1. Vụ thảm sát kinh hoàng tại Đức
Đau buồn, đoàn kết và bàng hoàng là những cảm xúc được bày tỏ ở Đức khi nước này phải đối mặt với vụ xả súng hàng loạt khiến bảy người thiệt mạng tại một nơi thờ phượng của giáo phái Nhân Chứng Giê-hô-va ở Hamburg.
Một số người khác vẫn đang trong tình trạng nguy kịch sau khi một tay súng bắn súng lục bán tự động vào nơi thờ phượng vào khoảng 9 giờ tối, giờ địa phương hôm thứ Năm.
Các nhà chức trách xác định thủ phạm là Philipp F, 35 tuổi, cựu thành viên của cộng đồng Nhân Chứng Giê-hô-va, người được cho là đã rời nhóm khoảng 18 tháng trước với những điều kiện tồi tệ. Sau vụ xả súng, tay súng đã chết khi quay súng tự sát.
Thị trưởng Hamburg Peter Tschentscher mô tả tin tức này là “sự chấn động” trong khi Thủ tướng Đức Olaf Scholz phát biểu tại địa điểm xảy ra vụ tấn công rằng ông “không nói nên lời” trước vụ việc.
Bên ngoài Hamburg, người dân trên khắp nước Đức đã bị sốc và đau buồn trước tin tức này.
Theo báo cáo của các phương tiện truyền thông, các nhà chức trách đã được thông báo rõ ràng về Philipp F vào tháng trước sau khi một người ẩn danh báo cáo rằng anh ta đang thể hiện hành vi đáng lo ngại và có cảm xúc xấu đối với cộng đồng. Sau khi cảnh sát tiến hành kiểm tra đột xuất nhà của anh ta vào ngày 7 tháng 2, họ không tìm thấy dấu hiệu của bệnh tâm thần và cho phép anh ta giữ khẩu súng của mình sau khi hài lòng rằng nó đã được cất giữ đúng cách.
Ở Đức, những người từ 18 tuổi trở lên không có tiền án tiền sự được phép sở hữu súng nếu họ đáp ứng một số yêu cầu pháp lý nhất định. Các số liệu chính thức cho thấy có hơn 940.000 chủ sở hữu súng tư nhân đã ghi danh ở Đức, nhiều người trong số họ là những vận động viên bắn súng thể thao hoặc thợ săn.
Vụ nổ súng mới nhất đã làm gia tăng áp lực buộc chính phủ phải kiểm tra lý lịch chặt chẽ hơn và thắt chặt các biện pháp xung quanh quyền sở hữu súng, một vấn đề vốn đã nằm trong chương trình nghị sự sau hàng loạt vụ việc liên quan đến súng trong vài năm qua.
Vào tháng 12, vũ khí bất hợp pháp nằm trong số vũ khí được tìm thấy trong các cuộc truy quét được thực hiện nhằm vào các thành viên của một nhóm cực hữu bị tình nghi âm mưu lật đổ chính phủ Đức.
Hai năm trước đó, vào tháng 2 năm 2020, một kẻ cực đoan cực hữu đã giết chết 10 người Đức không phải da trắng và làm bị thương 5 người khác ở trung tâm thành phố Hanau, trong một vụ được coi là một trong những vụ tấn công có động cơ chủng tộc tồi tệ nhất ở nước này trong những năm gần đây.
2. Một âm mưu đảo chính đang diễn ra tại Moldova
Hàng nghìn người đã tập trung tại thủ đô Chișinău của Moldova để tham gia một cuộc biểu tình do một đảng thân Nga tổ chức, nơi những người biểu tình chỉ trích chính phủ thân Âu Châu vì chi phí sinh hoạt tăng cao.
Cuộc biểu tình hôm Chúa Nhật là một trong loạt cuộc biểu tình chống lại chính phủ mới thân EU, được tổ chức bởi một nhóm có tên là Phong trào vì Nhân dân.
Nhóm này được hỗ trợ bởi đảng Shor thân thiện với Nga, nắm giữ sáu ghế trong cơ quan lập pháp của Moldova và được lãnh đạo bởi một nhà tài phiệt đã bị Anh cấm vận.
Do Nga đã giảm cung cấp khí đốt cho Moldova trong năm qua, các hóa đơn đã tăng lên gấp 6 lần ở quốc gia 2,6 triệu dân này. Cuộc khủng hoảng năng lượng và chiến tranh ở nước láng giềng Ukraine cũng góp phần làm lạm phát tăng 30%.
