Vatican - Nhà xuất bản Libreria Editrice Vaticana cho biết chỉ trong một tuần lễ đầu sau khi được công bố hôm 30/11/2007, hơn một triệu ấn bản tiếng Ý của Thông Điệp Spe Salvi, “Chúng ta được cứu rỗi trong hy vọng”, đã được bán hết tại Italia.

Cảm tưởng chung của những người đã đọc kỹ Thông Điệp Spe Salvi là: xúc động. Niềm hy vọng Kitô đã được Đức Thánh Cha trình bày trong sự toàn vẹn của nó, xét đến tất cả những phạm vi của nó, không phải trong một chuỗi những định nghĩa thần học khô khan khó hiểu nhưng qua một cách thế mà người đọc có thể liên hệ chặt chẽ đến những kinh nghiệm cá nhân của chính mình.

Đức Thánh Cha đã đề cập đến niềm hy vọng Kitô trong thời Kitô giáo sơ khai và những biến hóa theo thời gian khi con người đặt niềm hy vọng vào những tiến bộ khoa học. Người đọc có thể thấy thấp thoáng bóng mình trong tiến trình này khi nghĩ đến biết bao nhiêu lần chúng ta đã xem những thứ chóng qua trong đời tạm này: của cải, nhà, xe..., sự nghiệp, danh vọng.. như niềm hy vọng tối hậu, như những gì là toàn bộ mục đích của đời người.

Nói như cha Juan Pablo Ledesma dòng Đạo Binh Chúa Kitô, khoa trưởng khoa Thần Học của Đại Học Regina Apostolorum, Rôma “Thật là xúc động khi đọc lại thông điệp này qua lăng kính của những hy vọng giả trá: từ những ý tưởng cách mạng của Barabbas và Bar Kokhba, thuyết đầu hàng định mệnh, những cố gắng không thành công của cuộc Cách Mạng Pháp nhằm thiết lập sự thống trị của lý trí và tự do, của Châu Âu thời Khai Sáng, của thuyết tiến bộ sai lầm, cho đến những hệ quả tàn khốc gây ra bởi chủ nghĩa Mác khi quên rằng con người luôn luôn chỉ là con người”

Thông điệp đã đề cập đến những ngôi trường của hy vọng: trong lời cầu nguyện, trong hành động, và cả trong đau khổ. Thật là xúc động khi đọc những dòng này: “Bối cảnh thiết yếu đầu tiên cho việc học hỏi hy vọng là cầu nguyện. Khi không còn ai lắng nghe tôi nữa, Chúa vẫn nghe tôi. Khi tôi không còn có thể tâm sự hay kêu cầu được với ai, tôi luôn luôn có thể thưa với Chúa. Khi không còn ai giúp tôi biết xử sự thế nào trước nhu cầu hay mong đợi vượt quá khả năng hy vọng của con người, Chúa có thể giúp tôi. Dù tôi bị đắm chìm ngập lụt trong cô liêu hoàn toàn...; nếu tôi cầu nguyện thì tôi không bao giờ hoàn toàn đơn côi.”.

Đức Thánh Cha đã trưng dẫn Đức Hồng Y Phanxicô Nguyễn Văn Thuận “một người tù trong 13 năm, trong đó có 9 năm bị biệt giam, … trong một tình trạng hầu như là tuyệt vọng”. Nhưng “sự kiện là ngài có thể lắng nghe và thân thưa với Chúa đã trở nên một quyền năng hy vọng gia tăng cho ngài, khiến ngài, sau khi ra khỏi tù, đã trở nên một chứng nhân hy vọng cho dân chúng trên toàn thế giới – chứng nhân của một niềm hy vọng lớn lao không tàn lụi ngay cả trong những đêm đen của cô liêu”.

Cũng thật là xúc động khi đọc những dòng Đức Thánh Cha phân tích cho thấy Thiên Chúa luôn gần gũi với đau khổ của chúng ta. Thiên Chúa – sự thật và tình yêu nhập thể - đã tham dự và thông phần với sự đau khổ của chúng ta, vì Ngài muốn đau khổ cho chúng ta và với chúng ta. “Thiên Chúa giờ đây mạc khải thiên nhan thật sự của Người trong hình ảnh của kẻ khổ đau đang chia sẻ hoàn cảnh của con Người … bằng cách tự sa vào hoàn cảnh ấy”.

Ngay cả trong hình ảnh đáng sợ nhất của cái chết chúng ta vẫn tràn trề hy vọng vì trên “những nẻo đường cuối cùng của hiu quạnh, nơi mà không ai có thể bước với tôi, hướng đạo cho tôi đi qua: thì chính Người đã bước qua nẻo đường đó, Người đã xuống tận cõi chết, đã chiến thắng sự chết, và giờ đây đã trở về để dẫn đưa chúng ta và cho chúng ta niềm xác tín rằng, cùng với Người, chúng ta tìm ra một con đường đi qua được”.

Thậm chí, ngay cả trong cuộc Chung Thẩm khi Thiên Chúa thiết lập công lý, khi “Các kẻ dữ, cuối cùng, không được ngồi vào bàn của bữa tiệc vĩnh cửu bên cạnh những nạn nhân của chúng, như thể đã không có gì xảy ra”, khi “tất cả những dơ bẩn chồng chất trong suốt cuộc đời” tôi được phơi bày trước mặt tôi, tôi vẫn còn hy vọng vì “trong công lý của Chúa cũng có ân sủng. Chúng ta biết điều này khi hướng nhìn lên Chúa Kitô bị đóng đinh và phục sinh. Cả hai điều này - công lý và ân sủng - phải được xem xét trong mối tương quan nội tại đúng đắn của chúng. Ân sủng không xóa bỏ công lý. Ân sủng không biến sự sai trái thành đúng đắn. Đó không phải là một miếng bọt biển để tẩy xóa mọi sự, khiến cho bất kể điều gì một cá nhân làm dưới thế đều có cùng một giá trị như nhau”, nhưng “các linh hồn vẫn tràn trề hy vọng nhận được ơn cứu độ”. Đức Thánh Cha cả quyết “Hình ảnh cuộc Chung Thẩm không phải là một hình ảnh kinh khiếp, nhưng đó là hình ảnh của hy vọng nơi Chúa Kitô, vị trạng sư của chúng ta”.

Quý cha và anh chị em có thể đọc Thông Điệp Spe Salvi đã được dịch ra Việt Ngữ tại đây: http://vietcatholic.net/News/Html/49636.htm

Cũng có thể download dạng pdf tại đây: http://vietcatholic.net/VietCatholicSoftware/pages/dl.aspx?F=SpeSalva.pdf