Truyền thống Trí thức Công Giáo trong Thế kỷ Hai mươi

Nguyên tác: A Deeper Vision, The Catholic Intellectual Tradition in the Twentieth Century

của Robert Royal

Lời giới thiệu

Trong cuốn sách có phạm vi rộng và đầy tham vọng A Deeper Vision, The Catholic Intellectual Tradition in the Twentieth Century, Robert Royal, một người tham gia nổi bật trong nhiều năm trong các cuộc tranh luận về tôn giáo và đời sống đương thời, đưa ra một đánh giá toàn diện và cân bằng về truyền thống trí thức Công Giáo trong thế kỷ XX. Giáo Hội Công Giáo coi trọng cả Đức tin lẫn Lý trí, và đạo Công Giáo đã làm nảy sinh những ý tưởng phi thường và toàn bộ các trường phái tư tưởng đáng chú ý, không những trong quá khứ xa xôi mà trong suốt những thập niên đầy khó khăn của thế kỷ XX.



Royal trình bày trong một tập sách duy nhất một bản trình bày sâu rộng nhưng dễ đọc về việc tư duy Công Giáo phát triển ra sao trong triết học, thần học, nghiên cứu Kinh thánh, văn hóa, văn học, và nhiều lĩnh vực khác trong thế kỷ XX. Điều này liên quan đến những nhân vật vĩ đại, được công nhận cả trong và ngoài Giáo hội, như Jacques Maritain, Bernard Lonergan, Joseph Pieper, Edith Stein, Alasdair MacIntyre, Charles Taylor, Romano Guardini, Karl Rahner, Henri du Lubac, Karol Wojtyla, Joseph Ratzinger, Hans Urs von Balthasar, Charles Péguy, Paul Claudel, George Bernanos, Francois Mauriac, G. K. Chesterton, Gerard Manley Hopkins, Christopher Dawson, Graham Greene, Sigrid Undset, J. R. R. Tolkien, Czeslaw Milosz, và nhiều người khác.

Royal lập luận rằng nếu không có suy nghĩ chặt chẽ, đạo Công Giáo - dù có tính chào đón và nuôi dưỡng đến đâu - sẽ trở thành một thứ gì đó giống như một bác sĩ có phong thái tốt bên giường bệnh, nhưng lại biết rất ít về y học. Truyền thống Công Giáo luôn mong muốn hợp nhất cảm xúc và trí tuệ, hành động và chiêm niệm. Nhưng trừ khi chúng ta biết truyền thống đã tạo ra những gì - đặc biệt là trong tác phẩm của những nhân vật vĩ đại trong quá khứ gần đây - chúng ta sẽ không thể trả lời những thách thức mà thế giới hiện đại đặt ra, hoặc thậm chí nhận ra cách đúng đắn những câu hỏi thực sự mà chúng ta đang phải đối diện.

Đây là một tác phẩm đầy suy tư, không mang tính bút chiến, tập hợp nhiều luồng tư tưởng Công Giáo khác nhau trong thế kỷ XX. Một sách hướng dẫn toàn diện về quá khứ gần đây - và tương lai.

Về tác giả (2015)

Robert Royal là chủ tịch Viện Đức tin & Lý trí ở Washington DC và là chủ bút của chuyên mục trực tuyến The Catholic Thing. Ông là tác giả, biên tập viên và dịch giả của hơn chục cuốn sách, đồng thời ông thường xuyên viết và phát biểu về các vấn đề văn hóa, tôn giáo và đời sống công cộng. Tác phẩm của ông đã xuất hiện trên nhiều ấn phẩm khác nhau ở Hoa Kỳ và nước ngoài. 

*****

Và thiên nhiên không bao giờ tiêu phí, cho tất cả những điều này;

Tận sâu thẳm mọi sự sống động sự tươi mát thân thiết nhất.


