Như đã loan tin, Khi đến Budapest, ngày 28 tháng 4 năm 2023, điểm dừng chân đầu tiên của Đức Phanxicô là Cung điện Sándor, nơi ở chính thức của Tổng thống Hung gia lợi.

Sau cuộc gặp riêng với Tổng thống Katalin Novák, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp Viktor Orbán, Thủ tướng của đất nước. Ngài đã gặp riêng Tổng thống Cộng hòa Hung gia lợi trong 25 phút, và sau đó là Thủ tướng Hung gia lợi trong 20 phút.

Sau đó, ngài đã tới Đan viện Cát Minh cũ, nay là bản doanh của chính phủ Hung gia lợi để gặp gỡ các nhà cầm quyền, các đại diện xã hội dân sự và các thành viên của ngoại giao đoàn.

Nói chuyện với họ trong 20 phút, Đức Thánh Cha đã chia sẻ với họ ba suy nghĩ về thủ đô Budapest: đó là một thành phố của lịch sử, một thành phố của những cây cầu và một thành phố của các vị thánh.



Sau đây là nguyên văn bài diễn văn của ngài theo bản tiếng Anh do Tòa Thánh phổ biến:

Thưa bà Tổng thống Cộng hòa,

Thưa Thủ tướng,

Thưa các Thành viên Chính phủ và Ngoại giao đoàn,

Thưa các nhà chức trách và đại diện của xã hội dân sự,

Thưa quý bà qúy ông!


Tôi xin gửi lời chào thân ái nhất đến tất cả qúy vị và tôi cảm ơn Bà Tổng thống vì sự chào đón cũng như những lời tốt đẹp và sâu sắc của bà. Chính trị được sinh ra từ thành phố, vốn gọi làpolis, và mong muốn thực tế là sống với nhau trong sự thống nhất, bảo đảm các quyền lợi và tôn trọng các nghĩa vụ. Rất ít thành phố giúp chúng ta nhận ra điều này như Budapest, vì nó không chỉ là một đô thị cao quý và sống động, mà còn là nơi diễn ra những biến cố lịch sử trọng đại. Đã từng chứng kiến những biến cố quan trọng trong quá khứ, nó được kêu gọi đảm nhận vai trò lãnh đạo trong hiện tại và tương lai. Ở đây, như một trong những nhà thơ vĩ đại của qúy vị đã viết, “chúng ta được sông Danube dịu dàng ôm ấp, đó là quá khứ, hiện tại và tương lai của chúng ta” (A. JÓZSEF, The Danube). Giờ đây, tôi muốn chia sẻ với qúy vị một vài suy nghĩ, lấy điểm xuất phát của tôi là chính Budapest: một thành phố của lịch sử, một thành phố của những cây cầu và một thành phố của các vị thánh.

1. Một thành phố của lịch sử. Thủ đô này có nguồn gốc cổ xưa, bằng chứng là di tích của nó từ thời Celtic và La Mã. Tuy nhiên, sự huy hoàng của nó gắn liền với thời kỳ hiện đại, khi nó là thủ đô của Đế quốc Áo-Hung trong những thập niên hòa bình được gọi là belle époque [thời tươi đẹp], kéo dài từ những năm thành lập cho đến khi Chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ. Ra đời trong thời bình, nó cũng đã trải nghiệm những cuộc xung đột tàn khốc: không những chỉ là những cuộc xâm lược trong quá khứ, mà trong thời gian gần đây, những hành động bạo lực và áp bức do chế độ độc tài Đức Quốc xã và Cộng sản gây ra. Làm sao chúng ta quên được biến cố năm 1956? Và trong Chiến tranh thế giới thứ hai, hàng chục nghìn cư dân của nó đã bị trục xuất, với phần còn lại là người gốc Do Thái bị nhốt trong khu biệt cư và là đối tượng của những vụ giết người hàng loạt. Tuy nhiên, những ngày đó cũng được đánh dấu bằng chủ nghĩa anh hùng của nhiều người “chính nghĩa” – tôi nghĩ về Sứ thần Angelo Rotta chẳng hạn – và sau đó là sự kiên cường và cam kết tuyệt vời được thể hiện trong công việc tái thiết. Kết quả là Budapest ngày nay là một trong những thành phố châu Âu có đông người Do Thái sinh sống nhất, là trái tim của một quốc gia thừa nhận giá trị của tự do và đã phải trả giá quá đắt cho các chế độ độc tài, ý thức được sứ mệnh bảo tồn kho báu dân chủ và ước mơ hòa bình của mình.

