Theo Elise Ann Allen của tạp chí CruxNow, cuối tuần trước, khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô yêu cầu người Công Giáo cầu nguyện cho chuyến viếng thăm sắp tới của ngài tới Hung gia lợi, ngài đã cho thấy một cách đáng chú ý rằng ngài đang đi đến trung Âu, một khu vực của thế giới được đánh dấu bởi “những cơn gió chiến tranh” và cuộc khủng hoảng nhân đạo đang bị bỏ lại đàng sau nó.



Nói với các tín hữu trong bài diễn văn lúc đọc kinh Lạy Nữ vương Thiên đàng ngày 23 tháng 4, Đức Giáo Hoàng nói chuyến viếng thăm của ngài sẽ là một dịp “để ôm lấy một Giáo hội và một dân tộc rất thân thương,” nhưng nói thêm rằng “đó cũng sẽ là một cuộc hành trình đến trung tâm của Châu Âu, ở đó những cơn gió băng giá của chiến tranh tiếp tục thổi, trong khi các phong trào của nhiều người đặt các vấn đề nhân đạo cấp bách lên chương trình nghị sự.”

Ngài chào người dân Hung gia lợi và xin mọi người cầu nguyện cho chuyến viếng thăm của ngài, đồng thời kêu gọi các tín hữu đừng quên “những anh chị em Ukraine của chúng ta, những người vẫn còn bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến này.”

Nhận định trên ngụ ý Ukraine luôn là ưu tiên hàng đầu trong tâm trí của Đức Giáo Hoàng và đối với ngài, chuyến đi này không chỉ đơn giản là một chuyến viếng thăm một quốc gia và người dân của họ, mà là cả một khu vực đang chịu sự tàn phá của chiến tranh và đang rất cần hòa bình.

Mặc dù phải nhập viện một thời gian ngắn vào tháng trước vì bệnh viêm phế quản, Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ đến Hung gia lợi từ ngày 28 đến 30 tháng 4, chỉ thăm thành phố Budapest. Những người tổ chức chuyến thăm cho biết họ được yêu cầu tổ chức tất cả các sự kiện trong một thành phố, do những hạn chế về khả năng di chuyển của Đức Giáo Hoàng, người thường xuyên sử dụng xe lăn và chống gậy.

Chuyến viếng thăm của ngài vào cuối tuần này, với chủ đề “Chúa Kitô là tương lai của chúng ta,” sau chặng dừng chân ngắn ở Hung gia lợi vào tháng 9 năm 2021 để bế mạc Đại hội Thánh Thể Quốc tế của nước này trước khi thực hiện chuyến viếng thăm ba ngày tới Slovakia. Vào thời điểm đó, Đức Phanxicô đã hứa sẽ trở lại Hung gia lợi, và chuyến viếng thăm của ngài trong tuần này đang thực hiện lời hứa đó.

Lịch trình dày đặc của ngài bao gồm các cuộc gặp gỡ với chính quyền quốc gia, trong đó có Thủ tướng Hung gia lợi Viktor Orbán, người mà Đức Giáo Hoàng thường đối đầu về vấn đề di cư. Tuy nhiên, gần đây đã có sự tan băng giá giữa hai bên về việc Hung gia lợi sẵn sàng chào đón những người tị nạn Ukraine.

Trong chuyến viếng thăm, Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng sẽ gặp gỡ các trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và khuyết tật và trong ngày thứ hai ở Budapest, ngài sẽ gặp gỡ những người nghèo và người tị nạn.

Những người tị nạn đến từ Ukraine và nhiều quốc gia khác nhau trên khắp châu Á, Trung Đông và châu Phi, bao gồm Pakistan, Afghanistan, Iraq, Iran, Nigeria và Nam Sudan. Trong số họ cũng sẽ có một số người khuyết tật, và các thành viên của cộng đồng người Rom ở Hung gia lợi.

