Truyền thống Trí thức Công Giáo trong Thế kỷ Hai mươi



Nguyên tác: A Deeper Vision, The Catholic Intellectual Tradition in the Twentieth Century

của Robert Royal


Dẫn nhập (tiếp theo)

Các nghịch lý khác nữa

Trong số những nghịch lý kỳ lạ của thế kỷ, Giáo hội cố kết với nhau hơn và được xác định rõ hơn khi phải đối đầu với những mối đe dọa lớn, đặc biệt là các ý thức hệ như Chủ nghĩa Cộng sản, Chủ nghĩa Quốc xã và Chủ nghĩa Phát xít. Khi những đối thủ đó biến mất, Công Giáo dường như mất đi bản sắc và trở nên không thể phân biệt được với các hoạt động từ thiện hiện đại khác. Chẳng hạn, một triệu chứng của hiện tượng này là Công Giáo đã thành công trong việc chống lại Liên Xô, nhưng gặp khó khăn hơn trong việc giành được sự ủng hộ đối với các xã hội cởi mở của phương Tây. Như triết gia người Anh Elizabeth Anscombe, dịch giả và thông dịch viên lỗi lạc của nhà tư tưởng hiện đại vĩ đại Ludwig Wittgenstein, đã nhận xét khi kết thúc bài biện hộ mạnh mẽ cho giáo huấn của giáo hoàng về tính dục: “Giáo huấn mà tôi đã thi hành thực sự đi ngược lại với bản chất của thế giới, chống lại chiều hướng của thời đại chúng ta. Nhưng xét cho cùng, đó là mục đích của Giáo hội trong tư cách thầy dạy. Những sự thật có thể chấp nhận được vào một thời điểm nào đó—chẳng hạn như chúng ta mắc nợ công lý phải cung cấp những thứ dư thừa của chúng ta cho những người cơ cực và đói khát—những sự thật này sẽ không chỉ được Giáo hội công bố: Giáo hội còn dạy những sự thật bị coi là đáng ghét đối với tinh thần của một thời đại.” (9) Nhưng những tiếng nói như vậy, đặc biệt là trong số các nhà tư tưởng Công Giáo thuộc đẳng cấp thế giới, ngày càng trở nên hiếm hoi khi thế kỷ 20 trôi qua.

Thay vào đó, sau Công đồng Vatican II, một rừng rậm các luồng tư tưởng đa dạng xuất hiện trong giới học thuật Công Giáo, mà dường như ngày càng hoạt động giống như các đối tác thế tục của họ tại các cơ sở giáo dục đại học phi Công Giáo. Điều này rõ ràng đã dựng nên một rào ngăn trí thức tại nhiều trường cao đẳng và đại học này. Nhưng nó cũng làm cho khó hiểu hơn đâu là lối suy nghĩ đặc trưng Công Giáo trong nhiều lĩnh vực khác nhau, mặc dù nền tảng siêu hình và đạo đức nơi Augustinô, Tôma Aquinô, và những nhân vật vĩ đại khác vẫn còn đâu đó ở phía sau. Các chuyên gia trong các lĩnh vực khác nhau giờ đây hiếm khi có thời gian để xem xét sâu sắc công việc của những đồng nghiệp theo đuổi các phương thức tư duy khác, và do đó, công việc của họ giống như những chuyên ngành “trí thức” bị cô lập - theo nghĩa xấu mà Péguy đã xác định. Trong thế kỷ 21, không có gì là bất thường khi thấy một nhà thần học Công Giáo được đào tạo trong một trường phái tư tưởng thậm chí biết rất ít về các trào lưu thần học Công Giáo khác, chứ đừng nói đến những thành tựu nghệ thuật hoặc văn học của người Công Giáo đương thời. Và ngược lại.

Biện minh cho cuốn sách này

Nếu có bất cứ lời biện minh nào cho việc một người đơn nhất cố gắng bao trùm các lĩnh vực khác nhau được đề cập trong tập sách này—và theo cách được ngỏ với những người không phải là chuyên gia—thì nó nằm ở sự kiện đơn giản này là không ai cố gắng tập hợp các xu hướng chính từng tạo nên truyền thống trí thức Công Giáo hiện đại. Có lẽ lý do chính mà ngày nay truyền thống trí thức Công Giáo hầu như không được thừa nhận là vì nó đã trở nên quá lớn để có thể nắm bắt dễ dàng. Nhưng tôi tin rằng đó không phải là một nhiệm vụ bất khả để có một cái nhìn khái quát về các nguyên tắc chính được tư tưởng Công Giáo soi sáng, trong một số giới hạn rõ nét.

Tôi hoàn toàn nhận thức được những nguy hiểm liên quan đến nỗ lực này. Cách đây vài năm, tôi đã hỏi một đồng nghiệp, một người không theo Công Giáo với bằng tiến sĩ triết học từ một trong những trường đại học danh tiếng nhất của tiểu bang, xem ông ấy nghĩ gì về cuốn A History of Philosophy của Cha Frederick Copleston, một thành tựu đồ sộ gồm mười một tập, hơn năm nghìn trang và là một dấu mốc của đời sống trí thức Công Giáo thế kỷ XX. Trước sự ngạc nhiên của tôi, ông ấy không có gì ngoài lời khen ngợi: “này, đó là thứ tốt nhất vượt trội ở đó. Và mọi người đều biết điều đó. Vấn đề duy nhất là mọi người cũng nghĩ rằng nó rất tuyệt - ngoại trừ trong lĩnh vực mà ông ta là chuyên gia. Nhưng các triết gia khác nhau rất nhiều ngay cả trong các trào lưu triết học đơn lẻ đến nỗi không phải lúc nào bạn cũng có thể khiến họ đồng ý về những nét khái quát trong tư tưởng của một triết gia. Ai khác có thể bao trùm rất nhiều lãnh vực một cách tốt đẹp như vậy?”