Năm nay qúy vị long trọng kỷ niệm ngày thành lập Budapest cách đây 150 năm, vào năm 1873, qua việc hợp nhất của ba thành phố Buda và Óbuda ở phía tây sông Danube và Pest ở bờ đối diện. Sự ra đời của thủ đô vĩ đại này ở trung tâm lục địa mời gọi chúng ta suy nghĩ về tiến trình thống nhất do Châu Âu thực hiện, trong đó Hungary đóng một vai trò quan trọng. Trong thời kỳ hậu chiến, Châu Âu, cùng với Liên Hiệp Quốc, hiện thân niềm hy vọng cao quý này là, bằng cách cùng nhau hợp tác vì sự gắn bó chặt chẽ hơn giữa các quốc gia, người ta có thể tránh được những xung đột khác nữa. Thật không may, đã không được như thế. Vì, trong thế giới mà chúng ta đang sống hiện nay, việc đam mê theo đuổi một nền chính trị cộng đồng và việc củng cố các mối liên hệ đa phương dường như chỉ còn là một ký ức buồn bã về một quá khứ xa xôi. Chúng ta dường như đang chứng kiến buổi hoàng hôn buồn bã của giấc mơ hợp xướng về hòa bình đó, khi những kẻ đơn ca trong chiến tranh giờ đây đã tiếp quản hợp xướng này. Càng ngày, nhiệt tình xây dựng một cộng đồng hòa bình và ổn định của các quốc gia dường như càng nguội lạnh dần, khi các vùng ảnh hưởng được vạch ra, sự khác biệt ngày càng rõ rệt, chủ nghĩa dân tộc đang gia tăng và các phán đoán và ngôn ngữ ngày càng khắc nghiệt hơn được sử dụng để đối đầu với các quốc gia khác. Ở bình diện quốc tế, thậm chí có vẻ như chính trị phục vụ nhiều hơn cho việc khơi dậy các cảm xúc hơn là giải quyết các vấn đề, khi sự trưởng thành đạt được sau nhiều khủng khiếp của chiến tranh nhường chỗ cho sự thụt lùi, hướng tới một loại hiếu chiến thiếu thời. Hòa bình sẽ không bao giờ xuất hiện từ việc theo đuổi các lợi ích chiến lược cá nhân, mà chỉ phát xuất từ các chính sách có khả năng nhìn thấy bức tranh lớn hơn, đến sự phát triển của mọi người: các chính sách quan tâm đến cá nhân, người nghèo và tương lai, chứ không phải chỉ đơn thuần là quyền lực, lợi nhuận và triển vọng hiện tại.

