Trên trang mạng What We Need Now, ngày 5 tháng 2, Cha Robert P. Imbelli (*) cho hay: Lần đầu tiên tôi đọc Henri de Lubac, SJ, khi còn là sinh viên đại học vào cuối những năm 1950, khi Công đồng Vatican II vẫn còn sáng long lanh trong mắt Angelo Roncalli. Trong số những khám phá đầu tiên của tôi là The Drama of Atheist Humanism [Bi kịch của Chủ thuyết Nhân bản Vô thần] và The Splendor of the Church [Vinh quang Chói ngời của Giáo hội] (mặc dù bản gốc có tựa đề khiêm tốn hơn là Méditation sur l’église [suy gẫm về giáo hội]). Trong những năm học thần học tại Rome và nhiều năm giảng dạy, Henri de Lubac đã trở thành người cố vấn và người bạn đồng hành thần học được yêu mến. Tác phẩm kinh điển khai sáng, Catholicism [Công Giáo], những nghịch lý giống như Pascal, một số nghiên cứu sâu sắc về người bạn của ngài, Teilhard de Chardin, tác phẩm La postérité spirituelle de Joachim de Flore [Hậu duệ Tinh thần của Joachil de Flore] vào cuối sự nghiệp (vẫn chưa được dịch) đã cung cấp nguồn dinh dưỡng và thử thách không bao giờ cạn kiệt.

Và kích thích cầu nguyện. Ít có nhà thần học nào khác thúc đẩy một cách tự phát từ sự suy tư thần học đến sự suy gẫm cầu nguyện như vậy. Đọc de Lubac giúp khai thông tinh thần. Có lẽ bởi vì, như ngài gợi ý trong bài báo quan trọng của mình, “Mysticism and Mystery [Huyền nhiệm học và Mầu nhiệm]” (được xuất bản trong Theological Fragments), toàn bộ hành trình tâm linh-thần học của cuộc đời ngài là để thăm dò mầu nhiệm của đức tin và tìm cách chiếm đoạt nó trong cuộc gặp gỡ thân mật và nhận thức đầy xúc cảm về Chúa Kitô mà mọi Kitô hữu đã chịu phép rửa tội đều được mời gọi.

Henri de Lubac, như chính ngài đã sẵn lòng thừa nhận, không phải là một nhà thần học “có hệ thống”. Nhiều tác phẩm của ngài giống như những biến tấu giao hưởng hơn. Nhưng chúng luôn khám phá một chủ đề trung tâm: sự độc đáo và tính sáng tạo tuyệt đối của Chúa Giêsu Kitô. Bởi vì mầu nhiệm là trung tâm của đức tin Kitô giáo không phải là một “Tôi không biết điều gì” đó một cách mơ hồ, mà là con người đặc biệt của Chúa Giêsu Kitô và mầu nhiệm vượt qua của Người. Và huyền nhiệm học, vốn là quyền bẩm sinh của các Ki-tô hữu, không phải là một chuyến bay bí truyền và mây khói đến nơi vô định, mà là một sự gắn kết rạng rỡ và vui tươi, mặc dù luôn mang tính thập giá, với Chúa Giêsu Kitô. Huyền nhiệm học Ki-tô giáo là việc cá nhân được biến đổi theo con người của Chúa Kitô và do đó sở hữu di sản thực sự của chúng ta như con trai và con gái của Thiên Chúa Ba Ngôi của Tình yêu.

Do đó, một câu nói sâu sắc của giáo phụ thế kỷ thứ hai của Giáo hội, Thánh Irenaeus thành Lyons, đóng vai trò là chủ đề chính rất phong phú của tất cả các tác phẩm đa dạng của de Lubac. Omnem novitatem attulit, semetipsum afferens: Chúa Kitô đã mang đến tất cả sự mới mẻ khi tự mình đến. Một cuốn sách gần đây, Salvation in Henri de Lubac, của Eugene R. Schlesinger đưa chủ đề về sự mới mẻ tuyệt đối của Chúa Giêsu Kitô trong tư tưởng của de Lubac một cách có hệ thống và thuyết phục lên hàng đầu.