Tôi không ngu xuẩn đến mức mời gọi sự so sánh tập sách này với thành tựu cao chót vót của Cha Copleston. Một vài người bạn đã nghe nói về dự án, kể cả một số giám mục, cho rằng tôi sẽ tập hợp một loại bách khoa toàn thư nhiều tác giả nào đó, vì rõ ràng là không một người nào có thể khẳng định một cách hợp lý về kiến thức chuyên môn của mình ngay cả trong một chủ đề đơn nhất trong số các chủ đề mà các trang tiếp theo được dành cho. Cả đời cũng không đủ để hiểu một nhân vật như Hans Urs von Balthasar hay Karl Rahner, một trào lưu phức tạp như hiện tượng học hay chủ nghĩa Tôma hiện đại, hay sự phức tạp của văn học được viết bằng nhiều thứ tiếng bởi người Công Giáo trong thế kỷ vừa qua. Tôi khá ý thức về những thách thức này, chưa nói đến những giới hạn trong khả năng của chính tôi, có lẽ còn nhiều hơn những độc giả của tôi. Nhưng có một số lý do, nếu không muốn nói là các biện minh đầy đủ, cho một tác phẩm đầy tham vọng như tác phẩm này.

Để bắt đầu, như đồng nghiệp của tôi đã lưu ý, có giá trị thực sự trong một cuộc khảo sát về một lĩnh vực trí thức rộng lớn của một người đơn nhất. Các phần được viết bởi nhiều tác giả khác nhau chắc chắn sẽ xung đột với nhau— Những người theo thuyết Tôma với các nhà hiện tượng luận, những người theo thuyết Balthasar với những người theo thuyết Rahner—và có lẽ khiến độc giả không những chỉ có những cách giải thích mâu thuẫn mà còn có những nghi ngờ thực sự về cách các phần khác nhau ăn khớp với nhau ra sao theo tiêu chuẩn đánh giá của Công Giáo, nếu có. Tôi có ý kiến của mình và đôi khi có những đánh giá rõ nét về tài liệu được cung cấp ở đây, nhưng vì tôi không có chia chác chuyên môn gì trong nhiều cuộc xung đột này, nên tôi hy vọng mình đã cố gắng trình bày các quan điểm khác nhau theo cách chính xác và thiện cảm nhất có thể. Tôi đã cố gắng làm như thế bằng cách sử dụng ít ngôn ngữ kỹ thuật nhất có thể (mặc dù có một số chỗ không thể tránh khỏi) và với hy vọng ít nhất giải thích được tại sao những bộ óc vĩ đại được trình bày ở đây lại làm những gì họ đã làm. Đối với các chuyên gia trong mỗi lĩnh vực này, tôi xin nói trước rằng tôi nhận ra có rất nhiều điều để nói hơn những gì tôi đã sàng lọc. Nếu không có những giới hạn rõ ràng, một cuốn sách thuộc loại này sẽ nhanh chóng trở nên khó sử dụng và không thể đọc được—thực sự là không thể.

Nhưng trong khi tôi hy vọng sẽ trình bày một cách công bằng nhất có thể về các yếu tố khác nhau được đưa vào đây, tôi tin rằng tôi cũng đã trình bày chúng từ một quan điểm nhất định: quan điểm của một đạo Công Giáo được Công đồng Vatican II mở ra cho thế giới hiện đại—và các bước dẫn đến nó—nhưng là một bước có ý thức tìm cách khẳng định những gì là Công Giáo lâu dài và mạnh mẽ. Có một sự khác biệt lớn giữa một đạo Công Giáo tự tin—với truyền thống thần học, đạo đức và văn hóa phong phú của nó từ thời Trung Đông, Ai Cập cổ thời, và xa hơn nữa từ nguồn gốc Do Thái của nó, và từ việc nó chiếm hữu cách năng động sức mạnh văn hóa của Hy Lạp, Rôma, Bắc Âu, Châu Mỹ, Viễn Đông, và nhiều luồng tư tưởng hiện đại khác nhau—và một Đạo Công Giáo trong đó sự phong phú kia được xếp ngang hàng với việc dành ưu tiên cho những khoảnh khắc trong đó người ta tình cờ thấy mình rơi vào vì sức mạnh hoặc tính tất yếu biểu kiến của nó.

Hơn nữa, dù điều quan trọng là phải loại bỏ điều gì đúng và điều gì không đúng, nhưng có một giai đoạn hiểu biết sớm và cần thiết hơn về những gì đã xảy ra trước đó giúp mang lại cho chúng ta những câu hỏi sâu sắc hơn trong tính viên mãn của chúng. Như Aristốt đã từng nhận xét một cách khôn ngoan:

“Đối với những người muốn thoát khỏi những khó khăn, thì việc có lợi là thảo luận tốt về những khó khăn đó; vì hành động tự do suy nghĩ tiếp theo bao hàm giải pháp cho những khó khăn trước đó, và điều bất khả là tháo cái nút thắt mà người ta không biết gì về nó... Lẽ ra người ta nên khảo sát trước mọi khó khăn, cả vì những mục đích mà chúng tôi đã nêu ra lẫn bởi vì những người lên tiếng hỏi mà trước hết không nêu rõ những khó khăn thì giống như những người không biết họ phải đi đâu; bên cạnh đó, một người thậm chí không biết liệu họ có tìm được điều mà họ đang tìm kiếm hay không vào bất cứ thời điểm nào đó; vì mục đích không rõ ràng đối với một người như vậy, trong khi đối với người trước nhất thảo luận về những khó khăn thì điều đó khá rõ ràng. Hơn nữa, người đã nghe tất cả các tranh luận tranh chấp nhau, như thể họ là các bên trong một vụ án, hẳn ở vị trí tốt hơn để phán đoán.” (10)

Một trong những lý do khiến Aristốt được thẩm thấu vào tư tưởng Công Giáo là vì ông là người Công Giáo avant la lettre [trước khi có chữ Công Giáo], chính ở chỗ nhận ra tầm quan trọng của việc xem xét cách người khác tiếp cận các câu hỏi khác nhau trước khi chúng ta nỗ lực xem xét chúng.