Vào thời điểm lịch sử này, châu Âu rất quan trọng, vì lịch sử của nó, nó đại diện cho ký ức của nhân loại; theo nghĩa này, nó được kêu gọi đảm nhận vai trò thích hợp của mình, là đoàn kết những người xa cách nhau, chào đón các dân tộc khác và từ chối việc coi bất cứ ai là kẻ thù vĩnh viễn. Do đó, điều quan trọng là phải phục hồi tinh thần châu Âu: sự phấn khích và tầm nhìn của những người sáng lập, họ là những chính khách biết nhìn xa hơn thời đại của họ, vượt ra ngoài biên giới quốc gia và nhu cầu trước mắt, và tạo ra các hình thức ngoại giao có khả năng theo đuổi sự thống nhất, chứ không phải làm trầm trọng thêm sự chia rẽ. Tôi nghĩ tới De Gasperi, người, trong một hội nghị bàn tròn với Schuman và Adenauer, đã phát biểu: “Chính vì lợi ích của chính nó, chứ không phải là một cách để chống lại những người khác, mà chúng ta nhìn thấy trước một châu Âu thống nhất… Chúng ta đang làm việc vì sự thống nhất, không phải vì sự chia rẽ” (Lên tiếng tại Hội nghị Bàn tròn Châu Âu, Rome, 13 tháng 10 năm 1953). Và một lần nữa, tới niềm tin của Schuman, người cho rằng: “Sự đóng góp mà một châu Âu có cấu trúc và sức sống có thể tạo ra cho nền văn minh là điều không thể thiếu để duy trì các mối liên hệ hòa bình”, vì – theo cách nói đáng nhớ của ông – “hòa bình thế giới không thể được bảo đảm ngoại trừ những nỗ lực sáng tạo, tương xứng trước những nguy hiểm đang đe dọa nó” (Tuyên bố Schuman, ngày 9 tháng 5 năm 1950). Vào thời điểm hiện tại, những mối nguy hiểm đó thực sự rất nhiều; nhưng tôi tự hỏi, khi nghĩ đến ít nhất Ukraine đang bị chiến tranh tàn phá, đâu là những nỗ lực sáng tạo vì hòa bình?

2. Budapest là thành phố của những cây cầu. Nhìn từ trên cao, “hòn ngọc của Danube” biểu lộ sự độc đáo của nó trong những cây cầu nối liền nhiều phần của nó, phù hợp với hình dáng của dòng sông lớn. Sự hài hòa với môi trường tự nhiên này khiến tôi ghi nhận mối quan tâm đáng khen ngợi đối với hệ sinh thái của quốc gia này. Những nhịp cầu nối kết các thực tại đa dạng ấy cũng khiến chúng ta nghĩ đến tầm quan trọng của một tính thống nhất không y hệt như tính độc dạng. Ở Budapest, điều này được nhìn thấy qua sự đa dạng đáng chú ý của hơn 20 quận tạo nên thành phố. Cũng vậy, Châu Âu của 27 quốc gia, được xây dựng để tạo cầu nối giữa các quốc gia, đòi hỏi sự đóng góp của tất cả, đồng thời không làm giảm đi tính độc đáo của mỗi quốc gia. Như một trong những người sáng lập đã tuyên bố: “Châu Âu sẽ hiện hữu, nhưng không điều gì đã tạo nên vinh quang và hạnh phúc của mỗi quốc gia sẽ mất đi. Vì trong một xã hội lớn hơn, và một sự hòa hợp lớn hơn, các cá nhân sẽ có thể phát triển” (Lên tiếng, đã trích dẫn). Đây là sự hài hòa mà chúng ta cần: một tổng thể mà các bộ phận của nó không bị thuần nhất một cách nhạt nhẽo, nhưng được tích hợp hoàn toàn với những bản sắc riêng được bảo tồn. Về vấn đề này, Hiến pháp Hungary đã tuyên bố một cách đúng đắn: “Tự do cá nhân chỉ có thể hoàn thiện khi hợp tác với những người khác”, và một lần nữa, “Chúng tôi tin rằng văn hóa quốc gia của chúng tôi là một đóng góp phong phú cho sự đa dạng của sự thống nhất châu Âu”.