Một khám phá nổi bật về sự mới mẻ này là việc de Lubac khôi phục lại khái niệm giáo phụ về “thân thể ba hình thức của Chúa Kitô”. Mầu nhiệm của Chúa Kitô diễn ra trong ba chiều không thể tách rời. Có sự nhập thể độc nhất của lời vĩnh cửu của Thiên Chúa trong cuộc đời của Chúa Giêsu thành Nazareth, đạt đến đỉnh cao trong cái chết hy sinh của Người, sự phục sinh của Người vào cuộc sống mới và sự thăng thiên của Người vào vinh quang. Đây là tham chiếu chính và có tính phát sinh của thuật ngữ này.

Nhưng một cách không thể tách rời, có thân thể Thánh Thể của Chúa Kitô sống động, nguồn sống liên tục của Giáo hội, chính là thân thể giáo hội của Chúa Kitô. Do đó, có một sự hỗ tương mang lại sự sống được de Lubac phát biểu trong công thức: “Giáo hội tạo nên Bí tích Thánh Thể, và Bí tích Thánh Thể tạo nên Giáo hội”. Giáo huấn của Benedict XVI trong Tông huấn Sacramentum Caritatis của ngài, rõ ràng đã dựa trên de Lubac và giải thích ý nghĩa đầy đủ hơn, theo cách hoàn toàn trung thành với niềm xác tín của chính de Lubac.

Bí tích Thánh Thể là Chúa Kitô hiến mình cho chúng ta và liên tục xây dựng chúng ta thành thân thể Người. Do đó, trong sự tương tác nổi bật giữa Bí tích Thánh Thể xây dựng Giáo hội và chính Giáo hội “làm nên” Bí tích Thánh Thể, nguyên nhân chính được diễn tả trong công thức đầu tiên: Giáo hội có thể cử hành và tôn thờ mầu nhiệm Chúa Kitô hiện diện trong Bí tích Thánh Thể chính là vì Chúa Kitô đã hiến mình cho Giáo hội trước tiên trong hy tế Thập giá. Khả năng “làm nên” Bí tích Thánh Thể của Giáo hội hoàn toàn bắt nguồn từ việc Chúa Kitô tự hiến cho Giáo hội. Ở đây, chúng ta có thể thấy rõ hơn ý nghĩa của lời Thánh Gioan: “Người đã yêu chúng ta trước” (1 Ga 4:19). Chúng ta cũng vậy, trong mỗi lần cử hành Bí tích Thánh Thể, đều tuyên xưng tính ưu việt của hồng phúc Chúa Kitô ban tặng. Ảnh hưởng nhân quả của Bí tích Thánh Thể ngay từ khi Giáo hội mới thành lập đã tiết lộ rõ ràng cả tính ưu tiên về mặt thời gian và hữu thể của sự kiện Chúa Kitô đã yêu chúng ta “trước”. Trong suốt cõi đời đời, Người vẫn là Đấng yêu chúng ta trước. (#14)

Hai hệ quả phát sinh từ nhận thức này về thân thể ba hình thức của Chúa Kitô. Trước hết, chính sự cứu rỗi, sự sống mới là vận mệnh của các Kitô hữu, là sự hiện hữu của chúng ta được kết hợp vào thân thể của Chúa Kitô. Đây là thực tại siêu nhiên mới đã được khai mở qua mầu nhiệm vượt qua của Chúa Giêsu Kitô. Chúng ta được kết hợp vào một mạng lưới các mối quan hệ cấu thành nên sự hiện hữu mới của chúng ta trong Chúa Kitô. Thứ hai, thân thể Giáo hội luôn luôn phụ thuộc vào người đứng đầu của mình. Giáo hội cụ thể, cả trong hiện thực lịch sử của nó và trong sự hiện thực hóa vĩnh cửu của nó, không phải là một thân xác bị chặt đầu, nhưng chính sự hiện hữu của nó, ở mọi khoảnh khắc, phụ thuộc vào sự sống mà Chúa Kitô đã thăng thiên đổ ra trong Chúa Thánh Thần. Và phương tiện chính để tham gia vào sự sống này là hồng phúc Bí tích Thánh Thể.

