1. Cuộc viếng thăm Kazakhstan của Đức Gioan Phaolô II
Đức Thánh Cha Phanxicô là vị Giáo hoàng thứ hai đến thăm Kazakhstan. Vị đầu tiên là thánh Gioan Phaolô II. Ngài đến thăm nước này trong hơn ba ngày, từ ngày 22 đến ngày 25 tháng Chín năm 2001, trước khi sang thăm nước Armeni. Cuộc viếng thăm của ngài được 500 ký giả, trong đó có 300 người đến từ nước ngoài, đến Kazakhstan để theo dõi và tường thuật các hoạt động của Đức Giáo Hoàng.
Cuộc viếng thăm của Đức Gioan Phaolô II bấy giờ có chủ đề là: “Các con hãy yêu mến nhau”. Giới răn này của Chúa có tầm quan trọng đặc biệt đối với xã hội Kazakhstan, với hàng trăm nhóm chủng tộc và quốc tịch, thuộc các tôn giáo khác nhau, Vì thế, lời mời gọi của Chúa Giêsu: “Các con hãy yêu mến nhau” có thể là một yếu tố căn bản đối với tương lai của quốc gia này.
Trong ý hướng đó, ngay từ diễn văn đầu tiên, Đức Gioan Phaolô II đã đặc biệt khuyến khích sự sống chung hòa bình giữa các chủng tộc tại Kazakhstan và nói rằng:
“Ngày nay, tại đất nước anh chị em là một trong những nước rộng lớn nhất thế giới, các công dân thuộc hàng trăm chủng tộc và sắc dân sống cạnh nhau, mỗi chủng tộc đều được Hiến pháp bảo đảm cùng những quyền lợi và tự do. Tinh thần cởi mở và cộng tác này thuộc về truyền thống của anh chị em, vì Kazakhstan luôn là một phần đất có nhiều chủng tộc và văn hóa cùng sống chung với nhau...
“Hỡi các dân tộc quý mến tại Kazakhstan! Sau khi đã học được những kinh nghiệm từ quá khứ xa gần của anh chị em, đặc biệt là từ những biến cố đau thương của thế kỷ XX, anh chị em cần làm sao để sự dấn thân phục vụ đất nước của anh chị em, luôn dựa trên sự bảo tồn tự do, vốn là một quyền bất khả nhượng và là khát vọng sâu xa của mỗi người. Đặc biệt là nhìn nhận quyền tự do tôn giáo, làm cho con người được biểu lộ những tín ngưỡng sâu thẳm nhất của mình. Trong mỗi xã hội, nếu các công dân chấp nhận nhau về phương diện tín ngưỡng, thì sẽ dễ cổ võ nơi họ sự nhìn nhận thực sự các nhân quyền khác và hiểu các giá trị làm nền tảng cho sự sống chung hòa bình và sinh nhiều lợi ích. Thực vậy, họ cảm thấy một mối dây liên hệ chung với ý thức mình là anh chị em với nhau, vì cùng là con của một Thiên Chúa đấng tạo dựng vũ trụ.
Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II kết luận rằng: “Dân tộc Kazakhstan yêu quý, một sứ mạng đầy thách đố đang chờ đợi anh chị em: đó là xây dựng một quốc gia dưới lá cờ tiến bộ đích thực, trong liên đới và hòa bình. Hỡi Kazakhstan, lãnh thổ của các vị tử đạo và của các tín hữu, đất của những người bị lưu đày và của các anh hùng, đất của các nhà trí thức và nghệ sĩ, đừng sợ gì! Nếu những vết thương gây ra cho anh chị em vẫn còn sâu đậm, nếu những khó khăn và chướng ngại còn cản trở công cuộc tái thiết về tinh thần và vật chất của anh chị em, anh chị em sẽ tìm được sự khích lệ trong câu nói của đại văn hào Abai Kunanbai: “Yêu thương và công lý là những nguyên tắc của nhân loại, các nguyên tắc đó là kết quả công trình của Đấng Tối Cao”.
