Kazakhstan, trung tâm của Trung Á, là một bức tranh ghép của các dân tộc với các sắc tộc, ngôn ngữ và tôn giáo khác nhau. Những dấu vết đầu tiên của Kitô giáo xuất hiện vào thế kỷ thứ ba, với các phong trào thương mại và văn hóa do Con đường tơ lụa mang lại. Khoảng 1.000 năm sau, các nhà truyền giáo Dòng Phanxicô và Đa Minh đã đến những vùng đất này, truyền bá Phúc Âm, và xây dựng các tu viện. Trong những năm này, các mối quan hệ ngoại giao đầu tiên đã được thiết lập giữa Tòa thánh, Thành Cát Tư Hãn, và các nhà cầm quyền khác của các quốc gia Trung Á.

Một số cấu trúc cổ điển nhất định cũng được tạo ra, vì vị giám mục đầu tiên được biết đến trong khu vực này là vào năm 1278. Sau đó, các Kitô hữu trong khu vực bị đàn áp cho đến thời Xô Viết, nhưng nghịch lý là Stalin đã gián tiếp cho phép Giáo hội địa phương được tái sinh, khi ông ta đưa những người Âu Châu bị trục xuất, thường là người Công Giáo như người Ba Lan, người Đức, người Ukraine, hoặc người Lithuania, đến các thảo nguyên hoang vắng. Nhiều người đã chết, nhưng những người khác đã định cư và biến Kazakhstan trở thành quê hương của họ.

Đất nước này giành được độc lập vào năm 1991 và thiết lập quan hệ ngoại giao với Tòa thánh vào năm 1992. Giáo hội đã có thể phát triển cơ cấu và hiện có khoảng 182.000 người Công Giáo, chiếm khoảng 1% dân số. Ngoài nhiều người Công Giáo đến từ cộng đồng thiểu số, ngày càng có nhiều người Kazakhstan xin được rửa tội. Giáo Hội Công Giáo hiện là nhóm thiểu số Kitô giáo lớn thứ hai sau Giáo Hội Chính thống tại một quốc gia có đa số là người Hồi giáo.
Source:omnesmag.com