-Gerard Manley Hopkins

Đức tin không chỉ nhìn chằm chằm vào Chúa Giêsu, nhưng nhìn mọi sự như chính Chúa Giêsu nhìn chúng, bằng chính đôi mắt của Người: nghĩa là tham gia vào cách nhìn của Người. Trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống, chúng ta tin tưởng những người biết nhiều hơn chúng ta. Chúng ta tin tưởng kiến trúc sư xây dựng ngôi nhà của chúng ta, dược sĩ cho chúng ta thuốc chữa bệnh, luật sư bào chữa cho chúng ta trước tòa. Chúng ta cũng cần một người nào đó đáng tin cậy và hiểu biết về Thiên Chúa. Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, là Đấng làm cho chúng ta biết Thiên Chúa (x. Ga 1,18). Cuộc đời của Đức Kitô, cách Người nhận biết Chúa Cha và sống trong mối liên hệ trọn vẹn và liên tục với Người, mở ra những viễn cảnh mới và mời gọi cho kinh nghiệm của con người.

-Lumen Fidei

Dẫn nhập

Chúa Giêsu Kitô, con tôi, đã không đến để kể cho chúng ta nghe những câu chuyện cổ tích.

Trong khoảng thời gian ít ỏi mà Người có.

Ba năm là gì trong đời sống một thế giới.

Trong cõi vĩnh hằng của thế giới này.

Người không có thời gian để lãng phí, Người không lãng phí thời gian để kể cho chúng ta nghe những câu chuyện và chơi đố chữ để chúng ta tìm ra.

Những trò đố chữ rất hóm hỉnh.

Rất khéo léo.

Những câu đố của phù thủy.

Đầy rẫy những chữ hai nghĩa và mánh lới cũng như những tinh tế và phức tạp ngu xuẩn.

Không, Người không lãng phí thời gian và Người không khổ công,

Người không có thời gian,

Khổ công, khổ công lớn lao, rất lớn lao của Người.

Người đã không lãng phí, Người đã không tiêu phí tất cả những thứ đó, tất cả con người của Người, tất cả mọi sự.

Người không tiêu phí bản thân, tiêu phí mọi sự, Người không thực hiện khoản tiêu phí to tát, khủng khiếp này

Của bản ngã, của hữu thể Người, (của) mọi sự.

Để đến sau đó, với điều này, bằng điều này, với cái giá này,

Chịu mức giá này với một số mật mã để giải đoán để giải mã.

Những mánh lới, những điều vô nghĩa ngớ ngẩn, điều này thay vì điều nọ, những trò hề nhỏ thông minh như một thầy bói trong thị trấn.

Giống như một chú hề trong làng.

Giống như một diễn viên nhào lộn lang thang, một lang băm trong chiếc xe ngựa của anh ta.

Giống như kẻ chơi khăm thị trấn, giống như anh chàng hài hước nhất trong quán rượu.(1)


Những dòng trên của Charles Péguy, một thiên tài vĩ đại giữa nhiều người khác trong Công Giáo thế kỷ hai mươi, cho thấy một trong những sự thật sâu sắc nhất về Kitô giáo. Xét theo vô số cách, đó là một đức tin khá đơn giản, đơn giản gần đến mức đánh lừa. Một Thiên Chúa đến thế gian và công bố sứ mệnh cứu độ phổ quát phải là một người mà mọi người có thể hiểu một cách rộng rãi. Người không thể là vị Thiên Chúa chỉ dành riêng cho các triết gia, thần học gia, học giả Kinh thánh, tâm lý gia, lý luận gia chính trị, thi sĩ hay trí thức. Hành động cứu rỗi của Người cũng không phải là một lý thuyết:

Người có một việc vặt phải làm cho chúng ta nhân danh Cha của Người.

Người đã làm cho chúng ta những gì Người được giao để làm và Người đã quay trở lại.

Người đến, Người trả giá (thật là một cái giá đắt!), và Người rời đi.

Người đã không đến kể cho chúng ta nghe những câu chuyện phi thường.

Không có gì đơn giản hơn lời Thiên Chúa.

Người nói với chúng ta những điều khá bình thường.

Rất bình thường.

Sự nhập thể, sự cứu rỗi, sự cứu chuộc, lời của Thiên Chúa.

Ba hoặc bốn mầu nhiệm.

Cầu nguyện, bảy bí tích.

