Theo tin Tòa Thánh, Chúa nhật 29 tháng 9, 2024, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tới Sân vận động King Baudouin (Brussels), để cử hành Thánh Lễ đại trào và phong chân phước cho đấng đáng kính Anna Chúa Giêsu. Trong Thánh Lễ, ngài đã giảng bài giảng sau đây:



“Ai gây gương xấu, gây vấp ngã cho một trong những kẻ bé mọn tin Ta này, thì thà buộc cối đá vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn” (Mc 9:42). Với những lời nói với các môn đệ này, Chúa Giêsu cảnh cáo chống lại nguy cơ gây gương mù, nghĩa là cản trở con đường và làm tổn thương cuộc sống của “những kẻ bé mọn”. Đây là một lời cảnh cáo mạnh mẽ, một lời cảnh cáo nghiêm khắc mà chúng ta phải dừng lại và suy nghĩ. Tôi muốn làm điều này với anh chị em, cũng dưới ánh sáng của các bản văn thánh thiêng khác, thông qua ba từ khóa: cởi mở, hiệp thông và chứng ngôn.

Trước hết là cởi mở. Bài đọc thứ nhất và Tin Mừng nói với chúng ta về điều đó, cho chúng ta thấy hành động tự do của Chúa Thánh Thần, Đấng, trong câu chuyện Xuất Hành, ban đầy hồng ân tiên tri không chỉ cho các trưởng lão đã cùng Môsê đến lều hội ngộ, mà cả hai người đàn ông vốn ở lại trong trại.

Điều này khiến chúng ta phải suy nghĩ, bởi vì nếu lúc đầu việc họ vắng mặt trong nhóm được tuyển chọn là điều tai tiếng, thì sau ân sủng của Chúa Thánh Thần, việc cấm họ thi hành sứ vụ mà họ đã nhận được cũng là điều tai tiếng. Điều này đã được hiểu rõ bởi Môsê, một người khiêm tốn và khôn ngoan, người với tâm trí và trái tim rộng mở đã nói: “Ước chi Chúa có thể biến toàn thể dân Người thành dân của các tiên tri! Ước chi Chúa có thể đặt tinh thần của Người trên họ! » (Dân số 11, 29). Một điềm đẹp đẽ!

Đây là những lời khôn ngoan, báo trước những gì Chúa Giêsu sẽ nói trong Tin Mừng (x. Mc 9:38-43, 45, 47-48). Ở đây, cảnh tượng xảy ra ở Ca-phác-na-um, và các môn đệ muốn ngăn cản một người nhân danh Thày mà trừ quỷ, bởi vì – họ nói – “ông ấy không thuộc về những người theo chúng ta” (Mc 9:38), tức là “ông ấy không thuộc nhóm của chúng ta”? Họ nghĩ như thế này: “Ai không theo chúng ta, ai không phải là “một người trong chúng ta” thì không thể làm được phép lạ, người đó không có quyền làm như vậy”. Nhưng Chúa Giêsu làm họ ngạc nhiên – như mọi khi, Chúa Giêsu làm họ ngạc nhiên, Người làm chúng ta ngạc nhiên – và Người làm họ ngạc nhiên và khiển trách họ, mời gọi họ vượt ra ngoài khuôn mẫu của mình, đừng để mình bị “gây tai tiếng” bởi sự tự do của Thiên Chúa. Người nói với họ: “Đừng cản trở ông ấy […] ai không chống chúng ta là ủng hộ chúng ta” (Mc 9:39-40).

Chúng ta hãy cẩn thận quan sát hai cảnh tượng này, cảnh Môsê và cảnh Chúa Giêsu, vì chúng cũng liên quan đến chúng ta và đời sống Kitô hữu của chúng ta. Thực ra, tất cả chúng ta đều đã nhận được, qua phép rửa, một sứ mạng trong Giáo Hội. Nhưng đó là một hồng ân chứ không phải là một danh hiệu để khoe khoang. Cộng đoàn các tín hữu không phải là một nhóm người được đặc ân, mà là một gia đình của những người được cứu độ, và chúng ta được sai đi mang Tin Mừng đến cho thế giới không phải bằng công trạng của mình, mà là nhờ ân sủng của Thiên Chúa, bởi lòng thương xót của Người và bởi tin tưởng rằng, vượt trên mọi giới hạn và tội lỗi của chúng ta, Người vẫn tiếp tục đặt vào trong chúng ta tình yêu của Người Cha, nhìn thấy nơi chúng ta điều mà chính chúng ta không thể nhận thức được. Đó là lý do tại sao Người gọi chúng ta, sai chúng ta đi và kiên nhẫn đồng hành với chúng ta ngày này qua ngày khác.

