Dù bị một nhóm quá khích, đầy ý thức hệ xấu xa và méo mó, tấn công, nói chung, Đức Hồng Y George Pell được đại đa số người dân Úc mến thương, tiếc nhớ.
Liên tiếp trong bốn bài báo, tờ Catholic Weekly tường thuật cảm nhận của các giới đầy thiện cảm trước sự ra đi của Đức Hồng Y George Pell.
Vị thánh của thời đại
Các thành viên của Quốc hội đã tỏ lòng kính trọng trước sự ra đi của Đức Hồng Y George Pell, trong đó Thủ tướng Anthony Albanese gửi lời chia buồn tới người Công Giáo Úc và cựu Thủ tướng Tony Abbott mô tả những năm cuối đời của Đức Hồng Y là “sự đóng đinh thời hiện đại”.
Thủ tướng nói, “Đối với nhiều người, đặc biệt là những người theo đạo Công Giáo, đây sẽ là một ngày khó khăn và tôi xin gửi lời chia buồn tới tất cả những người đang để tang ngày hôm nay”.
Ông Albanese cho biết trong một cuộc họp báo rằng ông đã nói chuyện với Đức Tổng Giám Mục Anthony Fisher sáng nay, và Bộ Ngoại giao và Thương mại đang thu xếp để hỗ trợ đưa thi hài của Đức Hồng Y Pell về Úc.
Lãnh đạo phe Đối lập, Peter Dutton, cũng tỏ lòng kính trọng đối với ngài, mô tả ngài như “một người có đức tin và học thức uyên bác”.
Ông Dutton nói: “Là một người bảo vệ quyết liệt đức tin Công Giáo và các lý tưởng Kitô giáo, Tiến sĩ Pell đã kết bạn – và cả kẻ thù – trong suốt chặng đường (của ngài).
“Khi qua đời, sự kiện ngài phải ngồi tù một năm vì một bản án mà Tòa án Tối cao Úc đã nhất trí hủy bỏ sẽ cung cấp một số lý do để Chính phủ Lao động Victoria và các tổ chức của nó từng dẫn đến cuộc đàn áp chính trị thời hiện đại này phải suy gẫm.
“Pell không bao giờ đánh mất niềm tin vào Chúa, đất nước của mình và vào công lý – bất chấp những thách thức và thử thách mà ngài phải chịu đựng trong cuộc sống.”
Cựu Thủ tướng Tony Abbott, một người bạn riêng của Đức Hồng Y Pell, cho biết “Úc đã mất đi một người con tuyệt vời và Giáo hội đã mất đi một nhà lãnh đạo vĩ đại” và gọi Đức Hồng Y Pell là “một vị thánh của thời đại chúng ta.
“Đức Hồng Y là người tận tụy bảo vệ tính chính thống của Công Giáo và là người ủng hộ trung thành cho các giá trị của Nền văn minh phương Tây.
“Là một người bảo thủ về giáo hội học và văn hóa, ngài đã thu hút được cả lời khen lẫn lời chê từ mọi phía.”
Ông Abbott cho biết việc xét xử, bỏ tù và miễn tội cho Đức Hồng Y Pell về tội lạm dụng tình dục trẻ em là “một hình thức đóng đinh hiện đại; ít nhất về tiếng tăm là một kiểu chết sống”.
“Những nhật ký trong tù của ngài sẽ trở thành một tác phẩm cổ điển: một con người tốt phải vật lộn với số phận nghiệt ngã và cố gắng hiểu được sự bất công của đau khổ.”
Bộ trưởng Tư pháp trong Bóng tối Julian Leeser đã mô tả Đức Hồng Y Pell là “một nhà cải cách”.
Ông Leeser nói, “Các nhà cải cách luôn gây tranh cãi và đảo ngược các trật tự đã được thiết lập. Dù ở trong nước hay ở nước ngoài, George Pell đã được cử đến để dọn dẹp đống lộn xộn của người khác”.
“George Pell không tìm cách nổi tiếng, đúng hơn ngài tìm cách thăng tiến giáo hội của mình và trung thành với sứ mệnh của giáo hội như ngài thấy.”
Ông Leeser ca ngợi vai trò của Đức Hồng Y Pell trong việc thành lập Đại học Công Giáo Úc, và việc ngài đã thúc đẩy mối quan hệ Công Giáo-Do Thái, nhưng cũng nói rằng “sự sỉ nhục đổ dồn lên George Pell hầu như chưa từng có tiền lệ trong lịch sử Úc”.
