Jonathan Van Maren, trên tờ First Things ngày 11 tháng 11, cho biết:
Trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ vào tuần này, năm tiểu bang—California, Kentucky, Michigan, Montana và Vermont—đã tổ chức các cuộc trưng cầu dân ý về vấn đề phá thai, với kết quả bi thảm. Các cử tri ở Michigan và California, trong căn bản, đã ủng hộ việc phá thai cho đến khi sinh, và Montana bác bỏ việc chăm sóc y tế bắt buộc cho các trẻ sơ sinh sống sót sau các vụ phá thai. Đó là một dấu hiệu cho thấy ở Hoa Kỳ thời hậu phán quyết Dobbs, các đảng viên Đảng Dân chủ ủng hộ phá thai đang áp dụng một vở kịch tương tự như sách lược của các nhà hoạt động ở Ái Nhĩ Lan trước cuộc trưng cầu dân ý về phá thai ở đó năm 2018. Bây giờ phán quyết Roe đã bị lật ngược, phong trào ủng hộ sự sống phải học cách chống lại chiến lược dân chủ trực tiếp của phong trào phá thai.
Công chúng bỏ phiếu nói chung có thể được chia thành ba nhóm chính: những người ủng hộ sự sống hết mình, những người ủng hộ phá thai hết mình và nhóm mà các nhà chiến lược gọi là “trung lưu ủy mị”— tức những người nhận thấy chương trình nghị sự của phong trào phá thai là cực đoan nhưng vẫn ủng hộ việc phá thai trong một số trường hợp nhất định. Các nhà hoạt động của cả hai bên phải thuyết phục nhóm này, và trong các cuộc trưng cầu dân chủ trực tiếp, các nhà hoạt động phá thai có một số lợi thế đáng kể.
Một trong số lợi thế đó là họ sở hữu các phương tiện truyền thông. Ở Ái Nhĩ Lan, không quan trọng gì khi nhiều cuộc điều tra xác định rằng Savita Halappanavar không chết do bị từ chối phá thai. Điều quan trọng là các phương tiện truyền thông liên tục đăng tải những lời khẳng định rằng cô ấy chết vì vậy, tạo ra một trình thuật đơn giản, mạnh mẽ: rằng Tu chính án thứ 8 của hiến pháp Ái Nhĩ Lan phải chịu trách nhiệm về cái chết của một người phụ nữ. Mặc dù Trung lưu Ủy mị của Ái Nhĩ Lan không ủng hộ việc phá thai theo yêu cầu, nhưng các phương tiện truyền thông đã thuyết phục họ rằng phụ nữ sẽ chết nếu họ không bỏ phiếu bãi bỏ. Các nhà hoạt động không phải rao bán phá thai theo yêu cầu. Họ đơn giản thuyết phục tầng lớp trung lưu ủy mị rằng luật phò sự sống đã giết chết phụ nữ.
Các kịch bản tương tự đã diễn ra trong các cuộc trưng cầu dân ý giữa nhiệm kỳ về phá thai ở Hoa Kỳ. Hàng tràng khôn nguôi các câu chuyện trên báo chí, rao bán và quảng cáo trên mạng xã hội đã dồn dập đưa ra một trình thuật đơn giản này: Hãy bỏ phiếu cho việc phá thai, nếu không phụ nữ sẽ chết. Những người ủng hộ sự sống đã đẩy ngược những tuyên bố này, nhưng những đẩy lui của họ không nhận được sự chú ý tương tự—và thực tế, thường bị giới truyền thông phản bác trực tiếp. Tục ngữ có câu: Trong chính trị, nếu bạn giải thích là bạn đang thua. Những người phò sự sống bị buộc phải liên tục giải thích.
Rất khó để những phản ứng phức tạp đó có thể vượt qua được tiếng la ó của thông điệp “ủng hộ sự lựa chọn” đơn giản, được khuếch đại trên phương tiện truyền thông đại chúng—đặc biệt là khi các nhà hoạt động phá thai không chỉ nhận được sự ủng hộ của các phương tiện truyền thông chính thống mà còn của cả những rương bạc chiến tranh khổng lồ được cung cấp bởi ngành kỹ nghệ phá thai và các nhà hảo tâm có thiện cảm. Điều này đúng ở Ái Nhĩ Lan và đúng với các cuộc chiến phá thai ở Hoa Kỳ. Ví dụ, ở Michigan, phong trào Quyền Tự do Sinh sản Cho Tất cả đã huy động được ít nhất 40.2 triệu đô la và chi ít nhất 22.5 triệu đô la cho các quảng cáo bầu cử giữa nhiệm kỳ. Ngược lại, liên minh phò sự sống chỉ huy động được 16.9 triệu đô la. Các nhà hoạt động phá thai có quyền truy cập các quỹ lớn hơn nhiều, chi tiêu vượt xa những người ủng hộ sự sống trong thời gian giữa nhiệm kỳ theo tỷ lệ 35 chống 1.
