Diễn từ của Đức Phanxicô với các Giáo phẩm, Linh mục, Tu sĩ, Các Nhà Truyền giáo và Các Nhân viên Mục vụ tại Mông Cổ



Chiều Thứ Bẩy, 2 tháng 9, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tới Nhà thờ Hai Thánh Phêrô và Phaolô tại thủ đô Ulan Bator của Mông Cổ để gặp gỡ các giáo phẩm, linh mục, tu sĩ, các nhà truyền giáo và các nhân viên mục vụ.

Nhà thờ quá nhỏ không đủ chứa mọi người muốn tham dự. Một số phải đứng ở bên ngoài. Tất cả đều một thái độ hân hoan, nghiêm chỉnh và đầy cầu nguyện, vẫy cờ Tòa Thánh.

Trong buổi gặp gỡ này, sau khi nghe lời chào mừng của Chủ Tịch Hội đồng Giám Mục Trung Á, Đức Phanxicô đã chăm chú lắng nghe 3 chứng từ của một nữ tu truyền giáo, của một linh mục Mông Cổ và của một nhân viên mục vụ. Sau đó, ngài ngỏ lời với cử toạ:



Anh chị em thân mến, chào anh chị em buổi chiều!

Cảm ơn Đức Cha, thưa Đức Cha, vì những lời tốt đẹp của Đức Cha. Cảm ơn Sơ Salvia, Cha Peter Sanjaajav và Rufina vì những chứng từ của anh chị em. Cảm ơn tất cả anh chị em vì sự hiện diện và đức tin của anh chị em! Tôi rất vui khi được ở bên tất cả anh chị em. Niềm vui của Tin Mừng là điều đã thúc đẩy anh chị em, những người nam nữ thánh hiến trong đời sống tu trì và thừa tác vụ thụ phong, có mặt ở đây và cống hiến chính mình, cùng với các anh chị em giáo dân, để phục vụ Chúa và người khác. Tôi tạ ơn Thiên Chúa vì điều này, bằng lời cầu nguyện ca ngợi tuyệt vời, Thánh vịnh 34, mà tôi sẽ rút tỉa để chia sẻ một số suy nghĩ với anh chị em. Thánh Vịnh mời gọi chúng ta “hãy nếm thử xem Chúa tốt lành dường bao” (c. 9).

“Hãy nếm mà xem”, vì niềm vui và sự tốt lành của Chúa không hề chóng qua; chúng vẫn ở trong chúng ta, mang lại hương vị cho cuộc sống của chúng ta và khiến chúng ta nhìn mọi sự theo một cách mới, giống như chị đã nói, Rufina ạ, trong chứng ngôn tuyệt vời của chị. Vì vậy, tôi muốn “nếm thử” hương vị đức tin ở vùng đất này bằng cách gợi lên trong tâm trí trước hết mọi khuôn mặt, những câu chuyện và cuộc đời dành cho Tin Mừng. Dành cả đời mình cho Tin Mừng. Đó là một cách hay để xác định ơn gọi truyền giáo của các Kitô hữu, và đặc biệt, ơn gọi đó đang được các Kitô hữu ở đây sống như thế nào. Dành cả cuộc đời cho Tin Mừng!

Tôi sẽ bắt đầu bằng việc tưởng nhớ Đức Giám Mục Wenceslao Selga Padilla, vị phủ doãn tông tòa đầu tiên, người tiên phong trong lịch sử đương thời của Giáo hội ở Mông Cổ, người đã xây dựng Nhà thờ Chính tòa này. Tuy nhiên, ở đây đức tin không chỉ bắt nguồn từ những năm 1990 của thế kỷ trước; nó có nguồn gốc cổ xưa. Các sự kiện của thiên niên kỷ thứ nhất và công việc truyền giáo được thực hiện bởi các nhà truyền giáo theo truyền thống Syria dọc theo Con đường Tơ lụa đã được tiếp nối bằng một hoạt động truyền giáo đáng chú ý. Làm sao chúng ta có thể không nhắc đến các sứ mệnh ngoại giao của thế kỷ 13, và sự quan tâm tông đồ được thể hiện qua việc bổ nhiệm, vào khoảng năm 1310, Gioan xứ Montecorvino làm Giám mục đầu tiên của Khanbalik, chịu trách nhiệm về toàn bộ khu vực rộng lớn này của thế giới dưới sự chỉ đạo của triều đại nhà Nguyên của người Mông Cổ? Ngài đã cung cấp bản dịch đầu tiên của Thánh vịnh và Tân Ước sang tiếng Mông Cổ. Lịch sử vĩ đại của niềm đam mê Tin Mừng này đã được tiếp tục một cách mới mẻ, một cách đặc biệt, với sự xuất hiện của các nhà truyền giáo đầu tiên của Tu hội Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Đức Maria vào năm 1992, cùng với các thành viên của các Tu hội khác, các linh mục giáo phận và những nhà truyền giáo giáo dân. Trong số đó, tôi muốn nêu lên nghị lực và lòng nhiệt thành của Cha Stephen Kim Seong-hyeon. Chúng ta cũng hãy thừa nhận rằng tất cả những tôi tớ trung thành của Tin Mừng ở Mông Cổ hiện đang ở đây với chúng ta và những người đã dành cả cuộc đời cho Chúa Kitô, có thể “nhìn thấy” và “nếm thử” những điều kỳ diệu mà lòng nhân lành của Người tiếp tục thực hiện nơi anh chị em và thông qua anh chị em. Cảm ơn.

