1. Đức Giáo Hoàng tuyên bố 'không khoan nhượng' đối với hành vi lạm dụng của hàng giáo sĩ, và nói rằng ngài nhận trách nhiệm cá nhân về việc chấm dứt tệ nạn này
Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng ngài đã tự mình giải quyết vấn đề lạm dụng tình dục của hàng giáo sĩ, và nói với CNN Bồ Đào Nha rằng ngài “chịu trách nhiệm phải làm cho điều đó không xảy ra nữa.”
Trong một cuộc phỏng vấn độc quyền trên phạm vi rộng ở Rôma, Đức Giáo Hoàng cho biết Giáo Hội “không khoan nhượng” đối với hành vi lạm dụng và nói rằng “một linh mục không thể vẫn là một linh mục nếu anh ta là một kẻ lạm dụng.”
Phản ứng của Giáo Hội đối với các vụ tai tiếng lạm dụng tình dục đã trở thành một trong những chủ đề nổi bật trong thời kỳ Đức Phanxicô làm Giáo hoàng, và ngài nói với CNN Bồ Đào Nha rằng mọi trường hợp lạm dụng trong Giáo Hội đều “làm tổn thương” ngài.
Nhiều báo cáo nêu chi tiết các vụ lạm dụng tình dụctừ vài thập kỷ trước đã được công bố kể từ khi Đức Phanxicô trở thành nhà lãnh đạo của 1,2 tỷ người Công Giáo trên thế giới vào năm 2013. Trong khi ngài bị chỉ trích vì một số hành động của mình - chẳng hạn như khi ngài bảo vệ một giám mục Chí Lợi bị cáo buộc che đậy một vụ bê bối tình dục vào năm 2018, một quyết định mà sau đó ngài mô tả là một “sai lầm nghiêm trọng” - ngài đã giữ vững lập trường về các vấn đề này và đưa ra một số cải cách.
Vào năm 2019, ngài đã bãi bỏ các quy tắc giữ bí mật của Vatican đối với các trường hợp lạm dụng tình dục và đưa ra các quy tắc mới khiến lần đầu tiên tất cả các giáo phận bắt buộc phải thiết lập hệ thống báo cáo lạm dụng và che đậy.
Hai năm sau, ngài ban hành bản sửa đổi rộng rãi nhất đối với bộ Giáo Luật trong bốn thập kỷ, nhấn mạnh rằng các giám mục phải hành động chống lại các giáo sĩ lạm dụng trẻ vị thành niên và những người trưởng thành dễ bị tổn thương. Các quy tắc cũng yêu cầu hành động chống lại các linh mục phạm vào tội lừa đảo hoặc cố gắng phong chức cho phụ nữ.
“Ngay cả khi một người chỉ phạm lỗi một lần thì đã là khủng khiếp. Bởi vì người ấy là linh mục, là nữ tu, phải đưa cậu bé đó, cô gái đó đến với Chúa. Với tội lỗi này người ấy phá hủy cuộc sống của họ. Thật là khủng khiếp. Nó đang hủy hoại cuộc sống.”
Đức Giáo Hoàng cũng khẳng định vấn đề không xuất phát từ luật độc thân linh mục.
Ngài nói: “Lạm dụng là một điều hủy hoại một cách quỷ quyệt. Trong các gia đình không có luật độc thân và tất cả những điều đó vẫn xảy ra. Vì vậy, đó chỉ đơn giản là sự quái đản khi một người nam hoặc một người nữ của Giáo Hội bị bệnh tâm lý hoặc lòng trí xấu xa và sử dụng vị trí của họ để thỏa mãn cá nhân của họ.”
Source:CNN
2. ITA Airways sẽ đưa Đức Thánh Cha Phanxicô đến Kazakhstan vào ngày 13 tháng 9
Đức Thánh Cha sẽ đi cùng ITA Airways cho chuyến bay tiếp theo của ngài vào ngày 13 tháng 9 khởi hành lúc 7:15 sáng từ sân bay quốc tế Fiumicino của Rôma đến sân bay quốc tế Nursultan Nazarbayev của Kazakhstan. Chuyến bay sẽ được thực hiện bằng máy bay Airbus A330 với màu xanh lam mới và Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ khởi hành lần thứ hai từ Nhà ga số 5 của sân bay Leonardo da Vinci ở Rome Fiumicino.
Máy bay dự kiến sẽ hạ cánh lúc 5:45 chiều theo giờ địa phương. Tại sân bay Fiumicino, chào đón Đức Thánh Cha sẽ có Giám đốc điều hành của ITA Airways Fabio Maria Lazzerini và Giám đốc thương mại Emiliana Limosani. Đồng hành với ngài trong chuyến hành trình này sẽ có một phi hành đoàn gồm 12 người gồm 3 phi công và 9 Tiếp viên hàng không, người giám sát các hoạt động trên máy bay sẽ là Chỉ huy Massimiliano Marselli với 18.000 giờ bay kinh nghiệm.
Cùng đi với Đức Thánh Cha Phanxicô, ngoài phái đoàn của Tòa Thánh, sẽ có đại diện báo chí Ý và quốc tế. Đội ITA Airways chuyên phục vụ các chuyến bay đặc biệt cũng có mặt trên máy bay.