Với sự giúp đỡ về kinh tế của phương Tây, chính phủ đã trợ cấp các hóa đơn năng lượng nhưng nhiều người vẫn đang gặp khó khăn.
Chính quyền Moldova tuyên bố đây là một âm mưu của các nhóm do Nga hậu thuẫn được đào tạo để gây ra tình trạng bất ổn hàng loạt trong các cuộc biểu tình chống chính phủ.
Người đứng đầu lực lượng cảnh sát của nước này cho biết trong một cuộc họp báo rằng một số đặc vụ Nga đã bí mật thâm nhập vào các nhóm “đánh lạc hướng”, trong đó có công dân Nga, những người đã được hứa trả 10.000 đô la để tạo ra “sự rối loạn hàng loạt” nhằm gây bất ổn cho Moldova.
Cảnh sát cho biết 54 người biểu tình đã bị bắt và 4 người bị truy tố về hành vi đánh bom.
Căng thẳng gia tăng giữa Nga và Moldova trong những tuần gần đây. Tổng thống Moldova Maia Sandu đã cáo buộc vào tháng 2 rằng Nga, với sự giúp đỡ của các cá nhân đóng giả người biểu tình chống chính phủ, đang tìm cách lật đổ chính phủ của cô và ngăn cản đất nước của cô gia nhập Liên minh Âu Châu.
Sandu, một đồng minh của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy, cũng cáo buộc Tổng thống Nga Vladimir Putin muốn sử dụng Moldova trong cuộc chiến chống lại Ukraine.
Moldova, một quốc gia Đông Âu nhỏ có chung đường biên giới với Ukraine, có quân đội Nga đồn trú tại khu vực ly khai Transnistria.
3. Thách thức Tòa Thánh, Nicaragua đóng cửa đại sứ quán Vatican ở Managua, và đại sứ quán Nicaragua tại Vatican
Nhà độc tài Nicaragua Daniel Ortega đã ra lệnh đóng cửa Đại sứ quán Vatican ở Managua và Đại sứ quán Nicaragua tại Vatican ở Rôma.
Diễn biến này xảy ra vài ngày sau khi Đức Thánh Cha Phanxicô so sánh chính phủ Nicaragua với một chế độ độc tài. Daniel Ortega xem đây là bước đầu trong xu thế “đình chỉ” quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh.
Một nguồn tin của Vatican nói với thông tấn xã Reuters rằng mặc dù việc đóng cửa không tự động có nghĩa là cắt đứt hoàn toàn quan hệ giữa Managua và Tòa thánh, nhưng chúng là những bước nghiêm trọng hướng tới khả năng đó.
Chính quyền của Ortega ngày càng bị quốc tế cô lập kể từ khi ông ta bắt đầu đàn áp mạnh tay những người bất đồng chính kiến sau các cuộc biểu tình trên đường phố nổ ra vào năm 2018. Ortega gọi các cuộc biểu tình là một âm mưu đảo chính chống lại chính phủ của ông.
Đức Cha Rolando Alvarez, một người lớn tiếng chỉ trích Ortega, đã bị kết án hơn 26 năm tù ở Nicaragua vào tháng trước với các tội danh bao gồm phản quốc, phá hoại sự toàn vẹn quốc gia và tung tin sai sự thật.
Alvazez bị kết án sau khi ngài từ chối rời khỏi đất nước cùng với 200 tù nhân chính trị được chính phủ của Ortega trả tự do và đưa đến Hoa Kỳ. Đức Cha Alvarez từ chối lên máy bay và bị tước quyền công dân.
Trong một cuộc phỏng vấn được công bố vào tuần trước với hãng tin tức trực tuyến Mỹ Latinh Infobae trước lễ kỷ niệm 10 năm triều đại giáo hoàng của mình vào thứ Hai, Đức Thánh Cha đã so sánh việc Đức Cha Alvarez bị bỏ tù và những gì đang xảy ra ở Nicaragua với “chế độ độc tài Cộng sản năm 1917 hoặc chế độ Quốc Xã của Hitler năm 1935”.
Nhân viên ở cả hai đại sứ quán đều đã cạn kiệt trong nhiều năm chỉ còn một đại biện lâm thời cho Vatican ở Managua và hầu như không có ai cho đại diện cho Nicaragua ở Rôma.