Do đó, thân thể của Chúa đã phục sinh và lên trời, thân thể Thánh Thể của Người và thân thể giáo hội của Người cùng nhau tạo nên sự sáng tạo mới được biến đổi được Thiên Chúa Ba Ngôi thực hiện hóa trong thế giới, đúng hơn trong vũ trụ: “sự quy tụ tất cả trong Chúa Kitô” (Ep 1:10)—câu kinh thánh có ý nghĩa đặc biệt đối với cả Thánh Irenaeus lẫn de Lubac.

Công đồng Vatican II, khi tuyên bố rằng Chúa Giêsu Kitô là sự hoàn thành vô song của mặc khải của Thiên Chúa dành cho nhân loại (Dei Verbum) và là ánh sáng cứu độ của các quốc gia (Lumen Gentium), do đó đã lặp lại những chủ đề thân thương đối với de Lubac. Thật vậy, ngài là người bảo vệ nhiệt thành cho giáo huấn của nó trước những gì ngài nhận thấy là sự sa sút khỏi việc tập trung lấy Chúa Kitô làm trung tâm này. Và sự thoái hóa về mặt Kitô học, theo quan điểm của de Lubac, đã bắt đầu ngay cả trước khi Công đồng chính thức kết thúc, chỉ để thu hút động lực sau Công đồng.

Vì lý do này, ngài đã dành phần lớn năng lực còn lại trong những năm cuối đời để viết tác phẩm đồ sộ gồm hai tập, The Spiritual Posterity of Joachim of Fiore. Bất kể tính chính xác về mặt lịch sử của cách ngài đọc lời tiên tri của vị đan viện trưởng Calabria thế kỷ thứ mười hai về thời kỳ thứ ba của Chúa Thánh Thần, không còn nghi ngờ gì nữa rằng de Lubac đã nhận ra những nguy cơ của một quan điểm về lịch sử đặt nghi vấn đối với ý nghĩa độc nhất của Chúa Giêsu Kitô. Thật vậy, ngài đã thấy trong Giáo hội hậu công đồng một xu hướng rõ rệt ở một số khu vực là "giải phóng" Chúa Thánh Thần khỏi "sự giam cầm" của Kitô học. Eugene Schlesinger đã phát biểu rất rõ mối quan tâm của de Lubac liên quan đến những sáng kiến của vị Joachim này. Theo quan điểm của de Lubac, chúng thỏa hiệp với "sự mới lạ của Kitô giáo—[chủ trương rằng] trên thực tế, Chúa Kitô không mang lại tất cả sự mới mẻ khi tự mình đến;" và do đó họ tách rời “công trình của Chúa Kitô và Chúa Thánh Thần, sao cho công trình sau hoạt động độc lập với công trình trước” (tr. 113).

Đối với de Lubac, cũng như đối với Truyền thống vĩ đại mà ngài tìm cách bảo vệ, chỉ thông qua Chúa Kitô và Thập giá của Người, sự hoàn tất và biến hình của thế giới và lịch sử mới có thể được thực hiện. Chúng ta không hành trình vượt ra ngoài Chúa Giêsu Kitô; chúng ta cố gắng bắt kịp Người, bằng cách đi sâu hơn vào mầu nhiệm vượt qua của Người. Trong Chúa Kitô, các Kitô hữu được biến đổi từ hình ảnh thành họa ảnh: “được biến đổi nên giống Người từ mức độ vinh quang này đến mức độ vinh quang khác” (2 Cr 3:18).

