1. Đức Thánh Cha đề cao giá trị luật độc thân, nhưng kỷ luật này có thể chuẩn chước
Nhân dịp kỷ niệm 10 năm được bầu làm Giáo hoàng, ngày 13 tháng Ba năm 2013, Đức Thánh Cha Phanxicô đã trả lời hai cuộc phỏng vấn, trong đó ngài đề cập đến nhiều vấn đề khác nhau.
Trong cuộc phỏng vấn dành cho ký giả Daniel Hadad của hãng tin Infobae, bằng tiếng Tây Ban Nha, có trụ sở ở Miami bên Mỹ, truyền đi ngày 10 tháng Ba vừa qua, Đức Thánh Cha trả lời câu hỏi về vấn đề độc thân linh mục. Đáp lại câu hỏi: Đức Giáo Hoàng có nghĩ rằng nếu biến luật độc thân linh mục trở thành điều tùy ý chọn lựa thì sẽ thu hút nhiều người làm linh mục hơn hay không? Đức Thánh Cha đáp: “Tôi không nghĩ như vậy”, và ngài nhận xét rằng cũng đã có những linh mục có gia đình trong Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Đông phương. Ngài cũng kể là ban sáng cùng ngày, ngài đã gặp một linh mục Công Giáo Đông phương làm việc tại Vatican, có vợ và một con trai.
Trước đó, Đức Thánh Cha nhắc lại rằng luật độc thân linh mục trong Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Latinh là một kỷ luật, vì thế nó có thể thay đổi, khác với chức linh mục là điều đời đời.
Trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng Giêng năm 2019, Đức Thánh Cha cũng nói đến giá trị của luật độc thân linh mục và nói: “Bản thân tôi, tôi nghĩ độc thân là một hồng ân cho Giáo hội. Tôi muốn nói rằng tôi không đồng ý với việc cho phép độc thân tùy ý. Không”. Hồi đó, Đức Thánh Cha nói thêm là ngài nghĩ có thể cứu xét vài luật trừ cho các giáo sĩ có gia đình trong Giáo Hội Công Giáo Latinh, khi có nhu cầu mục vụ tại những vùng xa xôi hẻo lánh, vì thiếu linh mục, ví dụ như các quần đảo Thái Bình Dương”.
Trong cuộc phỏng vấn dài một giờ đồng hồ dành cho ký giả Daniel Hadad, Đức Thánh Cha cũng đề cập đến chế độ độc tài ở Nicaragua hiện nay, và ví chế độ này với Đức quốc xã. Ngài cũng đề cập đến nạn buôn bán ma túy ở Mỹ châu Latinh, và chiến tranh tại Ukraine, vấn đề tuyên bố hôn nhân vô hiệu.
Về vấn đề hôn nhân, Đức Thánh Cha khuyên nên chú ý đến điều mà vị tiền nhiệm của ngài, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã nói về vấn đề này và nói: “có nhiều hôn nhân trong Giáo hội là vô hiệu vì thiếu đức tin”, và Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Tôi suy nghĩ về điều đó: đôi khi người ta đi kết hôn và hành động này giống như một cuộc tiếp tân xã hội chứ không phải đi nhận một bí tích... Một bà rất khôn ngoan nói với tôi: các cha rất sinh động. Để được chịu chức linh mục, các cha phải trải qua 6, 7 năm trong chủng viện. Nhưng để kết hôn là điều kéo dài cả đời, - vì các linh mục có thể hồi tục, còn chúng ta kết hôn cả đời, người ta chỉ cho chúng ta 4 buổi gặp gỡ để chuẩn bị học hỏi”.
2. Thủ tướng Ba Lan bênh vực Đức Gioan Phaolô II
Trước những lời cáo của buộc ký giả Ekke Overbeek, người Hòa Lan, trong cuốn sách mới xuất bản tựa đề: “Lỗi tại tôi mọi đàng. Gioan Phaolô II có biết” và phim tài liệu được đài truyền hình TVN24 Ba Lan, truyền đi ngày 06 tháng Ba vừa qua, nói rằng Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, khi còn làm Tổng giám mục Giáo phận Krakow, đã ém nhẹm tội lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên của một linh mục, Thủ tướng Ba Lan, ông Mateusz Morawiecki, đã lên tiếng bênh vực thanh danh Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, trước những lời cáo buộc dựa trên các hồ sơ của mật vụ thời cộng sản tại nước này.