Mối quan hệ giữa Giáo Hội Công Giáo Nicaragua và bọn cầm quyền đã trở nên căng thẳng nghiêm trọng kể từ cuộc đàn áp các cuộc biểu tình chống chính phủ vào năm 2018, khi Giáo hội đóng vai trò trung gian hòa giải giữa hai bên.
Giáo Hội đã kêu gọi công lý cho hơn 360 người đã chết trong tình trạng bất ổn.
Giám mục Nicaragua Silvio Baez, cũng là một người chỉ trích chính phủ, đã phải sống lưu vong vào năm 2019.
Một năm trước, Vatican đã phản đối Nicaragua về việc trục xuất Sứ thần Tòa Thánh, và nói rằng hành động đơn phương là phi lý và không thể hiểu nổi.
Đức Tổng Giám Mục Waldemar Sommertag, người từng chỉ trích việc Nicaragua trượt dài khỏi nền dân chủ, đã phải đột ngột rời khỏi đất nước sau khi bọn cầm quyền ra lệnh trục xuất ngài. Dòng Thừa Sai Bác Ái của Mẹ Têrêsa cũng bị trục xuất sau đó.
4. Huấn đức của Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật thứ Ba Mùa Chay 12 tháng Ba
Chúa Nhật 12 tháng Ba, Giáo Hội trên toàn thế giới cử hành Chúa Nhật thứ Ba Mùa Chay.
Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Gioan.
Khi ấy, Đức Giêsu đến một thành xứ Samari, tên là Xykha, gần thửa đất ông Giacóp đã cho con là ông Giuse. Ở đấy, có giếng của ông Giacóp. Người đi đường mỏi mệt, nên ngồi ngay xuống bờ giếng. Lúc đó vào khoảng mười hai giờ trưa.
Có một người phụ nữ Samari đến lấy nước. Đức Giêsu nói với người ấy : “Chị cho tôi xin chút nước uống !” Lúc đó, các môn đệ của Người đã vào thành mua thức ăn. Người phụ nữ Samari liền nói: “Ông là người Do Thái, mà lại xin tôi, một phụ nữ Samari, cho ông nước uống sao?” Quả thế, người Do Thái không được giao thiệp với người Samari. Đức Giêsu trả lời: “Nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban, và ai là người nói với chị : ‘Cho tôi chút nước uống’, thì hẳn chị đã xin, và người ấy đã ban cho chị nước hằng sống.” Chị ấy nói: “Thưa ông, ông không có gầu, mà giếng lại sâu. Vậy ông lấy đâu ra nước hằng sống? Chẳng lẽ ông lớn hơn tổ phụ chúng ta là Giacóp, người đã cho chúng ta giếng này? Chính Người đã uống nước giếng này, cả con cháu và đàn gia súc của Người cũng vậy.” Đức Giêsu trả lời: “Ai uống nước này, sẽ lại khát. Còn ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa. Và nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời.”
Người phụ nữ nói với Đức Giêsu: “Thưa ông, xin ông cho tôi thứ nước ấy, để tôi hết khát và khỏi phải đến đây lấy nước.” Người phụ nữ lại nói: “Thưa ông, tôi thấy ông thật là một ngôn sứ... Cha ông chúng ta đã thờ phượng Thiên Chúa trên núi này; còn các ông lại bảo: Giêrusalem mới chính là nơi phải thờ phượng Thiên Chúa.” Đức Giêsu phán: “Này chị, hãy tin tôi: đã đến giờ các người sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải trên núi này hay tại Giêrusalem. Các người thờ Đấng các người không biết; còn chúng ta thờ Đấng chúng ta biết, vì ơn cứu độ phát xuất từ dân Do Thái. Nhưng giờ đã đến và chính là lúc này đây giờ các tín hữu đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật, vì Chúa Cha tìm kiếm những ai thờ phượng Người như thế. Thiên Chúa là thần khí, và những kẻ thờ phượng Người phải thờ phượng trong thần khí và sự thật.” Người phụ nữ thưa: “Tôi biết Đấng Mêsia, gọi là Đức Kitô, sẽ đến. Khi Người đến, Người sẽ loan báo cho chúng ta mọi sự.” Đức Giêsu nói: “Đấng ấy chính là tôi, người đang nói với chị đây.”
