1. Quốc hội Philippines luận tội Duterte; Giáo Hội Công Giáo kêu gọi sự thật và công lý
Nhóm hoạt động xã hội của Giáo Hội Công Giáo tại Philippines đã kêu gọi các quan chức nhà nước bảo vệ công lý và ưu tiên lợi ích chung khi tiến trình luận tội Phó Tổng thống Sara Duterte đang diễn ra.
Đức Giám Mục Jose Colin Bagaforo, Chủ tịch Caritas Philippines kêu gọi “tất cả các viên chức nhà nước bảo vệ sự thật và bảo đảm công lý được thực thi”, đồng thời nói thêm, “Quy trình luận tội đóng vai trò là cơ chế thiết yếu trong nền dân chủ của chúng ta để duy trì trách nhiệm giải trình của những người nắm quyền”.
Đức Hồng Y khen ngợi Hạ viện đã giải quyết những cáo buộc nghiêm trọng thông qua các quy trình hiến pháp, phản ánh yêu cầu của công chúng về trách nhiệm giải trình.
“Điều này chứng tỏ rằng các thể chế dân chủ của chúng ta đang hoạt động như mong đợi. Không một nhà lãnh đạo nào được phép nằm ngoài sự giám sát, và việc quản lý phải luôn phục vụ lợi ích chung”, Đức Giám Mục Bagaforo nói thêm.
Hạ viện đã bỏ phiếu vào ngày 5 tháng 2 để luận tội Duterte vì cáo buộc sử dụng sai mục đích tiền công quỹ.
Tổng cộng có 215 nhà lập pháp ủng hộ việc luận tội, đủ điều kiện để vụ việc được chuyển lên Thượng viện, nơi phiên tòa sẽ quyết định số phận của bà.
Bản luận tội nêu bật sự chia rẽ ngày càng sâu sắc giữa Duterte và Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. Hạ viện, do Chủ tịch Martin Romualdez, anh họ của Marcos, đứng đầu, phần lớn liên kết với tổng thống.
Văn phòng Tổng thống đã tách mình khỏi quá trình tố tụng. Tổng thư ký Lucas Bersamin cho biết “quyền khởi xướng và hành động đối với các khiếu nại luận tội là đặc quyền duy nhất” của Quốc hội.
Ông nói thêm: “Vì tôn trọng các thể chế, Tổng thống sẽ không can thiệp vào vấn đề mà một nhánh ngang hàng có thẩm quyền độc quyền”.
Đảng Phụ nữ Gabriela, bên khiếu nại trong vụ án, gọi cuộc bỏ phiếu của Hạ viện là “chiến thắng ban đầu cho người dân Philippines trong cuộc chiến chống tham nhũng và lạm dụng quyền lực”.
Sarah Elago, cựu đại diện và là người khiếu nại chính trong vụ luận tội thứ hai, cho biết động thái này là phản ứng trước áp lực của công chúng.
Bà thúc giục quá trình này dẫn đến cải cách trong chi tiêu của chính phủ, đặc biệt là ủng hộ việc loại bỏ các quỹ mật, mà bà mô tả là “công cụ tham nhũng”.
Duterte bị cáo buộc sử dụng sai mục đích 612,5 triệu PHP, hay 14,3 triệu Mỹ Kim, trong các quỹ mật được phân bổ cho Văn phòng Phó Tổng thống và Bộ Giáo dục, nơi bà lãnh đạo cho đến khi từ chức khỏi Nội các vào tháng 6 năm 2024. Các quỹ này đã được giải ngân vào năm 2022 và 2023.
Ba đơn khiếu nại luận tội đã được các nhóm xã hội dân sự đệ trình vào cuối năm 2024, nhưng các nhà lập pháp đã trì hoãn hành động. Các nhà phân tích tin rằng Marcos không muốn liên quan trực tiếp đến quá trình này.
Vào ngày 13 tháng Giêng, Iglesia ni Cristo, một nhóm tôn giáo với khoảng 1,8 triệu thành viên, đã tổ chức một cuộc biểu tình phản đối việc luận tội.
Tuy nhiên, một cuộc khảo sát của Social Weather Stations cho thấy 41% người Philippines ủng hộ việc bãi nhiệm Duterte, trong khi 35% phản đối và 19% vẫn chưa quyết định.
Đơn khiếu nại luận tội thứ tư, được các đồng minh của chính quyền đệ trình vào ngày 5 tháng 2, đã dẫn đến cuộc bỏ phiếu toàn thể ngay lập tức, bỏ qua quy trình thông thường của ủy ban.
