GRANADA, Tây ban nha (Zenit.org).- Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Đối thoại Liên tôn giáo khẳng định: Người Công giáo không nên sợ Hồi giáo, trái lại, nên chào đón cơ hội được củng cố đức tin qua những cuộc trao đổi, đối thoại với người theo đạo Hồi.

Lời khẳng định đó được Hồng y Jean-Louis Tauran phát biểu trong diễn từ khai mạc đại hội kéo dài hai ngày tại Granada (Tây ban nha) với chủ đề: “Kitô giáo, Hồi giáo và Thời đại tân tiến.” Đại hội này được Phân khoa Thần học Granada bảo trợ.

Hồng y khẳng định: “Chúng ta chẳng phải sợ Hồi giáo, mà tôi có thể nói thêm thế này: Người tín hữu Kitô và người Hồi giáo, khi tuyên xưng đức tin của mình với tính cách toàn vẹn và khả tín, khi đối thoại và nỗ lực phục vụ xã hội, là họ làm cho xã hội được phong phú.”

“Trong năm năm vừa qua, không khí đối thoại với người Hồi giáo đã được cải thiện, mặc dầu những yếu tố khác biệt vẫn còn tồn tại.” Hồi giáo là tôn giáo mà Hội đồng duy trì những mối liên lạc có hoạch định nhất.

Trong số những điều khác biệt, Hồng y nêu ra hai: kỳ thị phụ nữ và tự do thờ phượng. Điều thứ hai bị cấm cản một cách tuyệt đối tại Saudi Arabia.

Hồng y Tauran nói rằng mỗi người trong chúng ta phải đối diện với một thách đố khó khăn ba phần: đó là về căn tính (tức là biết rõ nội dung niềm tin của chúng ta); về khác biệt (nhận thức rằng người khác không nhất thiết là kẻ thù); và về đa nguyên (công nhận rằng Thiên Chúa đang thực hiện những điều bí nhiệm nơi mỗi sinh vật Người đã tạo dựng).

Cộng đồng

Hồng y khẳng định rằng “đối với một người Tây phương, Hồi giáo thật là khó hiểu.”

“Đó đồng thời vừa là một tôn giáo, một xã hội, và một quốc gia, kết hợp 1.2 tỷ người thành một thực thể toàn cầu vĩ đại, gọi là “ummah”.

“Các thành viên của cộng đồng này thực hiện cùng một nghi thức phụng tự, có cùng một nhãn quan về thế giới, và tuân theo cùng một cách ứng xử.

“Hơn thế, họ không có sự phân biệt giữa lãnh vực công và tư.”

“Nhãn quan về tôn giáo như thế làm cho các xã hội thế tục hoá phải bối rối.”

“Tuy nhiên, sự kiện mới mẻ là trong thế giới phương Tây, người theo Hồi giáo và không theo bắt buộc phải sống chung với nhau.”

“Chẳng hạn, ở châu Âu, chúng ta sinh sống cùng với người Hồi giáo thuộc thế hệ thứ ba.”

“Chúng ta gặp người Hồi giáo mỗi ngày trong đời thường; điều này không cản trở người Kitô hữu và tín đồ Hồi giáo nhiều lần trở thành nạn nhân của thiên kiến, là hậu quả của sự vô minh.”

“Chuyện thường xảy ra là một Kitô hữu không hề trò chuyện với một tín đồ Hồi giáo, và ngược lại.”

Lướt thắng nỗi sợ

 

Vị Hồng y chủ tịch khẳng định rằng “chỉ nguyên đối thoại không thôi cũng có thể để cho chúng ta lướt thắng được nỗi sợ hãi, bởi vì nó cho mỗi người cái kinh nghiệm khám phá người khác và đem lại sự gặp gỡ, và gặp gỡ như thế chính là ý nghĩa thực tế của đối thoại liên tôn giáo.”

Điều này xảy ra “bởi vì đây không phải là hai tôn giáo gặp nhau, nhưng là người nam người nữ mà những nỗi thăng trầm của cuộc đời, những hoàn cảnh, thuận tiện hay không thuận tiện, đã trở thành đồng hành với nhau trong khối nhân loại.”