Có nhiều người Samari trong thành đó đã tin vào Đức Giêsu, vì lời người phụ nữ làm chứng. Vậy, khi đến gặp Người, dân Samari xin Người ở lại với họ, và Người đã ở lại đó hai ngày. Số người tin vì lời Đức Giêsu nói còn đông hơn nữa. Họ bảo người phụ nữ: “Không còn phải vì lời chị kể mà chúng ta tin. Quả thật, chính chúng ta đã nghe và biết rằng Người thật là Đấng cứu độ trần gian.”
Anh chị em thân mến, chào anh chị em,
Chúa Nhật này, Tin Mừng trình bày cho chúng ta một trong những cuộc gặp gỡ đẹp đẽ và hấp dẫn nhất mà Chúa Giêsu có – đó là cuộc gặp gỡ với người phụ nữ Samari (x. Ga 4:5-42). Chúa Giêsu và các môn đệ nghỉ chân bên một cái giếng ở Samari. Một người phụ nữ đến và Chúa Giêsu nói với bà: “Xin cho tôi chút nước uống” (c. 8). Tôi muốn tạm dừng ngay tại cụm từ này: Cho tôi chút nước uống.
Cảnh này mô tả Chúa Giêsu, khát và mệt mỏi. Một phụ nữ Samaria tìm thấy Người vào giờ nóng nực nhất, giữa trưa, đang xin nước giải khát như một người hành khất. Đó là hình ảnh về sự hạ mình của Thiên Chúa. Thiên Chúa hạ mình trong Đức Giêsu Kitô để cứu chuộc chúng ta. Ngài đến với chúng ta. Nơi Đức Giêsu, Thiên Chúa đã trở nên một người trong chúng ta, Ngài đã hạ mình xuống. Khát như chúng ta, Ngài cũng phải chịu cơn khát như chúng ta. Nghĩ đến cảnh này, mỗi người chúng ta có thể nói: Ngài là Chúa, là Thầy “xin tôi nước uống. Như thế, Ngài cũng khát như tôi. Ngài chia sẻ cơn khát của tôi. Ngài thực sự ở gần tôi, Chúa ơi! Chúa đang chạm đến sự bần cùng của con. Nhưng con không thể tin được! “Chúa đã nắm lấy con từ bên dưới, từ chỗ thấp nhất của con người con, nơi không ai có thể chạm tới” (P. Mazzolari, La Samaritana, Bologna 2022, 55-56). Và Chúa đã đến với con từ bên dưới và Chúa đã nắm lấy con từ bên dưới bởi vì Chúa đang khát và khao khát con. Thật ra, cơn khát của Chúa Giêsu không chỉ thuộc thể xác. Nó diễn tả những khát khao sâu thẳm nhất cuộc đời chúng ta, và trên hết là khát khao tình yêu của chúng ta. Ngài còn hơn cả một kẻ ăn mày. Ngài “khát” tình yêu của chúng ta. Và điều này sẽ bộc lộ vào lúc tột đỉnh cuộc khổ nạn của Người, trên thập giá, nơi mà trước khi chết, Chúa Giêsu sẽ nói: “Ta khát” (Ga 19:28). Khát khao tình yêu đó đã đưa Ngài xuống, hạ mình xuống, hạ cố trở thành một người trong chúng ta.
Nhưng Chúa xin nước uống, lại chính là Đấng cho chúng ta uống. Gặp người phụ nữ Samari, Người nói với bà về nước hằng sống của Chúa Thánh Thần. Và từ thập giá, máu và nước chảy ra từ cạnh sườn bị đâm thâu của Người (x. Ga 19:34). Khát khao tình yêu, Chúa Giêsu làm dịu cơn khát của chúng ta bằng tình yêu. Và Người làm với chúng ta điều Người đã làm với người phụ nữ Samari – Người đến gặp chúng ta trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, Người chia sẻ cơn khát của chúng ta, Người hứa ban cho chúng ta nước hằng sống làm cho sự sống vĩnh cửu trào dâng trong chúng ta.
