Giữa tháng 7 vừa qua, tạp chí The Pillar đã có cuộc phỏng vấn khá chi tiết với hai giáo sư các đại học Công Giáo Hoa Kỳ về các vấn đề đang gây tranh cãi hiện nay về giới tính (sex), phái tính (gender) và chuyển giới (transgender).
Theo The Pillar, phái tính trở thành một trong những chủ đề được nói đến nhiều nhất và cùng một lúc, là chủ đề cấm kỵ nhất trong nền văn hóa của chúng ta.
Sự gia tăng của phong trào quyền của người chuyển giới với tư cách là một lực lượng xã hội và chính trị, cùng với sự bùng nổ về số lượng thanh niên tự nhận mình ở bên ngoài "giới tính nhị phân" đã khiến nhiều người và các tổ chức phải vật lộn để hiểu chúng ta đang ở đâu và đụng tới đó ra sao.
Chính vì thế, Charlie Camosy, giáo sư thần học và đạo đức xã hội của Đại Học Fordham, đã nói chuyện với hai học giả hàng đầu về phái tính, giới tính và những gì đang xảy ra trên toàn xã hội và thực hành y tế.
Abigail Favale, Ph.D., là một nhà văn và giáo sư tại Viện McGrath về Đời sống Giáo hội tại Đại học Notre Dame. Một người trở lại Công Giáo với hậu cảnh học thuật về nghiên cứu phái tính, Favale là một nhà văn và diễn giả thường xuyên về các chủ đề liên quan đến phụ nữ và phái tính theo quan điểm Công Giáo. Cuốn sách mới nhất của bà “The Genesis of Gender: A Christian Theory”, được phát hành vào tháng 6.
John Grabowski, Ph.D. đã giảng dạy thần học luân lý tại Đại học Công Giáo America trong 31 năm qua, chuyên về nhân chủng thần học, đạo đức học nhân đức, hôn nhân và tính dục. Cuốn sách mới nhất của ông, “Unravelling Gender: The Battle over Sexual Difference” đã được xuất bản hồi tháng 3.
Trong phần đầu của cuộc phỏng vấn hai phần này, Favale và Grabowski khảo sát các vấn đề liên quan đến phái tính và giới tính, và hỏi làm thế nào chúng ta hiểu được một vấn đề bỗng nhiên gây hỏa mù và chính nó cũng hết sức hỏa mù.
Trong phần thứ hai, họ sẽ thảo luận về những thách thức mục vụ đối với Giáo hội do những vấn đề đó trình bày.
Hỏi: Chúng ta sẽ đi đến những hiểu biết thông sáng về lý thuyết mà cả hai bạn sẽ cung cấp trong giây lát, nhưng trước tiên hãy bắt đầu với câu hỏi "chuyện gì đang xảy ra?" liên quan tới phái tính. Đâu là một số xu hướng quan trọng mà các bạn thấy có thể giúp chúng ta hiểu tầm quan trọng của vấn đề này?
Grabowski: Bắt đầu từ đâu?
Việc hiện nay chúng ta đang tách rời phái tính khỏi giới tính và cơ thể đã dẫn đến cảnh trăm hoa đua nở con số các phái tính, với các phương tiện truyền thông xã hội, những người nổi tiếng, học giả và các cơ quan pháp luật khác nhau công nhận hàng chục phái tính - Liên hiệp quốc đang xem xét việc thông qua các hiệp ước sẽ công nhận hơn 100 phái tính.
Cái mớ ý tưởng, mà Giáo hội gọi là “ý thức hệ phái tính” này, đã có những ảnh hưởng lan tỏa trong xã hội và văn hóa của chúng ta. Y học đã được kết nạp vào việc cố gắng sử dụng các thủ thuật hóa chất và phẫu thuật ác liệt để điều trị nỗi đau của chứng cảm thấy khó chịu về phái tính mà bằng chứng cho thấy chủ yếu chỉ là vấn đề tâm lý. Kết quả là người ta mang thẹo cả về thể chất, chẳng hạn như các thủ tục chuyển giới làm hủy hoại khả năng sinh sản ở cả nam và nữ, và thường là về mặt tâm lý, như những lời khai của những người hoàn giới [detransitioners] đã làm rõ một cách đau đớn.
