Mỗi năm Đại hội thường có một chủ đề. Năm nay Đại hội được tổ chức từ ngày 08. đến 10. Tháng Sáu 2019 với chủ đề „Hãy lắng nghe !“
Chủ đề này Đại Hội dựa trên nền tảng trong Kinh Thánh. Rõ hơn đó là cầu xin của Vua Salomon bày tỏ cùng Thiên Chúa:
„ Xin ban cho tôi tớ Chúa đây, một tâm hồn biết lắng nghe, để cai trị dân Chúa và phân biệt phải trái; chẳng vậy, nào ai có đủ sức cai trị dân Chúa, một dân quan trọng như thế? „ ( 1. Sách Các Vua, 3,9).
Như thế lắng nghe có tầm mức quan trọng mối tương quan đời sống làm người chiều hướng thượng lên tới Thiên Chúa trên cao và chiều ngang đường chân trời với mọi người chung quanh cùng chung sống trong xã hội.
Lắng nghe người khác và được người khác lắng nghe là nhu cầu trong đời sống con người. Ông Chủ tịch Liên đoàn trong bài khai mạc Đại hội đã diễn tả khía cạnh đó như sau:
„Lắng nghe là một cung cách nghệ thuật sống không chỉ theo chiều ngang đường chân trời giữa con người với nhau trong cuộc sống xã hội, nhưng còn là lối sống đạo đức chiều thẳng đứng hướng lên Thiên Chúa trên trời cao, Đấng tạo dựng nên con người chúng ta có thân xác và trái tim tâm hồn để lắng nghe Lời của Ngài nói qua những dấu chỉ trong thiên nhiên, tiếng nói âm thầm nhỏ nhẹ trong sâu thẳm nơi tâm hồn mỗi người. „
Sau phần nghi thức khai mạc Đại hội, đến phần phụng vụ thánh lễ Misa khai mạc Đại hội. Thánh lễ do giới trẻ phụ trách. Vì thế giới trẻ đảm nhận phần hát thánh ca, đọc lời Chúa là các lời nguyện trong thánh lễ.
Đây là dịp vui mừng cùng rất thuận tiện để thế hệ lớp trẻ sinh ra và lớn lên trong xã hội nước Đức, họ không chỉ sinh hoạt đạo đức Công Giáo nơi các xứ đạo Đức nơi cư ngụ, mà còn dấn thân vào sinh hoạt mục vụ nơi các Cộng đoàn Công Giáo Việt Nam nơi sinh sống.
Tuy việc mục vụ cho người Công Giáo Việt Nam ở nơi đây, có thể nói được, là phần thêm vào nhìn theo khía cạnh sống tâm tình đạo đức văn hóa xuất xứ gốc người Việt Nam, nhưng cũng cần thiết và góp phần không nhỏ vào khu vườn trăm hoa đua nở của đức tin Công Giáo cho trở nên sống động.
Chính vì thế, các Tòa Giám mục nước Đức từ bốn thập niên nay công nhận và hằng khuyến khích nâng đỡ công việc mục vụ này: bổ nhiệm linh mục người Việt nam chăm sóc mục vụ cho người Công Giáo Việt Nam, trợ giúp tài chánh những sinh hoạt mục vụ nơi địa phương và tổ chức Đại hội Công Giáo hằng năm.
Sau thánh lễ Misa khai mạc Đại hội, các bạn trẻ thanh thiếu niên có phần sinh hoạt riêng do một linh mục phụ trách hướng dẫn trong không khí vừa tìm hiểu vừa suy nghĩ và cầu nguyện. Tạo cho các bạn trẻ quen nhau và quen với cung cách nếp sống sinh hoạt đức tin Công gíao.
Những người lớn thế hệ ông bà cha mẹ, anh chị tập họp chung ở nhà nguyện di động trong khuôn viên đại hội cùng nhau làm giờ thánh chầu Mình Thánh Chúa và cùng dâng hoa kính Đức Mẹ Maria, tôn kính các Thánh Tử đạo Việt Nam.
Việc đạo đức này vừa là một sinh hoạt của ngày Đại hội và cũng vừa là cung cách nếp sống đức tin người Công Giáo, nhất là buổi chiều ngày chuẩn bị mừng kính lễ trọng Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống.
Cung cách sinh hoạt đạo đức bình dân này phần nào làm sống nhớ lại tập tục đạo đức, kỷ niệm xứ đạo nơi nhiều người, mà ngày xưa bên quê nhà Việt Nam họ đã sống sinh hoạt hội đoàn: đọc kinh làm giờ thánh Chầu Thánh Thể, hát dâng hoa kính Đức Mẹ, hôn kính xương Thánh.
Cung cách cầu nguyện quen thuộc truyền thống này vừa tỏ hiện sự sinh động tinh thần sống đức tin, vừa thể hiện nét đẹp văn hóa cùng tâm tình của con người Việt Nam.
Ngày xưa Đức Mẹ Maria đã cùng với các Tông đồ Chúa Giêsu tụ họp trong nhà tiệc ly cầu nguyện lắng nghe tiếng Chúa nói trong tâm hồn để đón Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống, như trong kinh thánh nơi sách Tông đồ Công vụ thuật lại (CV 1, 12-14).
Người Công Giáo Việt Nam ở nước Đức cũng muốn sống tâm tình đức tin như thế hằng năm vào dịp đại hội Công Giáo Việt Nam ngày mừng lễ Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống.
Buổi chiều ngày thứ bảy vọng lễ Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống, có khoảng hơn dưới 700 tham dự viên hiện diện khai mạc Đại hội. Họ cùng nhau xin ơn đức Chúa Thánh Thần xuống trong tâm hồn với tâm tình:
„- Khi nhận lãnh trách nhiệm và chu toàn tới nơi tới chốn. Và cả khi làm việc mà không nhìn thấy kết qủa.
- Khi cảm thấy sự thong dong tự do của mình không bị giới hạn.
- Khi phải chấp nhận trong giờ phút đen tối sợ hãi như bước khởi đầu cho một giai đoạn được chúc phúc, mặc dù không hiểu nổi sự việc đã, đang và sẽ đến.
- Khi bình thản chấp nhận thất vọng trong đời sống hằng ngày xảy đến, dù phải chịu đựng tới cùng sức.
- Khi kiên nhẫn cầu nguyện trong thinh lặng, trong u tối. Vì tin rằng thế nào cũng được nhận lời, mặc dù không có dấu hiệu thấy hiệu quả của lời cầu xin kêu khấn.
- khi chấp nhận từ bỏ không có điều kiện gì. Vì tin rằng chính sự từ bỏ mang lại chiến thắng thật sự cho đời sống.
- Khi trong cuộc sống hằng ngày binh thản và sẵn sàng chấp nhận sự chết xảy đến.
- Và còn rất nhiều cảnh huống trong đời sống mỗi người...
Tất cả những điều đó là ân đức của Thiên Chúa. Ân đức này người Kitô hữu chúng ta gọi là Đức Chúa Thánh Thần.“
( Lm. Karl Rahner S J., trong Pfíngten entgegengehen, Freiburg, Basel, Wien 1986, tr. 86.)
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long