Tôi nghĩ về một châu Âu không làm con tin cho các bộ phận của mình, không trở thành con mồi của các hình thức chủ nghĩa dân túy tự quy chiếu cũng như không viện đến một thứ “chủ nghĩa siêu quốc gia” dễ thay đổi, nếu không muốn nói là nhạt nhẽo, làm mất đi tầm nhìn về cuộc sống của các dân tộc. Đây là con đường tai hại của những hình thức “thực dân hóa ý thức hệ” vốn hủy bỏ sự khác biệt, như trong trường hợp của cái gọi là lý thuyết giới tính, hoặc sẽ đặt trước thực tại cuộc sống những khái niệm giản lược về tự do, chẳng hạn bằng cách khoe khoang là tiến tới một “quyền phá thai” vô nghĩa, vốn luôn là một thất bại thảm hại. Sẽ tốt hơn biết bao nếu xây dựng một châu Âu lấy con người làm trung tâm và lấy các dân tộc làm trung tâm, với các chính sách hữu hiệu đối với sinh suất và gia đình như những chính sách được chăm chú theo đuổi ở quốc gia này – có những quốc gia ở châu Âu có độ tuổi trung bình là 46-48 –, một châu Âu có các quốc gia khác nhau sẽ tạo thành một gia đình duy nhất bảo vệ sự phát triển và tính độc đáo của mỗi thành viên. Cây cầu nổi tiếng nhất ở Budapest, cây cầu dây xích, giúp chúng ta hình dung ra kiểu châu Âu đó, vì nó bao gồm nhiều liên kết lớn và đa dạng tạo nên sự vững chắc và sức mạnh của chúng khi được nối với nhau. Về vấn đề này, đức tin Kitô giáo có thể là một nguồn lực, và Hung gia lợi có thể đóng vai trò là “người xây cầu” bằng cách dựa trên đặc tính đại kết chuyên biệt của mình. Ở đây, các tuyên tín khác nhau, mà tôi đã gặp cách đây một năm rưỡi, sống với nhau không xích mích, hợp tác một cách tôn trọng và xây dựng. Tôi vô cùng ưu ái nghĩ đến Tu viện Pannonhalma, một trong những tượng đài thiêng liêng vĩ đại của đất nước này, một nơi cầu nguyện và chính nó là nhịp cầu của tình huynh đệ.

3. Điều này dẫn tôi đến việc xem xét khía cạnh cuối cùng: Budapest như một thành phố của các vị thánh. Bà Tổng thống đã nói về Thánh Êlidabét. Điều này cũng được gợi ý bởi bức tranh mới được đặt trong hội trường này. Đương nhiên, chúng ta nghĩ đến Thánh Stêphanô, vị vua đầu tiên của Hung gia lợi, người đã sống vào thời mà các Kitô hữu ở Châu Âu hoàn toàn hiệp thông. Bức tượng của ngài, bên trong Lâu đài Buda, đứng sừng sững và che chở thành phố, trong khi Vương cung thánh đường dâng kính ngài ở trung tâm thủ đô, cùng với Vương cung thánh đường Esztergom, là công trình tôn giáo hùng vĩ nhất của đất nước. Lịch sử Hung gia lợi được đánh dấu bằng sự thánh thiện ngay từ đầu, không chỉ là sự thánh thiện của Nhà vua mà còn của cả gia đình ngài: vợ ông là Chân phước Gisela và con trai ông là Thánh Emeric. Sau này đã nhận được từ cha mình một số lời khuyên tạo thành một loại di chúc cho người Magyar. Hôm nay, họ hứa sẽ cho tôi một bản sao di chúc này. Tôi rất mong nhận được nó. Ở đó, chúng ta đọc được lời khuyên vẫn còn hợp thời: “Tôi khuyên mọi người không những chỉ tỏ lòng ưu ái với bà con họ hàng, với người quyền thế và giàu có, láng giềng và đồng hương của mình, mà còn với người nước ngoài và tất cả những ai đến với mình”. Thánh Stêphanô biểu lộ tinh thần Kitô giáo đích thực khi tuyên bố rằng, “thực hành yêu thương dẫn đến hạnh phúc tột đỉnh”. Ngài nói thêm: “Hãy dịu dàng, để không bao giờ chống lại công lý” (Admonitions, X). Bằng cách này, ngài đã kết hợp chặt chẽ sự thật và sự dịu dàng. Đây là một giáo huấn đức tin tuyệt vời: Các giá trị Kitô giáo không thể được đề xuất bằng sự cứng ngắc và khép kín, bởi vì chân lý của Chúa Kitô đòi hỏi sự hiền lành và dịu dàng, theo tinh thần của Các Mối Phúc Thật. Ở đây, chúng ta thấy nguồn gốc của tính hào hoa phong nhã bẩm sinh của người Hung gia lợi được phản ảnh trong một số cách diễn đạt lời nói hàng ngày, chẳng hạn như “jónak lenni jó” [thật tốt khi trở nên tốt] và “jobb adni mint kapni” [tốt hơn là nên cho hơn nhận].