Song song với những phát triển này là các chương trình và sáng kiến giáo dục (thí dụ: ngựa một sừng phái tính [gender unicorn] được sử dụng trong một số trường công lập hoặc 'thời gian kể chuyện đàn ông mặc quần áo đàn bà' [drag queen storytime] trong thư viện công cộng) nhằm truyền đạt cho trẻ em ý tưởng cho rằng giới tính là việc tự lựa chọn và phức tạp chứ không có tính nhị phân ổn định.
Ngôn ngữ hàng ngày gây lo âu khi mọi người tranh cãi về tên và đại danh từ và có thể phải đương đầu với sự tẩy chay của xã hội hoặc thậm chí hình phạt hình sự nếu cố tình "gán phái tính sai" cho người khác. Tất cả chúng ta đều đã thấy hình ảnh những người đàn ông sinh học được xác định là phụ nữ chuyển giới đang gây trở ngại cho các phụ nữ sinh học trên bục chiến thắng trong môn điền kinh dành cho phụ nữ.
Đáng lo ngại hơn nữa là mối đe dọa đối với sự an toàn và không gian cá nhân của phụ nữ trong các cơ sở công cộng như phòng vệ sinh, phòng thay đồ hoặc nhà tù vì họ buộc phải chia sẻ những không gian này với những người đàn ông sinh học xác định là chuyển giới hoặc những kẻ săn mồi giả dạng như vậy.
Với tất cả những điều này, rõ ràng là những lời cảnh cáo lặp đi lặp lại của Giáo hội trong những thập niên gần đây không hề chỉ là cường điệu.
Favale: Một xu hướng quan trọng cần theo dõi là các yếu tố nhân khẩu học đang thay đổi nhanh chóng.
Về phương diện lịch sử, việc chuyển đổi phái tính là một hiện tượng hiếm hoi và phần lớn nam giới trung niên tìm cách xác định lại giới tính. Trong thập niên vừa qua, nhân khẩu học này đã thay đổi theo hai cách: hiện nay, nữ giới đang tìm cách điều trị tại các phòng chuyển phái tính nhiều hơn nam giới và độ tuổi trung bình đã giảm mạnh xuống cuối tuổi thiếu niên.
Hơn nữa, số người tìm cách điều trị chứng khó chịu đối với phái tính đã tăng vọt - đặc biệt là ở những người trẻ tuổi.
Thí dụ, ở Anh, số người trẻ muốn chuyển đổi phái tính đã tăng gần 1,900% từ năm 2010 đến năm 2020. Ở Mỹ, một nghiên cứu năm 2022 của Viện Williams cho thấy 43% những người được chuyển đổi phái tính ở Hoa Kỳ là dưới 25 tuổi và việc chuyển phái tính ở nhóm tuổi này đã tăng gấp đôi kể từ báo cáo cuối cùng của họ, được công bố vào năm 2017. Tân Tây Lan, Phần Lan, Gia Nã Đại và Hòa Lan đã ghi nhận mức độ gia tăng tương tự về chứng khó chịu đối với phái tính và / hoặc chuyển đổi phái tính ở những người trẻ tuổi, vì vậy đây là một mô hình nhất quán khắp phương Tây.
Chúng ta cũng đang chứng kiến những thay đổi lớn trong các phương pháp điều trị, những phương pháp không dựa vào bằng chứng khoa học có phẩm chất cao.