Không có gì đơn giản bằng vinh quang của Thiên Chúa. (2)

Nhưng Péguy hiển nhiên biết — và đang trình diễn một cách có ý thức — truyền thống trí thức rộng lớn đã phát triển trong Đạo Công Giáo vì “Sự nhập thể, sự cứu rỗi, sự cứu chuộc, lời của Thiên Chúa... Ba hoặc bốn mầu nhiệm.” Trong các nỗ lực của ông để làm cho người ta nhận ra một cách cụ thể Nhập thể là hành động trực tiếp loại nào - nó giống như một đứa con trai được gửi đến tiệm bánh để lấy một ổ bánh mì, như ông nói ở nơi khác - chính ông đã viết hàng nghìn trang văn xuôi và thơ. Trong bài thơ Eve (dài gần hai mươi nghìn dòng) của ông, tám mươi trang cuối mô tả tất cả những điều chúng ta sẽ không cần đến trên giường chết, trong đó có những điều:

Nó sẽ không phải là một người theo Aristốt trượt

Dưới những cây nguyệt quế rậm rạp đó,

Và nó sẽ không phải là đôi môi mỏng của ông ta

Đôi môi sẽ cho chúng ta nụ hôn hòa bình.

Mà là đôi môi hoàn toàn khác, Công Giáo hơn một chút

Sẽ đặt nụ hôn lên đôi má chúng ta.

Một bàn tay bớt mù quáng, tông đồ hơn,

Sẽ tìm thấy chúng ta dưới tán sồi rộng
. (3)

Péguy không thích triết học Kinh viện Công Giáo nổi bật (dựa trên Aristốt và Aquinô) đang hiện hữu vào thời ông. Nhưng, như những sự kiện tiếp theo trong cả Giáo hội và thế giới đã cho thấy, mặc dù chúng ta có thể không cần đến Aristốt hoặc Aquinô trên giường chết của mình, nhưng chúng ta dường như không thể sống tốt nếu không có họ—hoặc điều gì đó rất giống họ mang lại cho chúng ta những bến đỗ hợp lý—trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Tiểu thuyết gia vĩ đại người Ái Nhĩ Lan, James Joyce, một tín đồ Công Giáo đã bỏ đạo, tuyên bố đọc một trang sách Aquinô mỗi ngày, bằng tiếng Latinh, để giữ cho đầu óc minh mẫn vì lý luận của Thánh Tôma “giống như một thanh gươm sắc bén”. (4) (Việc Joyce sau này rớt xuống trò chơi chữ không ai hiểu thấu có lẽ sẽ khiến người ta thắc mắc không biết liệu thuốc bổ này có luôn hoạt động hay không.) Như bất cứ ai, ngay cả Péguy cũng nhận ra giá trị của một đầu óc minh mẫn như của Aristốt. Và bản thân ông cũng đủ minh mẫn để biết rằng triết học, thần học và các bộ môn trí thức khác là những hành vi tự nhiên của con người sẽ vĩnh viễn đơm hoa kết trái, đặc biệt là khi những câu hỏi về Thiên Chúa và sự vĩnh hằng xuất hiện. Thí dụ, những suy gẫm của chính ông đã dẫn đến một phiên bản khá sống động và tinh vi của tư tưởng nơi triết gia người Pháp Henri Bergson, mà đối với ông dường như nó có thể giải quyết nhiều vấn đề hiện đại nhờ sự kết hợp độc đáo giữa tính gần gũi với cuộc sống khi nó thực sự được sống và sự phân tích cẩn thận tránh được chủ nghĩa duy trí thức đơn thuần.