Bất chấp các biểu kiến, Đạo Công Giáo đã nhiều lần quay trở lại thủ tục này và có khả năng sẽ làm lại như thế ngay vào lúc này. Như nhà sử học Công Giáo vĩ đại Christopher Dawson đã nhận xét trước cuộc khủng hoảng của thập niên 1960, nhưng với sự linh cảm của một nhà sử học về sự bấp bênh của nền văn hóa hiện đại: “Giáo hội với tư cách là một xã hội thiêng liêng sở hữu một nguyên tắc sống nội tại có khả năng hấp thụ các chất liệu đa dạng nhất và in hình ảnh của chính mình lên chúng. Chắc chắn trong dòng lịch sử, có những lúc năng lực tâm linh này tạm thời bị suy yếu hoặc bị che khuất, và lúc đó Giáo hội có xu hướng bị đánh giá là một tổ chức của con người và bị đồng nhất với những lỗi lầm và hạn chế của các thành viên. Nhưng luôn luôn sẽ đến lúc Giáo hội phục hồi được sức mạnh của mình và một lần nữa phát huy năng lực thiêng liêng vốn có của mình trong việc hoán cải các dân tộc mới và biến đổi các nền văn hóa cũ.” (11)

Nếu tôi phải phát biểu trong một câu duy nhất quan điểm mà các trang sau đây tiếp tục, thì đó là: một nền nhân học thần học dựa trên mô hình được Đức Gioan Phaolô II vạch ra một cách rộng rãi, nghĩa là, một quan điểm về con người và thế giới như chỉ có thể giải thích được một cách đầy đủ bằng các dữ kiện mặc khải, nhưng là một quan điểm cũng khẳng định sự nhấn mạnh hiện đại về quyền tự do nhân bản, quyền lương tâm và giá trị của lý trí. Quan điểm đó phải là điểm khởi đầu chung cho người Công Giáo ngày nay, ngay cả đối với những người có thể không đồng ý với Đức Gioan Phaolô II về những vấn đề chuyên biệt. Nói tóm lại, tôi hy vọng đã viết từ một viễn kiến về đức tin và lý trí—Fides et Ratio, mượn tiêu đề của một trong những thông điệp phong phú nhất của ngài— một điều vừa mang tính Công Giáo vừa có thể bảo vệ được về mặt trí thức. Cách tiếp cận này vừa bảo tồn tính cụ thể trong công trình của Thiên Chúa, như Péguy hiểu nó, vừa hiện đại theo cách nó tìm cách hiểu công trình đó.

Liên kết mật thiết với viễn kiến lớn hơn này là một câu hỏi quan trọng vẫn chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng và xuyên suốt tất cả các chương sau: Làm thế nào để Giáo Hội Công Giáo trong thế kỷ 21 tích hợp được sự nhấn mạnh mới của mình vào cộng đồng và nhận thức mục vụ với sự canh tân, không kém phần quan trọng và cấp bách, việc bảo vệ vững chắc các tín điều về đức tin và luân lý. Đạo Công Giáo không phải và chưa bao giờ chỉ là hoạt động từ thiện đơn thuần, và, như Anscombe đã lưu ý, nó không đúng với chính nó, trừ khi nó vừa xác định vừa công bố những chân lý của chính mình, những chân lý định hình ý nghĩa trọn vẹn của việc yêu mến Thiên Chúa và người lân cận. Không có những chân lý đó, Giáo hội trở thành một thứ gì đó giống như một bác sĩ giỏi cách thức giọn giường chiếu nhưng ít biết về y học. Giáo Hội có thể an ủi và mục vụ nhưng không thể thực sự chữa trị và cứu rỗi.

Bối cảnh hiện đại

Cuốn sách này không đi quá xa bên ngoài truyền thống trí thức Công Giáo (nhấn mạnh vào cả hai định tính) trong thế kỷ XX. Và theo thiết kế, nó không đề cập nhiều đến tư tưởng Công Giáo Mỹ, điều tôi hy vọng sẽ đề cập đến trong một tập khác. Tuy nhiên, trước khi bước vào lĩnh vực đó, một cuộc khảo sát ngắn gọn về thế giới trong đó truyền thống này hoạt động có thể hữu ích cho việc hiểu tại sao một số ý tưởng đã xuất hiện, vì tư tưởng không bao giờ nảy sinh trong một khoảng chân không trí thức thuần túy. Các đường hướng chung đã được biết đến. Ở các nước phát triển, chúng ta có xu hướng tập chú vào những tiến bộ đạt được trong việc tôn trọng quyền con người, nâng cao mức sống vật chất cho người dân, và phổ biến việc biết đọc biết viết - lần đầu tiên trong lịch sử loài người - cho phép hầu hết mọi người được là người chủ đạo tích cực trong cuộc sống của chính mình. Bất chấp các vấn đề xảy ra với mọi nỗ lực của con người, đây là những thành tựu thực sự đối với người Công Giáo và đối với bất cứ ai tin vào phẩm giá của tất cả mọi người, được tạo dựng “theo hình ảnh và họa ảnh Thiên Chúa”, và trong nhu cầu cổ vũ sự phát triển đích thực của con người.