Ông Leeser nói, “Tôi nghi ngờ, một phần, cơn thịnh nộ này phản ảnh việc qui trách các thất bại lịch sử của Giáo Hội Công Giáo trong việc đối phó với việc lạm dụng tình dục trẻ em, cũng như bức tranh biếm họa gay gắt của công chúng do các quan điểm của ngài về nhiều vấn đề, gây ra”.
Bạn bè và đồng nghiệp nhắc đến lòng nhân hậu và sự tận tụy của Đức Hồng Y Pell
Nhiều bạn bè và đồng nghiệp của Đức Hồng Y George Pell nhớ đến ngài vì lòng quảng đại phi thường của ngài đối với Giáo hội và những người khác sau khi ngài qua đời tại Rôma vào ngày 10 tháng Giêng.
Tess Livingstone, tác giả cuốn tiểu sử của Đức Hồng Y Pell và là cây viết chính của tờ The Australian, bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với Đức Hồng Y khi nói rằng ngài đã sống “một cuộc đời vĩ đại”.
Bà nói với The Catholic Weekly: “ngài đã có một đóng góp to lớn cho nước Úc cũng như Giáo hội trên toàn thế giới. Ngài đã sống một cuộc đời to lớn, quảng đại và hoàn toàn cống hiến cho Giáo hội.”
Sue Buckingham, người đồng sáng lập David’s Place, nói rằng bà đã chứng kiến sự gần gũi của Đức Hồng Y với những người nghèo và bị gạt ra bên lề của thành phố khi ngài còn là Tổng Giám mục Sydney.
“Ngài rất thương người nghèo. Đây là nơi Giáo hội phải hướng tới, đến với người nghèo và sa cơ và bắt đầu từ dưới lên chứ không phải ngược lại.
“Tôi nghĩ rằng Giáo Hội Công Giáo nói chung, và chắc chắn là Giáo hội ở Sydney biết điều đó, và Đức Hồng Y Pell đã làm điều đó.”
John McCarthy QC là Đại sứ Úc tại Tòa thánh từ năm 2012-2016 và là Chủ tịch Lực lượng đặc nhiệm chống nô lệ cho Tổng giáo phận Sydney và Mạng lưới chống nô lệ Công Giáo Úc.
Ông nói rằng Đức Hồng Y Pell là một người bạn tuyệt vời của ông và gia đình ông trong hơn 40 năm.
Ông McCarthy nói: “Ngài đã đến thăm nhiều lần và chúng tôi đã có nhiều dịp vui vẻ ca hát bên cây đàn piano và lắng nghe những câu chuyện thể thao của ngài từ Ballarat và Oxford.
“Ngài đáng chú ý nhất vì sự sẵn sàng có đó đối với các chủng sinh người Úc ở Rome khi ngài đến thăm nơi đó.
“Ngài cũng sử dụng những chuyến thăm này để nhắc nhở họ rằng ngài theo dõi sự tiến bộ của họ rất cẩn thận và kiểm tra điều đó bằng cách nói chuyện với họ bằng tiếng Ý giọng Úc.
“Đức Hồng Y yêu Rome và biết nhiều bí mật cũng như những địa điểm đặc biệt của nó. Ngài tập hợp cả một danh sách các địa điểm dành cho du khách và mọi điều được soạn thảo quanh việc thăm viếng Vương cung thánh đường Thánh Phêrô. Ngài luôn nhấn mạnh rằng đến Rome là đến Nhà thờ Thánh Phêrô”.
Trên phương tiện truyền thông xã hội, Hiệp hội Sinh viên Công Giáo Úc cho biết họ “vô cùng đau buồn trước sự ra đi của Đức Hồng Y George Pell người bảo trợ và người bạn lâu năm của họ.
“Đức Hồng Y đã cổ động Hiệp hội Sinh viên Công Giáo Úc như một trong nhiều công trình rao giảng Tin Mừng trong khuôn viên trường đại học. Ngài trở thành tổng giám mục của hai Tòa quan trọng nhất của Úc trong thời kỳ Giáo hội có nhiều biến động. Sự gia tăng về ơn gọi, thực hành (đặc biệt là trong giới trẻ) và kiến thức giáo lý một phần không nhỏ là nhờ công việc không mệt mỏi và vị tha của ngài. Chúng tôi nợ ngài một món nợ mà chúng tôi không thể trả được”.
