Chúng tôi vừa nhận được lời mời của Linh Mục Võ Tá Khánh, bút hiệu Trăng Thập Tự, tham dự tọa đàm về Tác Phẩm "Sấm Truyền Ca" của Linh Mục Lữ Y Đoan, thế kỷ 17, do Tủ Sách Nước Mặn tổ chức tại Tòa Giám Mục Qui Nhơn, trong các ngày 21-29 tháng 9 năm 2024.

Nhận thấy đây là công việc đầy ý nghĩa nhằm quảng bá và khôi phục toàn bộ công trình hội nhập văn hóa lớn lao và đầy ý nghĩa của một trong những nhà văn hóa Công Giáo vĩ đại của những ngày tiên khởi Đạo Công Giáo được truyền vào Việt Nam, chúng tôi xin chuyển lời mời đến toàn thể độc giả VietCatholic.news
:

GIỚI THIỆU CHƯƠNG TRÌNH TỌA ĐÀM VỀ TÁC PHẨM “SẤM TRUYÊN CA” CỦA LỮ Y ĐOAN, LINH MỤC ĐỊA PHẬN ĐÀNG TRONG THẾ KỶ XVII

Năm 2012, chào mừng kỷ niệm 100 năm ngày sinh của thi sĩ Hàn Mạc Tử, hơn 60 tác giả Công Giáo từ khắp các miền đất nước đã cùng nhau về tham dự cuộc họp mặt Văn thơ Công Giáo tại Chủng viện Qui Nhơn, do Ban Văn hóa Giáo phận Qui Nhơn tổ chức, vào hai ngày 21-22/9. Từ đó, ngày 21-22/9 đã trở thành ngày hẹn, ngày họp mặt hàng năm của Văn thơ Công Giáo.

Năm 2021, trong hoàn cảnh đại dịch, họp mặt được thực hiện dưới hình thức tọa đàm trực tuyến về chủ đề “văn học Công Giáo Việt Nam đương đại”. Năm 2023, tọa đàm tại hội trường Chủng viện Qui Nhơn về “Lm. Đặng Đức Tuấn, tinh hoa Công Giáo ái quốc Việt Nam”.

Năm nay, nhân ngày họp mặt Văn thơ Công Giáo Việt Nam lần thứ 13, dự kiến Ban Văn hóa Gp Qui Nhơn sẽ tổ chức tọa đàm về tác phẩm Sấm Truyền Ca, trường thiên lục bát của Lm. Lữ Y Đoan, thế kỷ XVII.

Năm 1670, cách nay đã 354 năm và trước ngày qua đời của nhà thơ Nguyễn Du 150 năm, một trong mấy linh mục người Việt đầu tiên, cha Lữ Y Đoan, quê ở Quảng Nam, đã hoàn thành một trường thiên lục bát tựa đề Sấm Truyền Ca, có độ dài hàng chục ngàn câu.

Đây là công trình diễn ca 5 quyển đầu của Kinh thánh Cựu ước, nguyên tác bằng chữ Nôm, trọn bộ 5 quyển dày, tưởng đã bị thất lạc nhưng năm 1810 đã tình cờ tìm lại được. Ông Simong Phan Văn Cận đã dành bốn năm từ 1816-1820 để chuyển sang chữ Quốc ngữ và nhiều người theo đó chép lại.

Sấm Truyền Ca có lời thơ hay, hình ảnh đẹp, nhiều sáng tạo hội nhập văn hóa, được giới trí thức đương thời ưa chuộng. Thế nhưng các nhà truyền giáo nước ngoài e rằng tác phẩm có thể khá xa với Kinh thánh cả về nội dung và hình thức, cho nên không cho phép in. Cả bản nôm và bản quốc ngữ chỉ được lưu truyền bằng chép tay và phải cất giấu lén lút suốt thời gian Đạo Chúa bị bách hại. Năm 1885, linh mục Phao-lồ Qui đã đánh số các câu Kinh thánh tương ứng lên các dòng thơ để chứng minh nội dung quyển thơ sát với Kinh thánh. Ông còn sửa lại một số tên riêng quen thuộc cho gần với dạng phiên âm từ tiếng Latin và cũng sửa lại một số câu từ có thể gây hiểu lầm.

Năm 1908, ông Trần Hớn Xuyên gặp được một bản chép tay chữ Quốc ngữ. Ông trao cho nhà báo Paulus Tạo (báo Nam Kỳ Địa Phận). Ông Tạo đã tham khảo những đóng góp của cha Phao-lồ Qui, để chép lại và chú thích rất công phu. Tiếc là hiện nay bản của ông Tạo chỉ còn giữ được trọn quyển đầu, tựa đề là Tạo Đoan Kinh (sách Sáng Thế), có lời tựa của ông Cận, lời tựa của ông Xuyên, kèm với bài nhận xét của chính ông Tạo.

