BAO CAO SU: NHỮNG CÂU HỎI HÓC BÚA

Đây là tựa đề bài báo đăng trên ZENIT.org vào hôm 26 tháng 9 năm 2005 liên quan đến việc Hội Thánh Công Giáo chủ trương chống lại việc sử dụng bao cao su (áo mưa). Xin được lược dịch để cống hiến bạn đọc, vẫn trong tinh thần của loạt bài tìm hiểu Luân Thư Mạng Sống Con Người (MSCN) trong thời gian vừa qua.

Vẫn còn rất nhiều chỉ trích đến từ nhiều phía hướng vào lập trường Hội Thánh Công giáo tiếp tục phi bác việc sử dụng bao cao su để đối phó với vấn đề bệnh AIDS. Một trong những chỉ trích gần đây nhất xuất hiện vào ngày 12 tháng 3 năm 2005, trên tờ tạp chí y tế “The Lancet” cho rằng: “Niềm tin dường như đang dựng lên những rào cản không thể vượt qua nổi cho việc phòng chống bệnh tật, nhưng không đâu nhức đầu bằng trường hợp bệnh AIDS.”

Ban biên tập đặc biệt công kích Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II bởi vì ngài chống đối việc sử dụng bao cao su, tố cáo ngài không biết gì về lịch sử, văn hoá cũng như những thực tế đang xẩy diễn hàng ngày tại Phi Châu.

Ngày mùng 8 tháng 5, Nicholas Kristof, bình luận viên tờ New York Thời Báo tố giác Hội Thánh, khi từ chối cho phép sử dụng bao cao su, đã phải trả giá bằng hàng trăm ngàn mạng sống tại lục địa này. Ông tỏ vẻ hi vọng rằng Đức Tân giáo Hoàng Biển Đức XVI sẽ không chỉ thay đổi lập trường Hội Thánh về vấn đề này, mà còn “cổ võ việc sử dụng bao cao su,” coi đó như một “lựa chọn can đảm.”

Quyết định của Chính phủ Hoa Kỳ trong việc hạn chế tài trợ cho bao cao su cũng bị đem ra chỉ trích. Theo bản phúc trình đề ngày 30 tháng 6 đăng trên tờ Guardian của Anh, thì Stephen Lewis, đặc sứ của Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc về bệnh AIDS tại Phi Châu, đã tuyên bố rằng việc cắt giảm tài trợ của Hoa Kỳ đã gây tổn hại cho Phi Châu. Ông cũng mô tả thái độ của chính quyền TT Bush về vấn đề này là đang chạy theo một “chính sách giáo điều.”

Tờ New York Thời Báo một lần nữa, trong số ra ngày 4 tháng 9, đã lập luận rằng khi hạn chế số lượng bao cao su, sự sụt giảm bệnh AIDS tại Uganda đã bị ảnh hưởng tiêu cực.

Càng nhiều người Công Giáo, càng ít nhiễm bệnh

Tuy nhiên, có rất nhiều dữ kiện cho thấy những hạn chế nghiêm trọng khi chỉ dựa vào bao cao su để giải quyết vấn đề bệnh AIDS. Lá thư của nhà đạo đức sinh học Amin Abboud có trụ sở tại Úc Châu được đăng tải trên Tạp chí Y khoa Anh quốc vào ngày 30 tháng 7 ghi nhận rằng: bất kỳ thay đổi nào trong lập trường của Hội Thánh Công giáo về bao cao su cũng đều gây phương hại cho Phi Châu.

Theo Abboud, một bản phân tích mang tính thống kê về tình trạng của lục địa này cho thấy rằng tại quốc gia nào mà dân Công giáo chiếm tỉ lệ càng cao, thì tỉ lệ nhiễm HIV sẽ càng thấp. Ông nói thêm rằng: “Nếu Hội Thánh Công giáo gửi ra một thông điệp về HIV trong các quốc gia đó thì sẽ thấy có kết quả ngay.”

Dữ kiện đưa ra từ Tổ Chức Sức Khỏe Thế Giới (gọi tắt là WHO) cho thấy 42.6% dân số tại Swaziland nhiễm vi khuẩn HIV trong khi tỉ lệ dân Công giáo xứ này là 5%. Tại Botswana, nơi 37% người lớn nhiễm HIV, thì tỉ lệ dân Công giáo là 4%. Tuy nhiên, tại Uganda, nơi có 43% là dân Công giáo, thì tỉ lệ nhiễm HIV nơi người lớn chỉ có 4%.