Vì vậy, nếu chúng ta muốn hợp tác, với tình yêu cởi mở và nhân từ, vào hành động tự do của Chúa Thánh Thần mà không trở thành một gương xấu, một trở ngại cho bất cứ ai có tính tự phụ và cứng nhắc của chúng ta, thì chúng ta phải hoàn thành sứ mệnh của mình với lòng khiêm nhường, lòng biết ơn và niềm vui. Chúng ta không được oán giận, nhưng hãy vui mừng vì người khác cũng có thể làm những gì chúng ta làm, để Vương quốc Thiên Chúa có thể phát triển và một ngày nào đó tất cả chúng ta sẽ được đoàn tụ trong vòng tay của Chúa Cha.

Điều này đưa chúng ta đến từ ngữ thứ hai: hiệp thông. Thánh Giacôbê nói với chúng ta về điều đó trong bài đọc thứ hai (x. Gc 5,1-6) bằng hai hình ảnh mạnh mẽ: của cải bị hư hỏng (x. câu 3) và những lời phản đối của thợ gặt lọt vào tai Chúa (xem câu 4). Do đó, nó nhắc nhở chúng ta rằng con đường duy nhất của cuộc sống là con đường cho đi, con đường yêu thương kết hợp trong việc chia sẻ. Con đường ích kỷ chỉ tạo ra những khép kín, những bức tường và chướng ngại vật – thực ra là “những vụ tai tiếng” – xiềng xích chúng ta vào mọi thứ và khiến chúng ta xa cách Thiên Chúa và anh em mình.

Tính ích kỷ, giống như mọi thứ ngăn cản lòng bác ái, là “gây tai tiếng" vì nó chà đạp những kẻ bé mọn, hạ nhục phẩm giá con người và bóp nghẹt tiếng kêu than của người nghèo (x. Tv 9:13). Và điều này đúng cả vào thời Thánh Phaolô lẫn đối với chúng ta ngày nay. Khi các nguyên tắc duy nhất về lợi ích cá nhân và luận lý học thị trường được đặt làm nền tảng cho đời sống của các cá nhân và cộng đồng (x. Tông huấn Evangelii gaudium, các số 54-58), kết quả là một thế giới không còn chỗ cho những người gặp khó khăn, không thương xót những người lầm lỗi, cũng không cảm thương những người đau khổ và không có lối thoát. Không hề có.

Chúng ta hãy nghĩ đến điều gì xảy ra khi những đứa trẻ bị xúc phạm, bị tổn thương, bị lạm dụng bởi những người phải chăm sóc chúng, những vết thương đau khổ và bất lực, trước hết ở các nạn nhân, nhưng cũng ở gia đình họ và trong cộng đồng. Với trái tim và khối óc, tôi quay lại câu chuyện của một số “đứa bé” mà tôi đã gặp ngày hôm kia. Tôi đã nghe họ, tôi cảm nhận được nỗi đau khổ của họ vì bị lạm dụng và tôi nhắc lại ở đây: có chỗ trong Giáo hội dành cho tất cả mọi người, mọi người, mọi người, nhưng tất cả chúng ta sẽ bị phán xét và không có chỗ cho sự lạm dụng, không có chỗ cho sự che đậy sự lạm dụng. Tôi yêu cầu mọi người: đừng che đậy sự lạm dụng! Tôi yêu cầu các giám mục: đừng che đậy sự lạm dụng! Hãy lên án những kẻ bạo hành và giúp họ chữa lành căn bệnh lạm dụng. Cái ác không được che giấu: cái ác phải được bộc lộ giữa ban ngày, nó phải được biết đến, như một số người bị lạm dụng đã làm, và với lòng can đảm. Hãy để điều này được biết đến. Và hãy để kẻ bạo hành bị phán xét. Hãy để kẻ lạm dụng bị xét xử, giáo dân, linh mục hay giám mục: hãy để hắn bị xét xử.