Liên minh Marcos-Duterte, được thành lập trong cuộc bầu cử năm 2022, đã tan vỡ. Năm 2024, Quốc hội đã điều tra cách Duterte giải quyết tiền công quỹ và xem xét lại chiến dịch chống ma túy của cha bà, cựu Tổng thống Rodrigo Duterte.
Ông Duterte cha vẫn đang bị Tòa án Hình sự Quốc tế điều tra vì những cáo buộc phạm tội ác chống lại loài người trong thời gian làm tổng thống.
Căng thẳng leo thang vào tháng 11 năm 2024 khi Duterte bị cáo buộc đe dọa Marcos, Đệ nhất phu nhân Liza Araneta-Marcos và Chủ tịch Hạ viện Romualdez, nói rằng bà sẽ ám sát họ nếu bà bị giết trong bối cảnh tranh chấp chính trị của họ.
Caritas Philippines đã kêu gọi tất cả các bên liên quan tiếp cận quá trình tố tụng một cách công bằng, chính trực và tôn trọng pháp quyền.
“Chúng ta không được để những chia rẽ chính trị làm lu mờ mối quan tâm chính của chúng ta: phúc lợi của người dân. Lãnh đạo đòi hỏi sự quản lý có trách nhiệm, phân bổ nguồn lực công bằng và tiếp cận công lý bình đẳng”, Đức Giám Mục Bagaforo cho biết.
Tổ chức này tái khẳng định cam kết của mình đối với sự lãnh đạo có đạo đức và nền dân chủ có sự tham gia. Bagaforo kêu gọi “những người trung thành và mọi thành phần của xã hội hãy luôn cảnh giác, cầu nguyện và tích cực tham gia bảo vệ các nguyên tắc dân chủ của chúng ta”.
Đức Giám Mục Bagaforo nói thêm: “Khi chúng ta vượt qua giai đoạn quan trọng này, chúng ta hãy cùng nhau xây dựng một xã hội bảo vệ sự thật, công lý và phẩm giá của mọi người dân Philippines”.
Source:Licas
2. Giáo phận Tây Ban Nha hủy bỏ khóa học chuẩn bị ban phước cho các cặp vợ chồng không hợp lệ
Đức Cha Santiago Gómez Sierra, Giám Mục Giáo phận Huelva ở Tây Ban Nha đã “cấm và khiển trách” một khóa học chuẩn bị cho “lễ chúc lành cho các cặp đồng giới hoặc các cặp trong tình trạng bất thường” sẽ được tổ chức tại một trong các giáo xứ của mình. Ngài cho biết giáo phận đã biết về khóa học này thông qua phương tiện truyền thông, bản thân các linh mục tổ chức khóa học không hề báo cáo cho Tòa Giám Mục nhưng lặng lẽ làm một cách lén lút.
Trong một tuyên bố ngắn, giáo phận giải thích rằng “cách đồng hành với các tín hữu Kitô trong những tình huống như vậy không phù hợp với giáo huấn của Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng không phù hợp với thực hành mục vụ của Giáo hội”.
Văn bản kết luận bằng cách nêu rõ rằng “Giáo phận Huelva cung cấp sự đồng hành mục vụ cho tất cả mọi người, tạo cơ hội để lắng nghe, hình thành và phát triển đức tin, luôn phù hợp với giáo huấn của Giáo hội”.
Giáo xứ Thánh Phaolô, địa điểm dự kiến tổ chức khóa học, đã hủy sự kiện. Trên trang web của mình, thông tin ban đầu đã được thay thế bằng thông báo nêu rõ: “Vì những lý do ngoài tầm kiểm soát, chúng tôi phải hủy buổi đồng hành này”.
Thông điệp, rõ ràng mang tính khiêu khích đối với đấng bản quyền, được minh họa bằng hình vẽ một chú cừu với bảy sắc cầu vồng của lá cờ LGBT bên cạnh một người chăn cừu và dòng chữ: “Tôi không bị lạc, họ bảo tôi không được chào đón”.
Một tờ báo địa phương, Huelva24, đã chia sẻ một bích chương quảng cáo cho khóa học trích dẫn không chính xác tuyên bố Fiducia Supplicans của Vatican vào tháng 12 năm 2023. Bích chương có một dòng không có trong chính tuyên bố, nêu rằng “việc ban phước cho các cặp trong hoàn cảnh bất thường và các cặp đồng giới là có thể... để các mối quan hệ của con người có thể trưởng thành và phát triển trong sự trung thành với thông điệp Phúc âm.”