Nhưng có một khía cạnh khác của câu chuyện mà người Công Giáo, có lẽ hơn hầu hết mọi người, nhận thức được một cách rất cụ thể. Sau Cách mạng Pháp, một cuộc cách mạng khi biến thành Khủng bố, đặc biệt đã bách hại và sát hại nhiều người vốn không tham gia việc duy trì trật tự quân chủ cũ, Giáo hội phải đối diện với một tình hình xã hội hoàn toàn mới. Hệ thống giáo hội nhà nước trước đây dần dần nhường chỗ cho các nền dân chủ thế tục mà tốt nhất cũng đã thờ ơ và tệ nhất là thù địch đối với tôn giáo. Pháp chỉ là sự khởi đầu. Nước Đức nhanh chóng chuyển từ một tập hợp các quyền tài phán sang sự thống nhất của Đế chế thứ hai (1871–1918), mà dưới thời Bismarck đã tiến hành Kulturkampf (“Chiến tranh Văn hóa”, 1871–1878) chống lại Giáo hội. Ở Ý, sự thống nhất quốc gia vào năm 1870 và sự biến mất của các Quốc gia Giáo hoàng khiến một số giáo hoàng tự coi mình là “tù nhân của Vatican”, tự áp đặt sự cô lập tại Thành phố Vatican, nơi mà chính phủ mới của Ý cho phép giáo hoàng giữ lại được. Tình hình không được hợp thức hóa cho đến triều giáo hoàng Piô XI và Hiệp định Lateranô năm 1929.

Và còn nhiều điều hơn nữa. Hiệp định Lateranô đã được đàm phán với chính phủ Phát xít của Mussolini, về một số khía cạnh đã gây ra nhiều rắc rối hơn cho Giáo hội sau các hiệp định so với trước đây, mặc dù Giáo hội hoạt động tương đối tự do ở Ý so với các phần còn lại của Châu Âu. Các đạo luật chống giáo sĩ ở Pháp được chính phủ xã hội chủ nghĩa của Émile Combes thông qua vào đầu những năm 1900 đã đóng cửa ít nhất mười nghìn trường học Công Giáo và các dòng tu bị đặt ra ngoài vòng pháp luật. Cuộc khủng hoảng của Đức giữa hai cuộc chiến tranh thế giới đã dẫn đến sự trỗi dậy của Adolf Hitler, kẻ đã tìm cách quét sạch người Do Thái ở châu Âu. Nhưng người ta thường quên rằng dù được dưỡng dục làm một tín đồ Công Giáo, nhưng Hitler cũng có ý định “đè bẹp Giáo hội như một con cóc”. Đế chế thứ ba rất sẵn lòng đe dọa, bỏ tù và sát hại các linh mục Công Giáo trong khi, hơn hai nghìn người trong số họ kết cục trong các trại lao động của Đức. Ở những nơi khác, đặc biệt là trong Nội chiến Tây Ban Nha, hầu hết các giám mục đều bị tàn sát cùng với toàn bộ tu viện, đan viện và chủng viện. Khi chủ nghĩa cộng sản đến các quốc gia Trung và Đông Âu sau Thế chiến thứ hai, Giáo hội ở các khu vực phần lớn Công Giáo như Slovakia, Ba Lan và Hung Gia Lợi, trong số những quốc gia khác, đã phải chịu đựng thêm một đợt bách hại nghiêm trọng và nhiều cái chết, cho đến khi có cuộc sụp đổ trong hòa bình cho hệ thống Xô Viết vào năm 1989. Cuộc đàn áp của cộng sản đối với người Công Giáo ở Trung Quốc, Việt Nam và Cuba vẫn tiếp diễn trong thiên niên kỷ mới. Trên nhiều mặt trận công khai, Đạo Công Giáo phải đối đầu với các cuộc tấn công trực tiếp và có vũ trang trong thế kỷ 20, chưa nói đến sự chống đối về trí thức và xã hội. Do đó, cần phải phân biệt khá kỹ những gì tốt và chưa tốt trong nền văn hóa hiện đại.

Như Đức Gioan Phaolô II đã nhấn mạnh, bản thân văn hóa đã trở thành một ảnh hưởng chính trong hậu bán thế kỷ 20 như có lẽ chưa từng có trước đây, một phần do sự suy tàn của nền văn hóa “cao cấp” và điều phải được mô tả một cách thẳng thắn là sự hạ thấp giá trị của nền văn hóa đại chúng, mà trước đó đã là một phương tiện cho một thế giới quan lành mạnh một cách hợp lý đối với đại chúng. Tiểu thuyết gia Mario Vargas Llosa, người đoạt giải Nobel Văn học năm 2010, đã lập luận rằng chúng ta đã đi đến điểm mà văn hóa hiện nay là phản văn hóa hoặc bị suy yếu đến mức hầu như không còn hiện hữu. (12) Cần phải nói thêm rằng một số chủ nghĩa duy khoa học—một niềm tin rằng các thí nghiệm thực nghiệm là nguồn duy nhất của kiến thức thực sự—cũng đã phá bỏ ngay cả một số yếu tố thế tục nhân đạo trong văn hóa. Như thể cả thế giới đã trở nên vỡ mộng, giống như Charles Ryder trong tiểu thuyết Brideshead Revisited của Evelyn Waugh, người chạy trốn khỏi gia đình Công Giáo Marchmain ở giữa cuốn tiểu thuyết đó, nói rằng, “Từ giờ trở đi, tôi sống trong một thế giới ba chiều—với sự trợ giúp của năm giác quan tôi." Ryder vội nói thêm: “Từ đó tôi học biết rằng không có thế giới như vậy.” (13) Nhưng nhiều người ở cuối thời hiện đại không chắc chắn như vậy, trong đó có một số không ít người Công Giáo.

