đặc biệt thuộc về mỗi cấp độ phát triển. Những phản ứng tất nhiên nầy không thể nào được thuyên giải, như là những dấu hiệu của tình trạng khổ đau trầm trọng, đang làm tê liệt tiến trình phát triển và đời sống nội tâm.

Sau hết, chúng ta cần lưu tâm một cách đặc biệt đến ba loại hành vi khác nhau sau đây :

  • hành vi lặp đi lặp lại một cách thúc bách một số động tác,
  • hành vi siêu thích nghi, còn được gọi là khô cứng, bám chặt vào, không thể lìa ra,
  • hành vi thiếu thích thú, không biết vui đùa, hứng khởi.
Để có thể phân biệt một cách rõ ràng những điểm vừa được nêu lên trên đây, chúng ta sẽ lần lượt khảo sát trong những chương tiếp theo :

-Thứ nhất, những nhu cầu cơ bản của trẻ em, trong lãnh vực quan hệ, nhất là lúc vừa mới sinh ra.

-Thứ hai là những loại lo hãi và mơ tưởng khác nhau của trẻ em, tùy cấp độ phát triển ( angoisse et fantasmes ).