Có một lượng đáng kể tài liệu lưu hành đã lâu cho thấy tỷ lệ cao của việc ngưng chứng khó chịu phái tính phát sinh lúc thơ ấu. Nói cách khác, hầu hết trẻ em (khoảng 80 %) từng trải nghiệm chứng khó chịu phái tính đã hết chứng này lúc trưởng thành. Do đó, phương thức “cảnh giác chờ đợi” và không dùng thuốc đã được hầu hết các tổ chức tâm lý và y tế ưa chuộng, cho đến gần đây.
Xin đơn cử một thí dụ: vào năm 2009, các hướng dẫn của Hiệp hội Nội tiết [Endocrine Society] không khuyến khích ức chế ở tuổi dậy thì và kích thích tố xuyên giới tính cho thanh niên, dựa vào tỷ lệ ngưng chứng khó chịu phái tính. Vào năm 2017, họ đã ban hành hướng dẫn mới buộc phải áp dụng các phương pháp điều trị y khoa “khẳng định phái tính”.
Điều chủ yếu cần phải hiểu là chưa có nghiên cứu đột phá, phẩm chất cao nào thúc đẩy sự thay đổi lớn lao này. Các bằng chứng ủng hộ việc y khoa hóa những người trẻ mắc chứng khó chịu phái tính rất thưa thớt và chất lượng thấp, và các hệ luận dài hạn vẫn chưa được hiểu rõ.
Một cách đáng khích lệ là các nước châu Âu đang bắt đầu thừa nhận điều này.
Vào năm 2022, một cơ quan giám sát của chính phủ Thụy Điển đã tiến hành xem xét một cách có hệ thống tất cả các bằng chứng hiện có và kết luận rằng những lợi ích được cho là của các biện pháp can thiệp kích thích tố đối với thanh thiếu niên không lớn hơn những rủi ro đã biết. Đáp lại, Thụy Điển - quốc gia tiên phong tiến bộ trong việc khẳng định phái tính - hiện đang ưu tiên hóa các can thiệp trị liệu tâm lý hơn là kích thích tố.
Các chỉnh sửa diễn trình tương tự đang diễn ra trên khắp Châu Âu, ở Phần Lan, Pháp và Anh. Báo cáo của Thụy Điển cũng ghi nhận ngày càng có nhiều người hoàn phái tính — những người bắt đầu con đường chuyển phái tính bằng y khoa nhưng sau đó thay đổi ý định, thường để lại những tổn thương thể lý không thể sửa chữa.
Đây là một xu hướng khác cần theo dõi, một xu hướng hy vọng sẽ thúc đẩy một làn sóng kiện cáo để phản ứng lại điều thực sự là một vụ tai tiếng y khoa.
Hỏi: Hai trong số những phản ứng phổ biến nhất đối với những người nói rõ những mối quan tâm này là:
- "Đây là những phản ứng thái quá không căn cứ vào sự kiện của những ông bà hủ lậu bảo thủ, những người cần hòa nhập với thời đại."
- “Nếu bạn không lớn tiếng đưa ra phản ứng mạnh mẽ về việc khẳng định phái tính thì bạn đang ‘giết người chuyển giới theo nghĩa đen.’” Các bạn phản ứng thế nào với những ý kiến đó?
Favale: Chà, công bằng mà nói, đã có một số phản ứng thái quá từ phe bảo thủ.
Nhưng không phải tất cả những lời phê bình đối với mô hình khẳng định không nghi ngờ đều phát xuất từ những người bảo thủ, và những lời phê bình tốt nhất là những lời phê bình dựa trên sự kiện.
Thụy Điển khó có thể bị bác bỏ là một quốc gia hủ lậu, tân bảo thủ và, như tôi đã lưu ý ở trên, sự thay đổi trong giao thức của họ hoàn toàn dựa trên những gì họ thấy trên thực tế và trong các tài liệu khoa học.
Đây là khoảnh khắc “chim hoàng yến trong mỏ than” [*] và lợi ích tốt nhất của Mỹ là chú ý đến những gì đang xảy ra ở châu Âu, bởi vì họ đã vào con đường này sâu hơn so với chúng ta.