Cho tôi chút nước uống. Có một khía cạnh thứ hai. Những lời này không chỉ là một lời yêu cầu của Chúa Giêsu đối với người phụ nữ Samaria, nhưng là một tiếng kêu – đôi khi im lặng – gặp gỡ chúng ta mỗi ngày và yêu cầu chúng ta làm dịu cơn khát của người khác, chăm sóc cơn khát của người khác. Có bao nhiêu người nói với chúng ta “cho tôi chút nước uống” - trong gia đình của chúng ta, tại nơi làm việc, ở những nơi khác mà chúng ta tìm thấy chính mình. Họ khao khát được gần gũi, được chú ý, được lắng nghe. Đó là những người khao khát Lời Chúa và cần tìm một ốc đảo trong Giáo hội để họ có thể uống. Hãy cho tôi chút nước là một tiếng kêu được nghe thấy trong xã hội của chúng ta, nơi mà tốc độ điên cuồng, sự vội vàng để tiêu thụ, và đặc biệt là sự thờ ơ, nền văn hóa lạnh nhạt đó, tạo ra sự khô khan và trống rỗng nội tâm. Và – chúng ta đừng quên điều này – “cho tôi uống với” là tiếng kêu cứu của nhiều anh chị em thiếu nước sinh hoạt, trong khi ngôi nhà chung của chúng ta tiếp tục bị ô nhiễm và biến chất. Kiệt sức và khô héo, xã hội cũng “khát nước”.
Trước những thách thức đó, bài Tin Mừng hôm nay cống hiến nước hằng sống cho mỗi người chúng ta để có thể trở thành nguồn suối tươi mát cho người khác. Và như vậy, giống như người phụ nữ Samari bỏ vò bên giếng và đi gọi những người cùng làng với mình (x. câu 28), chúng ta cũng sẽ không còn chỉ nghĩ đến việc thỏa mãn cơn khát của chính mình, cơn khát vật chất, trí tuệ của chúng ta, hay cơn khát văn hóa, nhưng với niềm vui được gặp gỡ Chúa, chúng ta sẽ làm dịu cơn khát của người khác, mang lại ý nghĩa cho cuộc sống của người khác, không phải với tư cách là ông chủ, mà là những người phục vụ của Lời Chúa, Đấng đã khao khát chúng ta, Đấng không ngừng khao khát chúng ta. Chúng ta sẽ thấu hiểu nỗi khát khao của họ và chia sẻ tình yêu mà Người đã trao cho chúng ta. Một câu hỏi đặt ra cho chính tôi và tất cả anh chị em nảy sinh: Chúng ta có thể hiểu được cơn khát của người khác, cơn khát của mọi người, cơn khát mà rất nhiều người trong gia đình tôi, trong xóm tôi đang có không? Hôm nay, chúng ta có thể tự hỏi: Tôi có khao khát Thiên Chúa không? Tôi có biết rằng tôi cần tình yêu của Người như nước để sống không? Và rồi: Tôi đang khát, tôi có quan tâm đến cơn khát của người khác, cơn khát tinh thần, cơn khát vật chất của họ không?
Xin Đức Mẹ chuyển cầu cho chúng ta và nâng đỡ chúng ta trên đường đi.
Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói thêm như sau:
Anh chị em thân mến,
Tôi chào tất cả anh chị em, các tín hữu từ Rôma và khách hành hương từ nhiều quốc gia, đặc biệt là những người đến từ Madrid và Spalato.
Tôi chào các nhóm giáo xứ từ Padua, Caerano San Marco, Bagolino, Formia và Sant'Ireneo ở Rôma.
Thứ Sáu này, ngày 17 tháng Ba và thứ Bảy, ngày 18, sáng kiến “24 Giờ cho Chúa” sẽ được lặp lại trong toàn thể Giáo Hội. Đây là thời gian dành riêng cho việc cầu nguyện, thờ phượng và lãnh nhận Bí tích Hòa giải. Vào chiều Thứ Sáu, tôi sẽ đến một giáo xứ ở Rôma để cử hành Nghi thức Sám Hối. Cách đây một năm, trong bối cảnh này, chúng ta đã cử hành nghi thức trọng thể Thánh Hiến cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria, để cầu xin hồng ân hòa bình. Hành động phó thác của chúng ta không chùn bước, niềm hy vọng của chúng ta không lung lay! Chúa luôn lắng nghe những lời cầu nguyện của dân Người nhờ lời chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria. Chúng ta hãy hiệp nhất trong đức tin và liên đới với anh chị em của chúng ta đang đau khổ vì chiến tranh. Đặc biệt chúng ta đừng quên những người dân Ukraine đang bị vùi dập!
Chúc mọi người một ngày Chúa Nhật tốt lành. Xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và xin chào tạm biệt.