Tiến sĩ George Weigel là thành viên cao cấp của Trung tâm Đạo đức và Chính sách Công cộng Washington, và là người viết tiểu sử Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Ông vừa có bài viết nhan đề “Chairman Xi Gets a Seat at the Pope’s Table”, nghĩa là “Chủ tịch Tập Cận Bình có được một chỗ ngồi tại bàn của Đức Giáo Hoàng”. Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.
Trong số 368 vị tham dự Thượng hội đồng về tính đồng nghị trong tháng này, có 272 vị là giám mục. Các ngài là một nhóm tiêu biểu đáng chú ý của nhân loại, chứng minh rằng Giáo Hội Công Giáo là cộng đồng tôn giáo đa văn hóa nhất trên thế giới. Giữa sự đa dạng đó, hai tham dự viên nổi bật một cách đặc biệt: đó là Giám mục Vinh Sơn Chiêm Tư Lộc (Zhan Silu, 詹思祿) của Giáo phận Phúc Ninh/Mân Đông và Giám mục Giuse Dương Vĩnh Cường (Yang Yongqiang, 杨永强) của Giáo phận Hàng Châu đến từ Trung Quốc, nơi đang có một nỗ lực tàn bạo nhằm “Hán hóa” các cộng đồng tôn giáo, ép họ phải thay đổi cho phù hợp với “Tư tưởng Tập Cận Bình”.Nhà cầm quyền Trung Quốc đã bổ nhiệm Giám mục Chiêm Tư Lộc vào giáo phận Mân Đông vào năm 2000. Giám mục này đã bị vạ tuyệt thông vì chấp nhận việc tấn phong giám mục mà không có sự chấp thuận của Đức Giáo Hoàng, là một tội nghiêm trọng trong Giáo Hội. Sau đó, ông đã được hòa giải với Giáo Hội vào năm 2018. Tuy nhiên, một năm sau đó đã công khai tuyên thệ “sẽ quyết tâm thực hiện việc Hán hóa tôn giáo” và “tiếp tục theo đuổi con đường phù hợp với định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Giám mục Dương Vĩnh Cường là phó chủ tịch của Hiệp hội Công Giáo Yêu nước Trung Quốc, một công cụ của Ban Công tác Mặt trận Thống nhất của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản, được thành lập năm 1957 để chia rẽ Giáo Hội Công Giáo. Vatican chưa bao giờ công nhận nhóm này là một cơ quan Công Giáo hợp pháp. Trong một lá thư gửi cho người Công Giáo Trung Quốc năm 2007, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô 16 cho biết mục đích của nhóm này “không phù hợp với giáo lý Công Giáo”. Vị trí của Giám mục Dương trong Hiệp hội Công Giáo Yêu nước càng làm sâu sắc thêm hố sâu ngăn cách giữa Giáo Hội do chế độ kiểm soát ở Trung Quốc và Giáo Hội thầm lặng đang bị bao vây, vốn vẫn trung thành với Rôma ngay cả khi các giáo sĩ và giáo dân của họ bị bỏ tù hoặc bị tử đạo.
Vậy thì tại sao hai người đàn ông này, những người có lòng trung thành cuối cùng không rõ ràng, lại dành tháng 10 ở Rôma theo lời mời cá nhân của Đức Thánh Cha Phanxicô? Lịch sử hiện đại về ngoại giao Vatican gợi ý một câu trả lời.
Các nhà ngoại giao cao cấp của Vatican từ lâu đã bị ám ảnh bởi việc đạt được quan hệ ngoại giao toàn diện giữa Tòa thánh và Trung Quốc. Khuôn mẫu chiến lược của họ cho nỗ lực này là chính sách Ostpolitik của Giáo Hội vào cuối những năm 1960 và 1970. Chính sách đó tìm cách hòa giải với các chế độ cộng sản ở Trung và Đông Âu để tìm cho Giáo Hội một modus non moriendi, hay một “cách không chết”, cho đến khi các chế độ đó tự do hóa đến mức khoan dung tôn giáo, nếu không phải là tự do tôn giáo hoàn toàn, trở thành chuẩn mực.
