Theo ký giả David Mills (https://stream.org/cancel-liberal-cancel-culture-say-130-liberal-intellectuals/ntellectuals/rs.org), 130 nhà trí thức cấp tiến đã đăng một bức thư ngỏ tựa là “Một Lá thư về Công lý và Tranh luận Công khai” trên tờ báo cấp tiến Harper ngày 7 tháng 7 kêu gọi triệt tiêu nền Văn Hóa Triệt Tiêu (Cancel Culture) với nội dung như sau:
Các định chế văn hóa của chúng ta đang phải đương đầu với một thời điểm thử thách. Những cuộc biểu tình mạnh mẽ đòi công lý chủng tộc và xã hội đang dẫn đến những yêu cầu trễ hạn buộc phải cải cách ngành cảnh sát, cùng với những lời kêu gọi rộng rãi hơn đòi bình đẳng và hòa nhập khắp trong xã hội của chúng ta, chứ không chỉ trong giáo dục đại học, báo chí, nhân đạo và nghệ thuật. Nhưng việc tính sổ cần thiết này cũng đã tăng cường một loạt các thái độ luân lý và các cam kết chính trị mới có xu hướng làm suy yếu các quy tắc tranh luận cởi mở và khoan dung các khác biệt để phục vụ cho lợi ích ý thức hệ. Chúng tôi hoan nghênh sự phát triển thứ nhất, nhưng xin chống lại sự phát triển thứ hai. Các lực lượng phi cấp tiến đang nhận được sức lực khắp thế giới và có một đồng minh hùng mạnh nơi Donald Trump, người đại diện cho một mối đe dọa thực sự đối với nền dân chủ. Nhưng phái kháng cự không được phép làm mình khô cứng trở thành thứ thương hiệu giáo điều hay thúc ép của chính mình, điều mà những kẻ mỵ dân cánh hữu đang khai thác. Chính sách bao hàm dân chủ mà chúng ta muốn chỉ có thể đạt được nếu chúng ta lên tiếng chống lại bầu khí bất khoan dung đang bàng bạc tứ phía.
Việc tự do trao đổi các thông tin và ý tưởng, vốn là huyết mạch của một xã hội cấp tiến, ngày càng trở nên bị hạn chế hơn. Mặc dù chúng ta đã tiến tới chỗ biết kỳ vọng điều này nơi phe hữu cấp tiến, tính ưa phê bình chỉ trích (censoriousness) cũng lan rộng hơn trong nền văn hóa của chúng ta: bất khoan dung đối với các quan điểm đối lập, mốt ưa nhục mạ và tẩy chay công khai, và xu hướng muốn làm tan biến các vấn đề chính sách phức tạp với một thái độ chắc nịch về mặt luân lý. Chúng ta đề cao giá trị của ngôn từ phản kháng (counter-speech) ngay thẳng và thậm chí chua cay từ mọi phía. Nhưng hiện nay, chuyện quá thông thường là nghe thấy những lời kêu gọi trừng phạt nhanh chóng và nghiêm khắc để trả đũa những điều được tri nhận là vi phạm tới ngôn luận và suy nghĩ. Tuy nhiên điều gây bối rối hơn nữa là các nhà lãnh đạo định chế, trong tinh thần hoảng loạn muốn kiểm soát thiệt hại, đang đưa ra các hình phạt vội vã và không cân xứng thay vì các cải cách có xuy xét. Các chủ bút bị sa thải vì cho công bố các bài viết gây tranh cãi; sách bị thu hồi vì cáo buộc giả mạo; các nhà báo bị cấm viết về một số chủ đề; các giáo sư bị điều tra vì đã trích dẫn các tác phẩm văn học trong lớp; một nhà nghiên cứu bị sa thải vì phát tán một nghiên cứu học thuật được đồng nghiệp đánh giá; và những vị đứng đầu các tổ chức bị lật đổ vì những điều đôi khi chỉ là những sai lầm vụng về. Bất kể những lập luận chung quanh từng biến cố đặc thù, kết quả vẫn đã thu hẹp dần các ranh giới của những điều được nói mà không bị đe dọa trả đũa. Chúng ta đã phải trả giá bằng việc sợ gặp rủi ro lớn hơn nơi các nhà văn, nghệ sĩ và nhà báo, những người lo sợ cho sinh kế của họ nếu họ xa rời sự đồng thuận, hoặc thậm chí không nhiệt tình đủ với đồng thuận này.
Bầu không khí ngột ngạt này tối hậu sẽ gây hại cho các chính nghĩa quan trọng nhất của thời đại chúng ta. Sự hạn chế tranh luận, cho dù bởi một chính phủ áp chế hay một xã hội bất khoan dung, luôn gây tổn thương cho những người thiếu quyền lực và khiến mọi người không còn khả năng tham gia dân chủ. Cách để đánh bại những ý tưởng tồi là bằng cách trình bày, lập luận và thuyết phục, chứ không phải bằng cách cố gắng làm chúng im bặt hoặc muốn chúng khuất dạng. Chúng ta bác bỏ bất cứ lựa chọn sai lầm nào giữa công lý và tự do, những điều không thể tồn tại nếu không có nhau. Là những người viết, chúng ta cần một nền văn hóa biết chừa chỗ để chúng ta thử nghiệm, chấp nhận rủi ro và thậm chí sai lầm. Chúng ta cần bảo tồn khả thể bất đồng đầy thiện chí mà không phải chịu các hậu quả nghiêm trọng về nghề nghiệp. Nếu chúng ta không bảo vệ chính điều mà công việc của chúng ta phụ thuộc vào, chúng ta không nên mong đợi công chúng hoặc nhà nước bảo vệ cho chúng ta.