Tại sao người ta phải dành cuộc đời mình cho Tin Mừng? Đó là một câu hỏi tôi sẽ hỏi anh chị em. Như Rufina đã nói, đời sống Kitô giáo tiến về phía trước bằng cách đặt câu hỏi, giống như những đứa trẻ luôn hỏi những điều mới mẻ, vì ở độ tuổi của chúng, chúng chưa hiểu hết mọi sự. Đời sống Kitô hữu kéo chúng ta đến gần Chúa và luôn đặt câu hỏi, để chúng ta hiểu Chúa hơn, hiểu rõ hơn lời dạy của Người. Hãy cống hiến cuộc đời mình cho Tin Mừng bởi vì anh chị em đã “nếm thử” Thiên Chúa, Đấng tỏ mình ra hữu hình, có thể chạm tới và gặp gỡ nơi Chúa Giêsu. Đúng vậy, Chúa Giêsu là tin mừng, dành cho mọi dân tộc, là thông điệp mà Giáo hội phải không ngừng công bố, thể hiện trong đời sống của mình và “thì thầm” vào tâm hồn của mọi cá nhân và mọi nền văn hóa. Ngôn ngữ của Chúa thường là một lời thì thầm chậm rãi, cần có thời gian; Chúa nói theo cách đó. Cảm nghiệm về tình yêu của Thiên Chúa nơi Chúa Kitô là ánh sáng thuần khiết làm rạng ngời và biến đổi diện mạo của chúng ta. Anh chị em thân mến, đời sống Kitô hữu phát sinh từ việc chiêm ngưỡng dung nhan Chúa; đó là về tình yêu, cuộc gặp gỡ hàng ngày với Chúa trong Lời của Người và trong Bánh Sự Sống, cũng như trong khuôn mặt những người khác, những người thiếu thốn và nghèo khổ vốn là nơi Chúa Giêsu hiện diện. Dì đã nhắc nhở điều này, Dì Salvia ạ, trong lời chứng của dì. Cảm ơn! Dì đã ở đây hơn hai mươi năm và đã học được cách nói chuyện với những người này; Cảm ơn.

Trong 31 năm hiện diện ở Mông Cổ này, anh chị em, các linh mục, những người thánh hiến và những người mục vụ thân mến, đã bắt tay vào thực hiện nhiều sáng kiến bác ái khác nhau, vốn tiêu hao nhiều năng lực của anh chị em và phản ảnh khuôn mặt thương xót của Chúa Kitô, Người Samaritanô nhân lành. Theo một nghĩa nào đó, đây là danh thiếp của anh chị em, và nó khiến anh chị em được tôn trọng và đánh giá cao vì vô số lợi ích mang lại cho nhiều người trong nhiều lĩnh vực khác nhau: từ trợ giúp xã hội và giáo dục, đến chăm sóc sức khỏe và quảng bá văn hóa. Tôi khuyến khích anh chị em tiếp tục đi theo con đường này, một con đường đã tỏ ra rất hiệu quả và mang lại lợi ích cho người dân Mông Cổ thân yêu, bằng những cử chỉ yêu thương và hành động bác ái.