2. Tông du Kazakhstan, Bài nói chuyện của Đức Phanxicô với các Giám mục, Linh mục, Phó tế, các người Thánh hiến, các Chủng sinh và các Nhân viên Mục vụ
Hồi 10 giờ 30 ngày 15, tháng 9, tại Nhà thờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp ở Nur-Sultan, Kazakhstan, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã gặp gỡ thân mật các Giám mục, Linh mục, Phó tế, các người Thánh hiến, các Chủng sinh và các Nhân viên Mục vụ.
Sau đây là bài nói chuyện của ngài:
Anh em giám mục, linh mục và phó tế, các nam nữ thánh hiến, các chủng sinh và các nhân viên mục vụ thân yêu, xin chào buổi sáng!
Tôi hân hạnh được cùng anh chị em chào đón Hội đồng Giám mục Trung Á và gặp gỡ một Giáo hội có rất nhiều khuôn mặt, lịch sử và truyền thống khác nhau, tất cả đều hiệp nhất bởi một đức tin của chúng ta vào Chúa Giêsu Kitô. Tôi cảm ơn Đức cha Mumbiela Sierra vì những lời chào hỏi ân cần của ngài, trong đó ngài nói rằng “hầu hết chúng con là người nước ngoài”. Đó là sự thật, vì anh chị em đến từ nhiều nơi và quốc gia khác nhau. Tuy nhiên, vẻ đẹp của Giáo hội phát xuất từ việc chúng ta là một gia đình, trong đó không ai là xa lạ. Tôi xin nhắc lại: trong Giáo Hội, không ai là khách lạ! Chúng ta là Dân thánh duy nhất của Thiên Chúa, được làm giàu bởi vô số dân tộc! Sức mạnh của dân tộc tư tế và thánh thiện này chính là ở khả năng múc tỉa sự phong phú từ sự đa dạng này, bằng cách chia sẻ với nhau việc chúng ta là ai và chúng ta có những gì. Thật vậy, “sự nhỏ bé” của chúng ta được tăng lên khi nó được chia sẻ.
Đoạn Kinh thánh chúng ta vừa nghe nói rất rõ điều này. Thánh Phaolô nói với chúng ta rằng mầu nhiệm của Thiên Chúa đã được bày tỏ cho mọi dân tộc. Không chỉ dành cho những người được chọn, hoặc cho một tầng lớp tôn giáo, mà cho tất cả mọi người. Thật vậy, như thánh Tông đồ giải thích, giờ đây mỗi người chúng ta có thể đến gần Thiên Chúa, vì mọi dân tộc “đã trở thành những người đồng thừa kế, những chi thể trong cùng một thân thể, và thông phần vào lời hứa trong Chúa Kitô Giêsu qua Tin Mừng” (Ep 3, 6).
Tôi muốn nhấn mạnh hai hạn từ được Thánh Phaolô sử dụng: những người thừa kế và lời hứa. Mặt khác, mỗi Giáo hội đặc thù là người thừa kế một lịch sử trước đó. Nó luôn luôn được sinh ra từ sự công bố về Tin Mừng ban đầu, về một sự kiện trước đó, của các tông đồ và những người truyền bá Tin Mừng, những người đã thiết lập nó dựa trên lời hằng sống của Chúa Giêsu. Mặt khác, mọi Giáo Hội đều là cộng đồng của những người đã thấy lời hứa của Thiên Chúa được ứng nghiệm nơi Chúa Giêsu và là những người, trong tư cách con cái của sự sống lại, sống trong hy vọng về một ứng nghiệm trong tương lai. Chúng ta được tiền định hưởng vinh quang đã hứa, vinh quang mà ngay bây giờ cũng đã tràn ngập trên hành trình của chúng ta một cách đầy hy vọng và mong đợi. Người thừa kế và lời hứa. Quá khứ chúng ta được thừa hưởng là ký ức của chúng ta, và lời hứa của Tin Mừng là tương lai của Thiên Chúa, Đấng đến gặp chúng ta. Đó là điều tôi muốn cùng anh chị em suy gẫm: một Giáo hội đang hành trình xuyên suốt lịch sử giữa ký ức và tương lai.