Những nghịch lý như vậy khá phổ biến đối với truyền thống trí thức Công Giáo. Và trong thế kỷ 20, cũng như các thế kỷ khác, chúng thường tạo ra đủ các chuyên luận nặng nề, thuyết giảng trống rỗng, và lòng mộ đạo theo thói quen—mà còn cả triết học, nghệ thuật, thần học, thi ca, tiểu thuyết, kịch, lịch sử và trước tác linh đạo giống như bất cứ điều gì được sản xuất trong bất cứ truyền thống nào khác, tôn giáo hay thế tục. Ngày hôm nay, hầu như không ai biết gì về điều này, ngay cả trong số những người Công Giáo. Tình trạng kỳ lạ này bắt nguồn từ sự kiện này là trong phần ba cuối thế kỷ 20 - tức là trong những năm sau Công đồng Vatican II (1962 - 1965) - các quan niệm về việc thế nào là Công Giáo đã trở nên lẫn lộn và gây tranh cãi vì chúng đã không có sớm hơn. Trước sự kiện rung chuyển trái đất đó, vốn có những hậu quả vượt xa đạo Công Giáo, ngay cả những nhà quan sát thế tục cũng thường nói: “Ít nhất người Công Giáo biết họ tin điều gì”. Và những người Công Giáo tài năng đã sử dụng một cách sáng tạo truyền thống phong phú đó thường được công nhận trong các tổ chức thế tục. Chỉ đơn cử một thí dụ, nhà triết học Công Giáo người Pháp Jacques Maritain (một học trò cưng của Péguy khi còn trẻ, đồng thời là một nhà tư tưởng sâu sắc và độc đáo) đã được mời thuyết trình về mỹ học tại Phòng trưng bày Nghệ thuật Quốc gia ở Washington vào năm 1950 và cũng vào khoảng thời gian đó, được Đại học Chicago mời nói về triết học chính trị. (5) Tuy nhiên, trong vòng 25 năm, loại triết học Aristốt-Tôma mà Maritain đã thực hành một cách xuất sắc đã biến mất về bản chất, ngay cả ở các trường đại học Công Giáo, và thế giới thế tục quay trở lại với một quan điểm cũ cho rằng Công Giáo là một loại chủ nghĩa chính thống phản lý trí nào đó. Ngày nay, không một người Công Giáo nào có thể được vinh danh, như Maritain đã từng được, bởi các định chế thế tục có uy tín.

Sự đứt đoạn lớn lao

Luôn luôn khó có thể gán nguyên nhân cho những thay đổi xã hội quy mô lớn, nhưng câu chuyện về truyền thống trí thức Công Giáo hiện đại cũng gắn bó chặt chẽ với sự thay đổi địa chấn trong văn hóa hoàn cầu thường gắn liền với năm 1968, mà Francis Fukuyama—một người không theo Công Giáo. —đã được coi là khởi đầu của “sự đổ vỡ lớn lao”. (6) Năm đó là một bước ngoặt không chỉ nổi bật với cuộc nổi loạn của giới trẻ (và cuộc cách mạng tình dục) ở Mỹ và Châu Âu, mà còn là sự xuất hiện mạnh mẽ của thần học giải phóng ở Mỹ Latinh, tercermundismo [chủ nghĩa thế giới thứ ba] và chống chủ nghĩa thực dân ở các khu vực đang phát triển khác của thế giới, và sự suy giảm chung đối với thẩm quyền và các định chế hầu như ở khắp mọi nơi. (Đó cũng là năm mà trong thông điệp Humanae Vitae—một bước đi cực kỳ phản văn hóa và không được ưa chuộng— Đức Phaolô VI đã lặp lại giáo huấn Kitô giáo liên tục từ thời cổ xưa rằng biện pháp tránh thai nhân tạo là không được chấp nhận về mặt đạo đức—nhưng đó là câu chuyện sẽ được bàn sau này). Niềm hoài nghi triệt để đối với việc triết học, thần học và các ngành liên quan có thể mang lại một số loại kiến thức chắc chắn—một nghi ngờ vốn đã hiện hữu trước đó nhưng chỉ giới hạn trong các nhóm nhỏ và chuyên biệt—cũng dường như nổi lên như một quan điểm văn hóa gần như mặc định. Ngay cả khi “linh đạo” tiếp tục hiện hữu hoặc phần lớn người ta nói rằng họ vẫn tin vào Thiên Chúa, thì niềm tin đó ngày càng có xu hướng không bị ràng buộc vào bất cứ định chế nào và biến thành một kiểu quan điểm tự tạo về đức tin và đạo đức. Không cần phải nói, những điều này không giúp ích gì nhiều cho Đạo Công Giáo, vốn luôn dựa trên truyền thống, thẩm quyền (giáo hoàng và giám mục), một định chế (Giáo Hội) và một hệ thống tư tưởng đã được khai triển.