Đức Phanxicô cũng sẽ gặp gỡ các bạn trẻ, các linh mục và tu sĩ trong nước, và ngài sẽ cử hành Thánh lễ công khai vào ngày cuối cùng của ngài.

Đáng chú ý, Đức Giáo Hoàng đã thêm vào lịch trình của ngài một cuộc gặp gỡ với cộng đồng Công Giáo Hy Lạp ở Hung gia lợi, với số lượng khoảng 300,000 người và được phục vụ bởi ba giám mục.

Căn cứ vào địa chính trị khu vực và sự ủng hộ của chính Đức Giáo Hoàng Phanxicô để chấm dứt chiến tranh ở Ukraine một cách hòa bình, cuộc xung đột dự kiến sẽ là điểm thảo luận chính của chuyến thăm, cùng với các vấn đề nóng bỏng khác như vấn đề di cư.

Chính người Công Giáo cho biết họ muốn Đức Giáo Hoàng gửi một thông điệp mạnh mẽ và rõ ràng về chiến tranh, nhưng họ cũng bày tỏ hy vọng rằng chuyến thăm của ngài, chỉ hai năm sau khi bế mạc Đại hội Thánh Thể của đất nước, sẽ dẫn đến một cuộc đổi mới đời sống Công Giáo ở một quốc gia có dân số ngày càng không thống thuộc tôn giáo.

Nga, Ukraine và lời kêu gọi hòa bình

Khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô đặt chân đến Hung gia lợi vào thứ Sáu, dự kiến ngay từ đầu, một trong những chủ đề lớn nhất trong chuyến thăm của ngài sẽ là cuộc chiến xảy ra ngay bên cạnh, gây ra bởi cuộc xâm lược Ukraine của Nga vào tháng 2 năm 2022.

Hung gia lợi và Ukraine chia sẻ 85 dặm biên giới, và cho đến ngày nay có khoảng 150,000 người dân tộc Hung gia lợi sống ở phía tây Ukraine, có nghĩa là hai nước luôn chia sẻ mối quan hệ khu vực chặt chẽ đã được củng cố hơn nữa kể từ khi nổ ra cuộc chiến Ukraine vào năm ngoái.

Kể từ khi chiến tranh bắt đầu, hơn 1.1 triệu người tị nạn Ukraine đã chạy sang Hung gia lợi để thoát khỏi bạo lực, và trong khi hầu hết đã chuyển đến các khu vực khác của châu Âu, vài nghìn người đã ở lại, tìm kiếm tư thế được bảo vệ tạm thời hoặc các hình thức cư trú khác.

Nói về tầm quan trọng của chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Đại sứ Hung gia lợi tại Tòa thánh Eduard Habsburg nói với Crux rằng “đó là một chuyến thăm mục vụ” và như vậy, không được thực hiện “vì bất cứ mục đích chính trị nào”.

Ông nói, “Cũng có một số chủ đề mà Tòa thánh và Hung gia lợi có những ý tưởng tương tự về chúng, và tôi mong những chủ đề này sẽ được nói đến”; nhưng ông cho biết ông không mong đợi Đức Giáo Hoàng đưa ra “bất cứ phát biểu nào hoặc tuyên bố về bất cứ chủ đề chính trị nào, chẳng hạn như cuộc chiến ở Ukraine.”

Khi nói đến cuộc chiến Ukraine, Habsburg cho biết ông tin rằng Đức Giáo Hoàng sẽ giải quyết vấn đề này với tư cách là một mục tử, cầu xin hòa bình trong lời cầu nguyện và nhấn mạnh “sự cần thiết của hòa bình”, đặc biệt trong cuộc gặp gỡ của ngài với các thành viên của cộng đồng Công Giáo Hy Lạp.

Ông nói, “Nhưng tôi không nghĩ sẽ có bất cứ tuyên bố chính trị nào”.

