SẤM TRUYỀN CA

CỦA THẦY CẢ LỮ-Y-ĐOAN,

ĐỊA PHẬN ĐÀNG TRONG THẾ KỶ XVII

Bìa Sách Sấm Truyền Ca, Tủ Sách Dũng Lạc
"Sấm Truyền Ca thật kỳ thú, thật mạnh bạo, một ý thức Việt hóa tuyệt vời Thánh Kinh, một công trình văn chương rất Việt Nam ở thế kỷ XVII, gây kinh ngạc và xúc động cho người đọc." (Hãn Nguyên Nguyễn Nhã)

MẤY LỜI NÓI ĐẦU

Theo truyền khẩu, bốn Sấm truyền ca này do linh mục Louis Đoan (thầy cả Lữ-y Đoan) viết ra lối năm 1670.

Ngài là một nhà thông Hán học, gia nhập đạo Công giáo lúc thiếu thời và tình nguyện làm thầy giảng buổi sơ khai công giáo ở Đàng Trong. Ngài viết nhiều tập thơ về giáo lý, giúp bổn đạo dễ bề học hỏi. Trong số đó, có bốn Sấm truyền ca rất công phu, ngài viết theo thể thơ lục bát là loại văn chương bình dân thời đó.

Ngài đúc kết ngắn gọn theo cảm nghĩ và hiểu biết của dân tộc Á đông, vì đó người ta nhận thấy bốn Sấm truyền ca là một hòa đồng văn hóa Á đông và Kitô giáo. Hạng văn nho thời đó mến phục và thích đọc tác phẩm này, cũng có một số người trí thức đã xin theo Công giáo.

Lúc già trên 60 tuổi, nhận thấy tài đức và công nhiệt thành nên đức cha Lambert de la Motte) giám mục địa phận Đàng trong đã phong chức linh mục cho ngài, tại Kẻ chàm (Cacham) thuộc vùng Quảng Ngãi năm 1676.

Bốn Sấm truyền ca của ngài đã bị các linh mục ngoại quốc thời đó chống đối, viện lẽ đã pha trộn nhiều tư tưởng ngoại giáo. Dầu sao, cũng có người gìn giữ và khi chạy nạn cơn bắt đạo thời chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725) ra lịnh cấm đạo công giáo rất nhặt năm 1701, họ đã mang theo vào đất Đồng Nai.

Sống len lỏi với thổ dân, tìm nơi hoang dại, hợp nhau khai phá đất đai lập nghiệp sinh sống, theo cái thế da beo: việt đông thổ rút, việt rút thổ đông chịu đựng biết bao gian nan khổ cực để sống và giữ đạo cách âm thầm.

Đến năm 1757, chúa Nguyễn Phúc Khoát hoàn toàn làm chủ vùng Thuỷ-chân-lập (miền lục tỉnh) và phân khu hành chánh. Bấy giờ nhiều làng xã người Việt kê khai lên bản đồ đất nước, đồng thời các vùng công giáo cũng ra mặt như Cái-mơn, Cái-nhum, Mặc-bắc, Bả-giồng… là những vùng đa số là công giáo.

Bốn sấm truyền ca được tìm thấy ở Cái-nhum, Cái-mơn thuộc Long hồ dinh (hiện nay thuộc tỉnh Bến tre). Có người viết ra chữ quốc ngữ từ bổn gốc chữ Nôm, và đã được chuyền tay nhau chép lại và phổ biến rất hạn chế, vì lẽ quá dài và ít người có đủ khả năng về văn hóa giữa thời Hán, Nôm và chữ quốc ngữ đang tranh giành chỗ đứng dưới chế độ Pháp thuộc tại Nam kỳ.

Bốn Sấm truyền ca nầy được chép lại nhờ linh mục Phaolô Quy (địa phận Sài Gòn) cho mượn.