Tuy nhiên, có lẽ còn quan trọng hơn những thay đổi bên ngoài, có những yếu tố bên trong chính Công Giáo đã dẫn đến việc mất đi sự quen thuộc với truyền thống trí thức Công Giáo. Công Giáo về bản chất và thực hành lâu đời là một loại cộng đồng ký ức, một Giáo hội giữ vững những gì mình tin là do Thiên Chúa mặc khải. Và giáo hoàng và các giám mục—từ thời cổ đại được trình bầy như những mục tử bảo vệ đàn chiên của họ—là những nhân vật có thẩm quyền, một huấn quyền, những người đặt ra ranh giới cho những gì họ đánh giá là phù hợp hoặc không phù hợp với truyền thống. Việc “mở cửa ra thế giới” tại Công đồng Vatican II đã dẫn đến một sự tản quyền rất cần thiết: các giám mục được khẳng định là người kế vị các tông đồ trong giáo phận của họ và có thẩm quyền trong “tính hợp đoàn” của các ngài với giáo hoàng. Và Giáo hội rất đúng khi chuyển từ một mô hình quá có tính định chế và pháp lý sang một mô hình có tính mục vụ và cộng đồng hơn, mô hình này cũng khẳng định vai trò tích cực của người giáo dân trong Giáo hội và thế giới.

Trong tình trạng bấp bênh của những năm hậu công đồng, các trào lưu văn hóa khác hẳn Công Giáo cũng xâm nhập vào Giáo hội. Các giám mục duy trì các quan điểm cổ xưa về đức tin và đạo đức được coi là những người chỉ đơn thuần chống lại các xu hướng tự do. Đối với một số người, việc đổi mới trở nên quan trọng hơn việc trung thành - hoặc (thậm chí còn tạo ra sự nhầm lẫn lớn hơn cho những người bình thường) người ta lập luận rằng việc đổi mới là một loại trung thành sâu sắc hơn. Và trái ngược với ý định của Công đồng, giáo hoàng và các giám mục thường thấy mình bị giảm bớt thẩm quyền, giống như những đối tác thế tục của họ trong chính phủ, y tế, luật pháp và văn hóa. Trong những trường hợp này, việc xác định rõ ràng điều gì là Công Giáo ngay cả trong chính Giáo hội cũng trở nên khó khăn hơn.

Nhà thần học Dòng Tên có ảnh hưởng lớn Karl Rahner đã từng mô tả Công đồng Vatican II là một “sự đoạn tuyệt dứt khoát” với những gì đã diễn ra trước đó và thậm chí còn đi xa hơn khi nói rằng đó là một trong ba sự đứt đoạn lớn như vậy trong lịch sử Giáo hội. (7) Đứt đoạn đầu tiên xuất hiện với Công đồng Giêrusalem (Công vụ 15), cuộc gặp gỡ vào thế kỷ thứ nhất của các tông đồ và các môn đệ khác mà nhiều người coi là điểm xuất hiện của tôn giáo mới, Kitô giáo, từ Do Thái giáo. Đứt đoạn thứ hai bắt đầu với việc Hoàng đế La Mã Constantinô chính thức chấp nhận Kitô giáo, bắt đầu một thời kỳ dài trong đó Giáo hội và các thế lực thế tục xen kẽ với nhau. Và đứt đoạn thứ ba, vào thế kỷ 20, đã mang đến một sự tái định hướng mới, thực sự triệt để - mặc dù hướng tới điều không hoàn toàn rõ ràng, ngay cả với Rahner.

Trong khi Công đồng Vatican II chắc chắn là một thúc đẩy to lớn và mới mẻ trong đời sống của Giáo hội, hầu hết mọi người ngày nay đều nhận ra mức độ liên tục giữa Giáo hội trước và sau Công đồng. Trước hết, cùng một Kinh Tin Kính đã được đọc trong các Thánh Lễ trước Công Đồng vẫn đang được đọc cho đến ngày nay. Những thay đổi đa dạng trong phụng vụ, thần học, phê bình Kinh thánh và đời sống Công Giáo hàng ngày bắt nguồn từ Công đồng, tất cả vẫn nhằm phục vụ cho những khẳng định cơ bản của đức tin. Rahner đã đúng khi cho rằng Công đồng là một bước ngoặt lớn, nhưng đã sai khi gợi ý—như ngài đã gợi ý với một số người—rằng Giáo hội đã trải qua một sự biến đổi đơn giản đã cắt đứt gần như toàn bộ sự hiện hữu trước đây của Giáo hội. Việc nhiều người Công Giáo được giáo dục khá tốt bằng cách nào đó đã tin vào một sự đứt đoạn như thế—và việc tình hình mới, một cách nào đó, vượt trội hơn hẳn so với những gì mà các thế hệ người Công Giáo sống trước đó đã trải qua—là một dấu hiệu cho thấy có điều gì đó không ổn một cách kỳ lạ giữa các tín hữu và ngay cả giữa những bộ óc Công Giáo khá thông minh.