Hồng y nhấn mạnh đến nhu cầu phải “nỗ lực, ở cả hai phía, tìm hiểu các truyền thống tôn giáo của nhau, chấp nhận những điều phân cách chúng ta và những điều đem chúng ta lại gần nhau để cộng tác hoạt động cho công ích. Đó không phải là một công việc dễ dàng.”

Nó kêu gọi chúng ta phải có “tự do nội tâm, nhường chỗ cho một thái độ tôn trọng hoàn toàn những người khác: biết im lặng để lắng nghe người khác nói, cho người ta có cơ hội được hoàn toàn tự do phát biểu, không che đậy hay làm giảm nhẹ căn tính tâm linh của họ.”

“Khi đã có được sự tin cậy rồi thì cả hai phía có thể tự do xem xét đến những gì ngăn cách chúng ta, những gì kết hợp chúng ta lại với nhau.”

Về những điều khác biệt giữa người Kitô hữu và tín đồ Hồi giáo, Hồng y giải thích rằng chúng ta chúng ta bị chia cách bởi: “mối liên hệ đối với các sách thánh, quan niệm về mạc khải – (Kitô giáo không phải là một tôn giáo chỉ “dựa theo sách vở”) – căn tính của Chúa Giêsu và của Mohammed, Chúa Ba Ngôi, cách dùng lý trí, quan niệm về cầu nguyện.”

Mặt khác, ngài khẳng định rằng hai tôn giáo có những điểm chung: “tính duy nhất của Thiên Chúa, tính thánh thiêng của sự sống, bổn phận phải truyền đạt các giá trị luân thường đạo lý cho người trẻ, vai trò của gia đình đối với sự tăng trưởng về cảm xúc và đạo lý đối với trẻ em, và tầm quan trọng của tôn giáo trong nền giáo dục.”

“Chúng ta, những người Công giáo, được hướng dẫn và năng động nhờ các giảng huấn rỡ ràng của Benedict XVI, người đã đặt công tác đối thoại liên tôn giáo thành một trong những ưu tiên của triều đại giáo hoàng.” Hồng y đề cập đến, chẳng hạn, các vụ can thiệp của Đức thánh cha tại Cologne, Đức, Hoa kỳ, Pháp và Thánh địa.

Những bước tiến

Hồng y chủ tịch cho biết rằng Hội đồng của ngài đã thiết lập những mối liên lạc với Hồi giáo, và kể từ năm 1976 đến nay mỗi hai năm lại có những cuộc họp với World Islamic Call Society của Lybia.

Hơn nữa, Comité de Liaison Islamo-Catholique đã được thành lập năm 1995, và kể từ 1998, đã có một ủy ban hỗn hợp phụ trách đối thoại giữa Hội đồng của ngài và trường Đại học Al-Azhar ở Ai cập; hai bên có phiên họp hằng năm.

Hội đồng cũng cộng tác với Royal Institute for Inter-faith Studies ở Amman (nước Jordan), Islamic Culture and Relations Organization ở Tehran (nước Iran) và Catholic-Muslim Forum, thành lập năm 2008.

“Nhờ những sự tiếp xúc tinh thần và cụ thể này, nên đã đạt được một số thành quả, chẳng hạn cuộc hội nghị liên tôn tổ chức tại Madrid hồi tháng 7 năm 2008. Cuộc họp thể theo lời mời của quốc vương Saudi Arabia, và các tham dự viên đã nhất trí đồng thuận về các giá trị chung giữa hai tôn giáo.

Hồng y cũng nhắc đến cuộc hội thảo đầu tiên của Catholic-Muslim Forum, tổ chức tại Vatican hồi tháng 11 năm 2008. Các vị đại diện của 138 lãnh tụ Hồi giáo, những người đã ký một lá thư ngỏ gửi người Kitô giáo, đã tham dự cuộc hội thảo này.

Một trong những diễn tiến gần đây là cuộc họp liên tôn được Royal Institute for Inter-faith Studies tại Jordan tổ chức hồi tháng Năm năm ngoái với đề tài “Tôn giáo và Xã hội Dân sự.”

Cuộc họp này “đã cho các tham dự viên Kitô giáo và Hồi giáo có cơ hội tuyên bố rằng tự do tôn giáo chỉ có thể thực hiện đầy đủ được trong một xã hội dân chủ.”

