Ký giả Công Giáo kỳ cựu Phil Lawler và là chủ bút tạp chí CatholicCulture vừa có bài viết về nền văn hóa triệt tiêu xử sự với truyền thông Công Giáo.



Ông cho rằng xu hướng kiểm duyệt đáng ngại, trong tin tức và nhất là trên các phương tiện truyền thông xã hội, hiện nay rõ ràng không thể nhầm lẫn. Tại thời điểm này, câu hỏi đặt ra là khi nào — chứ không phải liệu — các tiếng nói của Kitô hữu sẽ bị chặn đứng.

Tất nhiên, trừ khi, chúng ta có thể làm gì đó để đảo ngược xu hướng trên.

Trong kỷ nguyên kỹ thuật số, thông tin là vua. Nếu bạn kiểm soát được việc truy cập thông tin — và có thể chặn đứng việc truy cập các thông tin mà bạn không thích — bạn có thể củng cố quyền thống trị thế giới. Làm thế nào những kẻ hoài nghi có thể thách thức bạn, nếu họ không bao giờ nhận được thông tin chính xác về những gì bạn đang làm? Làm thế nào các đối thủ của bạn có thể tổ chức, nếu họ thiếu bất cứ cách nào để liên lạc với những người cùng chí hướng?

Cho đến nay, bạn từng nghe nhiều câu chuyện đáng ngại. Chỉ xin trích dẫn một vài trường hợp nghiêm trọng:

* Một nhà khoa học xã hội được kính trọng, chủ tịch một tổ chức tư vấn ở Washington, biết cuốn sách của ông về phong trào “chuyển giới” đã bị Amazon cấm. Tác giả, Ryan Anderson, không nhận được lời giải thích nào cho động thái này; có lẽ một nhân viên nào đó của Amazon, hành động đằng sau bức màn nặc danh, đã bị xúc phạm bởi quan điểm của ông ta (trong khi Amazon tiếp tục bán cuốn Mein Kampf của Hitler). Anderson nhận xét:

Nếu lo sợ các Ông Bự Kỹ thuật có thể làm gì nếu bạn bất đồng ý kiến về ý thức hệ phái tính, bạn hãy chờ xem các Ông Chính Phủ Bự sẽ làm gì nếu cái gọi là Đạo luật Bình đẳng trở thành luật. Thứ hai, một bài học: Nếu sợ Ông Chính phủ lớn, thì bạn đừng nhắm mắt làm ngơ trước các Ông Bự Kỹ thuật.

* Một giám mục Công Giáo người Ái Nhĩ Lan bị Twitter chặn vì một lời bình luận chống đối việc hỗ trợ tự tử. Twitter đưa ra lời giải thích nực cười rằng Giám mục Kevin Doran đã vi phạm chính sách chống lại việc cổ vũ tự tử. Cuối cùng Twitter đã nhận ra sai sót và khôi phục tài khoản của vị giám mục này. Nhưng một lần nữa, một nhân viên giấu mặt lại đã có thể kiểm duyệt một tiếng nói quan trọng.

Amazon, Twitter, Facebook và Google tạo thành những tầng lớp ưu tú không thể bị tấn công trên Internet, và cả bốn tập đoàn hùng mạnh này ngày càng dễ kiểm duyệt các ý kiến bị các nhà lãnh đạo của họ coi là sai lầm. Nhưng ai hướng dẫn các nhà kiểm duyệt?

Nhà xã hội học người Ý Gaetano Mosca, viết vào đầu thế kỷ 20, lập luận rằng tất cả các xã hội đều do giới tinh hoa thống trị, bằng cách này hay cách khác. Mosca nói, thử nghiệm của công lý xã hội là điều mà ông gọi là “quyền bảo vệ pháp lý” — liệu hệ thống có cung cấp cách thức cho những người bình thường để họ tự bảo vệ trước những quyết định gây thiệt hại của giới tinh hoa vốn cai trị họ hay không?

Trong những trường hợp nêu trên — và bạn đọc có thể còn đề cập đến nhiều trường hợp khác — câu trả lời vang dội là Không.

Vì vậy, theo tiêu chuẩn của Mosca, hệ thống của chúng ta là hệ thống bất công. Có lẽ còn tệ hơn thế, vì ngoài việc bóp nghẹt việc bất đồng quan điểm, những gã khổng lồ của internet đang nuôi dưỡng một loại bệnh nghiện làm mất đi sức mạnh của công chúng. Các thuật toán mạnh mẽ tìm hiểu thói quen của bạn, điều bạn thích và điều bạn không thích, những thứ thu hút sự chú ý của bạn; sau đó họ đặt ngày càng nhiều những thứ đó trước mặt bạn hay trước đôi mắt hau háu của bạn, chiếm hết thời gian của bạn.

Facebook, Twitter và Google đã phát triển mạnh cách nào? Họ tạo doanh thu ra sao? Câu trả lời hời hợt là họ bán không gian quảng cáo. Câu trả lời chính xác hơn là họ đang bán bạn, người dùng — bán bạn cho những nhà quảng cáo đó.