Abboud bình luận rằng, từ khi ĐGH Gioan Phaolô II qua đời đến nay, người ta bắt đầu “hè nhau quy trách nhiệm cho ngài về cái chết của rất nhiều người Phi Châu.” Nhưng ông thêm rằng: “Các tố giác này phải có dữ kiện vững chắc mới biện minh được. Nhưng cho đến nay, chưa thấy ai trưng dẫn bằng chứng nào cả.”

Thay vì chỉ cậy dựa vào bao cao su, cần phải nhìn nhận giá trị của sự tiết dục, đó là nhận định của tờ “The Lancet” trong số ra ngày 27 tháng 11 năm 2004. Được viết ra bởi một nhóm các chuyên gia y tế, và được đỡ đầu bởi một danh sách dài những chuyên viên chăm sóc sức khỏe, bài báo ghi nhận rằng: khi các chiến dịch nhắm thẳng vào giới trẻ chưa hề có sinh hoạt tình dục, thì “mối ưu tiên hàng đầu sẽ là cổ võ sự tiết dục, hoặc sự trì hoãn sinh hoạt tính dục, do đó việc nhấn mạnh đến các phương cách tránh thoát nguy cơ sẽ là cách thức tối hảo để phòng chống HIV, các bệnh lây nhiễm qua giao hợp, cũng như những vụ có thai ngoài ý muốn.”

Bài báo ủng hộ việc sử dụng bao cao su, thế nhưng cũng vạch ra rằng ngay cả những ai đã có sinh hoạt tình dục, thì “việc tiết dục trở lại hay tiếp tục sống trung thành với một bạn tình không nhiễm bệnh sẽ là những phương thức hiệu quả nhất để tránh nhiễm lây.” Điều này áp dụng đúng cho cả những người trưởng thành. Bài báo viết tiếp: “Khi nhắm đến người trưởng thành đã có sinh hoạt tính dục, thì ưu tiên hàng đầu là cổ võ sự chung tình với chỉ một người bạn tình chưa nhiễm bệnh sẽ là cách bảo đảm tốt nhất cho việc phòng chống nhiễm HIV.”

Lập luận này căn cứ trên các chứng cớ y khoa vững chắc, các tác giả bài báo vạch ra như sau: “ Kinh nghiệm tại các quốc gia có sự suy giảm về lây nhiễm HIV chứng tỏ rằng việc giảm thiểu bạn tình mang một tầm mức quan trọng xét về mặt dịch tễ học trong chiều hướng giảm thiểu các trường hợp nhiễm bệnh trên quy mô lớn, cả trong trường hợp bao quát hay tập trung hơn.

Vấn nạn về bản chất chính thống

Thông tin mới nhất về trường hợp Uganda, vốn thường được đưa ra như kiểu mẫu trong cách thức cổ võ tiết dục và giới hạn bạn tình để giảm thiểu lây nhiễm HIV, đã xác nhận lập trường của những ai đặt vấn đề về việc chỉ cậy dựa vào bao cao su.

Một bản phúc trình đăng tải ngày 3 thàng 9 trên Aidsmap, một mạng tin học tại Anh Quốc dành riêng để thông tin về bệnh AIDS, đã tóm lược các thu thập từ một nghiên cứu công bố trong tờ Tạp Chí AIDS số ra ngày mùng 1 tháng 9 vừa qua rằng: trong khi các chiến dịch cổ động và phân phát bao cao su tại Uganda có tác dụng gia tăng con số người sử dụng bao cao su thật đấy, thế nhưng không hẳn đã làm cho số tăng duy trì tiến độ mãi mãi. Hơn nữa, đàn ông thuộc nhóm mục tiêu lại “tiếp tục có thêm các bạn tình khác và có xu hướng không sử dụng bao cao su với những bạn tình này nhiều hơn so với nhóm kiểm soát.” Mạng tin Aidsmap nhận định thêm rằng: “kết quả thu thập được đã nêu lên những câu hỏi hóc búa về căn bản chứng cớ trong bản chất chính thống quốc tế hiện nay nhắm đến việc phòng chống HIV.”

