1. Tòa Thánh tuyên bố: “Đạo lý về khám phá” không bao giờ của Công Giáo
Tòa Thánh xác quyết rằng “Đạo lý về sự khám phá” không hề thuộc về giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo và tái bày tỏ lập trường bênh vực các thổ dân bản xứ.
Trên đây là nội dung thông cáo chung của Bộ Văn hóa và Giáo dục và Bộ Phát triển nhân bản toàn diện, công bố hôm 30 tháng Ba năm 2023 vừa qua tại Vatican.
Vấn đề “Đạo lý về sự khám phá” đã được nhắc đến gần đây, đặc biệt nhân dịp Đức Thánh Cha Phanxicô viếng thăm các thổ dân Canada hồi cuối tháng Bảy năm ngoái. Đạo lý này là một lý thuyết về triết học, chính trị và pháp luật cho rằng những thực dân Âu châu có quyền truất hữu đất đai và tài sản của các thổ dân.
Trong thông cáo chung, nhắc lại lịch sử đạo lý vừa nói, các cường quốc thực dân hồi thế kỷ XVI đã dựa vào đạo lý này, đặc biệt là Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, để đi chiếm hữu các lãnh thổ của các thổ dân bản xứ trên thế giới. Thông cáo của hai Bộ khẳng định rằng: “Đạo lý về sự khám phá” không thuộc về giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo. Sự nghiên cứu lịch sử chứng tỏ rõ ràng rằng các văn kiện Giáo hoàng về vấn đề này, được soạn ra trong một thời điểm lịch sử đặc biệt và gắn liền với những vấn đề chính trị, không bao giờ được coi như biểu hiện đức tin Công Giáo. Đồng thời, Giáo hội nhìn nhận rằng các sắc chỉ của các vị Giáo hoàng không phản ánh một cách thích hợp phẩm giá và quyền lợi bình đẳng của các thổ dân bản địa. Giáo hội cũng ý thức sự kiện nội dung những văn kiện ấy đã bị các thế lực thuộc địa lèo lái vào những mục tiêu chính trị, cạnh tranh giữa họ với nhau, để biện minh cho những hành động vô luân đối với các dân bản xứ, đôi khi được thực hiện mà không gặp sự chống đối của giáo quyền. Nhìn nhận những sai lầm đó thật là điều đúng, nhìn nhận những hậu quả kinh khủng của những chính sách đồng hóa và đau khổ mà các thổ dân đã chịu và xin lỗi. Ngoài ra, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắn nhủ rằng: “Không bao giờ cộng đoàn Kitô có thể để cho mình bị lây nhiễm ý tưởng, theo đó một nền văn hóa này cao trọng hơn nền văn hóa khác, hoặc được phép sử dụng những phương thức cưỡng bách những người khác”. (n.6)
“Huấn quyền của Giáo hội minh bạch ủng hộ sự tôn trọng phải có đối với mỗi người. Vì thế Giáo Hội Công Giáo loại bỏ những ý niệm không nhìn nhận các quyền nội tại của các thổ dân bản xứ, kể cả điều được biết đến như “Đạo lý về sự khám phá”.
“Gần đây, tình liên đới của Giáo hội đối với các thổ dân bản xứ đã khiến Giáo hội mạnh mẽ ủng hộ các nguyên tắc được ghi trong Tuyên ngôn của Liên Hiệp Quốc về các quyền của thổ dân. Việc thực thi những nguyên tắc này sẽ cải tiến điều kiện sống và giúp bảo vệ các quyền của các thổ dân bản xứ, tạo điều kiện cho họ phát triển trong sự tôn trọng căn tính, ngôn ngữ và văn hóa của họ”.
2. Cơ quan an ninh Ukraine cho biết lãnh đạo Chính Thống Giáo có quan hệ với Mạc Tư Khoa đang bị điều tra
Một nhà lãnh đạo Giáo Hội chính thống tại tu viện Kyiv-Pechersk Lavra đang bị điều tra, theo một tuyên bố hôm thứ Bảy từ Cơ quan An ninh Ukraine, gọi tắt là SBU. Ông bị cáo buộc tội “kích động hận thù tôn giáo” và “biện minh và bác bỏ cuộc xâm lược vũ trang của Nga đối với Ukraine. “
Là một phần của cuộc điều tra, SBU cho biết họ đã phát hiện ra rằng Tổng Giám Mục Petro Lebid, “trong các bài phát biểu trước công chúng của mình, đã nhiều lần xúc phạm cảm xúc tôn giáo của người Ukraine, làm bẽ mặt quan điểm của các tín hữu của các tín ngưỡng khác và cố gắng tạo ra thái độ thù địch đối với họ, và đưa ra các tuyên bố biện minh hoặc phủ nhận các hành động của quốc gia xâm lược.”
