John L. Allen Jr. của Crux, ngày 2 tháng 6 năm 2024, đặt câu hỏi: Về lối nói chuyện gây ngỡ ngàng, điều gì sẽ xảy ra nếu Đức Giáo Hoàng Phanxicô biết chính xác những gì ngài đang làm?



Ông cho hay: sự phẫn nộ ban đầu về việc Đức Giáo Hoàng Phanxicô sử dụng một chút tiếng lóng chống đồng tính nam vừa bắt đầu lắng xuống thì lại xuất hiện – ít nhất là theo báo cáo của các phương tiện truyền thông chưa bao giờ được xác nhận, nhưng cũng chưa bao giờ bị phủ nhận – rằng lời bình luận ngày 20 tháng 5 của ngài với các giám mục Ý thực sự thậm chí còn khó nghe hơn những gì người ta tin lúc ban đầu.

Không những Đức Giáo Hoàng chỉ sử dụng một thuật ngữ tiếng Ý thiếu tế nhị có nghĩa gần như là “sự lăng nhăng” [faoggotry], mà theo những báo cáo đó, ngài còn sử dụng một thuật ngữ tiếng Ý mang tính miệt thị khác trong cùng một cuộc trò chuyện, đó là checche, đề cập đến những người đàn ông đồng tính luyến ái theo khuôn mẫu iểu điệu đàn bà, để gợi ý rằng ngay cả “những người có định hướng bán đồng tính” cũng nên bị loại khỏi các chủng viện Công Giáo.

Như thể điều đó vẫn chưa đủ, một bài nói chuyện gây ngỡ ngàng khác của Đức Giáo Hoàng đã diễn ra vài ngày sau đó, tuy không liên quan đến người đồng tính mà là đến phụ nữ.

Một lần nữa theo các phương tiện truyền thông đưa tin, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói với một nhóm các linh mục mới được thụ phong ở Rome vào ngày 29 tháng 5 rằng ngồi lê đôi mách– ngài sử dụng thuật ngữ thông tục trong tiếng Ý chiacchiericcio, đại khái có nghĩa là “chuyện phiếm nhỏ nhặt” – là “chuyện của đàn bà”, nói thêm, có ý với các người đàn ông, rằng “chúng ta mặc quần, chúng ta phải nói những điều đáng nói.”


Những tiết lộ này đã gây tranh cãi không chỉ vì chúng gợi ý một giáo hoàng có miệng lưỡi sót như muối, mà còn bởi vì chúng có vẻ mâu thuẫn với câu chuyện phổ biến về Đức Phanxicô là một người tiến bộ ủng hộ đồng tính nam, ủng hộ phụ nữ.

Sự bất đồng điệu về nhận thức do đó mà ra đã làm nảy sinh ba lý thuyết phổ biến để giải thích những sai lầm rõ ràng, không loại trừ lẫn nhau và thường có thể được kết hợp với nhau:

Đầu tiên, Đức Phanxicô 87 tuổi đang bắt đầu mất đi khả năng kiểm soát, thể hiện tuổi tác của mình bằng cách quay trở lại với những biểu hiện nam tính của người Mỹ Latinh có thể là một phần trong quá trình đào tạo ban đầu của ngài, nhưng không đại diện cho tư duy phát triển hoặc bản năng mục vụ đích thực của ngài.

Thứ hai, Đức Phanxicô không phải là người nói tiếng Ý bản địa và không hiểu giá trị gây ngỡ ngàng hoặc hàm ý tiêu cực mà một số công thức ngôn ngữ này có thể mang lại.

Thứ ba, những tiết lộ này không những không phải là các vi phạm đối với lòng tin vào Đức Giáo Hoàng, vì ngài tin rằng ngài đang nói một cách không chính thức và không được ghi lại, mà chúng còn bị lấy ra khỏi bối cảnh và được đưa vào lưu hành bởi những kẻ thù đang tìm cách gây bất ổn và làm suy yếu ngôi vị Giáo hoàng.

Mặc dù mỗi lời giải thích này có thể chứa đựng một mức độ giá trị nào đó, nhưng có một giả định ngầm chung cho cả ba điều đáng được đặt câu hỏi: Nghĩa là, những lời phát biểu của Đức Giáo Hoàng là lỗi lầm. Nói cách khác, cả ba giả thuyết đều cho rằng đây chỉ là sự lỡ lời và bất cứ tai tiếng nào chúng gây ra đều là không cố ý.

Nhưng giả sử giả định trên sai

Thay vào đó, giả sử Đức Phanxicô thực sự vẫn hoàn toàn tỉnh táo và nắm vững trò chơi của mình, rằng khả năng nói tiếng Ý thông thường của ngài rất thông suốt và gây ấn tượng, và ngài không ngây thơ đến mức tin rằng bất cứ điều gì ngài nói trong một căn phòng chật ních hơn 230 giám mục, hoặc hơn 100 linh mục được thụ phong trong mười năm qua – một số người trong số đó, ngài biết rõ trong cả hai trường hợp, không phải là những người hâm mộ ngài nhất – sẽ không lọt ra ngoài.

