Nhà viết tiểu luận Jean Duchesne trên tờ Aleteia ấn bản tiếng Pháp, ngày 30/08/22, có bài ca ngợi lòng can đảm của Đức Phanxicô trong việc vạnh bộ mặt thật của nền văn hóa triệt tiêu đang tung hoành trên thế giới, kể cả ở Canada, nhân chuyến viếng thăm nước này vào cuối tháng 7 vừa qua.
Thực vậy, trong “chuyến hành hương tạ tội” ở Canada, Đức Phanxicô đã chỉ trích mạnh mẽ nền văn hóa triệt tiêu. Các phương tiện truyền thông đã đề cập đến nó một cách phải lẽ, nhưng không hề ngạc nhiên. Tuy nhiên, có lý do để tự hỏi liệu cuộc tấn công chống lại một phong trào đương thời chuyên tố cáo mọi loại áp bức có làm mờ nhạt mục tiêu của chuyến đi này: trình bày lời xin lỗi và cầu xin tha thứ cho việc tham gia của các Kitô hữu vào nền chính trị thảm khốc chủ trương Đồng hóa cưỡng bức Người bản địa ở Canada trong Thế kỷ 19 và 20 hay không.
Giải đáp cho câu hỏi trên có thể được tóm gọn trong một chữ duy nhất: thực dân hóa. Điều này ngày nay bị lên án là thực hiện một cách khuyển nho sự thống trị kinh tế-kỹ thuật, một nền thống trị cho phép người phương Tây da trắng khai thác phần còn lại của thế giới bằng cách coi thường và đàn áp truyền thống, văn hóa và bản sắc của toàn bộ các quốc gia, bị tuyên bố là thấp kém. Đức Giáo Hoàng táo bạo lập luận rằng chủ nghĩa thực dân vẫn chưa biến mất, và những người duy trì nó là những người chống chủ nghĩa thực dân quyết liệt nhất. Tất nhiên, tinh thần chiến đấu này không nhằm kiểm soát các quốc gia về mặt quân sự để áp đặt luật pháp của mình ở đó và tận dụng nguồn nhân lực và vật lực của họ. Chủ nghĩa thực dân mới này có tính ý thức hệ. Ngay trong tông huấn Querida Amazonia năm 2020, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã viết rằng “việc thực dân hóa không dừng lại, thậm chí nó còn tự biến đổi ở một số nơi, tự ngụy trang và ẩn mình”.
Điều trên có nghĩa là nó đàn áp một cách tàn nhẫn bất cứ ý kiến nào khác với ý kiến của nó. Do đó, nó là một loài khủng bố trí thức và luân lý. Nó không khoan dung nghĩa là, trong khuôn viên Đại Học, trong giới nghệ thuật và trên các phương tiện truyền thông, nó ngăn cản, không cho lên tiếng bất cứ ai bị nghi ngờ không những phân biệt chủng tộc, mà còn kỳ thị đồng tính, kỳ thị chuyển giới hoặc đơn giản thiếu nhiệt tình vô điều kiện đối với hôn nhân đồng tính, hỗ trợ sinh sản và mang thai hộ, phá thai, hỗ trợ tự tử, an tử, v.v. Đây là điều mà nữ triết gia Sylviane Agacinski, trong số những người khác, đã trở thành nạn nhân ở Pháp và trong thế giới Anglo-Saxon, là J.K. Rowling, người tạo ra Harry Potter.
Mâu thuẫn
Có một mâu thuẫn ở đây tương tự như mâu thuẫn của những người thực dân của "thời hiện đại" trong hai thế kỷ trước: họ muốn xuất khẩu những nguyên tắc của họ, những nguyên tắc mà họ tuyên bố là phổ quát, và họ chà đạp các "giá trị" vốn tạo ra ưu thế của họ: nhân quyền, tự do, dân chủ - chưa kể đến đức ái Kitô giáo… Việc nói ngược nói xuôi trong cùng một trật tự có nghĩa là ngày nay, như Đức Phanxicô đã chỉ ra trong bài phát biểu của ngài tại thành cổ Québec vào ngày 27 tháng 7, chính "nhân danh bảo vệ sự đa dạng" mà người ta " kết cục ở chỗ xóa bỏ mọi cảm thức về bất cứ bản sắc nào, với nguy cơ làm im lặng các lập trường bảo vệ ý niệm tôn trọng và quân bằng các mẫn cảm khác nhau".