Lời Chúa rất rõ ràng: không thể bỏ qua “sự phản đối của thợ gặt” và “tiếng kêu than của người nghèo”, không thể bị xóa bỏ như thể chúng là một nốt nhạc chói tai trong bản hòa âm hoàn hảo của thế giới thiện hảo, và chúng cũng không thể bị ngăn chặn bởi một hình thức mang lại lợi ích bề ngoài. Ngược lại, chúng là tiếng nói sống động của Chúa Thánh Thần, chúng nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta là ai – tất cả chúng ta đều là những tội nhân đáng thương, tất cả chúng ta, trước hết là tôi –; và những người bị lạm dụng là một tiếng kêu thấu tới tận trời, chạm đến tâm hồn, làm chúng ta xấu hổ và kêu gọi chúng ta hoán cải. Chúng ta đừng cản trở tiếng nói tiên tri của họ bằng cách làm im lặng nó bằng sự thờ ơ của chúng ta. Chúng ta hãy lắng nghe những gì Chúa Giêsu nói trong Tin Mừng: tránh xa chúng ta con mắt tai tiếng nhìn thấy người nghèo khổ và ngoảnh mặt đi: tránh xa chúng ta bàn tay tai tiếng, nắm tay để giấu kho báu của nó và tham lam rút lui vào túi! Bà tôi nói: “Ma quỷ chui qua túi quần”. Bàn tay này đang tấn công để phạm tội lạm dụng tình dục, lạm dụng quyền lực, lạm dụng lương tâm đối với những người yếu đuối nhất. Và chúng ta có bao nhiêu trường hợp lạm dụng trong lịch sử, trong xã hội của chúng ta! Hãy tránh xa chúng ta cái bàn chân tai tiếng, chạy nhanh không phải để đến gần những người đau khổ, nhưng để “vượt quá” và giữ khoảng cách! Hãy ném tất cả những thứ này ra khỏi chúng ta! Không có gì tốt và vững chắc được xây dựng như thế này! Và một câu hỏi tôi muốn hỏi mọi người: “anh chị em có bố thí không?” - Vâng, thưa cha, vâng! - Và hãy nói cho tôi biết, khi bố thí, anh chị em có chạm vào tay người đang cần giúp đỡ không, hay nh chị em vứt nó đi như thế và nhìn đi chỗ khác? Anh chị em có nhìn vào mắt những người đang đau khổ không?” Chúng ta hãy nghĩ về điều đó.

Nếu chúng ta muốn gieo hạt cho tương lai, cả ở bình diện xã hội lẫn kinh tế, thì sẽ rất hữu ích nếu chúng ta bắt đầu đặt Tin Mừng về lòng thương xót làm nền tảng cho những lựa chọn của mình. Chúa Giêsu là lòng thương xót. Lòng thương xót đã được thực hiện cho tất cả chúng ta. Ngược lại, dù chúng có vẻ hùng vĩ đến đâu đi nữa, những tượng đài về sự sang trọng của chúng ta sẽ luôn là những tượng đài khổng lồ với đôi chân bằng đất sét (x. Đn 2:31-45). Chúng ta đừng ảo tưởng: không có tình yêu thì không có gì tồn tại lâu dài, mọi thứ đều biến mất, tan rã và khiến chúng ta trở thành tù nhân của một cuộc sống phù du, trống rỗng và vô nghĩa, của một thế giới không nhất quán, vượt ra ngoài những vẻ bề ngoài, đã mất hết mọi khả tín. Để làm gì? Bởi vì anh ta đã gây tai tiếng cho những đứa trẻ.

Như thế chúng ta đi tới từ ngữ thứ ba: lời chứng. Chúng ta có thể lấy cảm hứng từ cuộc đời và công việc của Anna Chúa Giêsu, Anna thành Lobera vào ngày phong chân phước cho bà. Người phụ nữ này là một trong những nhân vật chính, trong Giáo hội vào thời của bà, của một phong trào cải cách vĩ đại, theo bước chân của một “người khổng lồ về tinh thần” – Teresa thành Avila – người mà bà đã phổ biến các lý tưởng ở Tây Ban Nha, ở Pháp và cả ở đây, tại Brussels, nơi mà lúc đó được gọi là Hòa Lan thuộc Tây Ban Nha.

Trong những thời điểm bị đánh dấu bởi những vụ tai tiếng đau đớn, trong và ngoài cộng đồng Kitô giáo, bằng cuộc sống đơn sơ và nghèo khó được hình thành từ việc cầu nguyện, làm việc và bác ái, họ và các bạn đồng hành của họ đã có thể đưa nhiều người trở lại với đức tin, đến mức có người gọi việc họ thiết lập ở thành phố này là một “nam châm tâm linh”.

Bà cố ý không để lại bất cứ bài viết nào. Đúng hơn, bà dấn thân thực hành những gì bà đã học được (x. 1 Cr 15:3) và, qua lối sống của mình, bà đã góp phần nâng đỡ Giáo Hội trong thời kỳ khó khăn lớn lao.

Do đó, chúng ta hãy đón nhận với lòng biết ơn mẫu mực “sự thánh thiện nữ tính” mà bà đã để lại cho chúng ta (x. Tông huấn Gaudete et Exsultate, số 12), vừa tinh tế vừa mạnh mẽ. Chứng từ của bà, cũng như của rất nhiều anh chị em đã đi trước chúng ta, những người bạn và những người bạn đồng hành của chúng ta, không xa chúng ta: nó gần gũi, thậm chí còn được giao phó cho chúng ta, để chúng ta biến nó thành của riêng mình, đổi mới cam kết cùng nhau bước đi theo bước chân của Chúa.