Thủ tướng nói rằng những bằng chứng được trưng dẫn chống lại Đức Cố Giáo hoàng “rất đáng nghi ngờ”. Vụ này do những nhóm muốn “tạo nên một cuộc chiến tranh văn hóa” chống lại người Ba Lan và đảo lộn cuộc sống của họ.
Thủ tướng Morawiecki nhấn mạnh vai trò của Đức Cố Giáo hoàng đưa tới sự thay đổi tiến tới chế độ dân chủ tại Ba Lan, trong thập niên 1980, gợi hứng cho các nước khác tại Trung và Đông Âu còn ở dưới sự cai trị của chế độ cộng sản. Ông nói: “Danh sách những công trạng của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cho thế giới và Ba Lan thật là vô tận. Tôi đứng lên bênh vực Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II của chúng ta vì tôi biết chúng ta, trong tư cách là quốc gia, mang nợ rất nhiều đối với Đức Gioan Phaolô II. Có lẽ chúng ta mắc nợ ngài mọi sự”.
Đảng Luật Pháp và Công Lý đang cầm quyền ở Ba Lan đang vận động quốc hội thông qua một nghị quyết trong tuần này để bênh vực Đức cố Giáo hoàng.
3. Sáng kiến “24 giờ cho Chúa” vào ngày Thứ Sáu 17 tháng Ba
Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ cử hành sáng kiến “24 giờ cho Chúa”, chiều thứ Sáu, ngày 17 tháng Ba tới đây, tại giáo xứ “Đức Mẹ Ân Phúc” ở khu vực Trionfale, gần Vatican, và kéo dài đến thứ Bảy, ngày 18 tháng Ba. Đây là một sáng kiến của Hội Đồng Tòa Thánh Tái Truyền Giảng Tin Mừng diễn ra hàng năm vào Thứ Sáu và Thứ Bảy trước Chúa Nhật thứ Tư Mùa Chay.
Năm nay là năm thứ chín, và chủ đề cho chương trình 24 giờ cho Chúa năm nay là “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi” (Lc 18:13), lấy ý từ đoạn Phúc Âm dụ ngôn người Pharisêu và người thu thuế.
Đức Giêsu kể dụ ngôn sau đây với một số người tự hào cho mình là công chính mà khinh chê người khác: “Có hai người lên đền thờ cầu nguyện. Một người thuộc nhóm Pharisêu, còn người kia làm nghề thu thuế. Người Pharisêu đứng thẳng, nguyện thầm rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con. Còn người thu thuế thì đứng đằng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi. Tôi nói cho các ông biết: người này, khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi; còn người kia thì không. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.” (Lc 18:9-14)
Cử hành này được đánh dấu bởi việc Chầu Thánh Thể, suy tư cá nhân và lời mời hoán cải cá nhân. Như Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói trong Tông Thư Misericordia et Misera (Lòng Thương Xót và Nỗi Khốn Cùng): “Bí tích Hòa giải cần được tái khám phá và được đặt ở vị trí trung tâm trong đời sống Kitô hữu. Một dịp thuận lợi cho việc này có thể là sáng kiến 24 giờ cho Chúa, một cử hành được tổ chức vào gần Chúa Nhật Thứ Tư Mùa Chay. Sáng kiến này, đã có tại nhiều giáo phận, có giá trị mục vụ rất lớn trong việc khuyến khích một kinh nghiệm nhiệt thành hơn về Bí tích Hòa giải.”
Sáng kiến 24 giờ cho Chúa mời gọi cả thế giới đắm mình trong lòng thương xót vô biên của Chúa. Phụng Vụ Thống Hối cùng với Đức Thánh Cha Phanxicô tại Đền Thờ Thánh Phêrô sẽ bắt đầu sáng kiến tuyệt vời này. Từ khi bắt đầu ở Rôma, sáng kiến này giờ đây đã là một phần thiết yếu trong Mùa Chay tại các giáo phận trên khắp thế giới với mong muốn kết hợp thiêng liêng với Đức Thánh Cha nhằm đưa ra tất cả khả năng cho một kinh nghiệm cá vị về lòng thương xót Chúa.
Thông thường, Đức Thánh Cha cử hành sáng kiến này tại Đền Thờ Thánh Phêrô. Năm nay, có sự khác biệt, ngài sẽ cử hành tại giáo xứ “Đức Mẹ Ân Phúc”.
Năm ngoái, trong bối cảnh chiến tranh kinh hoàng tại Ukraine, khi kết thúc các nghi thức sám hối tại Đền Thờ Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha đã thực hiện hành động dâng hiến cho Trái Tim Khiết Tâm Đức Mẹ cả thế giới, đặc biệt là Ukraine và Nga.