KONTUM – Hà Bầu, điểm truyền giáo dân tộc ít người đầu tiên trong tỉnh Gia Lai thuộc giáo phận Kontum đang xây dựng nhà thờ

Di tích tháp chuông nhà thờ đầu tiên
Ngày 20.5.2006 vừa qua, lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng nhà thờ kiên cố nơi vùng sâu vùng xa cho hơn 2000 giáo dân thiểu số. Họ hòan tòan là dân tộc Jrai tại thôn Hà Bầu, xã Chư Đăng Ya, huyện Chư Pah, tỉnh Gia Lai. Dự án xây nhà thờ đã được tiến hành với kinh phí có thể lên tới trên 500 triệu đồng.

Đôi nét lịch sử về địa điểm truyền giáo Hà Bầu:

Cách đây trên 100 năm, để tránh nạn dịch đang lan tràn làm chết nhiều người ở làng Tiên (gần Biển Hồ ngày nay), 3 anh em ruột dân tộc Jrai kêu gọi dân làng di dời khỏi làng này và đi sâu thêm vào trong núi cách nơi ở cũ khỏang gần 20km để làm làng mới. Dân làng đi theo và 3 làng mới mọc lên. Mỗi anh em đứng đầu một làng và đặt tên là làng Có, làng Ri và làng Xóa.

Tuy nhiên chẳng bao lâu sau, 3 làng lại bị bệnh dịch làm chết thêm nhiều người nữa. Nghe tin, linh mục thừa sai là Cố Hiển ( người Pháp) tức tốc từ Kon Tum (làng Hồ), nằm trên thị xã Kontum ngày nay, cách Gia Lai 50km, mang thuốc men tới để chữa bệnh cho dân làng. Sau khi chặn đứng được nạn dịch, dân làng cho rằng Cố Hiển chính là “người của Giàng” ( Giàng nghĩa là thần linh, theo tiếng Jrai) nên đã xin theo đạo Công Giáo. Cố Hiển rửa tội cho cả 3 làng được 1000 người và cố đặt tên cho 3 làng tên mới là “Hà Bầu” (tiếng Jrai có nghĩa là 1000).Như thế, năm 1903, Hà Bầu trở thành nơi truyền giáo có kết quả đầu tiên
Nhà thờ tạm bằng tre lá
và được mệnh danh là “cái nôi” của đạo Công giáo trong tỉnh Gia Lai.

Ít lâu sau, nhà thờ Hà Bầu là nhà thờ đầu tiên trong tỉnh Gia Lai mọc lên nhưng do chiến tranh, nhà thờ này bị tàn phá không còn sử dụng được nữa. Ngày nay chỉ còn di tích tháp chuông. Sau đó, một nhà thờ tạm mọc lên thay thế bằng tranh tre dùng làm nơi thờ phượng Chúa. Qua gần 40 năm, nhà thờ tạm này không còn phù hợp nữa. Vì vậy, Đức cha Hòang Đức Oanh, Giám mục Giáo phận Kontum, cho phép xây dựng một nhà thờ mới cách xa nơi nhà thờ tạm cũ khỏang 1km và giao cho cha chính xứ Trần Duy Linh ( cha sở xứ Tiên Sơn) kiêm phụ trách khu vực này trông coi. Hiện nay cha Linh phụ trách gần 20 làng cả kinh và dân tộc trên một địa bàn khá rộng.

Được biết, trước đó cha tiền nhiệm là LM Nguyễn Văn Thượng, cha sở xứ Tiên Sơn kiêm phụ trách khu vực Hà Bầu trong nhiều năm, thấy khu vực này đào giếng không có nước nên cho đào giếng khoan. Tuy nhiên, khoan tới giếng thứ 5 vẫn không giếng nào có nước mặc dù độ sâu mỗi giếng đạt trên 100m. Không ai hiểu không có nước vì lý do gì. Cuối cùng cha phải tìm cách dẫn nước từ trên núi về xa khỏang trên 2km và dân làng nay đã có nước dùng.

Dự kiến, nhà thờ mới theo kiểu nhà rông Tây Nguyên này sẽ được khánh thành vào tháng 11 tới đây.

Nơi để mình thánh Chúa tạc bằng khúc gỗ mẹ bồng con


LM. Trần Duy Linh phụ trách xứ Hà Bầu


Nhà thờ mới đang xây dựng


Nguyễn Thụ Nhân – Phan Tiến Hùng (Gia Lai)