Vì vậy, nếu bạn phản đối chính sách của những gã khổng lồ internet, nhưng vẫn tiếp tục sử dụng các dịch vụ của họ, bạn đang làm việc cho các kẻ thù của mình. Chúng ta đang thể hiện một biến thể kỳ cục của điều Lenin dự đoán: “Các nhà tư bản sẽ bán cho chúng ta sợi dây mà chúng ta dùng để treo cổ họ”.

Tất cả chúng ta, trong chừng mực chúng ta dành thời gian trực tuyến, đang làm việc cho những gã khổng lồ internet, và không được trả một đồng xu cho thời gian của chúng ta. Khi ai đó làm việc không lương thì người ta gọi nó là gì? Không phải là nô lệ, vì là tự nguyện. Tuy nhiên, đó không phải là công việc tự nguyện, vì bạn đâu có ủng hộ chính nghĩa của họ. Nói một cách đơn giản, há đó không phải là sự ngu ngốc hay sao?

Hay đúng hơn, là việc thiếu các giải pháp thay thế. Chúng ta cần thông tin; chúng ta cần thảo luận các ý tưởng; chúng ta cần một cuộc trao đổi cởi mở. Nếu chúng ta rút khỏi diễn đàn internet, chúng ta sẽ mất bất cứ cơ hội thực tiễn nào để thách thức một ý thức hệ thống trị đang ngày càng trở nên thù địch hơn đối với chúng ta — và sẽ càng trở nên thù địch hơn nữa nếu chúng ta bị coi là “kẻ ngoài cuộc”, “kẻ tồi tệ” (deplorable).

Vậy thì đâu là lựa chọn thay thế của chúng ta? Lawler đề xuất một vài gợi ý — và yêu cầu độc giả đưa ra các gợi ý của riêng họ.

* Phản đối “nền văn hóa triệt tiêu”. Gây khó khăn cho những người kiểm duyệt muốn đóng cửa những tiếng nói đáng kính. Hãy lột mặt nạ chúng. Chế giễu chúng.

* Áp lực để chính phủ hành động trong việc bảo vệ quyền tự do ngôn luận trên internet. Vì các chính trị gia cấp tiến thường có cùng các mục tiêu như những gã khổng lồ kỹ thuật, nên đối thủ của họ nên coi việc kiểm duyệt như một vấn đề nổi bật trong chiến dịch tranh cử.

*Tạo các dịch vụ thay thế. Người ta biết đã có một số lựa chọn thay thế cho Facebook và Twitter, và chúng ta cầu chúc các thay thế này thành công. Nhưng xét một cách thực tiễn, còn lâu họ mới có khả năng đối đầu với sức mạnh của những người gã khổng lồ kỹ thuật. Và liệu chúng ta có bảo đảm rằng các dịch vụ mới nổi lên này, nếu họ đạt được một lượng lớn người theo dõi, sẽ không bị cám dỗ bởi cùng sự kiêu căng quyền lực như vậy không?

*Kiểm soát các trang web của chúng ta. Các tay kiểm duyệt của Facebook có thể chặn các bài đăng trên Facebook, nhưng họ không thể chỉnh sửa bài đăng trên các trang độc lập (chẳng hạn như CatholicCulture. org). Các blog cá nhân nằm ngoài tầm kiểm soát ngay lập tức của họ; họ không thể kiểm duyệt những gì họ không thể nhìn thấy. Ngay cả khi việc kiểm duyệt diễn tiến trên toàn bộ web, danh sách phân phối email cũ vẫn có thể tiếp tục các cuộc thảo luận. Hãy nghĩ đến khả thể đó như những samizdat (1) có kỹ thuật cao. Và đừng loại bỏ nó! Hãy tạo danh sách email của riêng bạn ngay bây giờ.

*Tuy nhiên, trên hết, chúng ta cần các chuyên gia kỹ thuật có thiên tài và khuynh hướng cần thiết để thiết kế các cách mới để chúng ta tương tác, không bị các bên thứ ba can thiệp. Internet được thiết kế để làm cho việc truyền thông an toàn khả hữu. Há chúng ta không nên có khả năng kiểm soát những trang web nào cần coi, những ý kiến nào chúng ta gặp phải, những thông tin nào chúng ta có thể truy cập hay sao?

Trong khi đó, trong khi chúng ta chờ đợi và hy vọng một giải pháp kỹ thuật, Lawler cho rằng chúng ta không nên tự ý rút lui khỏi cuộc chiến giành công luận. Đừng mắc sai lầm tự kiểm duyệt mình, chỉ để tránh bị người khác kiểm duyệt. Nếu chúng ta sắp sửa bị bịt miệng — và vấn đề này vẫn chưa được giải quyết — hãy ra tay chiến đấu.

(1) Samizdat là hình thức sao chép và phân phối lén lút các ấn phẩm bị nhà nước ngăn cấm, nhất là trong các nước cộng sản cũ của Đông Âu.