SBU cho biết: “Các hành động điều tra” đã được thực hiện tại nơi cư trú của Tổng Giám Mục Petro Lebid. Theo SBU, hoạt động này được tiến hành dưới sự giám sát của Văn phòng Tổng công tố Ukraine.
“Đối phương đang cố lợi dụng môi trường Giáo Hội để tuyên truyền và chia rẽ xã hội Ukraine. Nhưng chúng ta sẽ không cho quân xâm lược một cơ hội nào! SBU ngăn chặn một cách có hệ thống mọi nỗ lực của các cơ quan đặc nhiệm Nga nhằm sử dụng các đặc vụ của họ để gây tổn hại đến lợi ích và an ninh của Ukraine”, người đứng đầu SBU Vasyl Malyuk cho biết trong tuyên bố.
Đây là những gì dẫn đến cuộc điều tra: Tổng Giám Mục Petro Lebid là tu viện trưởng của tu viện 980 tuổi, trụ sở của Giáo Hội Chính thống Ukraine trực thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa, gọi tắt là UOC, một nhánh của Chính thống ở Ukraine có truyền thống trung thành với nhà lãnh đạo Chính thống Nga, Thượng phụ Kirill.
Kirill là đồng minh thân cận của Tổng thống Nga Vladimir Putin và là người ủng hộ cuộc chiến của ông ta với Ukraine.
Căng thẳng về sự hiện diện của Giáo Hội Chính thống Ukraine tại Kyiv-Pechersk Lavra đã gia tăng sau cuộc xâm lược Ukraine của Nga và một thỏa thuận cho phép UOC chiếm giữ khu phức hợp lịch sử đã bị chấm dứt vào ngày 10 tháng 3. UOC được hướng dẫn rời khỏi cơ sở trước ngày 29 tháng Ba.
Vào tháng 5 năm 2022, UOC cắt đứt quan hệ với Mạc Tư Khoa và tuyên bố “độc lập hoàn toàn”, nhưng một số thành viên vẫn duy trì lòng trung thành của họ.
Giáo Hội Chính thống Ukraine cho biết Tổng Giám Mục Petro Lebid đã tham dự phiên tòa hôm thứ Hai nhưng cảm thấy không khỏe và phải đến bệnh viện.
Các tín hữu cầu nguyện chặn lối vào một nhà thờ tại khu phức hợp của tu viện Kyiv-Pechersk Lavra ở Kyiv vào ngày 31 tháng 3.
Một số thông tin cơ bản khác: Kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược của Nga vào năm 2022, Cơ quan An ninh Ukraine cho biết họ đã triển khai hơn 40 “biện pháp an ninh và phản gián toàn diện” trong môi trường UOC, “nhằm mục đích ngăn chặn các hoạt động phá hoại của những kẻ ủng hộ các giáo sĩ Nga.”
Theo kết quả của các biện pháp mà SBU thực hiện, 61 thủ tục tố tụng hình sự đã được khởi xướng đối với 61 giáo sĩ. “Tổng cộng, các tòa án đã tuyên 7 bản án đối với các cá nhân giáo sĩ đứng về phía đối phương, trong đó có 2 người đã được trao cho phía Nga để đổi lấy các quân nhân của chúng ta”
Dựa trên các cuộc điều tra của SBU, 17 quan chức UOC đã bị Kyiv trừng phạt và gần 250 giáo sĩ của Nhà thờ Chính thống Nga đã bị cấm vào Ukraine.
Ukraine cũng đã tước quyền công dân của 19 giáo sĩ UOC, những người mang hai quốc tịch Ukraine-Nga, và buộc họ phải rời khỏi đất nước.
3. Tại sao những kẻ dị giáo kiên quyết ở lại trong Giáo hội trong khi cố gắng phá hủy Giáo Hội?
Tiến sĩ Jennifer S. Bryson, Thành viên tại Trung tâm Chính sách công và Đạo đức học ở Washington, DC và là Nhà nghiên cứu thỉnh giảng tại Hochschule Heiligenkreuz, cho rằng sự lạc quan phi thực tế của những kẻ dị giáo giữ họ ở lại trong Giáo hội trong khi cố gắng phá hủy nó.