Đầu tiên, ký ức. Nếu ở đất nước rộng lớn, đa văn hóa và đa tôn giáo này, ngày nay chúng ta thấy các cộng đồng Kitô giáo sôi động và cảm thức tôn giáo hiện diện trong cuộc sống của người dân, điều này trên hết là nhờ vào lịch sử phong phú có trước anh chị em. Tôi nghĩ tới việc truyền bá Kitô giáo ở Trung Á, vốn đã bắt đầu từ những thế kỷ đầu tiên, của nhiều người truyền bá Tin Mừng và những nhà truyền giáo, những người đã dành cả cuộc đời của mình để truyền bá ánh sáng Tin Mừng, thành lập các cộng đồng, đền thờ, tu viện và nơi thờ phượng. Chúng ta cần tôn vinh và bảo tồn di sản Kitô giáo và đại kết, việc lưu truyền đức tin này, vốn diễn ra nhờ rất nhiều những con người bình thường, nhờ rất nhiều ông bà, cha và mẹ. Trên hành trình thiêng liêng và giáo hội của chúng ta, chúng ta phải luôn nhớ đến những người đầu tiên đã rao truyền đức tin cho chúng ta. Thật vậy, hành động tưởng nhớ này truyền cảm hứng cho chúng ta suy gẫm về những điều kỳ diệu mà Thiên Chúa đã làm trong lịch sử, ngay giữa những khó khăn của cuộc sống và những giới hạn của bản thân và cộng đồng của chúng ta.
Tuy nhiên, chúng ta cần phải chú ý. Đó không phải là nhìn lại với nỗi tiếc nuối, mắc kẹt trong quá khứ và để bản thân tê liệt và bất động. Khi làm như thế, chúng ta bị cám dỗ lùi bước. Thay vào đó, khi Kitô hữu nhìn lại và nhớ lại quá khứ, họ càng ngạc nhiên trước mầu nhiệm Thiên Chúa, lòng họ tràn đầy ngợi khen và biết ơn về những gì Chúa đã hoàn thành. Thật vậy, những tấm lòng biết ơn tràn ngập ca ngợi không nuôi dưỡng tiếc nuối, nhưng chào đón mỗi ngày như một ân sủng. Họ háo hức lên đường, tiến về phía trước, để truyền bá lời nói về Chúa Giêsu, giống như các phụ nữ và các môn đệ ở Emmau vào ngày lễ Phục sinh!
Ký ức sống động và đầy kinh ngạc về Chúa Giêsu mà chúng ta gợi nhớ hơn cả trong Bí tích Thánh Thể, là sức mạnh của một tình yêu thúc đẩy chúng ta. Nó là kho báu của chúng ta. Không có ký ức, chúng ta thiếu kinh ngạc. Khi chúng ta mất đi ký ức sống động đó, đức tin, lòng sùng mộ và các hoạt động mục vụ của chúng ta có nguy cơ chết dần, biến mất như một ánh chớp trong chảo, cháy sáng nhưng sau đó nhanh chóng lụi tàn. Khi chúng ta mất ký ức, niềm vui sẽ biến mất. Lòng biết ơn của chúng ta đối với Thiên Chúa và đối với anh chị em của chúng ta cũng mất dần đi, bởi vì chúng ta rơi vào cơn cám dỗ muốn nghĩ rằng mọi thứ phụ thuộc vào chúng ta. Cha Ruslan nhắc nhở chúng ta một điều quan trọng: làm linh mục đã là một điều gì đó tuyệt vời, vì trong đời sống linh mục, chúng ta nhận ra rằng những gì diễn ra không phải là công trình của chúng ta, nhưng xuất hiện như một hồng phúc từ Thiên Chúa. Và Sơ Clara, khi nói về ơn gọi của mình, trước tiên muốn cảm ơn những người đã chia sẻ Tin Mừng với sơ. Cảm ơn vì những lời chứng này, mời gọi chúng ta ghi nhớ với lòng biết ơn những gì chúng ta đã thừa hưởng.