Hình dạng cuốn sách này

Dàn ý của cuốn sách này rất đơn giản. Nó bắt đầu với một tường thuật về một số trào lưu chính trong triết học Công Giáo thế kỷ hai mươi. Điều này không phải là sự lựa chọn cá nhân mà là sự thật này: không có triết học thì không có thần học. Và không có thần học thì không có điều gọi là truyền thống trí thức Công Giáo. Khi Đức Gioan Phaolô II công bố thông điệp Fides et Ratio, chưa đầy hai năm trước khi bắt đầu thiên niên kỷ mới, ngài đã khẳng định một điều bắt nguồn trong truyền thống Công Giáo từ chính các sách Tin Mừng: cả đức tin lẫn lý trí đều cần thiết đối với cái hiểu Công Giáo về Thiên Chúa và thế giới của Người. Vì người Công Giáo tin rằng Thiên Chúa là Đấng tạo dựng nên mọi sự, nên chân lý của đức tin và chân lý của lý trí không thể mâu thuẫn với nhau, vì cuối cùng chúng quy về Đấng là Chân lý. Và sự thật cho phép có những cách tiếp cận khác nhau. Đức Gioan Phaolô II đã ca ngợi Thánh Tôma Aquinô như một hình mẫu về cách trở thành một nhà tư tưởng Công Giáo, nhưng ngài cũng nói rõ rằng Đạo Công Giáo không có nền triết lý chính thức nào. Trong quá trình chuyển dịch từ thuyết Tôma, chiếm ưu thế trong triết học Công Giáo trước Công đồng Vatican II, sang các triết thuyết khác mà sau này trở nên nổi bật hơn, chính Đức Giáo Hoàng—một người thực hành thuyết nhân vị và hiện tượng học—và Joseph Ratzinger—người kế vị của ngài (danh hiệu Bênêđictô XVI) và một người theo thuyết Augustinô. —là những thí dụ sống động về chủ nghĩa đa nguyên triết học nảy sinh trong Giáo hội. Những cái được và mất của sự thay đổi đó là một phần cốt truyện chính trong triết học Công Giáo thế kỷ hai mươi. Tuy nhiên, cuối cùng, Đạo Công Giáo về bản chất là một đức tin cần điều mà Đức Gioan Phaolô II gọi là “một triết lý thuộc phạm vi siêu hình thực sự” (Fides et Ratio, 83). Tái khám phá chiều kích đó giữa chủ nghĩa đa nguyên bên trong và chủ nghĩa hoài nghi và thuyết tương đối bên ngoài Công Giáo vẫn là một nhiệm vụ cấp bách đối với bất cứ đạo Công Giáo nào xứng đáng với tên gọi.

Tất nhiên, thần học cũng có quan hệ với một số khía cạnh văn hóa khác được xem xét ở đây. Thần học Công Giáo phụ thuộc vào một sự mặc khải trước đó. Như Aquinô nói, về mặt kỹ thuật, đó là một “khoa học đặc thù [subalternate science]”. Dữ kiện của nó là dữ kiện của mặc khải giống như dữ kiện của vật lý là những sự kiện mà chúng ta quan sát được trong thế giới thực nghiệm. “Ba hoặc bốn mầu nhiệm” mà Péguy đã nói không bao giờ có thể được thần học giải thích đầy đủ bởi vì theo định nghĩa, một mầu nhiệm không phải là một vấn đề có thể “giải đáp”. Đó là một điều gì đó được trình bày cho chúng ta và nằm ngoài khả năng nắm bắt đầy đủ của chúng ta. Người ta có thể phủ nhận, cho rằng mặc khải của Kitô giáo là không đúng hoặc thậm chí cho rằng việc thông đạt từ Thiên Chúa như vậy là điều không thể có — hoặc không thể hiểu được — đây là các tiền đề vô thần hoặc bất khả tri. Nhưng các phân biệt đúng đắn đã được thực hiện rằng đó không phải là lập trường của Công Giáo, và việc cẩn thận chú ý đến cả những sự thật mạc khải lẫn những sự thật mà lý trí có thể tiếp cận được trong yếu tính xác định ra nền thần học Công Giáo. Như Đức Gioan Phaolô II đã đề cập trong Fides et Ratio, cuộc đối thoại giữa đức tin và lý trí không bao giờ đi đến hồi kết. Cuộc đối thoại đó đã diễn ra như thế nào trong vài thập niên đầy biến động sau Công đồng Vatican II là một câu chuyện hấp dẫn và ít được biết đến.

Hơn nữa, sự phát triển của thần học Công Giáo không chỉ được hình thành bởi nỗ lực của các nhà thần học cá nhân đang nghiên cứu các vấn đề khác nhau. Nó cũng được hướng dẫn một cách đáng kể, và đôi khi gay gắt, bởi các tuyên bố có thẩm quyền từ huấn quyền, hoặc văn phòng giảng dạy của Giáo Hội. Đối với những người bên ngoài, điều này có vẻ giống như việc hoàn toàn tùy tiện sử dụng quyền lực để ngăn chặn suy nghĩ, gần giống với trường hợp sẽ xảy ra nếu một chính phủ thế tục cố gắng can thiệp vào công việc của một giáo sư nghiên cứu. Đã có những trường hợp trong lịch sử Giáo hội—đáng chú ý nhất là trường hợp của Galileo—khi Giáo hội để mình bị bóp méo và vượt quá thẩm quyền thích hợp của mình trong những vấn đề như vậy, như một đạo Công Giáo trọn vẹn hơn vốn hiểu. Và điều đó thật không may đã khiến một số người có thói quen nghi ngờ các tuyên bố có thẩm quyền khác của Giáo Hội. Nhưng những song hành với trường hợp thế tục không hoàn toàn phù hợp vì thần học Công Giáo coi là tài liệu nghiên cứu thích hợp của nó sự mặc khải tìm thấy trong Kinh thánh và truyền thống hiểu sự mặc khải đó (ngay cả khi nó nói thêm, với Aquinô, rằng “lập luận từ thẩm quyền dựa trên lý trí của con người” (14) là lập luận yếu nhất trong tất cả các lập luận).