ITA Airways, là hãng hàng không quốc doanh của Ý. Hãng hàng không cao cấp này của Ý thuộc sở hữu hoàn toàn của Chính phủ Ý thông qua Bộ Kinh tế và Tài chính. Là người kế nhiệm cho hãng hàng không Alitalia, hãng hàng không này được lên kế hoạch tiếp quản phần lớn tài sản của Alitalia. Hãng hàng không mới sẽ hoạt động đến hơn 41 điểm đến trong nước, Âu Châu và một số điểm đến liên lục địa.
Hãng hàng không Alitalia bắt đầu hoạt động từ năm 1946. Nó thuộc sở hữu của chính phủ Ý cho đến năm 2009, khi nó trở thành một công ty tư nhân sau khi tái tổ chức và sáp nhập với hãng hàng không Air One của Ý bị phá sản. Alitalia tái tổ chức một lần nữa vào năm 2015 sau khi nhận được khoản đầu tư từ Etihad Airways, và Tập đoàn Air France-KLM.
Sau nhiều nỗ lực thất bại trong việc tạo ra lợi nhuận, hãng hàng không này đã rơi vào khủng hoảng vào năm 2017 chỉ vài ngày sau khi Etihad Airways rút vốn khỏi Alitalia. Ngày 17 tháng 5 năm 2017, chính phủ Ý ra quyết định quốc hữu hóa hãng hàng không Alitalia và muốn bán hãng hàng không này.
Sau nhiều cuộc đàm phán thất bại với Delta Air Lines, và EasyJet, chính phủ Ý đã có ý định bán Atalia lại cho China Eastern Airlines.
China Eastern Airlines (中国东方航空公司) là một trong 3 hãng hàng không lớn nhất của Trung Quốc có trụ sở tại sân bay quốc tế Hồng Cao (Hongqiao, 虹桥) của Thượng Hải. Về mức thu nhập China Eastern Airlines đứng thứ nhì chỉ sau China Southern Airlines, nhưng trên Air China.
Theo các báo cáo của Bộ Kinh tế và Tài chính Italia, trong thời gian từ năm 1974 đến 2014, là khoảng thời gian Atalia nằm dưới quyền quản lý của chính phủ, chính quyền Ý đã phải tốn khoảng 7.4 tỷ euro trang trải các thâm hụt của hãng hàng không này. Vì thế, tháng Ba, năm 2020, Ý rất muốn bán hãng hàng không này cho Trung Quốc, bất chấp những chống đối của dân chúng. Tuy nhiên, kế hoạch của họ bất thành. Do hậu quả của đại dịch coronavirus, không chỉ Atalia mà hầu hết tất cả các hãng hàng không trên thế giới đều rơi vào tình trạng thê thảm. Trung Quốc lợi dụng tình hình này đã trả một giá rẻ mạt.
Vào ngày 10 tháng 10 năm 2020, chính phủ Ý đã ký một nghị định cho phép hãng hàng không được tổ chức lại với tên gọi Italia Trasporto Aereo SpA, hay ITA Airways, với ít máy bay hơn, ít nhân viên hơn.
Vào ngày 26 tháng 8 năm 2021, ITA chính thức bán vé trên trang web mới ra mắt của mình.
Trong năm nay, hãng hàng không mới sẽ bắt đầu bay đến New York, Boston và Miami, và tiếp tục mở rộng các chuyến bay đến Los Angeles và Washington, DC trong năm 2022, và Chicago và San Francisco vào năm 2023.
Source:ITA Airways
3. Liệu Đức Giáo Hoàng có thể gặp chủ tịch Trung Quốc tại Kazakhstan hay không?
Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình sẽ thăm Nur-Sultan ở Kazakhstan trong chuyến thăm cấp nhà nước vào ngày 14 tháng 9 năm 2022, Aibek Smadiyarov, đại diện Bộ Ngoại giao Kazakhstan thông báo vào ngày 5 tháng 9 năm 2022. Do đó, ông ta sẽ có mặt tại thủ đô cùng ngày với Đức Thánh Cha Phanxicô. Đức Giáo Hoàng sẽ đến đó từ ngày 13-15 tháng 9 để tham dự hội nghị thượng đỉnh liên tôn do chính phủ Kazakhstan tổ chức.
Quan chức này cho biết ông vẫn chưa biết liệu Tập Cận Bình có tham dự cuộc họp liên tôn hay không. Nếu ông ấy làm vậy, đó có thể là cơ hội để mang lại cuộc gặp đầu tiên giữa một giáo hoàng và một nguyên thủ quốc gia Trung Quốc trong lịch sử.
Phát ngôn nhân giải thích rằng chính thức mà nói, chuyến thăm của ông Tập Cận Bình nhằm ký kết các văn kiện song phương trong nhiều lĩnh vực hợp tác ở cấp độ chính trị, thương mại, kinh tế, văn hóa và nhân đạo. Chuyến thăm được thực hiện “theo lời mời” của Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev.
Chuyến đi này của chủ tịch Trung Quốc sẽ được chú ý nhiều: Đây là chuyến đi đầu tiên ông thực hiện kể từ khi đại dịch bùng phát ở đất nước ông vào năm 2019. Sau đó, ông sẽ đến Samarkand, một điểm dừng chân nổi tiếng trên Con đường Tơ lụa ở Uzbekistan, nơi Hội nghị cấp cao Thượng Hải sẽ được tổ chức vào ngày 15 và 16 tháng 9.
Tổ chức này bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Nga và các nước cộng hòa Trung Á. Ông Tập Cận Bình sẽ có cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin trong dịp này.
Source:Aleteia