Tuy nhiên, bất chấp sự nhấn mạnh của Habsburg cho rằng Đức Giáo Hoàng sẽ tránh chính trị, Cha Csaba Török, quản trị giáo xứ của nhà thờ chính tòa ở Esztergom, nói với các nhà báo trong một cuộc thảo luận bàn tròn gần đây trên phương tiện truyền thông rằng chính người Công Giáo đang hy vọng một điều gì đó mạnh mẽ từ Đức Giáo Hoàng khi đề cập tới Ukraine.

Trưởng bộ phận quan hệ truyền thông của Hội đồng Giám mục Hung gia lợi, Cha Török cho biết bản thân ngài mong đợi “nếu Đức Giáo Hoàng đến một đất nước gần với chiến tranh, thì ngài sẽ nói điều gì đó mạnh mẽ và mang tính biểu tượng”.

Ngài nói thêm, “Người Hung gia lợi chúng tôi cũng cần nó, bởi vì trong dân chúng, cả các linh mục cũng hơi bối rối, vì tuy chính sách của Orbán rất thuận lợi cho Giáo hội, nhưng đồng thời một số đặc điểm của ông ấy không được yêu thích lắm”.

Mặc dù Cha Török không đi vào chi tiết cụ thể, nhưng Orbán là đồng minh lâu năm của Tổng thống Nga Vladimir Putin và, trong khi vẫn bỏ phiếu cho họ, đã chỉ trích các biện pháp trừng phạt của Liên hiệp Châu Âu đối với Mạc tư khoa. Khác với hầu hết các đồng minh phương Tây, Hung gia lợi đã từ chối cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine hoặc cho phép chuyển quân qua biên giới.

Trong quá khứ, chính Đức Giáo Hoàng Phanxicô, người đã nhiều lần chỉ trích việc buôn bán vũ khí hoàn cầu, tỏ ra không chắc chắn về việc gửi vũ khí, nghi vấn hiệu quả của nó trong việc chấm dứt xung đột, nhưng nói với các nhà báo trên chuyến bay trở về từ Kazakhstan vào tháng 9 năm ngoái rằng điều đó có thể hợp pháp về mặt đạo đức dưới một số điều kiện nào đó.

Cha Török nói, “Các giáo sĩ và người dân Hung gia lợi mong đợi điều gì đó từ Đức Giáo Hoàng”.

Ngài nói thêm, “Đương nhiên, chính phủ và các phương tiện truyền thông nhà nước đang cố gắng đưa ra một lời giải thích, một cách giải thích cho chuyến viếng thăm theo trình thuật đối nội và đối ngoại của riêng họ, nhưng những người Công Giáo đơn giản chúng tôi muốn một điều gì đó mạnh mẽ từ Đức Giáo Hoàng”.

Khi được hỏi liệu Đức Giáo Hoàng có dự kiến gặp giám mục Hilarion của Chính thống giáo Nga, đương kim Tổng Giám Mục của Budapest và Hung gia lợi hay không, trong chuyến viếng thăm của ngài, Cha Török cho biết ngài nghĩ “điều đó có thể xảy ra,” vì có một đại diện của Giáo hội Chính thống Nga tại Đại hội Thánh Thể Quốc tế ở Hung gia lợi vào năm 2021.

Đức Hồng Y Peter Erdő, tổng giám mục Budapest và Esztergom, cũng “có mối quan hệ tuyệt vời với hàng giáo phẩm của Nga,” ngài nói như thế, nhưng cảnh cáo rằng “về mặt chính thức, chúng tôi không biết gì cả.”

Theo ngài, bất kể điều gì xảy ra, “tôi không nghĩ chuyến viếng thăm Budapest này sẽ là điểm quyết định trong việc nối lại quan hệ hữu nghị giữa Tòa Thánh và Tòa Thượng Phụ Mạc tư khoa”.

Một Giáo hội ở tiền tuyến

Một vấn đề lớn khác có thể xuất hiện trong chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng là vấn đề di cư, và cuộc khủng hoảng nhân đạo ngày càng gia tăng do chiến tranh Ukraine gây ra và cuộc di cư ồ ạt của những người tị nạn Ukraine.