Câu “có thể ban phước cho các cặp trong hoàn cảnh bất thường và các cặp đồng giới” không xuất hiện trong văn bản Fiducia Supplicans do Vatican công bố. Tuy nhiên, nó xuất hiện với công thức này: “Trong phạm vi được phác họa ở đây xuất hiện khả năng ban phước cho các cặp trong hoàn cảnh bất thường và cho các cặp đồng giới”.
Về phần thứ hai, văn bản gốc của Vatican nêu rõ rằng các phước lành dành cho những cặp như vậy “để họ có thể được giải thoát khỏi những khiếm khuyết và yếu đuối của mình, và để họ có thể thể hiện bản thân trong chiều kích ngày càng gia tăng của tình yêu thiêng liêng”.
Tuyên bố Fiducia Supplicans đã gây tranh cãi trong Giáo Hội Công Giáo khi cho phép ban phước lành mục vụ cho các cặp trong hoàn cảnh bất thường, bao gồm cả các cặp đồng giới, mà không thay đổi giáo lý về hôn nhân bí tích.
Cuộc tranh cãi nảy sinh từ những cách giải thích khác nhau: Trong khi một số giáo phận của Giáo hội coi đây là cử chỉ thương xót để giải quyết những thực tế phức tạp, thì các giám mục và tín hữu khác lại cảnh báo về nguy cơ gây nhầm lẫn về giáo lý, vì lo ngại rằng điều này sẽ bị coi là sự xác nhận ngầm các kết hiệp trái với giáo lý truyền thống.
Vào tháng 5 năm 2024, giám mục Plasencia ở Tây Ban Nha, Ernesto Jesús Brotons, đã khiển trách một linh mục vì đã ban phước cho một cặp đồng tính theo cách gây ra “tai tiếng” và “nhầm lẫn”. Vị linh mục đã đặt cặp này trước bàn thờ giống như cô dâu và chú rể và mặc áo alba và dây stola màu đỏ.
Source:Catholic News Agency
3. Tổng giáo phận St. Louis khiển trách bình luận của linh mục phản đối lệnh cấm điều trị chuyển giới
Tuần này, Tổng giáo phận St. Louis đã phản đối những bình luận của một linh mục địa phương, một người quyết liệt phản đối dự luật cấm các thủ thuật chuyển giới đối với trẻ vị thành niên của tiểu bang.
Missouri cấm cung cấp thuốc chặn tuổi dậy thì, hormone chuyển giới và phẫu thuật cho trẻ vị thành niên vì mục đích “chuyển đổi giới tính”. Luật có hiệu lực vào mùa hè năm ngoái và sau đó được tòa án duy trì vào mùa thu, nhưng hiện tại luật sẽ hết hạn vào tháng 8 năm 2027. Các nhà lập pháp Missouri, trong bối cảnh tranh luận gay gắt, hiện đang xem xét các dự luật mà nếu được thông qua sẽ biến luật này thành vĩnh viễn.
Cha Mitchell Doyen, cha sở tại Giáo xứ St. Josephine Bakhita ở phía bắc thành phố St. Louis, đã làm chứng trong phiên điều trần của ủy ban Hạ viện Missouri vào ngày 3 tháng 2 rằng “các dự luật mà quý vị đang xem xét ngày hôm nay đang phi nhân tính hóa anh chị em chúng ta”.
“Tôi đã có vinh dự được biết và kết bạn với những thanh thiếu niên và người lớn chuyển giới, cha mẹ, bạn bè và anh chị em của họ. Tôi đã lắng nghe những câu chuyện của họ, những câu chuyện của bác sĩ và cố vấn của họ. Mong muốn được sống một cuộc sống trọn vẹn, chân thực, đầy ân sủng và tài năng trong cộng đồng của chúng ta là một phước lành sâu sắc đối với chúng tôi,” Doyen nói.
“Tôi tin vào một vị Chúa yêu thương đã tạo ra mỗi con người như một sự phản ánh độc đáo của tình yêu Chúa trên thế giới. Tôi không ngại tưởng tượng ra một thế giới sâu sắc hơn nam và nữ. Và tôi tin tưởng cha mẹ, gia đình, bác sĩ, cố vấn — tất cả những người yêu thương thanh thiếu niên chuyển giới của chúng ta — để đưa ra những quyết định này.”