Đây là một sự khẳng định không chỉ về giá trị của một bản sắc rõ ràng, mà còn về sự cần thiết của sự cởi mở đối với người khác. Hiến pháp ghi nhận điều này khi nêu rõ: “Chúng tôi tôn trọng tự do và văn hóa của các dân tộc khác, và sẽ cố gắng hợp tác với mọi quốc gia trên thế giới”. Nó cũng tuyên bố rằng “các dân tộc sống cùng chúng tôi tạo thành một phần của cộng đồng chính trị Hung gia lợi và là các bộ phận cấu thành Nhà nước”, đồng thời cam kết “thúc đẩy và bảo vệ… ngôn ngữ và văn hóa của các dân tộc sống ở Hung gia lợi”. Tinh thần này thực sự mang tính Tin Mừng, và trái ngược với một khuynh hướng nào đó, đôi khi được đề xuất nhân danh các truyền thống bản địa và thậm chí đức tin, để rút lui vào chính mình.

Bản văn Hiến pháp, bằng một cụm từ rõ ràng và ngắn gọn thấm nhuần tinh thần Kitô giáo, tiếp tục tuyên bố: “Chúng ta có nghĩa vụ chung là bảo vệ những người dễ bị tổn thương và người nghèo”. Chúng ta được nhắc nhở về lịch sử lâu đời của việc nên thánh ở Hung gia lợi, được làm chứng bởi nhiều nơi thờ phượng ở thủ đô này. Từ vị vua đầu tiên, người đặt nền móng cho cuộc sống cộng đồng, chúng ta chuyển sang một nàng công chúa, người đã nâng những bức tường của tòa nhà đó nên vững chắc và thuần khiết hơn. Danh tiếng của Thánh Êlidabét đã lan rộng khắp thế giới. Người con gái này của đất nước qúy vị đã chết ở tuổi hai mươi bốn sau khi từ bỏ tất cả tài sản của mình và phân phát mọi thứ cho người nghèo. Cuối cùng, bà cống hiến hết mình để chăm sóc người bệnh trong nhà tế bần mà bà đã xây dựng. Bà mãi là chứng nhân nổi bật của Tin Mừng.

Thưa các nhà chức trách, tôi bày tỏ lòng biết ơn vì việc cổ vũ các công việc từ thiện và giáo dục được truyền cảm hứng bởi các giá trị này, trong đó cộng đồng Công Giáo địa phương tích cực tham gia, cũng như sự hỗ trợ cụ thể của qúy vị đối với nhiều Kitô hữu trên toàn thế giới đang gặp khó khăn và nghịch cảnh, đặc biệt là ở Syria và Libăng. Sự hợp tác giữa Nhà nước và Giáo hội đã tỏ ra hữu hiệu, luôn tôn trọng nhu cầu phải cẩn thận phân biệt giữa các lĩnh vực riêng của nhau. Điều quan trọng là tất cả các Kitô hữu phải ghi nhớ điều này, lấy Tin Mừng làm điểm quy chiếu, tự do đón nhận các giáo huấn giải phóng của Chúa Giêsu mà không nhượng bộ một loại “chủ nghĩa hợp tác” với một nền chính trị quyền lực. Điều này đòi hỏi một ý thức lành mạnh về “tính thế tục” không suy thoái thành “chủ nghĩa thế tục” phổ biến vốn dị ứng với bất cứ khía cạnh nào của thể thánh thiêng, nhưng lại sẵn sàng hy sinh bản thân trước bàn thờ lợi nhuận. Những người tự xưng là Kitô hữu, cùng với các chứng nhân đức tin, được kêu gọi làm chứng và hợp lực với mọi người để vun trồng một chủ nghĩa nhân bản được gợi hứng bởi Tin Mừng và đi theo hai con đường cơ bản: thừa nhận mình là con cái yêu dấu của Chúa Cha và thương yêu nhau như anh em một nhà.