Do đó, trong Bí tích Thánh Thể, chúng ta không biến đổi Chúa Kitô theo thước đo của chúng ta mà được biến đổi theo Người. Đặt vấn đề với sự trợ giúp của tiếng Latinh: Chúa Kitô là một novum, một điều mới mà Thiên Chúa đã làm, hay Người là novissimus, Lời bản vị và cuối cùng của Thiên Chúa? Liệu cánh chung học, giáo lý về sự hoàn tất cuối cùng, có hình dạng của Chúa Kitô không? De Lubac hoàn toàn đồng tình với Thánh Irenaeus: Chúa Giêsu Kitô là Novissimus, vì Người mang trong mình tất cả sự mới mẻ. Chúng ta không chiếm hữu Người, nhưng, trong Thánh Thần của Người, chúng ta ngày càng được Người chiếm hữu, được biến đổi thành Người như những chi thể sống động của thân thể Người.

Một lần nữa, Schlesinger nói rất đúng. “Trong Chúa Kitô, tất cả đã được ban tặng, và khi tự mình đến, Người đã mang đến tất cả sự mới mẻ. Đây là nguồn sống vô tận. Người ta không bao giờ có thể tiến xa hơn nữa, không phải vì mọi khám phá đều đã kết thúc mà vì nó luôn mới mẻ và luôn có giá trị. Do đó, con đường tiến về phía trước của Giáo hội không phải là sự tiến bộ giả tạo vượt ra khỏi quá khứ mà là sự quay trở lại liên tục với thực tại sâu thẳm và nền tảng của nó” (trang 118).

Ảnh hưởng của De Lubac đối với Công đồng Vatican II là điều ai cũng biết, đặc biệt là quan niệm của ngài về Giáo hội như là bí tích của Chúa Kitô, được phản ảnh một cách quan trọng trong Lumen Gentium. Nhưng tôi không thể nghĩ ra bản tóm tắt nào phù hợp hơn về tầm nhìn thần học-tâm linh của Henri de Lubac ngoài trích dẫn sau đây từ Công đồng Vatican II. Một cách đầy ý nghĩa, nó không xuất hiện trong “Hiến chế tín lý về Giáo hội” (Lumen Gentium), mà trong “Hiến chế mục vụ về Giáo hội trong thế giới hiện đại” (Gaudium et Spes). Vị trí của nó ở cuối Phần Một, như một bản tóm tắt kết thúc, và như là phần mở đầu cho Phần Hai, “Một số vấn đề cấp bách đặc biệt”, phủ nhận bất cứ sự tách biệt dễ dãi nào giữa “tín lý” và “mục vụ” thường diễn ra hoặc thậm chí được cổ vũ. Trong “Hiến chế mục vụ”, chúng ta thấy một lời tuyên xưng tín lý sống động về đức tin của Giáo hội được Henri de Lubac hết lòng ủng hộ. Công đồng dạy rằng:

Giáo hội có một ý định duy nhất: để vương quốc của Thiên Chúa có thể đến, và để sự cứu rỗi của toàn thể nhân loại có thể xảy ra. Vì mọi lợi ích mà dân Chúa trong cuộc hành hương trần thế có thể mang lại cho gia đình nhân loại đều bắt nguồn từ thực tại Giáo hội là “bí tích cứu rỗi phổ quát” đồng thời biểu lộ và thực thi mầu nhiệm tình yêu của Thiên Chúa.

Vì Lời Chúa, qua đó muôn vật được tạo thành, là chính Người đã trở nên xác thịt để cứu rỗi mọi người và thâu tóm mọi vật trong Người. Chúa là mục đích của lịch sử nhân loại, là điểm tập trung của mọi hoài mong của lịch sử và nền văn minh, là trung tâm của loài người, niềm vui của mọi cõi lòng và là đáp ứng của mọi hoài mong. Người là Đấng Chúa Cha đã làm sống lại từ cõi chết, nâng lên cao và đặt ngồi bên hữu Người, biếm Người thành thẩm phán của người sống và người chết. Được sống động và hiệp nhất trong Thánh Thần của Người, chúng ta tiến về sự hoàn tất của lịch sử nhân loại, một hành trình hoàn toàn phù hợp với lời khuyên của tình yêu Thiên Chúa: “Để tái lập mọi sự trong Chúa Kitô, cả những điều trên trời và những điều dưới đất” (Ep 1:10). (#45)