Ngoài ra, có một số người lớn chuyển đổi phái tính, như Buck Angel và Scott Newgent, đang gây lo ngại về việc y khoa hóa trẻ em. Cũng có những nhà phê bình thiên tả, như Andrew Sullivan, lên tiếng.
Theo kinh nghiệm của tôi, những người bác bỏ những lời phê bình và câu hỏi có suy nghĩ không quen với những bằng chứng mỏng manh, hạn chế hỗ trợ các phương pháp điều trị thử nghiệm và quyết liệt này. Trước đó tôi đã đề cập đến tỷ lệ hoàn giới cao của chứng khó chịu phái tính khởi phát từ lúc còn nhỏ; có một thông tin bổ sung, đó là một số trẻ em này lớn lên trở thành đồng tính nam. Nhiều người đồng tính lớn tuổi biểu lộ hành vi không phù hợp phái tính lúc thơ ấu. Vì vậy, ngày càng có nhiều lo ngại rằng chúng ta đang triệt sản và y khoa hóa các người trẻ đồng tính một cách không cần thiết.
Có cơ sở rõ ràng và không có gì tranh cãi, là thanh thiếu niên LGBT + có nguy cơ mắc nhiều bệnh tâm thần cùng một lúc và tự tử cao hơn. Tuy nhiên, điều chưa có cơ sở rõ ràng là con đường y khoa là một phương thuốc chữa bách bệnh.
Thực thế, chỉ có cuộc nghiên cứu dài hạn dựa trên dân số mà chúng ta có mới cho thấy tự tử tăng gấp 19 lần sau các thủ tục xác định lại giới tính — và điều này phát xuất từ Thụy Điển, một xã hội rất “khẳng định phái tính”.
Vì vậy, câu chuyện “hãy cho-trẻ-em-kích-thích-tố-hoặc-chúng sẽ-tự sát” không những chưa được chứng minh; nó còn nguy hiểm nữa. Nó có khả năng trở thành một lời tiên tri tự ứng nghiệm và không nên tùy tiện phao tin về nó. Điểm mấu chốt là chúng ta chưa có nền tảng khoa học tốt nào trong lĩnh vực này, nhưng chúng ta đã đi trước một cách phi mã với các liệu pháp thử nghiệm đầy rủi ro trên trẻ em.
Các cô gái ở độ tuổi mười ba đang giải phẫu cả hai vú. Các thiếu niên có thể đi thẳng vào phòng khám của Planned Parenthood và bắt đầu sử dụng kích thích tố chuyển giới trên cơ sở có sự thuận ý hiểu biết, mà không cần sự giám sát của bác sĩ.
Điều khôn ngoan là nêu lên các câu hỏi, để thúc giục việc cẩn trọng. Thật không may, các ý kiến trong lĩnh vực này dường như được định hình nhiều hơn bởi chủ nghĩa bộ lạc chính trị phân cực hơn là một duyệt xét vô tư có tính khoa học hợp lý.
Grabowski: Đây là những lý lẽ mạnh mẽ, giàu cảm xúc thường được triển khai để làm im bặt các câu hỏi chỉ trích hoặc những quan điểm bất đồng.
Tuy nhiên, họ không nắm vững các dữ kiện hiện có hoặc sự điều tra tỉ mỉ hợp lý.
Có bằng chứng đáng kể cho thấy các thủ thuật chuyển đổi dùng hóa chất và phẫu thuật đơn giản không phải là y khoa tốt, dựa trên kết quả của những bệnh nhân đã trải qua các thủ thuật này. Chúng ta chỉ mới bắt đầu nghiên cứu và hiểu các hiệu quả lâu dài về tâm sinh lý của các thủ thuật này.