Theo bất kỳ thước đo nghiêm chỉnh nào, chính sách này là một thất bại thảm hại. Trong thời kỳ Ostpolitik, các cuộc đàn áp đằng sau Bức màn sắt thường gia tăng. Những người Công Giáo kiên định đấu tranh cho quyền tự do tôn giáo và các quyền cơ bản khác của con người cảm thấy bị Vatican phản bội. Các cơ quan tình báo bí mật của Khối hiệp ước Warsaw đã sử dụng Ostpolitik để thâm nhập sâu hơn vào các tổ chức tôn giáo và chính Vatican.
Khi được bầu vào năm 1978, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã âm thầm xóa bỏ Ostpolitik và biến giáo hoàng thành người ủng hộ mạnh mẽ nhân quyền, có ảnh hưởng đáng kể ở Ba Lan, Tiệp Khắc và Lithuania do Liên Xô xâm lược.
Những thất bại rõ ràng của Ostpolitik có thể đã khiến Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh phải suy nghĩ lại một cách tỉnh táo, nhưng có một phẩm chất Bourbon trong bộ máy quan liêu đó: Không có gì bị lãng quên và không có gì được học. Do đó, các nhà ngoại giao trẻ của Vatican đang được đào tạo ngày nay tại Trường Ngoại Giao Tòa Thánh được dạy rằng chính sách này là một thành công lớn, đỉnh cao của ngoại giao Vatican thế kỷ 20. Thái độ đó, cộng với sự thiếu kinh nghiệm toàn cầu của Đức Thánh Cha Phanxicô khi được bầu vào năm 2013, đã giải thích rất nhiều lý do tại sao các Giám mục Chiêm Tư Lộc và Dương Vĩnh Cường lại tham dự hội nghị.
Năm 2018, Đức Thánh Cha Phanxicô, người dường như vô tư không quan tâm đến dự án “Hán hóa” của ông Tập, đã chấp thuận thỏa thuận mà các nhà ngoại giao Vatican bị ám ảnh bởi Trung Quốc đã tìm kiếm từ lâu. Văn bản của thỏa thuận đó, được tái khẳng định vào năm 2021 và có khả năng sẽ sớm được tái khẳng định một lần nữa, chưa bao giờ được công khai. Tuy nhiên, ai cũng biết rằng thỏa thuận này trao cho Bắc Kinh tiếng nói mạnh mẽ trong việc đề cử các giám mục Công Giáo tại Trung Quốc: đó là một sự nhượng bộ phớt lờ giáo huấn của Công đồng Vatican II, từ 1962-65, và vi phạm trắng trợn Bộ Giáo luật, trong đó nêu rõ rằng “không có quyền hoặc đặc quyền bầu cử, bổ nhiệm, đề cử hoặc chỉ định Giám mục nào được trao cho các chính quyền dân sự”.
Đức Gioan Phaolô II và Bênêđíctô XVI hoàn toàn có thể thực hiện một thỏa thuận như vậy. Nhưng cả hai vị đều không làm như thế, vì các ngài biết rằng điều đó sẽ làm tổn hại đến sự độc lập của Giáo Hội và rằng một chế độ toàn trị không thể tin cậy được. Có vẻ như Đức Thánh Cha Phanxicô đã đồng ý với thoả thuận này vì các nhà ngoại giao của ngài đã thuyết phục ngài rằng việc chấp nhận thỏa thuận đó—và sau đó chào đón những người như Giám mục Chiêm Tư Lộc và Dương Vĩnh Cường vào nhóm Thượng Hội Đồng—là một bước tiến tới quan hệ ngoại giao toàn diện. Đổi lại, điều đó sẽ mang lại cho ngoại giao Vatican một vị trí tại bàn đàm phán về tương lai của thế giới với một thế lực bá quyền toàn cầu tiềm tàng.
Tại sao bá quyền Trung Quốc lại chú ý đến những người đã cúi mình trước nó là một câu hỏi không bao giờ được trả lời. Trong khi đó, việc theo đuổi tưởng tượng ngoại giao này đã làm im tiếng nói của Vatican thay mặt cho tất cả các tín hữu bị đàn áp ở Trung Quốc, để bảo vệ Jimmy Lai, một người Công Giáo ngoan đạo, và để ủng hộ Đức Hồng Y đáng kính Giuse Trần Nhật Quân, giám mục danh dự của Hương Cảng.
Đức Giáo Hoàng cho biết ngài “hài lòng với cuộc đối thoại” và kết quả đạt được là rất “tốt”. Trên thực tế, đó là một sự ô nhục.
Source:Wall Street Journal