Cuộc nghiên cứu so sánh hai nhóm gây dựng được từ các cộng đồng thành thị nghèo khổ tại Kampala. Một kết luận khác là: “việc gia tăng số bao cao su tại Uganda đã chỉ có một kết quả khiêm nhường trong việc sử dụng bao cao su.”

Thay Đổi Động Thái

Cuộc nghiên cứu sau cùng này đã xác nhận lập luận của Edward Green trong cuốn sách xuất bản năm 2000, “Xét lại việc phòng chống HIV.” Green là khoa học gia nghiên cứu lão thành tại Trung Tâm Harvard về Dân Số và Nghiên Cứu Phát Triển; ông cũng là một thành viên của Ủy Ban Cố Vấn của Tổng Thống về HIV/AIDS.

Green không đặt vấn nạn gì về bao cao su, xét về mặt luân lý, và ông đã làm việc với các tổ chức để phát động các chương trình ngừa thai và kế hoạch hóa gia đình. Tuy nhiên, ông tỏ ra hết sức hoài nghi về sự ‘khôn ngoan’ khi dựa vào việc phân phối bao cao su để ứng phó với bệnh AIDS.

Tại Phi châu, các thăm dò liên tiếp về dân số cho thấy rằng sự thay đổi động thái phổ thông nhất đối lại với sự lan tràn của bệnh AIDS chính là gia tăng lòng thủy chung đối với một người bạn tình duy nhất, là giảm bớt con số các bạn tình, và thực hành tiết dục. Cùng với sự đáp ứng tự phát này, ông Green nói tiếp, khi sự thay đổi động thái được các chiến dịch hỗ trợ và cổ động, thì ta đã dựa trên căn bản những gì con người đang làm một cách tự nhiên. Rất tiếc là các chuyên gia ngoại quốc lại chỉ chú trọng và áp đặt những chiến dịch nào không nhắm đến việc làm thay đổi động thái, và cũng chỉ ưa thích cậy dựa vào việc phân phối bao cao su mà thôi.

Thêm vào đó, Green còn nêu ra những nghiên cứu cho thấy các chiến dịch quảng bá bao cao su không đưa đến kết quả là bao cao su được sử dụng liên lỉ và lâu dài. Mà nếu không sử dụng liên lỉ, thì điều đó đi đôi với nguy cơ lây nhiễm bệnh về đường sinh dục. Quả vậy, các quốc gia Phi châu nào có tỉ lệ cao nhất trong việc sử dụng bao cao su và có nhiều bao để phân phát nhất, như trường hợp Zimbabwe và Botswana, thì cũng đạt hạng cao nhất trong các nước nhiễm HIV nhiều nhất.

Green còn nhận định rằng bao cao su cũng chẳng phải là hoàn hảo, nhất là như đang thấy tại các nước Phi châu. Trên thực tế, bao cao su được coi như một trong các phương pháp kém hiệu quả nhất để ngừa thai, thế mà thật là nghịch lý, các chuyên gia lại cứ cho rằng đó là phương cách tốt nhất để phòng bệnh AIDS. Green vạch ra rằng chính việc sử dụng bao cao su đã gây ra bệnh AIDS, “cùng lắm bao cao su chỉ giúp người ta thấy có cảm giác an toàn hơn là được bảo đảm bởi tính hữu hiệu thực tế của bao cao su.”

Độc lập với những tranh cãi này, Đức Tân Giáo Hoàng đã mau chóng trả lời cho những ai hối thúc phải thay đổi giáo huấn của Hội thánh. Ngày mùng 10 tháng 6 vừa qua, khi tiếp kiến các Giám Mục miền nam Phi châu, ĐGH Biển Đức XVI khuyến khích họ tiếp tục hỗ trợ đời sốn g gia đình và cứu giúp những kẻ trót lây bệnh AIDS.

ĐGH bình luận rằng, “Hội Thánh Công Giáo đã luôn luôn đi tiên phong trong việc đề phòng cũng như chữa trị căn bệnh này. Giáo huấn truyền thống của Hội Thánh đã chứng tỏ là cách thức không sai lầm trong việc đề phòng sự lan tràn bệnh AIDS.”