Đồng thời tôi kêu gọi anh chị em nếm trải và nhìn thấy Chúa, tiếp tục quay trở lại với “cái nhìn” độc đáo mà từ đó mọi sự đã bắt đầu. Nếu không, sức mạnh của chúng ta sẽ thất bại và công việc mục vụ của chúng ta sẽ có nguy cơ trở thành một công việc phục vụ trống rỗng, một danh sách các nhiệm vụ rốt cuộc chỉ gây ra sự mệt mỏi và thất vọng. Tuy nhiên, khi chúng ta tiếp xúc với khuôn mặt của Chúa Kitô, tìm kiếm Người trong Kinh thánh và chiêm ngưỡng Người trong sự thờ phượng thầm lặng trước Nhà tạm, chúng ta sẽ nhìn thấy Người trên khuôn mặt của những người chúng ta phục vụ và cảm nghiệm được niềm vui nội tâm, ngay cả giữa khó khăn, mang lại sự bình yên cho trái tim chúng ta. Đây là điều chúng ta cần, hôm nay và luôn mãi: không phải những người chạy loanh quanh, bận rộn và mất tập trung, thực hiện các dự án nhưng cũng có lúc tỏ ra bực bội về một cuộc sống chắc chắn không hề dễ dàng. Ngược lại, người Kitô hữu là người có khả năng tôn thờ, thờ phượng trong thinh lặng. Và rồi từ sự tôn thờ này phát sinh ra hoạt động. Tuy nhiên, đừng quên tôn thờ. Chúng ta đã phần nào đánh mất ý nghĩa của việc tôn thờ trong thế kỷ thực dụng này: đừng quên tôn thờ và từ việc tôn thờ, hãy hành động. Chúng ta cần trở về nguồn, về dung nhan Chúa Giêsu và “nếm thử” sự hiện diện của Người, vì Người là kho tàng của chúng ta (x. Mt 13,44), viên ngọc quý giá mà nó đáng phải trả giá bằng tất cả (x. Mt 13:45-46). Các anh chị em Mông Cổ của chúng ta, những người có ý thức sâu sắc về thể thánh thiêng và – điển hình ở Châu Á – một lịch sử tôn giáo cổ xưa và phức tạp, đang tìm kiếm chứng từ của anh chị em và có thể nhận ra liệu điều đó có chân thực hay không. Đây là một chứng tá mà anh chị em phải đưa ra, bởi vì Tin Mừng không phát triển qua việc cải đạo, Tin Mừng phát triển qua việc làm chứng.

Chúa Giêsu, khi sai các môn đệ của Người vào thế gian, không sai họ đi truyền bá các lý thuyết chính trị, nhưng để làm chứng bằng cuộc sống của họ cho sự mới mẻ trong mối quan hệ của Người với Chúa Cha, giờ đây là “Cha của chúng ta” (x. Ga 20,17), vốn là nguồn mạch của tình huynh đệ cụ thể với mỗi cá nhân và mọi người. Giáo Hội sinh ra từ mệnh lệnh đó là một Giáo Hội nghèo nàn, chỉ được nâng đỡ bởi đức tin đích thực và bởi quyền năng không vũ trang và tước đoạt vũ khí của Chúa Phục Sinh, và có khả năng xoa dịu những đau khổ của nhân loại bị tổn thương. Vì lý do này, các chính phủ và các tổ chức thế tục không có gì phải lo sợ trước công cuộc truyền giáo của Giáo hội, vì Giáo hội không có chương trình nghị sự chính trị nào để thúc đẩy, nhưng được hỗ trợ bởi quyền năng thầm lặng của ân sủng Thiên Chúa và thông điệp về lòng thương xót và sự thật, nhằm mục đích thúc đẩy những điều tốt đẹp cho mọi người.

Để thực hiện sứ mệnh này, Chúa Kitô đã cấu trúc Giáo hội của Người theo cách nhắc nhở chúng ta về sự hòa hợp giữa các chi thể khác nhau của thân thể con người. Người là đầu, là Đấng không ngừng hướng dẫn chúng ta, tuôn đổ vào thân xác Người – vào chúng ta – Thánh Thần của Người, hoạt động trên hết trong những dấu hiệu của sự sống mới là các bí tích. Để đảm bảo tính xác thực và hiệu quả của điều này, Người đã thiết lập hàng linh mục, được đánh dấu bằng sự kết hợp mật thiết với Người, Vị Mục Tử Nhân Lành, Đấng đã hy sinh mạng sống vì đoàn chiên. Cha Phêrô, Cha đã được kêu gọi thực hiện sứ mệnh này, và tôi cảm ơn Cha đã chia sẻ kinh nghiệm của Cha với chúng tôi. Tương tự như vậy, Dân thánh của Thiên Chúa ở Mông Cổ cũng có được đầy đủ các hồng ân thiêng liêng. Từ quan điểm này, tôi mời gọi anh chị em hãy nhìn nơi vị giám mục của mình, không phải một máng cỏ mà là biểu tượng sống động của Chúa Kitô Mục Tử Nhân Lành, Đấng quy tụ và hướng dẫn dân của Người; một người môn đệ tràn đầy đặc sủng tông đồ trong việc xây dựng tình huynh đệ trong Chúa Kitô và đâm rễ sâu hơn bao giờ hết vào quốc gia này và di sản văn hóa cao quý của nó. Vì vậy, việc Giám mục của anh chị em là Hồng Y là một dấu hiệu gần gũi thậm chí còn lớn hơn: tất cả anh chị em dù xa cách về mặt thể xác nhưng đều rất gần gũi với trái tim của Thánh Phêrô. Và ngược lại, toàn thể Giáo hội gần gũi với anh chị em và cộng đồng của anh chị em, một cộng đồng thực sự là Công Giáo, phổ quát, và hướng tình yêu của tất cả anh chị em chúng ta trên khắp thế giới đến Mông Cổ, trong sự tuôn trào hiệp thông lớn lao của Giáo hội.