Sau Công đồng Vatican II, Giáo hội đã trải qua một giai đoạn bắt kịp các nghiên cứu Kinh thánh hiện đại. Giáo Hội cũng có những lời chỉ trích và đóng góp hữu ích cho một phương pháp được phát triển ngoài phạm vi hoạt động của Giáo Hội. Đối với người Công Giáo, Mặc khải là một điều lớn hơn Kinh thánh: thực tại lịch sử của Israel và cuộc đời của Chúa Kitô và bằng chứng của truyền thống, ngoài chính các bản văn Kinh thánh, tất cả đều phải được đưa vào bất cứ sự hiểu biết nào của người Công Giáo về những gì Thiên Chúa đã làm. Nhưng vì việc nghiên cứu sách thánh đã trải qua một số giai đoạn cách mạng trong giới Công Giáo trong thế kỷ 20, nên những giai đoạn đó cũng cần được đề cập ở đây vì tác động đáng kể của chúng đối với cách các học giả trong các lĩnh vực khác nhau hiểu sự mặc khải đã xảy ra và cũng như cách họ tranh luận về vị trí của những quan điểm mới giành được trong lãnh vực thần học và triết học. Ngay trong thập niên thứ hai của thế kỷ XXI, diễn trình này vẫn chỉ ở giai đoạn đầu. Lịch sử, khảo cổ học, phê bình bản văn và các ngành khác đang chờ đợi sự tích hợp đầy đủ vào các lĩnh vực tư tưởng khác.

Đối với một giải trình Công Giáo về truyền thống trí thức Công Giáo trong thế kỷ XX, cũng cần phải nói điều gì đó về phụng vụ. Vì một nguyên tắc Công Giáo vững chắc là lex orandi, lex credendi [luật cầu là luật tin], những thay đổi trong các thực hành khác nhau phản ảnh rõ ràng một số thay đổi trước đó trong tư tưởng; tuy nhiên, người ta thường quên rằng chúng cũng tạo ra những thay đổi như vậy. Thí dụ, người ta thường nói rằng việc chuyển từ tiếng Latinh sang tiếng bản địa trong Thánh lễ, vốn không phải do Công đồng Vatican II bắt buộc một cách tình cờ, đã khiến giáo dân có quan niệm rằng nếu một điều cơ bản như Thánh lễ có thể thay đổi mạnh mẽ như vậy, thì bất cứ điều gì khác cũng có thể thay đổi như thế. Bất cứ người Công Giáo chân chính nào, theo chủ nghĩa truyền thống hay cấp tiến, đều phải nói rằng có điều gì đó không ổn trong thái độ đó. Nhưng có lẽ còn tồi tệ hơn thái độ này là sự mất đi tính mầu nhiệm và tính cao nhã, vốn cũng được mọi người thừa nhận, do các loại bản dịch tiếng bản ngữ mà chúng ta đã có. Một số ngôn ngữ— tiếng Ý chẳng hạn—dường như vẫn giữ được một số phẩm giá của nghi lễ cũ. Nhưng tiếng Anh thì khá tệ. Dù ý định của các dịch giả có là gì – và những nghi ngờ về ý thức hệ không phải là hoàn toàn không có cơ sở – thời đại của chúng ta không phải là thời đại tuyệt vời cho ngôn ngữ cao nhã. Phần lớn Thánh lễ tiếng Anh dao động giữa tầm thường và ủy mị, ngay cả sau “cải cách của cải cách” của Đức Bênêđictô XVI.

Một vấn đề tương tự đã len lỏi vào các bản dịch Kinh thánh đương thời. Điều không thể tránh khỏi và thậm chí cần thiết là những thành tựu thực sự của các học giả kinh thánh hiện đại được phản ảnh trong các bản dịch mới hơn. Nhưng chắc chắn cũng không thể tránh khỏi việc những bản dịch đó mặc dù tốt hơn theo quan điểm chính xác kỹ thuật (rất may bộ Kinh thánh Tin mừng [Good News Bibles] và các phiên bản cường điệu khác đã tự nhiên chết nhanh chóng), sẽ không chính xác đạt đến mức của bản Kinh thánh King James hoặc Lutheran xưa hoặc thậm chí cả bản dịch tiếng Anh Douay-Rheims có thể sử dụng được. Nhà thơ Công Giáo-Anh giáo vĩ đại T. S. Eliot đã nói về bộ New English Bible [Kinh thánh tiếng Anh mới] của Thệ phản, là bộ sử dụng “tính tương đương năng động” [dynamic equivalence] thay vì diễn giải chặt chẽ, rằng nó “gây kinh ngạc trong sự kết hợp giữa những điều thông tục, tầm thường và mô phạm”. (15. Người Công Giáo khá hơn một chút. Vào chính thời điểm khi Giáo Hội Công Giáo lần đầu tiên thực sự khuyến khích giáo dân tự đọc Kinh thánh và được truyền cảm hứng khi tiếp xúc trực tiếp với Lời hằng sống của Thiên Chúa, Giáo hội đã từ từ cung cấp các loại bản dịch có thể nâng cao tâm hồn và tâm trí của giáo dân có học. Phần mở đầu tuyệt đẹp của Thánh vịnh 23 được dịch một cách vụng về trong Kinh thánh Giêrusalem vốn được sử dụng rộng rãi: “Giavê là Đấng chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu bất cứ điều gì”. Ronald Knox, một người Anh rất có năng khiếu trở lại đạo, cũng lộn xộn: “Chúa là người chăn dắt tôi. Làm sao tôi có thể thiếu bất cứ điều gì được?” Bản Kinh Thánh Mới của Mỹ, xuất bản lần đầu tiên vào năm 1970 và sau đó, được duyệt lại, vào năm 1986, đã dịch đúng, “Chúa là Đấng chăn dắt tôi, tôi sẽ không thiếu thốn chi.” Nhưng khi ngay cả một trong những dòng nổi tiếng và được yêu thích nhất cũng bị đối xử không đồng đều như vậy, thì đó là dấu hiệu rõ ràng cho thấy một vấn đề rộng lớn hơn nhiều thuộc nền văn hóa đương thời và những ảnh hưởng của nó đối với những điều căn bản của niềm tin.