Xem xét kỹ hơn về sự kế thừa này, chúng ta thấy gì? Thấy đức tin không được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác như một tập hợp các ý tưởng cần được hiểu và tuân theo, như một quy tắc cố định và bất hủ. Không, đức tin của chúng ta đã được truyền qua cuộc sống, qua các nhân chứng đã rõi ánh sáng Tin Mừng lên những hoàn cảnh khác nhau nhằm soi sáng và thanh tẩy chúng, và truyền bá hơi ấm an ủi của Chúa Giêsu, niềm vui của tình yêu cứu rỗi và niềm hy vọng của Người. Như thế, nhờ ký ức, chúng ta học được rằng đức tin phát triển nhờ việc làm chứng. Mọi thứ khác xẩy ra sau đó. Đó là lời kêu gọi dành cho mọi người. Tôi muốn nhắc lại điều này: dành cho mọi người, cho giáo dân, giám mục, linh mục, phó tế, và những người nam nữ thánh hiến đang làm việc nhiều cách khác nhau trong đời sống mục vụ của cộng đồng chúng ta. Mong sao chúng ta không bao giờ mệt mỏi khi làm chứng cho chính trái tim của ơn cứu rỗi, cho sự mới mẻ của Chúa Giêsu, cho sự mới mẻ là chính Chúa Giêsu! Đức tin không phải là một cuộc triển lãm đáng yêu về các đồ tạo tác từ quá khứ xa xôi hay một viện bảo tàng, nhưng là một sự kiện luôn hiện hữu, một cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô đang diễn ra ở đây và bây giờ trong cuộc sống của chúng ta. Vì vậy, chúng ta không thể lưu truyền nó bằng cách chỉ lặp lại những điều cũ kỹ, nhưng bằng cách truyền đạt sự mới mẻ của Tin Mừng. Bằng cách này, đức tin mãi sống động và có một tương lai. Như tôi hay nói, đức tin được lưu truyền qua “tiếng mẹ đẻ”.
Do đó, chúng ta đi đến hạn từ thứ hai: tương lai. Nhớ về quá khứ không làm chúng ta khép mình vào chính mình; nó mở cửa để chúng ta tiến vào lời hứa Tin Mừng. Chúa Giêsu bảo đảm với chúng ta rằng Người sẽ luôn ở với chúng ta, như vậy Người không chỉ là một lời hứa về tương lai. Ngày nay, chúng ta được mời gọi đón nhận sự đổi mới mà Chúa Giêsu Phục sinh đang mang lại trong cuộc sống của chúng ta. Bất chấp những điểm yếu của chúng ta, Người không bao giờ mệt mỏi khi ở bên chúng ta, cùng chúng ta xây dựng tương lai của Giáo hội của Người và của chúng ta.
Đương nhiên, khi đối diện nhiều thách thức đối với đức tin - tôi đặc biệt nghĩ đến những thách thức liên quan đến sự tham gia của những người trẻ vào đời sống của Giáo hội, những vấn đề và khó khăn của cuộc sống, và số lượng hạn chế những người thực hành đức tin trong một đất nước rộng lớn như đất nước này -, chúng ta có thể cảm thấy “nhỏ bé” và không thỏa đáng. Tuy nhiên, nếu chúng ta nhìn mọi sự bằng cái nhìn tràn đầy hy vọng của Chúa Giêsu, chúng ta sẽ phát hiện ra một điều đáng ngạc nhiên: Tin Mừng nói rằng “nhỏ bé”, nghèo nàn về tinh thần, là một phước lành, một mối phúc, và thực sự là mối phúc đầu tiên (x. Mt 5: 3). Vì một khi thừa nhận sự nhỏ bé của mình, chúng ta có thể khiêm tốn phó mình cho quyền năng của Thiên Chúa, Đấng dạy chúng ta không dựa Giáo Hội vào khả năng của chính chúng ta. Đây là một ân sủng! Tôi xin nhắc lại: có một ân sủng tiềm ẩn khi trở thành một Giáo hội nhỏ bé, một đoàn chiên nhỏ bé, vì thay vì phô trương sức mạnh, số lượng, cơ cấu của chúng ta và những điều khác quan trọng về mặt con người, chúng ta có thể để mình được Chúa hướng dẫn và khiêm nhường đến gần những người khác. Không giàu trong điều gì và nghèo trong mọi điều, chúng ta hãy bước đi một cách đơn sơ cùng với anh chị em của mình, mang niềm vui của Tin Mừng vào những hoàn cảnh của cuộc sống hàng ngày. Như men trong bột và như hạt nhỏ nhất gieo vào đất (x. Mt 13,31-33), mong sao chúng ta hòa mình vào những biến cố vui buồn của xã hội trong đó chúng ta đang sống, để phục vụ nó từ bên trong.