Sử dụng thuốc chặn tuổi dậy thì [puberty blocker] từng được liên kết với việc mất mật độ xương [bone density], tăng trưởng còi cọc, vô sinh và kém phát triển của mô sinh dục (Mayo Clinic, 2022; Carmichael và cộng sự, trang 40). Ngay các chương trình hỗ trợ các thủ thuật chuyển giới cũng thừa nhận các tác dụng phụ có thể gây ra của liệu pháp chuyển giới dùng kích thích tố, từ giảm chức năng tình dục, đau vùng chậu và vô sinh, đến các vấn đề tim mạch như tăng huyết áp, và tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim và đột quỵ.
Thực tế là một số phòng khám và những người ủng hộ đang quảng cáo thuốc chặn dậy thì và kích thích tố chuyển giới cho trẻ em ở độ tuổi mỗi ngày một nhỏ hơn có nghĩa là chúng ta, theo nghĩa đen, đang tham gia vào việc thử nghiệm y khoa trên trẻ em mà không có ý thức rõ ràng về những rủi ro lâu dài và không có sự đồng ý có hiểu biết của các em.
Điều này đã bất chấp thực tế, như Abby đã đề cập, phần lớn trẻ em khó chịu về phái tính (khoảng 85% theo các nhà nghiên cứu) sẽ thoát khỏi tình trạng này mà không cần hoặc không có sự can thiệp nào.
Các tài liệu khoa học hiện có không ủng hộ chủ trương cho rằng các thủ thuật chuyển giới có lợi cho bệnh nhân.
Vào năm 2016, Trung tâm Dịch vụ Medicare & Medicaid của chính phủ Obama đã xuất bản một bản ghi nhớ kết luận rằng, dựa trên các nghiên cứu hiện có, không có bằng chứng về “những thay đổi đáng kể về mặt lâm sàng” sau các thủ thuật chuyển đổi giới tính.
Trên thực tế, giống như Abby, tài liệu đó nhắc đến một trong những nghiên cứu lớn nhất và vững vàng nhất về phương diện khoa học cho đến nay, do Viện Karolinska và Đại học Gothenburg ở Thụy Điển thực hiện, cho thấy tỷ lệ tự tử ở những người chuyển giới hoàn toàn cao hơn 19 lần so với dân số nói chung.
Con số này được điều chỉnh để tính đến bệnh tâm thần trước đó và được thực hiện trong một nền văn hóa rõ ràng “thân thiện với người chuyển giới”. Dữ liệu khoa học phong phú này có thể được cá nhân hóa và tạo ra khuôn mặt và giọng nói nhân bản bằng cách lắng nghe lời khai của những người đã từng hoàn giới sau khi nhận ra rằng ngoại hình được chỉnh sửa lại của họ không điều trị được nguồn gốc thực sự của nỗi đau tâm lý của họ.
Trước các bằng chứng hiện có, việc gọi các thủ thuật này là “chăm sóc thân thiện với người chuyển giới” dường như là một sự đảo ngược ngôn ngữ kiểu Orwell, che đậy việc lạm dụng thuốc.
Những người xác định là chuyển giới xứng đáng nhận được lòng cảm thương và sự chăm sóc y tế dựa trên bằng chứng có thể giúp họ phát triển về thể chất và tâm lý. Các biện pháp can thiệp hóa chất và phẫu thuật khắt khe không cung cấp những điều đó.
Hỏi: Chúng ta đã tới điểm này cách nào? Những lực lượng lịch sử, văn hóa và triết học nào đã đưa chúng ta đến đây?
Grabowski:
Trong cuốn sách, tôi đã trình bày một số điều về sự pha trộn độc hại của các nền triết học hiện đại vốn giúp hình thành ý thức hệ này, chẳng hạn như việc xóa bỏ bản chất con người và gia đình do chủ nghĩa hiện sinh, chủ nghĩa hậu hiện đại và chủ nghĩa Mác gây ra.