Một số phần chính của chủ đề trong các trang này có thể gợi lên óc hoài nghi. Những thứ như văn chương, văn hóa và nghiên cứu lịch sử có thực sự đóng vai trò trung tâm trong một truyền thống trí thức không? Tôi đã nghĩ như vậy trước khi bắt đầu viết, và việc tôi xem xét loại tác phẩm được tạo ra trong ba lĩnh vực này trong thế kỷ XX đã thuyết phục tôi hơn nữa. Một trong những chủ đề chính sẽ xuất hiện sau này trong bản văn là tình hình văn hóa của một truyền thống trí thức trong một thời đại mà bản thân trí hiểu không được tin tưởng, một phần do việc sử dụng nó. Tôi không phải là người đầu tiên hay duy nhất nhận thấy rằng loại hình văn hóa mà chúng ta đang sống hiện nay, dường như giới hạn lý trí vào các lĩnh vực khoa học và kỹ thuật và đặt tất cả các biểu hiện khác của tư duy con người vào phạm trù tưởng tượng, có thể cần phải trải qua một sự thay đổi rất công khai, trên diện rộng lớn trước khi thậm chí có thể coi đức tin là một điều gì đó khác hơn là cảm xúc đơn thuần hoặc sự thỏa mãn mong muốn. Văn học và các sáng tạo văn hóa khác, với khả năng mang đến cho chúng ta những điều mà các lực lượng văn hóa thống trị có thể đã gạt ra ngoài lề hoặc buộc phải kết thúc sớm, đặc biệt hữu ích trong những điều kiện như vậy.

Một số độc giả có thể vẫn nghi ngờ rằng lịch sử, văn chương và nghiên cứu văn hóa có thể làm được công việc mà triết học hay thần học cứng cựa vẫn làm được. Chúng ta thường nghe nói, quá khứ quá phức tạp, quá dễ bị bóp méo về ý thức hệ và lỗi thời, và quá quá khứ để có thể sử dụng nhiều trong việc cố gắng giải quyết các vấn đề của chúng ta ngày nay. Tuy nhiên, nếu chúng ta đưa quan điểm này đến những kết luận hợp luận lý của nó, thì đức tin bắt nguồn từ lịch sử thánh thiêng, những câu chuyện trong Kinh thánh, và các truyền thống của dân Do Thái và của Giáo hội - vốn là một trong những đặc điểm khác biệt của Do Thái giáo và Kitô giáo—chỉ trở nên bất khả mà thôi. Bất kể điều không chắc chắn, khoảng cách và xung đột nào trong việc giải thích có thể hiện hữu liên quan tới lịch sử Kinh thánh và các sự kiện quan trọng trong lịch sử Công Giáo, nếu không có một số nỗ lực để giữ nguyên sợi chỉ vàng xuyên suốt truyền thống và hành động của Chúa Quan phòng trong lịch sử giữa những khúc ngoặt khác nhau của mê cung, đơn giản không thể duy trì đức tin Công Giáo. Một số nhân vật trong văn chương được khảo sát ở đây giúp phục hồi cảm thức sống động về tính Công Giáo ngay trong bối cảnh hiện đại. Nhu cầu làm điều đó hữu hiệu hơn, trên thực tế, có thể là một trong những vấn đề khó khăn nhất—và là những cơ hội quan trọng nhất—đối với truyền thống trí thức Công Giáo, như tôi hy vọng đã chỉ ra được trong các chương kết luận.

Vì vậy, đây không phải là một thao tác mà nhiều thế kỷ trước Malebranche đã bác bỏ như là “môn bách khoa” [polymathy]. Một câu hỏi trọng tâm mà bất cứ ai muốn trình bày Đạo Công Giáo trong thế giới hiện đại phải đối mặt là liệu có giải trình diễn ngôn nào có nhiều giá trị vượt ra ngoài sự tò mò đơn thuần hay không. Phần lớn những gì truyền thống trí thức Công Giáo phải đối đầu ngày nay chỉ là giả định hoàn toàn dai dẳng, được thúc đẩy trực tiếp và gián tiếp bởi những nhân vật như Nietzsche, rằng Đạo Công Giáo và tất cả những giải thích toàn diện về cuộc sống con người đều là “các ngẫu tượng”—thiên vị, cả tin, quá tự tin, tìm kiếm quyền lực, bù trừ, và bị bác bỏ ngay từ đầu không còn ai nhớ được bởi vì không có gì có thể được ghi nhận là kết quả của bất cứ tác nhân có thể sai lầm nào của con người. Bất chấp khía cạnh đáng buồn mà thái độ văn hóa này đôi khi đại diện, nó vẫn có tác dụng bổ ích một cách kỳ lạ đối với những người trong chúng ta không có xu hướng đặt niềm tin vào các vị giáo sư.