Trước cuộc trưng cầu dân ý ở Ái Nhĩ Lan, những người ủng hộ sự sống đã có được một vượt trội hơn nhiều ở bình diện cơ sở quần chúng, một sự thật hiển nhiên đến mức các phương tiện truyền thông công khai lo lắng về điều đó. Các nhà hoạt động chống phá thai đã đi gõ cửa hàng triệu ngôi nhà và dành nhiều tuần trên đường để gõ cửa như thế. Ở Michigan và những nơi khác, những người ủng hộ sự sống cũng đi đập cửa và vượt qua với một số lượng gây ấn tượng. Nhưng trong mỗi trường hợp này, lợi thế của cuộc chiến nhằm chiến thắng ở cơ sở quần chúng không thể vượt qua các quảng cáo liên tục đến với cử tri từ mọi màn hình và các thành kiến chống định chế đã khiến “những người kiểm tra thực tế” ủng hộ phá thai cưỡng lại thông điệp phò sự sống. Xu hướng cấp tiến của “Big Tech” (công ty Kỹ thuật Lớn) cũng bảo đảm để những người phò sự sống gặp khó khăn hơn trong việc truyền bá trực tuyến lập luận của họ (ở Ái Nhĩ Lan, Google thực sự đã quyết định tạm dừng quảng cáo sau khi các quảng cáo phò sự sống dường như có tác động). Đa số thầm lặng không ủng hộ sự sống. Nó cũng không ủng hộ việc phá thai. Nhưng các công cụ thuyết phục chính lại nằm trong tay các nhà hoạt động phá thai.
Rồi, còn có sự căng thẳng cố hữu giữa các nhà hoạt động phò sự sống và các chính trị gia phò sự sống. Hầu hết các nhà hoạt động phò sự sống đều phản đối việc phá thai—việc giết một đứa trẻ chưa được sinh ra—trong bất cứ hoàn cảnh nào. Các chính trị gia tìm cách lập pháp từ cơ sở chung, mà ở hầu hết các tiểu bang đỏ [cộng hòa] tạo ra các hạn chế phá thai với nhiều ngoại lệ được chen vào. Điều này cho phép các nhà hoạt động phò sự sống chỉ trích các chính trị gia ủng hộ sự sống trong một số trường hợp hiếm hoi (ví dụ như hiếp dâm và loạn luân), khiến họ chắc chắn bị đa số công chúng Mỹ coi thường. Các chính trị gia đưa ra các luật phò sự sống với các ngoại lệ thường bị lên án bởi các nhà hoạt động, những người coi những sự cắt xén này là sự phản bội căn bản đối với trẻ em vô tội. Động lực này càng làm phức tạp thêm các sáng kiến dân chủ trực tiếp—những người ủng hộ sự sống dành nhiều thời gian để bảo vệ các lập trường không đẹp lòng dân nhất của chúng ta, trong khi các nhà hoạt động phá thai tránh thảo luận các lập trường của họ.
Phong trào ủng hộ sự sống phải đáp ứng theo hai cách. Đầu tiên, từ góc độ giáo dục, chúng ta phải đơn giản hóa thông điệp của mình. Lập luận mạnh mẽ nhất của chúng ta là chụp ảnh nạn nhân, bằng chứng bằng hình ảnh về những gì xảy ra với em bé trong diễn trình phá thai. Dữ liệu thăm dò cho thấy hình ảnh này có ảnh hưởng rất lớn đến cách mọi người quan niệm việc phá thai, loại bỏ vấn đề khỏi lĩnh vực trừu tượng của “chăm sóc sức khỏe” và khiến công chúng phải đối diện với thực tại của một con người có khuôn mặt. Tiến sĩ Michael New gần đây đã làm nổi bật việc chiến lược này đã thành công như thế nào trong cuộc trưng cầu dân ý ở Michigan năm 1972 (và quả thực, các nhóm như Created Equal thường xuyên sử dụng các chiến thuật này). Nếu chúng ta không chỉ cho mọi người biết phá thai là gì, họ sẽ không thể hiểu được rủi ro.
Thứ hai, từ góc độ chính trị, điều cần thiết là phải loại bỏ những lợi thế mà nền dân chủ trực tiếp mang lại cho phong trào phá thai. (Mặc dù điều đáng nói là, như Ông New đã cho thấy, những người phò sự sống đã sử dụng thành công nền dân chủ trực tiếp để chấm dứt tài trợ thuế cho việc phá thai ở Tây Virginia vào năm 2018 và đạt được luật đồng ý của cha mẹ ở Montana, Alaska và Florida.) Đúng là phong trào phò sự sống đã trải nghiệm những tổn thất nặng nề trong giai đoạn giữa nhiệm kỳ. Cũng đúng là các thống đốc từng ký các luật phò sự sống mạnh mẽ—Ron DeSantis (Florida), Greg Abbott (Texas), và Mike DeWine (Ohio)—đã giành chiến thắng với biên tế khá lớn. Các tiểu bang đã nhất quán thông qua luật phò sự sống, và những luật đó đã dẫn đến sự sụt giảm rõ rệt về tỷ lệ phá thai. Mặc dù thất bại, tuyệt vọng là không chính đáng.
Theo lời của Christen Pollo của phong trào Protect Life Michigan, một trong nhiều nhà hoạt động không mệt mỏi đã để lại mọi sự trên chiến trường: “Hôm nay chúng tôi thương tiếc. Nhưng ngày mai, chúng tôi sẽ trở lại làm việc. Bây giờ tất cả chúng ta phải là những người bênh vực cho thai nhi. Bây giờ, chúng ta được cần đến hơn bao giờ hết. Hãy yên tâm: nếu nạn phá thai không dừng lại thì chúng ta cũng thế”.