Về phương diện này, Thánh Stêphanô đã để lại cho con trai mình những lời nói phi thường về tình huynh đệ khi nói với cậu rằng những người đến với các ngôn ngữ và phong tục khác nhau sẽ “tô điểm cho đất nước”. Thật vậy, như ông đã viết, “một đất nước chỉ có một ngôn ngữ và phong tục thì yếu ớt và mong manh; vì lý do này, cha khuyên con hãy chào đón những người lạ với lòng nhân từ và tôn trọng họ, để họ thích ở với con hơn là ở nơi khác” (Admonitions, VI). Vấn đề chấp nhận và chào đón là một vấn đề nóng bỏng trong thời đại của chúng ta, và chắc chắn là phức tạp. Tuy nhiên, đối với những người là Kitô hữu, thái độ cơ bản của chúng ta không thể khác với thái độ mà thánh Stêphanô đã khuyên con trai mình, sau khi học được điều đó từ Chúa Giêsu, Đấng đã đồng hóa mình với khách lạ cần được tiếp đón (x. Mt 25:35). Khi chúng ta nghĩ về Chúa Kitô hiện diện trong rất nhiều anh chị em của chúng ta, những người đang chạy trốn trong tuyệt vọng khỏi các cuộc xung đột, nghèo đói và biến đổi khí hậu, chúng ta cảm thấy buộc phải đương đầu với vấn đề mà không được bào chữa và trì hoãn. Nó cần phải được cùng nhau đối đầu, trong tư cách một cộng đồng, nhất là bởi vì, trong tình hình hiện tại, sớm hay muộn, tất cả chúng ta sẽ cảm nhận được những tác động của nó. Như thế, trong tư cách Châu Âu, điều cấp bách là phải hành động để tạo ra các hành lang pháp lý và an toàn cũng như các quy trình đã được thiết lập để đáp ứng một thách thức mang tính thời đại không thể tránh khỏi và cần được thừa nhận, nhằm chuẩn bị cho một tương lai, nếu không được chia sẻ, sẽ không hiện hữu. Thách thức này đặc biệt đòi hỏi sự đáp ứng từ phía những ai là môn đệ của Chúa Giêsu và muốn noi gương các chứng nhân Tin Mừng. Không thể kể hết tất cả các người tuyên xưng đức tin vĩ đại của miền Pannonia Sacra [miền Pannonia Thánh Thiện](*), nhưng ở đây ít nhất tôi muốn đề cập đến Thánh Ladislas và Thánh Margaret, và nhắc lại một vài nhân vật chínhtrực của thế kỷ trước, chẳng hạn như Đức Hồng Y József Mindszenty, Chân phước Vilmos Apor và Chân phước Zoltán Meszlényi, giám mục và các vị tử đạo, và Chân phước László Battyány-Strattmann. Cùng với rất nhiều người chính trực thuộc nhiều tín ngưỡng khác nhau, họ là những người cha và người mẹ của đất nước qúy vị. Tôi mong muốn giao phó cho các ngài tương lai của quốc gia này, quốc gia rất thân yêu đối với trái tim tôi. Tôi cảm ơn quý vị đã kiên nhẫn lắng nghe những suy tư mà tôi chia sẻ với quý vị này, và tôi bảo đảm với quý vị sự gần gũi và lời cầu nguyện của tôi dành cho tất cả người dân Hung gia lợi, đặc biệt nghĩ đến những người sống ở nước ngoài và tất cả những người mà tôi đã gặp trong cuộc đời mình và những người đã rất tốt với tôi. Tôi nghĩ đến cộng đồng tôn giáo Hung gia lợi mà tôi đã hỗ trợ ở Buenos Aires. Isten, áldd meg a magyart [Chúa phù hộ cho người dân Hung gia lợi!]

___________________________________________________________

(*) Pannonia Sacra [miền Pannonia Thánh Thiện]: Pannonia là một quốc gia thời xưa và là một tỉnh của Đế quốc La Mã nằm ở phía nam và phiá tây Sông Danube gồm Áo, Hyng gia lợi, Slovenia và Croatia ngày nay (chú thích của người dịch)