Khi báo Nam Kỳ Địa Phận đình bản năm 1945, tài liệu Sấm Truyền Ca được chuyển lại cho báo Tông Đồ và ông Nguyễn Cang Thường đã chép lại với một số chú thích riêng của ông. Năm 1952, tòa báo Tông Đồ bị bão làm sập đổ, tài liệu bị hư hỏng. Năm 1956 nhà báo Thaddoeus Nguyễn Văn Nhạn tìm thấy Sấm Truyền Ca, ông chép lại, nhưng chỉ cứu vãn được 50 chương Tạo Đoan Kinh (sách Sáng Thế) và 21 chương Lập Quốc Kinh (sách Xuất Hành).

Khoảng năm 1990 học giả Hoàng Xuân Việt và Giáo sư Nguyễn Văn Trung đã sao chụp hai bản chép tay ấy, chia sẻ với một số nhà nghiên cứu.

Hai bản chép tay Tạo Đoan Kinh có lời thơ giống nhau đến 90%, chỉ chênh lệch một số danh từ riêng và một ít câu từ. Tủ sách Nước Mặn đã thiết kế và sẽ xuất bản quyển Sấm Truyền ca đối chiếu bốn cột để giúp nhận rõ những điểm chênh nhau và suy ra những câu từ sát với bản gốc.

Cột 1: Nguyên văn nội dung Kinh thánh đã giúp Lữ Y Đoan dệt nên tác phẩm Sấm truyền ca.

Cột 2: Bản Thaddeus Nguyễn Văn Nhạn.

Cột 3: Bản Paulus Tạo.

Cột 4: Bản phục chế đề nghị cho bản quốc ngữ 1820 của Phan Văn Cận.

Ấn phẩm dày 480 trang 16x24cm, in 3 màu, bìa cứng.

Hiện nay chúng ta chỉ biết được 1/3 nội dung bộ sách. Quyển Sấm truyền ca, ấn phẩm đối chiếu để phục hồi nguyên bản được thực hiện như lời mời gọi gửi đến mọi người quan tâm ở khắp nơi, cùng góp phần truy tìm các phần còn lại của Sấm truyền ca. Trong lúc chờ quyển sách in, chúng tôi xin gửi đính kèm đây bản PDF để quý vị tiện nghiên cứu.

Tài liệu Sấm Truyền Ca đã được biết đến từ năm 1993 nhưng có lẽ số người tiếp cận với bản văn Sấm Truyền Ca còn rất ít, cách chung, có thể nói đây vẫn còn là một phát hiện mới. Do đó, vẫn còn nhiều khía cạnh có thể vẫn đang mới mẻ. Chúng tôi hy vọng bản PDF đối chiếu cũng như các file PDF các bản chép tay có thể gợi những cảm hứng khác nhau cho việc nghiên cứu. Chúng tôi ước mong đón nhận tất cả và tạo điều kiện mở rộng vòng giao lưu trao đổi để cùng soi sáng thêm cho việc nghiên cứu.

Mong rằng ấn bản đối chiếu sẽ gợi hứng để nhiều nhà chuyên môn quan tâm đóng góp thông tin và những nghiên cứu liên quan đến:

- Tác giả Lữ Y Đoan (1613-1678)
- Văn học Công Giáo Việt Nam và nỗ lực hội nhập văn hóa từ những thế kỷ XVI-XIX
- Giá trị văn chương, lịch sử, tư tưởng và thần học của tác phẩm Sấm truyền ca.

Vị nào cần tra cứu bản chép tay có thể xem bản PDF tại trang Văn Thơ Công Giáo, https://www.vanthoconggiao.net/2023/02/ban-chep-tay-sam-truyen-ca.html

Cũng có thể tham khảo một số bài về Sấm Truyền Ca tại “Hướng đến 400 năm, Tủ sách Nước Mặn ấn hành 2022, quyển I, trang 414-540.

Xin cho biết thông tin quý vị có thể đóng góp hoặc đề tài quý vị muốn tham gia nghiên cứu, gửi về tusachnuocman1618@gmail.com; tinmunggiesu@gmail.com trước ngày 30-6-2024.

Xin hẹn gặp vào ngày họp mặt Văn thơ Công Giáo lần thứ XIII dịp kỷ niệm 112 năm ngày sinh nhà thơ Hàn Mạc Tử, 21-22/9/2024. Một lần nữa, xin chân thành cảm ơn tất cả.

Tp Quy Nhơn, ngày 19-3-2024
Tm. Nhóm Tủ sách Nước Mặn
Lm. Trăng Thập Tự Võ Tá Khánh


Đón đọc: * Sấm Truyền Ca, Ấn phẩm Đối chiếu Để Phục hồi Nguyên bản
* Sấm Truyền Ca, bản chép tay của Nguyễn Văn Nhạn
* Sấm Truyền Ca, bản chép tay của Paulus Tạo