Tài lãnh đạo mạnh mẽ và rõ ràng
Các giám mục Úc lên tiếng ca ngợi “tài lãnh đạo mạnh mẽ và rõ ràng” của Đức Hồng Y Pell.
Đức Tổng Giám Mục Timothy Costelloe SDB, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Công Giáo Úc, cho biết trong một tuyên bố rằng ngài “rất đau buồn” khi biết tin về cái chết bất ngờ của Đức Hồng Y.
Ngài nói, “Đức Hồng Y Pell đã cung cấp sự lãnh đạo mạnh mẽ và rõ ràng trong Giáo Hội Công Giáo ở Úc, với tư cách là Tổng Giám mục Melbourne và Tổng Giám mục Sydney và là thành viên của Hội đồng Giám mục trong hơn 25 năm.
“Nhiều điểm mạnh của ngài đã được công nhận rộng rãi, cả ở Úc và trên toàn thế giới, khi Vatican bổ nhiệm ngài đứng đầu Văn phòng Kinh tế và là thành viên của Hội đồng Hồng Y, một nhóm cố vấn cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô.
“Tác động của Đức Hồng Y Pell đối với đời sống của Giáo hội ở Úc và trên toàn thế giới sẽ tiếp tục được cảm nhận trong nhiều năm.
“Khi chúng ta tưởng nhớ đến ngài và suy gẫm về di sản của ngài, tôi mời tất cả người Công Giáo và những người có thiện chí khác tham gia cầu nguyện cho Đức Hồng Y Pell, một người có đức tin sâu sắc và bền vững, và cho linh hồn ngài được yên nghỉ.”
Đức Tổng Giám Mục Julian Porteous của Hobart, trước đây là Giám Mục Phụ Tá của Tổng giáo phận Sydney, cho biết ngài cũng cảm thấy “rất buồn và sững sờ” khi nghe tin Đức Hồng Y đột ngột qua đời.
Đức Tổng Giám Mục Porteous nói, “Là cựu Giám Mục Phụ Tá ở Sydney, tôi đã cộng tác chặt chẽ với Đức Hồng Y Pell trong 10 năm. Trong thời gian này, tôi đã biết một con người có đức tin bản thân sâu sắc với tình yêu sâu sắc đối với Giáo hội.
“Ngài là người ủng hộ giáo huấn Công Giáo và thúc đẩy sứ mệnh của Giáo hội, không chỉ ở Sydney mà còn trên toàn thế giới.
“Trong thời gian ở bên ngài, tôi đã biết được sự ấm áp và tình người sâu sắc của ngài. Ngài đã phải chịu đựng rất nhiều vì lập trường mạnh mẽ của ngài trong nhiều vấn đề và chắc chắn đã trải qua nhiều nỗi đau cá nhân trong thời gian bị xét xử và bỏ tù, đặc biệt là do mức độ phỉ báng của công chúng.
“Ngài không nao núng trước trải nghiệm này và trong những năm cuối đời, ngài chủ yếu sống ở Rome để tiếp tục đóng góp cho sứ mệnh của Giáo hội.
“Cùng với rất nhiều người ngưỡng mộ và yêu mến ngài, tôi cầu nguyện cho linh hồn ngài được yên nghỉ và phó thác ngài cho Chúa, Đấng mà ngài đã phục vụ với lòng tận tụy không ngừng. Xin cho ngài được nghỉ yên”.
Những người đứng đầu các tổ chức Công Giáo khác đã vinh danh Đức Hồng Y, bao gồm Viện trưởng Đại học Công Giáo Úc, ngài Martin Daubney AM KC, và Phó viện trưởng, Giáo sư Zlatko Skrbis.
Trong một tuyên bố, Đại học Công Giáo Úc ca ngợi sự đóng góp của ngài cho nền giáo dục Công Giáo trong hơn 20 chức vụ lãnh đạo quan trọng, bao gồm Chủ tịch Tập đoàn Đại học Công Giáo Úc và Đồng sáng lập cơ sở Sydney của Đại học Notre Dame, Úc.
Ông Daubney nói rằng Đức Hồng Y Pell là nhân vật trung tâm trong việc hình thành và thành lập Đại học Công Giáo Úc.
“Ngay từ khi thành lập, Đức Hồng Y Pell đã duy trì mối quan tâm sâu sắc và lâu dài đối với Đại học Công Giáo Úc. Giáo hội và các tổ chức của Giáo hội ở Úc và nước ngoài mang ơn Đức Hồng Y Pell vì sự lãnh đạo và đóng góp của ngài cho cộng đồng của chúng ta.