Lúc nhà in công giáo của địa phận Sài gòn mới thành lập tại nhà thờ Tân Định (Sài gòn), nhiều giáo hữu và linh mục nhiệt tâm muốn xuất bản tác phẩm này, nhưng qua nhiều lần thảo luận, không đi đến kết quả, vì hai lý do:

Vì chi phí quá nặng đối với nhà in còn nghèo, số vốn xuất bản không được Đức giám mục sở tại trợ cấp. Kế đó, do ý kiến các linh mục Pháp không đồng ý, vì e bản dịch Sấm truyền ca không lột hết ý nghĩa của Kinh thánh bản Vulgata.

Khoảng năm 1920-1930, tại Sài gòn có nhiều báo chí công giáo do giáo dân đảm trách, như nhựt báo Công giáo đồng thinh của Đoàn Kim Hướng, tuần báo Công giáo tiến hành của Đoàn Công Chánh, tuần báo Dân Nam của Tô Đức Thế, tuần báo Dân hiệp của Nguyễn Cang Thường… và tuần báo Nam Kỳ Địa phận là tờ liên lạc thông tin của Tòa giám mục Sài gòn do linh mục lãnh đạo, đã xuất bản từ đầu thế kỷ XX. Trong thời gian nầy, theo lời Paulus Tạo, ký giả công giáo đang giúp tuần báo Nam kỳ địa phận (nhà thờ Tân Định, Sài gòn) thì ông Trần Hớn Xuyên (họ đạo Cái Mơn, Bến tre), đã trao tận tay ông bốn Sấm truyền ca và yêu cầu có thể xuất bản hoặc đăng tải từng phần trên báo chí công giáo, nếu có thể được.

Bốn Sấm truyền ca này không khác với bổn của linh mục Quý bao nhiêu, mà Paulus Tạo hiện có, do con cháu của linh mục tại Mỹ tho giao lại. Bổn của linh mục Quý thì có đánh số câu như Kinh thánh, còn của Trần Hớn Xuyên không có

Bổn của linh mục Quí được Paulus Tạo chuyển lại cho báo Công giáo tiến hành, sau đó truyền về báo Dân hiệp. Nhưng rồi, vì nhiều lý do, nhứt là lý do tác phẩm quá lớn, gồm năm quyển đầu của Bộ kinh thánh Cựu ước, hơn nữa, tác phẩm bị chê là không còn hợp thời: thời tản văn đang tiến triển mạnh đẩy lùi thời văn vè vào quá khứ. Do đó, bốn Sấm truyền ca bị xếp vào tủ tài liệu của báo chí. Năm 1947, Nguyễn Cang Thường về giúp tạp chí Tông đồ, thì mang theo một mớ văn kiện, trong đó có bốn Sấm truyền ca.

Năm 1950, báo Tông đồ dời về trụ sở từ số 6, đại lộ Luro đến số 1 đường Rères Guillerault, thì các văn kiện cũng được chở theo, xếp vào các kệ sách báo.

Thời cuộc biến chuyển mau lẹ, chiến tranh nổi lên khắp nước, người ta chỉ còn lo sống với chết là vấn đề quan trọng hằng ngày, mọi việc khác xếp lại tất cả.

Năm 1952, nhà báo Tông đồ bị bão làm sập đổ, văn liệu hư hại hơn phân nửa. Bốn Sấm truyền ca hư hỏng hoàn toàn ba quyển sau, vì bị nước ngập và mối xông phá, chỉ còn hai quyển đầu, là Genesia, và Exodus. Quyển Exodus bị mối tàn phá phân nửa.

Sau phong trào di cư 1954, nhà báo Tông đồ cất lại vào địa thế nhứt định, phía sau nhà thờ Chợ đũi (1, Bùi Chu, quận 2, Sài gòn), thì các văn liệu còn lại chút ít tập trung về đó. Năm 1956, thấy Sấm truyền ca này bị hư hao nhiều, tôi cố gắng chép lại, để kho văn liệu công giáo sau này khỏi thiếu một tài liệu quí giá của người xưa.

Sài gòn ngày 15/10/1956

Thaddoeus Nguyễn Văn Nhạn

Báo Tông đồ (Sài gòn)

www.dunglac.net - Mạng Lưới Dũng Lạc, góp tư liệu xây nhà Văn Hóa Công Giáo