Chúa Giêsu Kitô đã không tranh luận nhiều cho chính Người, Cha Người hay toàn bộ lịch sử thánh thiêng mà đạo Công Giáo giả định. Đúng hơn, Người đã làm một việc vẫn còn âm vang khắp năm châu và sẽ còn mãi trong tương lai. Sau tất cả những nỗ lực hợp lý, cuối cùng, như Péguy và những nhân vật hiện đại vĩ đại khác đã lưu ý, truyền thống trí thức Công Giáo được giữ ở tiêu chuẩn cao, cao nhất:

“Người nói chuyện với chúng ta mà không lạc đề hay phức tạp.

Người không khoác lác, thêu dệt mọi điều.

Người ăn nói đều đều, như một người giản dị, sơ sài, như một người thị trấn.

Một người dân làng.

Giống như một người ngoài phố không tìm kiếm lời nói của mình và không làm ồn ào.

Khi Người trò chuyện.

Ngoài ra, vì Người nói với chúng ta và nói trực tiếp với chúng ta,
Vì Người nói với chúng tôi bằng dụ ngôn,
Điều mà chúng ta gọi là tương tự trong tiếng Latinh,
Vì Người không đến để kể cho chúng tôi những chuyện cổ tích,
Vì Người luôn nói với chúng ta một cách trực tiếp và giản dị
Từng chữ,
Từng trình độ,
Luôn luôn đáp ứng, chúng ta phải luôn luôn nghe Người và lắng nghe Người theo nghĩa đen.

Một cách trực tiếp và trọn vẹn từng trình độ.

Người anh em của chúng ta, người anh cả của chúng ta đã không lừa chúng ta vì vui thích được tiếng khôn khéo.

Chúng ta không nên lừa Người vì vui thích với trò đánh lừa.

Và sẽ là chuyện đánh lừa Người khi đi tìm những trò nghịch ngợm ở nơi Người không cất nó.

Khi nghe, tìm, muốn nghe; tưởng tượng;
Khi làm cong vênh méo mó;
Khi nghe lời nói của Người khác với cách Người nói nó.

Thậm chí khi lắng nghe khác hơn cách Người nói.”
(16)

Ghi chú

1 Charles Péguy, The Portal of the Mystery of Hope [Cửa Mầu nhiệm Đức cậy], bản tiếng Anh của David Louis Schindler, Jr. (Grand Rapids, Mich.: Eerdmans, 1996), 67-68.

2 Đã dẫn, 69.

3 Charles Péguy, Oeuvres poétiques complètes [Các tác phẩm thi ca đầy đủ] (Paris: Bibliothèque de la Pléiade, 1957), 1154. Bản dịch của tác giả.

4 Richard Ellmann, James Joyce (New York: Oxford University Press, 1965), 353.

5 Các giảng khóa này đã mang lại hai cuốn sách khá sinh động vẫn còn ý nghĩa đáng kể: Creative Intuition in Art and Poetry [Trực giác Sáng tạo trong Nghệ thuật và Thi ca] (New York: Pantheon Books, 1953); và Man and the State [Con người và Nhà nước] (Chicago: University of Chicago Press, 1951).

6 Francis Fukuyama, The Great Disruption: Human Nature and the Reconstitution of Social Order [Gián đoạn Lớn lao: Bản nhiên Con người và Việc Tái lập Trật tự Xã hội] (New York: Free Press, 1999).

7 Karl Rahner, S.J., “Towards a Fundamental Theological Interpretation of Vatican II” [Hướng tới Lối Giải thích Thần học Nền tảng về Vatican II], Theological Studies 40, no. 4 (1979): 716-27.

8 John W. O’Malley, What Happened at Vatican II [Điều gì Xẩy ra tại Vatican II](Cambridge, Mass.: Belknap Press of Harvard University Press, 2008), 307.

9 Giảng khóa này đã thường xuyên được in lại và có thể tìm thấy, với các tư liệu liên hệ, trong G. E. M. Anscombe, Faith in a Hard Ground: Essays on Religion, Philosophy and Ethics [Đức tin trong một Cơ sở Cứng cáp: Các Tiểu luận về Tôn giáo, Triết học và Đạo đức học], chủ biên Luke Gormally và Mary Geach, St. Andrews Studies in Philosophy and Public Affairs [Các Nghiên cứu St. Andrews về Triết học và Công vụ] (Exeter, U.K., and Charlottesville, Va.: Imprint Academic, 2008), 191.

10 Aristotle, The Metaphysics [Siêu hình học], bản dịch của W. D. Ross trong The Basic Works of Aristotle [Các Công trình Căn bản của Aristốt], chủ biên Richard McKeon (New York: Modern Library, 2001), 716.

11 Christopher Dawson, The Historic Reality of Christian Culture [Thực tại Lịch sử của Văn hóa Kitô giáo](New York: Harper, 1960), 103.

12 Mario Vargas Llosa, La civilizacion del espectaculo [Nền văn minh của cảnh tượng] (Alfaguara: Mexico City, 2012).

13 Evelyn Waugh, Brideshead Revisited [Quí tộc tái lâm (?)](Boston: Little, Brown, 1976), 195

14 Thomas Aquinas, Summa Theologiae (Tổng luận Thần học), Bản dịch của Các Cha Dòng Đa Minh thuộc tỉnh dòng Anh (New York et al.: Benziger Bros., 1947, từ đây viết tắt là ST), I, q. 1, a. 8 ad 2; p. 5.

15 T. S. Eliot, “Letter: Review of the New English Bible” [Thư: Duyệt sách Tân Thánh Kinh tiếng Anh], Sunday Telegraph, December 16, 1962, p. 7.

16 Péguy, Portal [Cửa lớn], 69-70.