Tôi xin nhấn mạnh từ ngữ đó: hiệp thông. Giáo hội không thể được hiểu theo nghĩa chức năng đơn thuần. Không, Giáo hội không phải là một doanh nghiệp, Giáo hội không phát triển nhờ củ trương cải đạo, như tôi đã đề cập. Giáo Hội là một điều gì đó khác. Chữ “hiệp thông” giải thích rõ ràng Giáo hội là gì. Trong thân thể này của Giáo hội, giám mục không phải là người quản lý các yếu tố đa dạng của nó, thậm chí có lẽ dựa trên nguyên tắc đa số, nhưng lãnh đạo trên cơ sở nguyên tắc thiêng liêng, nhờ đó chính Chúa Giêsu hiện diện nơi con người của giám mục theo để bảo đảm sự hiệp thông trong Thân Mình mầu nhiệm của Người. Nói cách khác, sự hiệp nhất trong Giáo hội không phải là trật tự và tôn trọng, cũng không đơn giản là một chiến lược tốt để “làm việc theo nhóm”; đó là về đức tin và tình yêu dành cho Chúa, về lòng trung thành với Người. Do đó, điều quan trọng là tất cả các thành phần trong Giáo hội phải duy trì sự hiệp nhất vững chắc xung quanh vị giám mục, người đại diện cho Chúa Kitô sống động giữa Dân Người, và xây dựng tình huynh đệ đồng nghị mà chúng ta rao giảng và điều đó hỗ trợ rất nhiều cho việc hội nhập văn hóa đức tin.

Các nhà truyền giáo thân mến, hãy nếm thử và chiêm ngưỡng món quà mà anh chị em là, hãy nếm thử và nhìn thấy vẻ đẹp của việc hiến thân hoàn toàn cho Chúa Kitô, Đấng đã mời gọi anh chị em trở thành chứng nhân cho tình yêu của Người ở Mông Cổ này. ia. Hãy tiếp tục thực hiện điều này bằng cách vun trồng sự hiệp thông. Hãy thực hiện điều đó bằng sự đơn giản của một cuộc sống thanh đạm, noi gương Chúa, Đấng cưỡi lừa vào Giêrusalem và, trên thập giá, thậm chí bị lột cả áo choàng. Chớ gì bạn luôn gần gũi với mọi người, với sự gần gũi vốn là đường lối của Thiên Chúa. Thiên Chúa gần gũi, nhân ái và dịu dàng. Gần gũi, nhân ái và dịu dàng: đối xử với mọi người như thế, đích thân quan tâm đến họ, học ngôn ngữ của họ, tôn trọng và yêu mến nền văn hóa của họ, không để mình bị cám dỗ bởi những hình thức an ninh trần thế, nhưng vẫn kiên định với Tin Mừng qua đời sống luân lý và tinh thần gương mẫu. Đơn giản và gần gũi! Đừng bao giờ mệt mỏi mang đến cho Chúa Giêsu những khuôn mặt và những tình huống anh chị em gặp phải, những vấn đề và mối quan tâm. Hãy dành thời gian để cầu nguyện hàng ngày, điều này sẽ giúp anh chị em kiên trì trong công việc phục vụ và nhận được sự an ủi từ “Thiên Chúa là nguồn an ủi” (2 Cr 1:3), và nhờ đó mang lại niềm hy vọng cho tâm hồn của tất cả những người đau khổ.