Giáo hội hiện đang bước vào Năm Thánh Đức Tin, một thời gian của ân sủng và đổi mới. Tôi xin đề xuất một cuốn sách phong phú mà de Lubac đã xuất bản năm 1969 như một cẩm nang cho hành trình của chúng ta: The Christian Faith: An Essay on the Structure of the Apostles’ Creed [Đức tin Kitô giáo: Một tiểu luận về cấu trúc của Kinh Tin Kính các Tông đồ]. Nó phản ảnh sự nắm bắt chắc chắn của ngài về nội dung khách quan của đức tin và nhu cầu tiếp nhận đức tin một cách đích thân của người tin. Đồng thời, nó cũng cảnh giác đối với sự ghi nhớ sai lầm và thậm chí sự bác bỏ đức tin đương thời.

Trong cuốn sách, ngoài việc nhấn mạnh vào cấu trúc Ba Ngôi của Kinh Tin Kính, tuyên xưng đức tin vào Thiên Chúa Cha Toàn Năng, và vào Chúa Giêsu Kitô Con Một của Người là Chúa chúng ta, và vào Chúa Thánh Thần, de Lubac còn đưa ra một suy gẫm đầy thách thức về tầm quan trọng của giới từ tiếng Latin được sử dụng và trường hợp ngữ pháp mà nó chi phối.

Tiếng Latinh đọc: Credo in Deum, in Jesum Christum, in Spiritum Sanctum. Giới từ “in” ở đây được theo sau bởi accusative case (đối cách), không phải ablative case (công cụ cách). Nó truyền tải cảm giác “chuyển động”, “hành trình”, “phiêu lưu vào” Mầu nhiệm vô tận. Không chỉ là niềm tin mệnh đề vào Thiên Chúa, mà là sự đầu hàng đầy đức tin vào Người, bằng cả tấm lòng, tâm trí và sức mạnh của chúng ta. Đồng thời, không phải là cuộc lang thang vô định trong sa mạc, mà là cuộc hành trình trong ánh sáng của “Lễ vật hiến tế không bao giờ chết nữa, Chiên Con, đã bị giết một lần, sống mãi mãi” (Kinh Tiền tụng Lễ Phục sinh).

Do đó, phương châm được chọn để hướng dẫn hành trình của chúng ta trong Năm Thánh này là “peregrinantes in spem”. Nó đã được dịch là “Những người hành hương của Hy vọng”. Nhưng có lẽ, tốt hơn nên dịch là “hành trình như những người hành hương vào hy vọng”. Niềm hy vọng thúc đẩy và truyền cảm hứng cho các Kitô hữu mang một cái tên: Chúa Giêsu Kitô “niềm hy vọng vinh quang của chúng ta” (Cl 1:27). Và niềm hy vọng mà chúng ta hướng tới trong đức tin không phải là tương lai không tưởng, mà là chính Chúa Giêsu Kitô, là con đường, là sự thật và là sự sống (xem Ga 14:6). Điều chúng ta cần bây giờ là sự cam kết đổi mới để sống qua Người, với Người và trong Người, trong sự hiệp thông của Chúa Thánh Thần, khi chúng ta hành trình về nhà với Chúa Cha.

________________________________________

(*) Robert P. Imbelli, một linh mục của Tổng giáo phận New York, là Phó Giáo sư Thần học danh dự tại Cao đẳng Boston. Một số tiểu luận của ngài đã được xuất bản với tựa đề Christ Brings All Newness (Word on Fire Academic). Một tác phẩm Festschrift vinh danh ngài có tựa đề The Center Is Jesus Christ Himself, được biên tập bởi Andrew Meszaros (Nhà xuất bản Đại học Công Giáo Hoa Kỳ).