Russell Shaw là tác giả của hơn 20 cuốn sách về đạo đức học và thần học luân lý, giáo dân, chủ nghĩa giáo sĩ trị và việc lạm dụng bí mật trong Đạo Công Giáo. Ông cũng từng viết cho các tờ The Wall Street Journal, The Washington Times, L’Osservatore Romano, America, Crisis, Catholic World Report, The National Catholic Reporter, và nhiều tờ báo khác. Từ năm 1967 tới năm 1987, ông là giám đốc truyền thông của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ và từ 1987 tới 1997, là giám đốc thông tin của Hội Hiệp Sĩ Columbus. Theo ông, thay vì bám sát “tinh thần” Vatican II, ta nên bám sát “chữ nghĩa” của Công Đồng này.

Trên trang mạng của CNA, ngày 22 tháng 9 năm 2022, ông đặt câu hỏi “Công đồng Vatican II nói về điều gì?” Trả lời câu hỏi này, ông cho hay
:



Thay vì tham khảo “tinh thần” của Công đồng Vatican II để tìm câu trả lời, tôi đề nghị chúng ta nên xem chữ nghĩa của nó. Và ở đây chắc chắn nguồn đáng tin cậy nhất là người đã triệu tập Công đồng Vatican II, Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII.

Trong bài diễn văn khai mạc trước các giám mục quy tụ tại Đền Thờ Thánh Phêrô, ngày 11 tháng 10 năm 1962, Đức Giáo Hoàng Gioan đã tuyên bố mục tiêu như thế này: “Giáo hội phải một lần nữa khẳng định lại thẩm quyền giảng dạy của mình”. Và để không còn nghi ngờ gì nữa: “Đó là lý do chúng tôi triệu tập cuộc hội họp có thẩm quyền nhất này”.

Sáu mươi năm sau, ai có thể nghi ngờ rằng mục tiêu đáng ngưỡng mộ này vẫn còn đó—một mục tiêu đáng ngưỡng mộ? Và lý do không kém phần quan trọng là sự đối kháng liên tục của những người ủng hộ “tinh thần Vatican II”, những người muốn giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo mãi mãi trồi sụt.

Những người nghĩ theo cách đó thường trích dẫn câu nói nổi tiếng của Thánh John Henry Newman, trong Tiểu luận về Sự Phát triển Học thuyết Kitô giáo, rằng “sống là thay đổi, và để trở nên hoàn hảo phải thường xuyên thay đổi”. Họ bỏ qua tuyên bố của ngài trong cùng một tác phẩm rằng một việc phát triển tín lý “muốn trung thành, phải giữ nguyên cả tín lý lẫn nguyên tắc mà với nó, nó đã bắt đầu”.

Tuy nhiên, còn rất nhiều công việc chưa hoàn tất từ Công đồng Vatican II—những điều mà Công đồng nói cần phải hoàn thành nhưng chúng ta vẫn chưa bắt tay vào làm. Một trường hợp điển hình là những gì công đồng đã nói—trong Lumen Gentium, hiến chế tín lý về Giáo hội—về việc tạo ra một phương tiện để những người giáo dân đủ điều kiện bày tỏ ý kiến: “Do kiến thức, năng lực hoặc ưu thế mà họ có, giáo dân được trao quyền—đôi khi thực sự bắt buộc— phải bày tỏ ý kiến của họ về những điều liên quan đến lợi ích của Giáo hội. Nếu có cơ hội, điều này nên được thực hiện thông qua các định chế được Giáo hội thiết lập cho mục đích đó” (Lumen Gentium 37).

“Kiến thức, năng lực hoặc ưu thế” có thể đặt tiêu chuẩn cao hơn một số người mong muốn, nhưng sẽ hợp lý khi nhấn mạnh rằng những người bày tỏ quan điểm biết họ đang nói về điều gì. Vấn đề thực sự là với những “định chế do Giáo hội thiết lập” và nó dẫn đến điều này: “Các định chế nào?" Có lẽ chúng ta sẽ tìm ra trong một Giáo hội đồng nghị, nhưng hơn 60 năm là một thời gian dài để chờ đợi.

Ở một mức độ sâu xa hơn, có một giáo huấn bị lãng quên của Công đồng dạy rằng ơn gọi phổ quát nên thánh mở rộng tới giáo dân. Trong trường hợp bạn quên, xin nhắc lại:

“Chúa Giêsu, thầy dạy và mẫu mực thần linh của mọi sự trọn lành, đã giảng dạy cho tất cả và cho mỗi một môn đệ, bất luận thuộc cảnh vực nào, một đời sống thánh thiện mà chính Người vừa là Ðấng ban phát vừa là Ðấng hoàn tất... Do đó, rõ ràng là tất cả các Kitô hữu ở bất cứ bậc hay lối sống nào đều được mời gọi đạt tới sự sung mãn của đời sống Kitô hữu và tới sự hoàn hảo của tình yêu, và nhờ sự thánh thiện này mà một lối sống nhân bản hơn cũng được nuôi dưỡng trong xã hội trần thế” (LG 40).

Người ta thường nói rằng thiên hạ rời bỏ Giáo hội vì Giáo hội đòi hỏi họ quá nhiều. (Điều này thường mở đầu cho lời kêu gọi nới lỏng tín lý này hay tín lý nọ). Nhưng tôi nghi ngờ nhiều người bỏ đi vì Giáo hội yêu cầu quá ít. Phải làm gì đây? Hãy nhẹ nhàng nhưng kiên quyết nhắc nhở những người do dự và yếu đuối rằng ơn gọi nên thánh bao gồm cả họ. Và, khi thời gian trôi qua, hãy làm sáng tỏ điều này: Giáo Hội Đồng nghị không phải chỉ là một cửa hàng nói chuyện trong Giáo hội mà là một Giáo hội của những kẻ tội lỗi, tất cả đều được kêu gọi nên thánh.