Khoảng 80% người Do Thái ở Rôma đã sống sót sau cuộc diệt chủng Holocaust nhờ vào nỗ lực của Đức Giáo Hoàng—nhiều hơn bất kỳ nơi nào khác dưới sự xâm lược của Đức Quốc xã. Vào kỷ niệm 66 năm ngày mất của ngài, Vatican News nhìn lại di sản của ngài.
Năm 1939, người kế vị thứ 260 của Thánh Phêrô đã được bầu. Ngài không chỉ phải đối mặt với những thách thức trong việc lãnh đạo Giáo hội mà còn phải đối mặt với nỗi kinh hoàng của Thế chiến thứ hai. Và phản ứng của ngài sẽ được ghi nhớ trong nhiều thập niên. Vị Giáo hoàng này là Đức Piô thứ 12.
Đức Giáo Hoàng Eugenio Pacelli sinh ra tại Rôma vào ngày 2 tháng 3 năm 1876. Năm 23 tuổi, ngài được thụ phong linh mục và bắt đầu công việc của mình trong sự nghiệp lâu dài tại Vatican. Cha Pacelli làm thư ký tại Phủ Quốc vụ khanh, sau đó là Sứ thần tại Đức, nơi ngài làm trung gian cho các thỏa thuận giữa Bavaria và Phổ.
Năm 1929, Đức Giáo Hoàng Piô XI đã phong ngài làm Hồng Y. 10 năm sau, trong một mật nghị ngắn ngủi kéo dài một ngày, Đức Hồng Y Pacelli đã được bầu làm Giáo hoàng và chọn danh hiệu là Piô thứ 12.
Thế chiến II nổ ra sáu tháng sau khi Đức Giáo Hoàng Piô thứ 12 bắt đầu triều giáo hoàng kéo dài 19 năm của mình. Ngài đã sử dụng nền tảng ngoại giao của mình để phản ứng với bạo lực và công bố thông điệp đầu tiên của mình, “Summi Pontificatus,” kêu gọi cầu nguyện để chấm dứt chiến tranh. Đây chỉ là khởi đầu cho sứ mệnh hòa bình của ngài trong chiến tranh thế giới.
Nhà sử học người Đức, Tiến sĩ Michael Hesemann, cho biết Đức Giáo Hoàng Piô thứ 12 “đã làm nhiều hơn để cứu người Do Thái và ngăn chặn các vụ giết người hơn bất kỳ chính trị gia hay nhà lãnh đạo tôn giáo nào cùng thời”. Từ năm 2009, Tiến sĩ Hesemann đã nghiên cứu văn khố Vatican và bác bỏ ý tưởng rằng Đức Giáo Hoàng Piô thứ 12 vẫn im lặng và không can dự. Thay vào đó, Đức Giáo Hoàng Piô thứ 12 đã nói về cách đối xử với người Do Thái trong ba bài phát biểu trước công chúng. Năm 1939, ngài đã yêu cầu cấp 20.000 thị thực cho người Do Thái Đức để trốn thoát khỏi Đức Quốc xã nhưng ngài chỉ nhận được chưa đến 10.000 thị thực.
Trong suốt cuộc chiến kéo dài sáu năm, Đức Giáo Hoàng đã hoạt động bí mật để bảo vệ người Do Thái. Ngài hiểu rằng việc lên tiếng công khai chống lại Đức Quốc xã có thể dẫn đến bạo lực và đàn áp lớn hơn. “Mỗi lời chúng tôi nói với các nhà chức trách có trách nhiệm và mỗi tuyên bố công khai của chúng tôi, phải được cân nhắc và xem xét nghiêm chỉnh vì lợi ích của chính những người bị đàn áp để không vô tình khiến tình hình của họ trở nên khó khăn và không thể chịu đựng được hơn nữa.”
Là vị Giáo hoàng thứ hai sử dụng radio, Đức Giáo Hoàng Piô thứ 12 đã có gần 200 bài phát biểu trên radio bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau để lên tiếng phản đối bạo lực và thúc đẩy hòa bình. Ngoài ra, ngài còn viết một số văn bản, bao gồm 41 thông điệp.
Trong một buổi tiếp kiến đặc biệt tại Vatican vào ngày 29 tháng 11 năm 1945, 80 đại biểu từ các trại tập trung của Đức đã đích thân cảm ơn Đức Giáo Hoàng Piô thứ 12 về những lời nói và hành động của ngài trong thời kỳ Đức Quốc xã.
Năm 2020, Đức Thánh Cha Phanxicô đã mở một kho lưu trữ các tài liệu liên quan đến Đức Giáo Hoàng Piô thứ 12 và mối quan hệ của ngài với người Do Thái trong Thế chiến II. Kết quả là, công trình của vị giáo hoàng “im lặng” này đã được phát hiện. 16 triệu trang kể lại giai đoạn khó khăn của lịch sử thế giới. Những tài liệu này tiết lộ rằng hơn 4.200 người Do Thái đã được ẩn náu trong các tu viện và nhà nguyện và 160 người ở Thành phố Vatican. Nhờ Đức Giáo Hoàng Piô thứ 12 và các thành viên khác của Giáo hội, 80% người Do Thái ở Rôma đã sống sót sau cuộc xâm lược của Đức Quốc xã—nhiều hơn bất kỳ nơi nào khác.
Source:Vatican News