Về vấn đề di cư, Habsburg nói với Crux rằng ông sẽ “ngạc nhiên nếu nó không xuất hiện,” vì các số liệu mới nhất đưa ra con số người tị nạn Ukraine chạy sang Hung gia lợi là 1,100,000.

“Mặc dù một số ít trong số họ vẫn ở lại Hung gia lợi, nhưng chúng tôi sẽ tiếp nhận bất cứ ai muốn ở lại, và Đức Giáo Hoàng Phanxicô biết điều đó,” Ông cho biết như thế, đồng thời lưu ý rằng trước đây Đức Phanxicô đã cảm ơn Orbán và Tổng thống Hung gia lợi Katalin Novák vì đã hỗ trợ người tị nạn Ukraine.

“Hung gia lợi luôn mở cửa đón người tị nạn và những người tầm trú, chúng tôi chỉ gặp vấn đề với những người di cư bất hợp pháp,” Habsburg nói như thế, nhưng nhấn mạnh rằng vấn đề Ukraine là “một điều gì đó rất, rất khác. Ở đây chúng ta có một tình huống rất rõ ràng là những người đang chạy trốn khỏi vùng chiến sự, và đó là lúc mọi người phải giúp đỡ, và Hung gia lợi sẽ tiếp tục làm như vậy.”

Ông nói, những người Ukraine chọn ở lại Hung gia lợi đã được cung cấp nhà ở và các nhà tuyển dụng cũng như trường học đã được khuyến khích “tiếp nhận họ”, đồng thời nói rằng với số lượng người dân tộc Hung gia lợi sống ở Ukraine, “chúng tôi gắn bó một cách đầy xúc cảm vì cuộc xung đột đang xảy ra ngay lúc này.”

Trong khi chính phủ cung cấp hỗ trợ riêng cho người tị nạn Ukraine, nhiều người đã được giúp đỡ bởi các tổ chức từ thiện và nhiều tổ chức phi chính phủ hoạt động trong khu vực, nhiều tổ chức trong số đó do Giáo Hội Công Giáo điều hành.

Trong các bình luận với Crux, Mónica Varga, nhân viên báo chí của Caritas Hung gia lợi, cho biết họ bị sốc trước sự bùng nổ của chiến tranh và đã làm việc không mệt mỏi “để hỗ trợ những người và cộng đồng dễ bị tổn thương có cuộc sống bị hủy hoại bởi chiến tranh ở Ukraine.”

Varga cho biết ngay từ ngày đầu tiên, Caritas Hung gia lợi đã cung cấp cho các gia đình chạy trốn sự hỗ trợ ngay lập tức và lâu dài thông qua chăm sóc khẩn cấp cho người tị nạn, chỗ ở ngắn hạn cho người tị nạn quá cảnh, nhà ở dài hạn cho những người tìm cách ở lại, trợ cấp tài chính, công tác xã hội và hỗ trợ tâm lý.

Caritas Hung gia lợi hiện đang điều hành hai Điểm trợ giúp để hỗ trợ những người tị nạn Ukraine quá cảnh đang tìm nơi dừng chân, một ở làng biên giới Barabas và một ở Budapest. Cùng với nhau, các Điểm trợ giúp này đã phục vụ 21,000 người.

Hơn 1,000 người đã được cung cấp chỗ ở ngắn hạn với sự giúp đỡ của Caritas Hung gia lợi kể từ khi bắt đầu chiến tranh. Nhiều chỗ ở ngắn hạn cũng đang được cung cấp bởi các giáo phận địa phương và các dòng tu.

Về tác động chung của cuộc khủng hoảng đối với xã hội Hung gia lợi, Varga nói rằng khi chiến tranh lần đầu tiên nổ ra và số lượng người tị nạn ở mức cao nhất, “cả đất nước đều chuyển động,” và người dân chào đón những người tị nạn vào nhà mình và giúp đỡ họ.