Những điều này đã có ảnh hưởng rộng rãi trong nền văn hóa của chúng ta, nơi mà gia đình và bản sắc cá nhân đã bị phá vỡ bởi những thay đổi có tính địa chấn của Cách mạng Kỹ nghệ, Cách mạng Tình dục và Cuộc cách mạng Kỹ thuật đang diễn ra xung quanh chúng ta.
Để làm nổi bật tác động của một vài trong số những bất ổn văn hóa này, các kỹ thuật ngừa thai hiện đại (chúng chính là nhiên liệu phản lực của Cách mạng Tình dục) đã loại bỏ khả năng sinh sản vốn nằm ở trung tâm của sự khác biệt giới tính khỏi cả hôn nhân lẫn bản thân, khiến cơ thể không còn telos [cùng đích].
Thêm vào đó, việc kỹ thuật số hóa căn tính trong thế giới trực tuyến của chúng ta giúp bảo đảm ý tưởng cho rằng cơ thể chỉ đơn giản là một màn hình để chiếu căn tính lên trên. Nếu cảm thức về bản sắc cá nhân và cơ thể không phù hợp, nó có thể bị phá bỏ bằng quá trình chuyển giới bằng hóa chất và phẫu thuật.
Tất cả những điều này góp phần vào việc lặp đi lặp lại thuyết Ngộ đạo cổ xưa chỉ thấy trong thế kỷ 21. Ý thức hệ phái tính có mục đích cung cấp một loại cứu rỗi thế gian này bằng cách khuất phục cơ thể và “giới tính được chỉ định khi sinh ra” để phát biểu một phái tính tự chỉ định cho chính mình.
Favale:
Tôi nghĩ rằng điều quan trọng là phải chống lại một câu chuyện "chỉ thế thôi" để giải thích một hiện tượng rất phức tạp. Nói thế rồi, một nhân tố nổi bật đã và hiện còn là một cuộc cách mạng hai mặt trong trí tưởng tượng văn hóa và điều kiện vật chất của chúng ta: cuộc cách mạng khái niệm và cuộc cách mạng ngừa thai. Đây là câu chuyện tôi vạch ra trong cuốn “The Genesis of Gender” [Khởi nguyên của Phái tính] của tôi.
Đầu tiên, cuộc cách mạng khái niệm: trước những năm 1950, “phái tính” là một hạn từ ngôn ngữ học được nhà tâm lý học John Money mượn để giải thích giả thuyết của ông về căn tính của chúng ta như con trai và con gái được xây dựng hoàn toàn về mặt xã hội trong những năm đầu đời. Ông đã phân biệt giữa “phái tính”, là một cơ cấu xã hội và “giới tính”, là một cơ cấu sinh học.
Các nhà duy nữ làn sóng thứ hai bám vào sự phân biệt giới tính / phái tính này, và vào những năm 1970, thuật ngữ này đã trở nên phổ biến trong các khoa học xã hội và nhân văn. Trong chủ nghĩa duy nữ làn sóng thứ ba, nhà lý thuyết hậu hiện đại Judith Butler cho rằng bản thân giới tính, chứ không phải chỉ giới tính, là một cơ cấu xã hội - tất cả các nỗ lực phân loại hoặc thêm ý nghĩa cho các đặc điểm sinh học căn bản là vấn đề quyền lực xã hội hơn là kiến thức.
Qua các phiên bản phổ biến của các lý thuyết của Butler, ý niệm giới tính nhị phân đã bị thách thức và bây giờ chúng ta gặp một sự đảo ngược kỳ lạ: "phái tính", được định nghĩa như một cảm thức của người ta về bản thân mình như đàn bà / đàn ông / không phải là đàn ông hay đàn bà, được coi là bẩm sinh và có thật, trong khi “giới tính” được xem như một cấu trúc hay hư cấu có thể thay đổi được.