Anh chị em thân mến, như Thánh Vịnh 34 nói với chúng ta, sự gần gũi với Chúa trấn an chúng ta rằng “những ai kính sợ Ngài chẳng thiếu thốn gì...; ai tìm kiếm Chúa chẳng thiếu điều tốt lành nào” (c. 9-10). Chắc chắn, những lỗi lầm và vấn đề trong cuộc sống cũng ảnh hưởng đến các tín hữu, và những người rao giảng Tin Mừng cũng không được miễn khỏi gánh nặng lo lắng vốn là một phần của thân phận con người chúng ta. Tác giả Thánh Vịnh không ngần ngại nói về sự dữ và những kẻ làm điều ác, nhưng ông nhắc nhở chúng ta rằng Chúa nghe tiếng kêu của những người khiêm nhường và “giải thoát họ khỏi mọi cơn khốn khó”, vì Người “gần gũi những tấm lòng tan vỡ, và cứu vớt những kẻ bị tan nát trong tinh thần” (c. 18-19). Vì lý do này, Giáo hội bầy tỏ mình trước thế giới như một tiếng nói liên đới với tất cả những người nghèo khổ và thiếu thốn; Giáo Hội từ chối im lặng trước sự bất công và âm thầm làm việc để thăng tiến phẩm giá của mỗi con người.

Anh chị em thân mến, trong hành trình làm môn đệ truyền giáo của anh chị em, anh chị em có một sự hỗ trợ chắc chắn: Mẹ trên trời của chúng ta, Đấng – và tôi rất vui mừng khi khám phá ra điều này! – mong muốn mang đến cho anh chị em một dấu hiệu hữu hình về sự hiện diện dịu dàng và quan tâm của Mẹ bằng cách cho phép người ta tìm thấy bức ảnh của Mẹ trong bãi rác. Ở một nơi dành cho rác rưởi, bức tượng Đức Mẹ Vô Nhiễm xinh đẹp này đã xuất hiện. Ngài, đấng thoát khỏi và không bị ô nhiễm bởi tội lỗi, Mẹ muốn đến gần chúng ta đến mức đi xuống cặn bã của xã hội, để từ đống rác rưởi bẩn thỉu, sự thanh khiết của Mẹ Thiên Chúa, Mẹ trên trời của chúng ta, có thể tỏa sáng. Tôi cũng được biết về truyền thống đáng yêu của người Mông Cổ về suun dalai ijii, người mẹ có trái tim rộng lớn như đại dương sữa. Theo cuốn Lịch sử bí mật của người Mông Cổ, một ánh sáng từ lỗ hở phía trên của một căn ger đã làm nữ hoàng thần thoại Alungoo mang thai; tuy nhiên, anh chị em có thể chiêm ngưỡng nơi vai trò làm mẹ của Đức Trinh Nữ Maria hoạt động của ánh sáng thần linh, từ trên cao, hằng ngày đồng hành với các bước đi của Giáo hội anh chị em.

Khi anh chị em ngước mắt lên nhìn Đức Maria, anh chị em có thể tìm thấy sự sảng khoái khi biết rằng nhỏ bé không phải là một vấn đề mà là một nguồn tài nguyên. Thiên Chúa yêu mến sự nhỏ bé và qua đó Người thích thực hiện những điều lớn lao, như chính Đức Maria làm chứng (x. Lc 1:48-49). Thưa anh chị em, đừng lo lắng về những con số nhỏ, thành công hạn chế hoặc sự không phù hợp rõ ràng. Đó không phải là cách Chúa làm việc. Chúng ta hãy hướng mắt về Đức Maria, Đấng nhỏ bé cao cả hơn các tầng trời, vì nơi Mẹ đã cưu mang Đấng mà các tầng trời và các tầng trời cao nhất không thể chứa đựng được (x. 1 V 8:27). Thưa anh chị em, chúng ta hãy phó thác mình cho Mẹ, cầu xin một lòng nhiệt thành mới và một tình yêu nồng cháy, làm chứng cho Tin Mừng một cách không mệt mỏi và vui vẻ. Hãy tiến bước! Hãy can đảm, đừng mệt mỏi tiến về phía trước. Cảm ơn chứng tá của anh chị em! Chính Chúa đã chọn anh chị em và tin anh chị em; Tôi ở bên anh chị em và hết lòng nói với anh chị em: cảm ơn anh chị em; cảm ơn vì chứng tá của anh chị em, cảm ơn vì cuộc đời anh chị em đã hiến cho Tin Mừng! Kiên trì, liên tục trong cầu nguyện và sáng tạo trong bác ái, kiên định trong hiệp thông, vui tươi và hiền lành trong mọi việc và với mọi người. Tôi chúc lành cho anh chị em từ trái tim tôi, và tôi sẽ giữ anh chị em trong những lời cầu nguyện của tôi. Và tôi xin anh chị em đừng quên cầu nguyện cho tôi. Cảm ơn anh chị em.