Varga cho biết mặc dù số lượng người tị nạn đã giảm nhưng mức độ liên đới nói chung “vẫn ở mức cao và tất cả các bên đang cố gắng hỗ trợ tốt nhất cho các gia đình”.

Cô bày tỏ hy vọng rằng chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng sẽ “củng cố niềm hy vọng về hòa bình cho các gia đình tị nạn sống ở đây. Và nó sẽ tăng cường hơn nữa tình liên đới giữa người dân Hung gia lợi để trở thành những người chủ nhà tốt cho các gia đình Ukraine.”

Cha Török cho biết Giáo Hội thường là một trong những bên đầu tiên can thiệp khi có nhu cầu, và Giáo Hội thường làm như vậy thông qua các tổ chức từ thiện và tổ chức phi chính phủ.

Ngài cho biết Giáo hội Hung gia lợi “không có bất cứ sự độc lập nào trong vấn đề tài chính của mình,” và phần lớn phụ thuộc vào nhà nước để tài trợ cho các trường học, bệnh viện, tổ chức xã hội và thậm chí cả giáo phận, khiến cho giáo hội đôi khi khó lên tiếng.

“Nếu Giáo hội trở thành kẻ thù của chính phủ, thì trong một vài tháng, nó có thể khiến Giáo hội phá sản, và các trường học và cơ sở không thể hoạt động được nữa,” ngài nói như thế và cho biết vì điều này, nhiều giám mục và linh mục chọn cách giữ miệng lưỡi của họ khi căng thẳng chính trị phát sinh.

Ngài nói, “Chúng tôi làm những gì chính phủ muốn, chúng tôi làm theo cách chính phủ muốn, và chúng tôi cố gắng thích nghi với hoàn cảnh, nhưng nếu chúng ta nói về Giáo hội như một cộng đồng tín hữu, thì có rất nhiều sáng kiến”.

Về vấn đề di cư, Cha Török cho biết các biên giới đã bị đóng cửa và “về mặt chính thức, tình trạng di cư không còn tồn tại”, điều này đã dẫn đến sự gia tăng nạn buôn người. Ngài cáo buộc chính phủ nhắm mắt làm ngơ trước vấn đề này, và cho biết nhiều người Công Giáo đã tìm cách can thiệp “bên ngoài giới hạn hữu hình của Giáo Hội định chế”.

Một cuộc phục hưng Công Giáo

Mặc dù Hung gia lợi là một xã hội ngày càng thế tục, nhưng hầu hết những người tuyên bố thống thuộc tôn giáo đều là người Công Giáo.

Hung gia lợi có tổng dân số gần 10 triệu người, trong đó gần 5.6 triệu người theo Công Giáo, theo thống kê của Vatican tính đến tháng 12 năm 2021.

Cha Török đặt tỷ lệ phần trăm thấp hơn một chút, nói rằng chỉ 39 phần trăm dân số xác định là Công Giáo so với gần gấp đôi con số đó 60 năm trước. Giờ đây, ngài cho biết khoảng 40% người Hung gia lợi không thống thuộc tôn giáo nào hoặc không coi mình là người có tôn giáo, báo hiệu một sự thay đổi văn hóa xa rời các tôn giáo có tổ chức.

Hung gia lợi cũng có một dân số theo đạo Tin lành đáng kể, hầu hết là những người theo phái Calvin Cải cách, Cha Török cho biết con số này chiếm khoảng 25% dân số, trong khi những người theo giáo phái Luthêrô chiếm khoảng 2% và các tôn giáo khác, chẳng hạn như Do Thái giáo và Phật giáo, cũng chiếm khoảng 2%.

Về tác động mà ngài mong đợi chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Cha Török đã chỉ ra phương châm của chuyến đi, “Chúa Kitô là tương lai của chúng ta.”