Theo bà, năm mươi năm trước, lúc đó còn là một linh mục, Joseph Ratzinger và Ida Friederike Görres đang xem chương trình truyền hình tương đương với trực tuyến ngày nay về sự sụp đổ của Giáo hội ở Châu Âu. Và họ cũng hỏi cùng những câu hỏi về “những người cải cách” trong Giáo Hội mà ngày nay nhiều người trong chúng ta đang hỏi:
Tại sao họ quá lạc quan về những nỗ lực của họ, những nỗ lực rõ ràng đang dẫn đến sự suy giảm trong Giáo Hội? Và tại sao những người này vẫn ở trong một Giáo hội mà họ rõ ràng coi thường như vậy? Và, dám thốt ra chữ L, khi nào các vị nắm quyền cuối cùng sẽ rút thẻ đỏ ra và tuyên bố, “ly giáo”?
Vào đầu thập niên 1970, Ratzinger là một giám mục trẻ đang lên và Görres là một tác giả giáo dân lớn tuổi gần cuối đời. Cuộc sống của họ giao nhau. Ratzinger và Görres tiếp tục trao đổi thư từ từ những năm 1960 cho đến khi bà qua đời vào năm 1971, khi Ratzinger đọc điếu văn tại tang lễ của bà.
Khi nói đến các kẻ phá hoại vào thập niên 1970, Ratzinger nhận thấy tính lạc quan là một đặc điểm trung tâm của họ. Ngài đã khai triển ba giả thuyết để giải thích sự lạc quan của họ. Trong một bài nói chuyện của Ratzinger về “Hy vọng” vào năm 1986, ngài đã sử dụng Giáo hội ở Hòa Lan vào đầu những năm 1970 như một trong những nghiên cứu điển hình của mình về đối tác không tương ứng của hy vọng, tức tính lạc quan. Ngài mô tả tại sao tình trạng của Giáo hội ở Hòa Lan lại là một chủ đề rất được thảo luận giữa các đồng nghiệp của ngài vào thời điểm đó.
Sau chuyến thăm Hòa Lan, một trong số các vị mang về một bản báo cáo cho thấy “các chủng viện trống rỗng, các dòng tu không có tập sinh, linh mục và tu sĩ đang quay lưng lại với ơn gọi của họ, việc xưng tội biến mất, số người tham dự Thánh lễ giảm sút nghiêm trọng, và v.v...” Ratzinger nói: “Điều thực sự ngạc nhiên” là sự phổ biến của “tính lạc quan”. Ratzinger kể lại việc vị khách trở về từ Hòa Lan nói với họ:
“Không nơi nào có sự bi quan, mọi người đều hướng tới ngày mai với sự lạc quan. Hiện tượng lạc quan nói chung cho phép quên đi tất cả sự suy đồi và tàn phá: đủ để bù đắp cho tất cả những gì tiêu cực”.
Ratzinger đưa ra ba giả thuyết cho sự lạc quan này trước sự sụp đổ hết sức rõ ràng.
Một là “sự lạc quan có thể chỉ là vỏ bọc đằng sau ẩn giấu sự tuyệt vọng mà người ta đang cố gắng vượt qua.”
Giả thuyết thứ hai, theo ngài, “có thể là một điều gì đó tồi tệ hơn.” Ngài giải thích:
“Có thể sự lạc quan này là phương pháp được nghĩ ra bởi những người mong muốn phá hủy Giáo hội cũ và dưới chiêu bài cải cách muốn xây dựng một Giáo hội hoàn toàn khác, một Giáo hội theo sở thích của họ mà không cần quá ồn ào”.
Ratzinger nghĩ rằng sự hủy diệt như vậy sẽ là “Điều gì đó mà họ không thể khởi động nếu ý định của họ bị phát hiện quá sớm.” Ngài xác định rằng giả thuyết thứ hai này đòi hỏi hai kiểu lạc quan: kiểu lạc quan của những kẻ hủy diệt và kiểu lạc quan của những người ngây thơ bước theo.
Do đó, hình ảnh “sự lạc quan công cộng” được duy trì bởi những kẻ hủy diệt “sẽ là một cách trấn an các tín hữu nhằm tạo ra bầu không khí trong đó người ta có thể phá bỏ Giáo hội một cách lặng lẽ nhất có thể và giành quyền lực đối với nó.” Theo Ratzinger, muốn làm cho cách tiếp cận thứ hai này có thể thực hiện được, cần phải có “sự cả tin, thực sự là sự mù quáng của các tín hữu, những người để cho mình được trấn an bằng những lời hoa mỹ.”