Theo hồ sơ, những giả định đó nhất quán với sự khẳng định lặp đi lặp lại từ những người ngưỡng mộ Đức Phanxicô trong 11 năm qua rằng ngài là một nhân vật hiểu biết, thông thái về thế giới, nhận thức đầy đủ về những gì đang diễn ra xung quanh mình. Dưới ánh sáng đó, điều ít nhất xem ra đáng xem xét là khả thể này: việc tự nhận thức và tính toán của ngài không đơn giản biến mất trong hai tuần qua.

Nếu vậy, tại sao Đức Phanxicô lại cố tình sử dụng những cách diễn đạt mà ngài biết rõ sẽ gây ra sự kinh ngạc? Ít nhất có hai lời giải thích có thể đưa ra.

Đầu tiên là yếu tố bất ngờ, nghĩa là, một phần hơi tinh nghịch của Đức Phanxicô chỉ đơn giản thích bắt mọi người phải đoán mò. Khi ngài cảm thấy rằng mọi người nghĩ rằng họ đã hiểu được ngài, thì ngài thường có xu hướng đi theo một hướng khác.

Đây là một vị giáo hoàng không muốn bất cứ ai nghĩ rằng họ biết suy nghĩ của ngài, và việc giữ mọi người luôn cảnh giác về bất cứ điều gì ngài có thể nói tiếp theo đều phục vụ mục đích đó.

Thứ hai, nội dung những phát biểu gây tranh cãi gần đây của Đức Phanxicô, về người đồng tính nam và nữ, được thiết kế riêng để gây ra sự khó chịu và chỉ trích từ những gì người ta có thể gọi là “giới tinh hoa cấp tiến”, cả trong và ngoài Giáo Hội Công Giáo. Điều tương tự cũng có thể được nói, mặc dù không có giá trị gây ngỡ ngàng, về việc ngài gần đây “nói không” đối với vấn đề nữ phó tế.

Có lý do nào đó khiến Đức Phanxicô thực sự muốn khiêu khích mọi người ngay bây giờ không?

Vâng, hãy cân nhắc việc chúng ta hiện chỉ còn ba tháng nữa là đến hành vi cuối cùng của Thượng Hội đồng Giám mục kéo dài của Đức Phanxicô về tính đồng nghị, với hội nghị thượng đỉnh kết thúc được ấn định vào tháng 10. Từ trước đến nay đã có những lo ngại về những gì quá trình này có thể tạo ra, đặc biệt là trong số những người Công Giáo truyền thống và bảo thủ hơn, những người không phải lúc nào cũng xem xét Đức Phanxicô theo giá trị bề mặt khi ngài khẳng định mình không có ý định thay đổi tín lý mà chỉ đơn thuần thực hành mục vụ.

Có lẽ sau những cuộc đối đầu gần đây, những nỗi sợ hãi như vậy sẽ giảm đi đôi chút, làm giảm bớt phần nào tình trạng hỗn loạn xung quanh Thượng Hội đồng.

Về đường dài, ở tuổi 87 và phải đối đầu với hàng loạt thách thức về sức khỏe, Đức Phanxicô phải cân nhắc câu hỏi điều gì có thể xảy ra sau ngài. Nếu ngài muốn dọn đường cho một người có cùng những phẩm tính kế vị mình, một phần của phép toán bầu cử có thể trấn an những nhân vật trung dung và cánh hữu trong Hồng Y đoàn rằng chương trình nghị sự của ngài không thực sự cấp tiến như người ta tưởng trong một số giới.

Do đó, cảnh tượng vị giáo hoàng này bị giới tinh hoa cấp tiến làm lung lạc, dù chỉ trong giây lát và chỉ nửa vời, có thể phục vụ mục đích của ngài trong việc cố gắng định hình bối cảnh cho mật nghị bầu cử tiếp theo.

Những xem xét này có thực sự là điều Đức Phanxicô nghĩ đến khi truyền tải một thứ Howard Stern (*) nội tâm của mình không?

Tôi không biết, một phần vì chính Đức Giáo Hoàng không đề cập đến tình hình. Tuy nhiên, việc dựng lại cảnh tượng này ít nhất cũng mang lại cho ngài sự nhã nhặn của việc không giả thiết ngài đang xuống dốc hoặc đột nhiên trở nên đột nhiên ngây thơ.

Thay vào đó, nó giả định một vị giáo hoàng biết chính xác những gì mình đang làm, ngay cả khi điều đó đi ngược lại sự mong đợi của mọi người hoặc xúc phạm đến sự nhạy cảm của họ - tức là, nó giả định một vị giáo hoàng rất giống với vị giáo hoàng mà chúng ta hiện đang có.
_____________________________________________
(*) Howard Stern đứng đầu một chương trình truyền thanh Mỹ, nổi tiếng không thua Oprah về số lượng người nghe, nhưng cũng nổi tiếng nói giỡn và nói những điều gây ngỡ ngàng. Từ điển Urban Dictionary còn cho một nghĩa khác về "Howard Stern"= bị sỉ nhục, sa thải, và "đóng đinh" không có lý do và báo trước. Thí dụ, bạn không nên nói điều đó trên TV nếu không bạn sẽ bị một Howard Stern! (Chú thích của người dịch tin)