Cuộc tranh luận về tính liên tục so với tính không liên tục vẫn tiếp diễn trong thiên niên kỷ mới. Một học giả gần đây đã mô tả những lựa chọn mà các Nghị Phụ Công Đồng phải đối mặt:

“Ở thế đánh cuộc, là hai viễn kiến khác nhau về Đạo Công Giáo: từ mệnh lệnh đến lời mời, từ luật lệ đến lý tưởng, từ định tín đến mầu nhiệm, từ đe dọa đến thuyết phục, từ ép buộc đến lương tâm, từ độc thoại đến đối thoại, từ cai trị đến phục vụ, từ rút lui đến tích nhập, từ chiều dọc sang chiều ngang, từ loại trừ sang hòa nhập, từ thù địch sang tình bạn, từ đối đầu sang hợp tác, từ nghi ngờ sang tin cậy, từ tĩnh tụ sang tiến bước, từ chấp nhận thụ động sang dấn thân tích cực, từ tìm lỗi đến đánh giá cao, từ quy định sang nguyên tắc, từ sửa đổi hành vi sang chiếm hữu bên trong”. (8)

Tất nhiên, cả hai yếu tố ở hai bên của những cặp được cho là đối lập này đều thuộc về một viễn kiến hoàn toàn Công Giáo — “cả/lẫn” (both/and), như người ta thường nói, là một trong những dấu hiệu của Công Giáo, chứ không phải “hoặc/hoặc” (either/or). (Tuy nhiên, như giai đoạn hậu công đồng đã cho thấy, có những giới hạn đối với “cả/lẫn”. Nhiệm vụ khó khăn hơn cho thiên niên kỷ thứ ba của Kitô giáo có thể nằm ở việc biện phân khi nào thì việc trung thành với sự thật trọn vẹn có thể đòi hỏi phải nói “không” để nhận ra câu trả lời “có” lớn hơn.”) Trong Tân Ước, Chúa Kitô ra lệnh và đe dọa cũng nhiều như Người mời gọi và thuyết phục—những lời của chính đấng sáng lập Kitô giáo vừa đòi hỏi vừa an ủi, chứ không đơn thuần là điều này hay điều kia như lâu nay vẫn được công nhận. Và chúng thiết lập tiêu chuẩn. Sự thúc đẩy để nâng một bên của mỗi cặp đối với bên kia, theo một nghĩa rất rõ ràng, không những dẫn đến sự thiếu trung thành với Kinh thánh mà còn thu hẹp và phân tán sự khôn ngoan tích lũy của Công Giáo vào những cuộc xung đột văn hóa hiện đại đã quá quen thuộc giữa “những người cấp tiến” và “những người bảo thủ”. Giáo Hội Công Giáo đã làm rất tốt khi cởi mở với các trào lưu xã hội và trí thức mới tại Công đồng Vatican II, nhưng cũng như không phải mọi thứ đi trước đều sai, không phải mọi thứ đến sau đều đúng.

Trong thế kỷ 20, Giáo Hội Công Giáo vẫn phải đối đầu với những câu hỏi muôn thuở: chân lý vĩnh cửu và ứng dụng đương thời, sự hiệp nhất Kitô giáo và sự đa dạng không thể tránh khỏi, lời Chúa và câu trả lời của con người. Như trong quá khứ, những chủ đề như vậy phải được xử lý với sự kết hợp giữa tính liên tục và đổi mới: tính liên tục, bởi vì Chân lý, mặc dù cuối cùng không bao giờ ta sở hữu được trong cuộc đời này, vẫn luôn như vậy và vẫn ở bên chúng ta từ thời đại này sang thời đại khác; đổi mới, bởi vì—có lẽ đặc biệt là trong thế kỷ 20—một tập hợp mới các thực tại trần thế xuất hiện mà không ai, Công Giáo hay không, đã từng đối đầu trước đây một cách hoàn toàn tương tự. Chỉ riêng cuộc cách mạng kỹ thuật số đã thay đổi văn hóa hoàn cầu theo những cách mà chúng ta vẫn đang cố gắng hiểu.

Còn tiếp