Ngài kết luận, “tuy nhiên, sự lạc quan kiêu ngạo bội giáo này sẽ lợi dụng sự lạc quan ngây thơ của phía bên kia và thực sự cố tình nuôi dưỡng nó.” Kiểu lạc quan này sẽ được trình bày một cách lừa bịp như thể nó “chẳng là gì khác ngoài… nhân đức cậy thần thiêng,” trong khi, “trong thực tế, nó là một sự nhái lại đức tin và đức cậy.” Ngài nói, kiểu lạc quan thứ hai này sẽ là “một chiến lược có chủ ý nhằm xây dựng lại Giáo hội để… ý muốn của chúng ta” chứ không phải ý muốn của Thiên Chúa, “sẽ có tiếng nói quyết định cuối cùng.”
Giả thuyết thứ ba của ngài là “sự lạc quan này…chỉ đơn giản là một biến thể của niềm tin cấp tiến vào sự tiến bộ không ngừng—sự thay thế kiểu tư sản cho niềm trông cậy đã mất của đức tin.”
Ratzinger kết luận rằng rất có thể cả ba loại lạc quan đều đang hoạt động, “Không dễ để xác định loại nào trong số chúng có sức nặng quyết định và khi nào và ở đâu.”
Năm 1970, cũng có một giả thuyết khác về tiền thân Hòa Lan của Tiến trình Công nghị ngày nay, lần này được phát triển bởi Ida Görres. Trong một bức thư gửi cho người bạn của bà, Cha Paulus Gordan, OSB, bà giải thích rằng một linh mục đã mang về các tài liệu từ Giáo Hội Hòa lan. Bà phát biểu: “Về vấn đề này, tôi không thể hiểu tại sao, ở Rôma, người ta không đơn giản tuyên bố sự ly giáo, mà thực tế đã diễn ra từ lâu” — bà nói, một sự ly giáo “bây giờ chỉ được ngụy trang bằng những công thức khinh miệt ngoại giao.” Sau đó, bà giải thích lý do tại sao từ phía bên kia, ở Hòa lan, những người, trong căn bản, đã rời bỏ Giáo hội không tỏ ra háo hức bước ra khỏi cửa:
“Các quý ông ở Hòa lan chắc chắn đủ thông minh để biết rằng, nếu chính thức tách ra, họ sẽ chìm xuống vực thẳm của sự tầm thường không đáng quan tâm, trong khi bằng cách này, tất nhiên, họ sẽ tiếp tục đóng một vai giật gân tuyệt vời và, đồng thời, vẫn làm được những gì phù hợp với họ”.
Sự lạc quan tươi sáng, vui vẻ và tình yêu dành cho sự chú ý của giới truyền thông ngày nay lại được trình bầy giữa những người thống khoái Tiến trình Công nghị ở Đức. Năm này qua năm khác, ngày càng có nhiều người Đức rời bỏ Giáo hội; nhưng tại Tiến trình Công nghị, họ lạc quan hơn bao giờ hết. Họ say mê một tương lai với việc phong chức linh mục cho phụ nữ, cho phép ly dị, mở rộng bí tích hôn nhân cho các cặp đồng tính, v.v. Và họ nhanh nhẩu trong việc làm cho trường hợp của họ được biết đến trên bất cứ kênh truyền thông nào có thể. Và trong suốt thời gian đó, họ “làm những gì phù hợp với họ” chứ không phải những gì phù hợp với Giáo hội.
Hiện nay, chúng ta đang ở tình tiết không biết thứ bao nhiêu của mùa thứ bao nhiêu của một loạt phim bi kịch được gọi là “Cuộc khủng hoảng trong Giáo Hội.” Trong tình tiết mới nhất, Tiến trình Công nghị ở Đức, vốn đã gieo rắc hết sự phẫn nộ này đến sự phẫn nộ khác trên con đường của nó, giờ đây đang ôm lấy hết quan điểm dị giáo này đến quan điểm dị giáo khác và làm như vậy một cách trơ trẽn hơn bao giờ hết.
Và khi xem lại đoạn trực tuyến về điều này, chúng ta vẫn đặt câu hỏi: Tại sao những người theo đuổi sự hủy diệt này lại tràn đầy lạc quan như vậy? Khi nào thì đủ để sự phân ly trên thực tế được tuyên bố một cách công khai? Và tại sao những người ghét Giáo hội này vẫn ở trong Giáo hội?