“Cái chết của ngài sẽ được nhiều người trong Giáo Hội Úc và cộng đồng rộng lớn cảm nhận. Chúng tôi cùng với tất cả những người có đức tin cầu nguyện cho linh hồn của ngài được yên nghỉ”.
Giáo sư Skrbis nói rằng Đức Hồng Y Pell “rất quảng đại khi cho Đại học Công Giáo Úc mượn kiến thức chuyên môn của ngài.
“Tôi thường xuyên nhận được lợi ích từ lời khuyên của ngài, lời khuyên này luôn chu đáo và luôn được đánh giá cao”.
Một giáo phẩm lỗi lạc nhất xưa nay
Đối với Đức Cha Anthony Fisher, Tổng Giám Mục Sydney, Đức Hồng Y George Pell là vị “giáo phẩm lỗi lạc nhất xưa nay” của chúng ta.
Trong các bình luận và bài giảng trong Thánh lễ tại Nhà thờ chính tòa St Mary vào ngày 11 tháng 1, Đức Tổng Giám Mục Fisher cho biết ngài sững sờ khi biết tin “vô cùng đau buồn” rằng Đức Hồng Y Pell đã qua đời vì một cơn đau tim ở Rome, chịu đựng những biến chứng sau ca phẫu thuật thay thế xương hông.
Đức Tổng Giám Mục Fisher nói, “Đối với tôi, thật là an ủi khi tôi được gặp ngài vài lần vào tuần trước khi tôi đến Rôma để dự tang lễ của Đức Bênêđictô.
“Không còn nghi ngờ gì nữa, ngài quả là vị giáo phẩm lỗi lạc nhất từ trước đến nay của Úc, đã cung cấp sự lãnh đạo mạnh mẽ và rõ ràng trong Giáo Hội Công Giáo ở Úc, với tư cách là Tổng Giám mục Melbourne và Tổng Giám mục Sydney.
“Là một thành viên của Hội đồng Giám mục trong hơn 25 năm, các nhà sử học sẽ đánh giá tác động của ngài đối với đời sống của giáo hội ở Úc và xa hơn thế nữa, nhưng tác động đó rất đáng kể và sẽ lâu dài”.
Đức Tổng Giám Mục Fisher lưu ý rằng Đức Hồng Y Pell đã phục vụ dưới ba đời Giáo hoàng, là một trong những Hồng Y cố vấn thân cận của Đức Thánh Cha, và phục vụ ở vị trí “số ba”, là Bộ trưởng Kinh tế.
Trong bài giảng lễ, Đức Tổng Giám Mục Fisher nói về đặc ân được biết “trái tim bao la” của Đức Hồng Y đã cho đi hết nhưng hơn 80 năm “đã phục vụ ngài rất tốt, để ngài có thể nghĩ lớn, quyết định lớn, hành động lớn, cho Giáo hội ở nước Úc.
“Tôi đã biết ngài hơn 30 năm và hơn thế nữa đã trở nên gần gũi ngài để chuẩn bị cho Ngày Giới trẻ Thế giới.
“Đảm nhận một việc lớn như vậy đối với một quốc gia nhỏ như Úc, với số dân Công Giáo ít ỏi, là điều mà chỉ một người có tình yêu lớn và lòng can đảm mới có thể làm được, và hóa ra đó lại là một phước lành to lớn cho vùng đất này”.
Đức Tổng Giám Mục Fisher cũng bày tỏ lòng kính trọng đối với lòng trung thành của Đức Hồng Y Pell với tư cách là một mục tử và “niềm tin can đảm nhất vào Chúa Kitô, vào Giáo hội của Ngài”.
Ngài nói: “Khi đối mặt với thử thách và đau khổ, niềm tin của ngài vào Thiên Chúa không bao giờ dao động”.
Một Thánh lễ cầu hồn sẽ được tổ chức tại Rome trong những ngày tới cho Đức Hồng Y Pell, sau đó thi thể của ngài sẽ được đưa về Sydney để chôn cất trong hầm mộ tại Nhà thờ St Mary.
Đức Tổng Giám Mục Fisher đã mời tất cả người Công Giáo và những người có thiện chí cầu nguyện cho linh hồn của Đức Hồng Y Pell được yên nghỉ.