Cuộc cách mạng khái niệm này diễn ra song song với việc chấp nhận và sử dụng các biện pháp ngừa thai rộng rãi. Cuộc cách mạng ngừa thai này đã thay đổi đáng kể các thực hành, chuẩn mực, kỳ vọng về tình dục của chúng ta — và quan trọng nhất, chúng ta có cái hiểu chung này là “đàn bà” và “đàn ông” trong căn bản được định nghĩa bằng tiềm năng sinh sản bẩm sinh. Chúng ta đã đánh mất nhận thức bản năng ấy về nam và nữ như các phương thức sinh sản khác biệt — thay vào đó, phái tính là về ngoại hình, phát biểu và vai trò xã hội. Tôi lập luận trong sách của tôi rằng cuộc cách mạng hai mặt này đã đưa chúng ta đến điểm hiện nay.
Các nhân tố quan trọng khác thúc đẩy hiện tượng chuyển giới bao gồm môi trường trực tuyến ba chiều [immersive] và vô thân [disembodied] của nền văn hóa tuổi trẻ phương Tây, nơi căn tính có thể dễ dàng thay đổi, và cả ảnh hưởng tràn lan của văn hóa khiêu dâm đối với quan niệm của chúng ta về ý nghĩa của việc là đàn ông đàn bà và của cơ thể có giới tính của chúng ta.
Hỏi: Sự gia tăng dữ dội của con số người trẻ tự xác định là LGBT + hoặc đồng tính nói chung và chuyển giới nói riêng, không thể giải thích bằng xu hướng học thuật, đúng không? Hay có thể? Các bạn có thể nói thêm về những gì các bạn nghĩ đang diễn ra với những người trẻ tuổi và các nhóm đồng lứa của họ?
Grabowski:
Tôi không nghĩ rằng có một nhân tố đơn nhất nào giải thích được toàn bộ hiện tượng này. Một phần của vấn đề có thể là sự chấp nhận lớn hơn của xã hội đối với những người tự xác định là LGBTQIA + trong xã hội của chúng ta, đặc biệt là ở phía xa của các phán quyết Obergefell và Bostock, những phán quyết dường như đã thêm sức mạnh pháp luật cho sự trôi dạt của các xu hướng văn hóa của chúng ta trong những thập niên gần đây.
Điều này cùng với việc tháo kết khả năng sinh sản khỏi hôn nhân và cơ thể do nền văn hóa phương Tây và việc kỹ thuật số hóa căn tính đã cổ vũ các phương tiện ngừa thai, làm cho những người trẻ tuổi không còn trọng tâm cho căn tính của họ nữa. Tôi cũng nghĩ rằng có thể có một số lực lượng khác nhau đang làm việc khi nói đến sự hấp dẫn tình dục (nghĩa là những người tự mô tả mình như LBG) chống lại bản sắc (T +). Cả hai rõ ràng có liên hệ nhưng khác biệt.
Đặc biệt đối với những người tự xem mình là người chuyển giới, không phải nhị phân, phái tính lỏng hoặc phái tính kỳ dị, có những nhân tố bổ sung hoạt động. Dường như có một điều gì đó giống như một tác động xã hội lây lan của ý thức hệ phái tính, nhất là đối với những người trẻ đang đấu tranh với căn tính của họ vì những lý do khác ngoài sự không hợp về phái tính.
Chúng ta thấy sự gia tăng rõ rệt kiểu lên căn tính này ở các thiếu niên và thanh niên, những người trước đây không có dấu hiệu cảm thấy khó chịu về phái tính khi còn nhỏ. Dường như phần lớn điều này là kết quả của việc tiếp xúc với ý thức hệ phái tính thông qua các nhóm đồng lứa và các nguồn trực tuyến. Tên lâm sàng của hiện tượng này là “chứng khó chịu phái tính khởi phát nhanh chóng” và chúng ta chỉ mới bắt đầu hiểu về nó.
Favale:
Tuổi thiếu niên là khoảng thời gian đầy sóng gió và khó khăn đối với hầu hết mọi người.