“Nếu chúng ta nhìn vào phương châm, thì có vẻ như đó là sự trở lại với hy vọng và tương lai,” ngài nói thế, đồng thời cho biết Đại hội Thánh Thể Quốc tế được tổ chức tại Budapest vào năm 2021 và chuyến viếng thăm ngắn ngủi của Đức Giáo Hoàng để bế mạc sự kiện này đã có tác động đáng kể đối với Giáo Hội Hung gia lợi, và xã hội Hung gia lợi.

Nhiều người Công Giáo “có một cảm thức nhớ tiếc mạnh mẽ, rằng đạo Công Giáo ở Hung gia lợi sẽ trở lại,” ngài nói thế và thêm rằng ngài tin chuyến thăm này cũng sẽ góp phần vào cảm thức đó.

Khi nói đến sự thờ ơ ngày càng gia tăng đối với tôn giáo, Cha Török cho biết câu hỏi đặt ra cho ngài là, “làm thế nào chúng ta có thể bắt đầu lại, làm thế nào chúng ta có thể chứng minh tương lai, làm thế nào chúng ta có thể chứng tỏ rằng Chúa Kitô là tương lai của người dân và đất nước?”

“Chúng tôi không giỏi trong việc đưa ra câu trả lời, nhưng như tôi đã nói, hạn từ chính của chuyến thăm này sẽ là tương lai, và tương lai của chúng ta là Chúa Kitô,” ngài nói thế, bày tỏ hy vọng rằng thông điệp của Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ gây được tiếng vang với mọi người.

Tương tự như vậy, Habsburg, người Công Giáo, cho biết ông hy vọng chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng vào cuối tuần này sẽ mang lại cho “đức tin Công Giáo của chúng ta một khởi đầu mới, như lần trước ngài đã làm khi ngài đến đây. Chúng tôi thực sự có thể nói rằng Đại hội Thánh Thể và chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng đã để lại ấn tượng mạnh mẽ nơi người Công Giáo, và chúng tôi thấy những dấu hiệu đổi mới nhờ chuyến viếng thăm này.”

Về cách nhìn nhận của người Công Giáo Hung gia lợi đối với Đức Phanxicô, Habsburg cho biết ông tin rằng có một cảm thức thiện cảm mạnh mẽ đối với vị giáo hoàng người Á Căn Đình.

Khi Đức Giáo Hoàng dừng chân ở Hung gia lợi chỉ bảy giờ vào năm 2021, đã có “một sự nhiệt tình đáng kinh ngạc,” Habsburg nói như thế, bày tỏ niềm tin của ông rằng “người dân Hung gia lợi rất yêu mến vị giáo hoàng này,” và cảm giác này có tính hỗ tương.

Ông nói, “Tôi nghĩ Đức Giáo Hoàng Phanxicô biết rằng người dân Hung gia lợi yêu mến ngài, trông đợi ngài và xem ngài trước hết là một mục tử đến thăm đoàn chiên của mình. Tôi nghĩ đây sẽ là ba ngày hoàn toàn tuyệt vời ở Hung gia lợi”.

Varga cũng nói rằng có rất nhiều sự phấn khích đối với chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng, và sự hiện diện của ngài là rất cần thiết, vì đất nước “bị ảnh hưởng sâu xa bởi hậu quả của cuộc chiến ở Ukraine” do dòng người tị nạn và người dân tộc thiểu số Hung gia lợi sống ở miền Tây Ukraine.

Cô nói: “Vì những lý do này, việc Đức Thánh Cha đến thăm đất nước chúng tôi rất có ý nghĩa”. Vì theo cô, lời lẽ của ngài “có thể mang lại cho chúng tôi niềm tín thác và hy vọng thanh thản về hòa bình càng sớm càng tốt.”

“Tình huống này là một gánh nặng xúc cảm lớn lao đối với tất cả những người bị ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp và xem tin tức và hình ảnh. Mọi người đều rất cần được trấn an,” cô nói thế và thêm, “Sự hiện diện của Đức Giáo Hoàng sẽ là một nguồn lực thiêng liêng cho tất cả chúng ta.”