Làm người bé nhỏ cũng nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta không tự lấy mình làm đủ: chúng ta cần Thiên Chúa. Chúng ta cũng cần những người khác, mọi người khác: các anh chị em Kitô hữu của chúng ta thuộc các giáo phái khác, những người giữ niềm tin tôn giáo khác với niềm tin của chúng ta, tất cả những người đàn ông và đàn bà có thiện chí. Mong sao chúng ta nhận ra, trong tinh thần khiêm tốn, rằng chỉ cùng với nhau, trong đối thoại và chấp nhận lẫn nhau, chúng ta mới có thể thực sự đạt được điều gì đó tốt đẹp vì lợi ích của tất cả mọi người. Đó là nhiệm vụ đặc biệt của Giáo Hội tại đất nước này: không phải là một nhóm bị sa lầy vào cùng một cách làm việc cũ kỹ, hoặc thu mình vào trong vỏ bọc của nó vì cảm thấy nhỏ bé, nhưng là một cộng đồng cởi mở đón nhận tương lai của Thiên Chúa, bừng cháy với Thần Khí của Người. Một cộng đồng sống động, tràn đầy hy vọng, cởi mở đón nhận sự mới mẻ của Chúa Thánh Thần và các dấu chỉ thời đại, được soi dẫn bởi thí dụ trong Tin Mừng về hạt giống nhỏ bé đang phát triển và sinh hoa kết trái trong tình yêu khiêm tốn và sáng tạo. Vì bằng cách này, lời hứa ban sự sống và phước lành mà Thiên Chúa Cha đổ xuống trên chúng ta qua Chúa Giêsu không những lớn lên trong đời sống chúng ta, mà còn thành ứng nghiệm trong đời sống của người khác.
Điều này xảy ra bất cứ khi nào chúng ta sống trong tình huynh đệ với nhau, bất cứ khi nào chúng ta quan tâm đến người nghèo và những người đau khổ, bất cứ khi nào chúng ta làm chứng cho công lý và sự thật trong các mối liên hệ cá nhân và xã hội của chúng ta, bác bỏ tham nhũng và giả dối. Các cộng đồng Kitô giáo, và đặc biệt là các chủng viện, phải là “trường học của sự chân thành”, không phải là nơi cứng ngắc và hình thức, mà là cơ sở đào tạo trong sự thật, cởi mở và chia sẻ. Chúng ta hãy nhớ rằng trong cộng đồng của chúng ta, tất cả chúng ta đều là môn đệ của Chúa. Tất cả chúng ta đều là môn đệ: mỗi người chúng ta đều cần thiết, và tất cả đều có phẩm giá bình đẳng. Không chỉ giám mục, linh mục và những người thánh hiến, nhưng mỗi người trong số những người đã được rửa tội. Chúng ta đã được hòa mình vào sự sống của Chúa Kitô và như Thánh Phaolô đã nhắc nhở chúng ta, mỗi người được mời gọi thừa hưởng và đón nhận lời hứa của Tin Mừng. Như thế, chúng ta phải nhường chỗ cho giáo dân, và đây là một điều tốt, kẻo cộng đồng của chúng ta trở nên cứng ngắc hoặc giáo sĩ trị. Một Giáo hội đồng nghị, đang hành trình hướng tới tương lai của Chúa Thánh Thần, là một Giáo hội hoan hô sự tham gia và chia sẻ trách nhiệm. Một Giáo hội, được hình thành trong sự hiệp thông, có thể ra đi để gặp gỡ thế giới. Tôi có ấn tượng trước một chủ đề lặp đi lặp lại trong tất cả các chứng từ được nghe. Kirill, cha của một gia đình, cũng như Cha Ruslan và các Nữ tu nhắc nhở chúng ta rằng, trong Giáo hội, được lên khuôn bởi Tin Mừng, chúng ta học được việc chuyển dịch từ ích kỷ sang tình yêu thương vô điều kiện. Điều này có nghĩa là đi ra khỏi chính chúng ta. Mỗi chúng ta phải làm điều đó không ngừng. Tất cả chúng ta cần nuôi dưỡng ơn phúc đã nhận được trong Bí tích Rửa tội. Hồng phúc này truyền cảm hứng cho chúng ta, dù chúng ta ở bất cứ đâu - trong các buổi nhóm họp giáo hội, trong gia đình, nơi làm việc, ngoài xã hội - để chúng ta trở thành những người nam và những người nữ của sự hiệp thông và hòa bình, gieo hạt giống tốt ở bất cứ nơi nào chúng ta đến. Sự cởi mở, vui vẻ và chia sẻ là những dấu hiệu của Giáo hội mới thành lập, và của Giáo hội ngày mai. Chúng ta hãy ước mơ và, với ân sủng của Thiên Chúa, làm việc cho một Giáo hội ngày càng tràn ngập niềm vui của Chúa Phục sinh, không sợ hãi và không cam chịu, bác bỏ sự cứng ngắc, giáo điều và dạy đời.