Cơ thể của bạn đang thay đổi nhanh chóng; bạn đang cưỡi một cơn sóng thần kích thích tố; bạn đang phát triển một căn tính dị biệt hóa với cha mẹ mình, thường bằng cách thử nghiệm và vượt qua ranh giới.
Tuổi thiếu niên cũng là một giai đoạn phát triển khi các mối quan hệ đồng trang đồng lứa trở nên quan trọng và có ảnh hưởng lớn. Ngoài ra, chúng ta cũng đang chứng kiến cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần ngày càng gia tăng ở những người trưởng thành trẻ tuổi. Tôi tin rằng nền văn hóa của chúng ta hiện đang phản ứng với một loại tức giận và đau khổ phức tạp ở tuổi thiếu niên đối với một khuôn khổ giản lược thô sơ: “Cơ thể của bạn là điều sai trái với bạn; đó là lý do tại sao bạn đau đớn, đó là lý do tại sao bạn cảm thấy khác biệt. Nếu sửa được thân xác bạn, bạn sẽ hạnh phúc”. Đó là một câu chuyện cực kỳ hấp dẫn - nhưng nó không phải là một câu chuyện hay, và cuối cùng sẽ gây ra nhiều đau khổ hơn.
Ở một khía cạnh nào đó, hiện tượng này giống các bệnh truyền nhiễm xã hội khác: hãy nghĩ đến sự gia tăng của chứng rối loạn ăn uống vào cuối những năm 80-90, dịch bệnh tự làm hại mình đầu những năm 2000. Điều mới — và nguy hiểm -– về sự lây lan này là nó đang được những người lớn có trách nhiệm và các nhân vật có thẩm quyền (cha mẹ, giáo viên, bác sĩ, nhà trị liệu) dung túng và kích hoạt.
Hãy tưởng tượng một bác sĩ kê toa thuốc kiêng ăn hoặc phẫu thuật để điều trị chứng biếng ăn. Hãy tưởng tượng một nhà trị liệu cung cấp các mách nước và chiến lược về cách cắt giảm mà không bao giờ cố gắng khám phá những gì có thể là gốc rễ của sự đau khổ. Khuôn khổ khẳng định phái tính này đã đặt tên lại cho việc tự làm hại bản thân là tự chăm sóc bản thân.
Tôi cũng nghĩ rằng có một cuộc phản kháng vô thức đang diễn ra, một cuộc nổi loạn chống lại những kịch bản độc hại về việc một người đàn ông nghĩa là gì, một người đàn bà nghĩa là gì.
Càng ngày, những kịch bản này càng được định hình bởi việc siêu tình dục khiêu dâm hóa của nền văn hóa của chúng ta. Thanh niên tiếp xúc với văn hóa khiêu dâm ở lứa tuổi rất trẻ. Hãy nghĩ tới những gì đang dạy họ. Không có gì lạ khi rất nhiều phụ nữ trẻ muốn từ chối làm phụ nữ, nếu đây là điều hình như là - bị thống trị, bị khai thác, bị biến thành đồ vật.
Ngược lại, trong một số lời kể ở ngôi thứ nhất của những người đàn ông hoàn giới, tôi nghe mộc cuộc chạy trốn song song khỏi tư cách nam giới. Ai còn muốn lớn lên trở thành một người đàn ông, nếu nam tính có tính độc hại và chuyên săn mồi?
Chúng ta đang rất cần những trình thuật tích cực về những gì nó trông như thể để phát triển như một người đàn ông hoặc một một người đàn bà, những trình thuật chống lại những định kiến và chỉ ra những cách đa dạng để sống thực tình dục của mình một cách có ý nghĩa ở trên đời.
___________________________________________________________________
[*] “Canary in the coal mine” thợ mỏ đem chim hoàng yến xuống hầm mỏ để nếu có hơi độc, hoàng yến chết trước và nhờ đó, thợ mỏ thoát nạn.
Kỳ sau: Phần II cuộc phỏng vấn