Hồng y nói thêm rằng tất cả những việc đó cho biết đã có tiến bộ, mặc dầu, vấn đề khó khăn lớn đối với ngài là biết thực hiện ra sao để cho sự thay đổi này có thể chạm tới nền tảng.”

Vô minh

 

Hồng y Tauran phát biểu rằng các vị mục tử trong Giáo hội Công giáo, giáo sư các trường trung học, đại học Công giáo vẫn còn ít khi để ý tới phạm vi mới mẻ về chủ thuyết đa nguyên trong tôn giáo này.

Ngài cũng trách cứ rằng “người Công giáo ở châu Âu có một hiểu biết rất yếu ớt về đức tin của mình.”

“Cuộc đối thoại liên tôn giáo chân chính không thể thực hiện được trong tình trạng hàm hồ hoặc khi người đối thoại không có một quá trình tâm linh xác lập. Từ đó phát sinh ra chủ thuyết tương đối và thuyết hỗn đồng (syncretism).”

“Nhờ ở Hồi giáo, hay nói đúng hơn, là ở người theo đạo Hồi đang sinh sống với chúng ta, mà chúng ta được kêu gọi để vững mạnh thêm đức tin và đổi mới kiến thức về giáo lý.”

“Đi vào đối thoại liên tôn giáo không phải là đem đức tin của chúng ta đặt vào trong dấu ngoặc, mà trái lại, tuyên xưng đức tin đó bằng lời nói và cách cư xử.”

“Chúng ta tuyên xưng rằng Đức Giêsu là Ánh sáng chiếu soi cho mọi người sống trên trần gian này. Do đó, mọi phương diện tích cực có trong các tôn giáo đều không phải là sự tăm tối, mà được tham dự vào Ánh sáng vĩ đại đang sáng soi trên mọi thứ ánh sáng này.”

Trong Giáo hội “chúng ta không nói rằng mọi tôn giáo đều có cùng một giá trị, nhưng tất cả những ai kiếm tìm Thiên Chúa đều có chung một phẩm cách.”

Thách đố

Hồng y nhắc lại lời cố giáo hoàng Gioan Phaolô II: Các tôn giáo khác tạo thành một thách đố tích cực cho Giáo hội ngày nay.

Lời Hồng y: “Quả vậy, các tôn giáo khác đưa Giáo hội đến việc khám phá ra và nhận biết những dấu hiệu về sự hiện diện của Chúa Kitô và hoạt động của Chúa Thánh Thần, và cũng còn làm sâu đậm căn tính của Giáo hội, làm chứng sự toàn vẹn của mạc khải, bởi đó Giáo hội trở thành người được ủy thác thực hiện sự thiện hảo cho mọi người.”

“Thông điệp “Dominus Iesus” nhắc nhở chúng ta phải duy trì hai chân lý cùng lúc với nhau: đó là khả năng mọi người được Đức Kitô cứu độ, và cần có Giáo hội để được cứu độ.”

“Đối với những ai không thuộc về Giáo hội, họ có thể đến được với Đức Kitô theo ân sủng soi sáng cho họ một cách bí nhiệm và ân sủng này đến từ Đức Kitô.”

“Thông điệp "Lumen Gentium" khẳng định rằng “những ai vì ngay lành không biết đến Tin mừng của Đức Kitô và Giáo hội của Người, nhưng chân thành kiếm tìm Thiên Chúa và, với sự trợ giúp của ân sủng, có nỗ lực trong các việc làm để thực hiện ý Chúa biết được qua tiếng nói của lương tâm, thì có thể được sự cứu độ đời đời.”

Hồng y cho biết: Chân lý chỉ có thể được đem ra đề xuất chứ không thể đem ra áp đặt, còn “đối thoại liên tôn giáo và tuyên xưng niềm tin vào Đức Kitô là hai hành động riêng rẽ, không thể hoán đổi cho nhau.”

Trong số Các tham dự viên cuộc đại hội này có Tổng giám mục Javier Martínez của Granada, và Giám mục Adolfo González Montes của Almeria (Tây ban nha). Giám mục này đã đọc một diễn từ nhan đề: “Kitô giáo, Thời Khai minh, Chủ thuyết Thế tục: Lý trí và Đức tin trước Mạc khải Siêu việt.”