Chính trong chiều hướng này, “suy nghĩ tốt” từng cổ vũ một cách dữ tợn tính hợp pháp của mọi sự khác biệt đến nỗi đã đi đến chỗ phủ nhận chính nó. Nó "áp đặt các mô hình văn hóa đã thiết lập sẵn" vốn "làm ngơ đời sống cụ thể của con người" và "bóp nghẹt sự gắn bó tự nhiên với các giá trị của các dân tộc, bằng cách cố gắng nhổ bỏ truyền thống, lịch sử và các ràng buộc tôn giáo của họ". Nói trắng ra, hầu hết những người "bị thực dân hóa" thuở xưa cảm thấy khó khăn trong việc đứng chung hàng với chủ nghĩa tự do (một cách đặc biệt có tính sắc dục nhưng không chỉ có tính sắc dục) hiện đang thịnh hành ở phương Tây: hãy xem sự phản kháng của những người Châu Phi trong hiệp thông Anh giáo đối với các vụ kết hợp đồng tính luyến ái và đối với các giáo sĩ đồng tính, đặc biệt khi việc này đi xa tới các nữ giám mục đồng tính.
Anh Cả luôn ở đó
Đức Giáo Hoàng từng nói rằng ở đó có “một phong thái văn hóa nhằm độc dạng hóa trên cơ sở độc hữu các “quyền và nhu cầu của một số cá nhân”. Điều này có nghĩa là ngăn chặn bất cứ sự nhạy cảm nào khác và “nhổ tận gốc các truyền thống, lịch sử và dây nối kết tôn giáo” của các nhóm dân cư, mà còn “đánh giá quá khứ chỉ dựa trên cơ sở một số phạm trù hiện tại”. Đó chính là nền văn hóa triệt tiêu, “nền văn hóa hủy bỏ” này dẫn đến việc loại trừ mọi dấu vết lịch sử của những gì bị chỉ trích ngày nay.
Đức Thánh Cha thậm chí còn minh nhiên hơn nữa trong bài phát biểu trước phái đoàn ngoại giao vào tháng Giêng năm ngoái: "Người ta đang giúp khai triển một tư tưởng độc đáo - nguy hiểm - buộc phải phủ nhận lịch sử, hoặc thậm chí tệ hơn, viết lại lịch sử trên cơ sở các phạm trù đương thời, trong khi bất cứ hoàn cảnh lịch sử nào cũng phải được giải thích theo thông diễn học của thời đó chứ không phải theo thông diễn học hiện nay. George Orwell đã chứng minh rất tốt hơn bẩy mươi năm trước- vào năm 1984, rằng nền độc tài của Anh Cả (Big Brother) dựa trên việc loại bỏ vĩnh viễn tất cả những gì trong quá khứ không phù hợp với “sự chính thống” của thời điểm hiện tại.
Tính Công Giáo chống các ý thức hệ
Ngược lại, đối với Đức Phanxicô, “cần phải khám phá lại cảm thức về bản sắc chung của chúng ta như một gia đình nhân loại”, một cách “thực sự hòa nhập”, không coi thường bất cứ “sự nhạy cảm” nào và cũng không quên “các giá trị vĩnh viễn, [… ] đặc biệt là quyền được sống, từ khi thụ thai đến khi chết tự nhiên, và quyền tự do tôn giáo ”. Bài phát biểu ở Québec do đó không phải là một đối trọng để chỉnh sửa các tuyên bố tạ tội về những sai trái đã gây ra cho "các quốc gia đầu tiên" của Mỹ. Sợi dây xuyên suốt là việc tố cáo chủ nghĩa thực dân qua các đổi thay của nó theo thời gian. Và một cách tích cực, lý tưởng được đề xuất là công ích, hiệp thông hoặc tình huynh đệ - có thể được tóm gọn trong một hạn từ duy nhất: tính Công Giáo. Không có gì đáng ngạc nhiên khi Đức Giáo Hoàng là người đầu tiên bảo vệ nó, hay khi ngài không nghiêng ngã giữa “phe hữu” hay “phe tả”.