Anh chị em thân mến, mong sao tất cả các điều này có được nhờ sự chuyển cầu của các nhân chứng đức tin vĩ đại của đất nước này. Ở đây, tôi nghĩ đến Chân phước Bukowiński, một linh mục đã dành cả cuộc đời mình để chăm sóc những người bệnh tật, những người bị ruồng bỏ và những người khốn khó, và đã trả giá cho sự trung thành với Tin Mừng bằng tù đày và lao động khổ sai. Tôi được biết ngay trước khi được phong chân phước, luôn có những bó hoa tươi và một ngọn nến thắp sáng trên ngôi mộ của ngài. Điều này xác nhận rằng dân Chúa có thể nhận ra sự thánh thiện, và một mục tử yêu mến Tin Mừng. Ở đây, tôi muốn nói một lời đặc biệt với các giám mục, linh mục và chủng sinh: sứ mệnh của chúng ta không phải là người quản lý thánh thiêng hay những người chấp pháp các quy tắc tôn giáo, mà là những mục tử gần gũi với dân của mình, những biểu tượng sống động của trái tim từ bi của Chúa Kitô. Tôi cũng muốn nhắc đến những chân phước tử đạo Công Giáo Hy Lạp - Giám mục Budka, Cha Zaryczkyj, và Gertrude Detzel - hiện đã bắt đầu tiến trình phong chân phước. Như Miroslava đã nói với chúng ta, các ngài đã mang tình yêu của Chúa Kitô đến với thế giới. Anh chị em là người thừa kế của các ngài, vì vậy hãy là hứa hẹn của mùa thánh thiện mới nở hoa!
Xin anh chị em biết rằng tôi gần gũi với anh chị em. Tôi khuyến khích anh chị em đón nhận phần thừa kế thiêng liêng của mình với niềm vui và làm chứng cho nó một cách đại lượng, để tất cả những người anh chị em gặp gỡ có thể nhận ra rằng cũng có một hứa hẹn hy vọng dành cho họ. Tôi đồng hành với tất cả anh chị em bằng những lời cầu nguyện của tôi. Và bây giờ, chúng ta hãy phó mình cách đặc biệt cho Trái tim của Mẹ Maria Rất Thánh, đấng mà anh chị em hết sức tôn kính như Nữ Vương Hòa Bình. Tôi đã được biết một dấu hiệu đẹp đẽ về tình mẫu tử của ngài từng diễn ra vào thời điểm khó khăn khi nhiều người bị trục xuất và những người khác bị buộc phải bỏ đói và chết cóng. Là một người Mẹ dịu dàng và quan tâm, Mẹ đã lắng nghe những lời cầu nguyện mà các con của Mẹ dâng lên Mẹ. Giữa mùa đông lạnh buốt giá, tuyết tan nhanh để lộ ra một hồ nước đầy cá, nuôi sống nhiều người sắp chết đói. Tương tự, xin Đức Mẹ làm tan chảy những trái tim lạnh giá, lấp đầy cộng đồng của chúng ta bằng một tình huynh đệ mới, và ban cho chúng ta niềm hy vọng và lòng nhiệt thành mới đối với Tin Mừng! Tôi cảm ơn từng người trong số anh chị em và với tình cảm rất lớn, tôi ban phép lành của tôi cho anh chị em. Và tôi xin anh chị em, vui lòng, cầu nguyện cho tôi.