Trong một tuyên bố chia sẻ với CNA hôm thứ Tư, Tổng giáo phận St. Louis cho biết Cha Doyen “chỉ phát biểu theo quan điểm của riêng mình và những bình luận của ngài mâu thuẫn sâu sắc với giáo huấn của Giáo hội”.
Giáo Hội Công Giáo dạy rằng con người là một thể thống nhất nội tại của thể xác và tâm hồn, và rằng thể xác là một món quà cần được đón nhận, tôn trọng và chăm sóc. Các giám mục Hoa Kỳ đã nhắc lại vào năm 2023 rằng các can thiệp phẫu thuật hoặc hóa học nhằm mục đích biến đổi các đặc điểm tình dục của cơ thể thành các đặc điểm của giới tính đối diện đại diện cho sự bác bỏ “trật tự cơ bản của cơ thể con người” là “phân biệt giới tính”.
“Giáo Hội Công Giáo luôn khẳng định lòng trắc ẩn và phẩm giá vốn có của tất cả nam giới và phụ nữ, bao gồm cả những người trải qua chứng rối loạn bản dạng giới. Chúng tôi không phân biệt đối xử với bất kỳ ai dựa trên cách họ xác định hoặc những gì họ tin tưởng”, tuyên bố từ tổng giáo phận viết.
“Tuy nhiên, việc chăm sóc mục vụ và hỗ trợ của chúng tôi đối với những cá nhân tự nhận mình là người chuyển giới không có nghĩa là chúng tôi chấp nhận phương pháp điều trị bằng hóa chất hoặc các thủ thuật phẫu thuật được thiết kế để thay đổi ngoại hình giới tính của một người. Giáo hội đã nhất quán về vấn đề này và bất kỳ gợi ý nào ngược lại đều là sự trình bày sai lệch.”
Giáo xứ St. Josephine Bakhita, vốn là giáo xứ của người Mỹ gốc Phi, được thành lập từ sự sáp nhập của ba giáo xứ cũ có hiệu lực vào tháng 10 năm 2023. Giáo xứ đóng vai trò nổi bật vào mùa hè năm ngoái khi là điểm dừng chân chính thức của Cuộc hành hương Thánh Thể Quốc gia trong khuôn khổ Phong trào Phục hưng Thánh Thể Quốc gia.
Phát biểu trước Cha Doyen tại phiên điều trần hôm thứ Hai là Guillermo Villa Trueba, một nhà vận động hành lang của Hội đồng Công Giáo Missouri, đại diện cho các giám mục của tiểu bang. Ông cho biết Giáo hội ủng hộ các dự luật cấm các thủ thuật chuyển giới đối với trẻ vị thành niên của tiểu bang vì chúng sẽ tiếp tục bảo vệ trẻ vị thành niên khỏi các phẫu thuật “dựa trên sự hiểu biết sai lầm về bản chất con người” được thiết kế để cố gắng thay đổi giới tính của trẻ.
Villa Trueba lưu ý rằng trẻ vị thành niên không có khả năng đưa ra sự đồng ý thực sự có hiểu biết đối với các thủ thuật có thể dẫn đến vô sinh và phụ thuộc suốt đời vào thuốc chuyển giới, trích dẫn lời Đức Thánh Cha Phanxicô trong Laudato Si' về tầm quan trọng của việc “học cách chấp nhận cơ thể của chúng ta, chăm sóc nó và tôn trọng ý nghĩa đầy đủ nhất của nó”.
“Những người trẻ đang đấu tranh với chứng rối loạn bản dạng giới được Chúa yêu thương và sở hữu cùng phẩm giá vốn có như tất cả mọi người. Họ xứng đáng được giúp đỡ để chữa lành thay vì gây hại. Sử dụng thuốc chặn dậy thì hoặc hormone chuyển giới cho mục đích chuyển đổi giới tính có thể và sẽ chỉ gây hại và gây đau khổ”, Villa Trueba cho biết.
Trong phiên điều trần, Đại diện tiểu bang Cộng hòa Brad Christ, một người Công Giáo, đã hỏi Cha Doyen về điều mà ông mô tả là “sự không liên quan” giữa lời khai của Cha Doyen và Villa Trueba.
“Tôi không nói là 'thay đổi giáo lý của Giáo hội'. Nhưng tôi không nghĩ Giáo hội có bất cứ điều gì để nói về những dự luật này. Nó quá riêng tư trong cuộc sống của các gia đình,” Cha Doyen trả lời.
Source:Catholic News Agency