Nền Văn Hóa Triệt Tiêu
Nhận định về lá thư trên, David Mills cho rằng đây là chuyện lạ trong việc bảo vệ tự do ngôn luận. Người ta biết trong thập niên 1950, các nhà trí thức cấp tiến gây ấn tượng bằng cách bênh vực tự do ngôn luận khi đa số người dân Hoa Kỳ không thích việc này. Họ lớn tiếng chống lại thuyết của Thượng nghị sĩ McCarthy và các mưu toan khác nhằm giới hạn ngôn từ chính trị. Họ lớn tiếng bênh vực tự do nghệ thuật. Cuối cùng phần lớn Hoa Kỳ đã đi theo.
Những nhà cấp tiến nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ nên cho phép cả những ngôn từ xúc phạm để bảo vệ ngôn luận của mọi người. Như Hiệp Hội Tư Do Dân Chính Hoa Kỳ từng phát biểu, chúng ta không cần Tu Chính Thứ Nhất để bảo vệ các ý tưởng được lòng dân: “lịch sử dạy rằng mục tiêu đầu tiên của việc chính phủ áp chế không bao giờ sống lâu. Nếu chúng ta không ra tay bảo vệ các quyền tự do ngôn luận của những người ít được lòng dân nhất giữa chúng ta, cho dù các quan điểm của họ phản đạo đức đối với chính nền tự do mà Tu chính Thứ nhất vốn đại diện cho, thì không một quyền tự do của bất cứ ai được bảo đảm”.
Nhưng đó là lúc đó. Còn bây giờ, phần lớn phe tả dấn thân vào nền văn hóa triệt tiêu, chủ trương “đường tôi hay xa lộ” (không theo tôi sẽ bị triệt hạ) (1). Những ai bất đồng với nền chính thống cấp tiến đều không những sai mà còn xấu xa và phải bị làm cho câm họng. Và nếu có thể, bị làm nhục công khai và thất nghiệp.
Cho đến nay, những người đồng nghiệp ở cánh tả của họ chưa hề dám hó hé.
Những khuôn mặt lớn
Nhưng rồi, họ vừa hó hé, trên tạp chí cấp tiến Harper’s. Trong một bản tuyên bố tựa là “Một Lá thư về Công lý và Tranh luận Công khai”, khoảng 130 khuôn mặt lớn của thế giới cấp tiến lên tiếng đòi tự do ngôn luận. Noam Chomsky, niên trưởng các nhà phê bình cấp tiến của Hoa Kỳ. Tác giả của Handmaid’s Tale, Margaret Atwood. Thần tượng và anh thư duy nữ Gloria Steinem. Nhà vận động cho hôn nhân đồng tính Jonathan Rauch và một số đồng nghiệp của ông ta ở tập san Atlantic. Malcolm Gladwell và khá nhiều đồng nghiệp tại New Yorker . Matthew Yglesias của tập san Vox. Tổ phụ xã hội chủ nghĩa Michael Walzer. Jeet Heer, phóng viên quốc sự của tạp chí cánh tả hàng đầu của Hoa Kỳ, tức tờ The Nation. Khôi nguyên Giải Pulitzer Steven Pinker. Bari Weiss, người giữ mục của New York Times. Các nhà duy nữ cánh tả hàng đầu. Hàng loạt các giáo sư của Harvard, Princeton, Yale và Stanford. Và nổi tiếng hơn cả có J. K. Rowling, tác giả Harry Potter.
Và họ nói gì trong non 500 chữ? Họ nói cách chung chung và không bao giờ nói chính xác họ chống lại ai. Họ nói chống lại “một loạt các thái độ luân lý và các cam kết chính trị mới có xu hướng làm suy yếu các quy tắc tranh luận cởi mở và khoan dung các khác biệt để phục vụ cho lợi ích ý thức hệ”. Là những người cấp tiến, họ nhấn mạnh tới việc cần suy nghĩ lại các vấn đề chủng tộc và cảnh cáo Donald Trump và “cánh hữu cấp tiến” (the radical right).
Cơn cuồng loạn của nền Văn hóa Triệt tiêu
Nhưng mục tiêu không nêu tên của họ rõ ràng là những kẻ cuồng loạn của nền Văn hóa Triệt tiêu. Những người này đòi hỏi bất cứ ai bị họ coi là nói sai phải nhanh chóng và nghiêm khắc bị trừng phạt. Các người đang điều khiển các định chế của chúng ta, những người đang cố gắng chống đỡ lưng của mình, phải làm điều họ yêu cầu.
Những người ký tên vào lá thư đưa ra một số thí dụ tổng quát: “Các chủ bút bị sa thải vì cho công bố các bài viết gây tranh cãi; sách bị thu hồi vì cáo buộc giả mạo; các nhà báo bị cấm viết về một số chủ đề; các giáo sư bị điều tra vì đã trích dẫn các tác phẩm văn học trong lớp; một nhà nghiên cứu bị sa thải vì phát tán một nghiên cứu học thuật được đồng nghiệp đánh giá; và những vị đứng đầu các tổ chức bị lật đổ vì những điều đôi khi chỉ là những sai lầm vụng về”.
Lá thư kết thúc bằng cách nhắc lại thái độ cấp tiến cổ điển đối với việc thảo luận công khai: “Chúng ta đề cao giá trị của ngôn từ phản kháng (counter-speech) ngay thẳng và thậm chí chua cay từ mọi phía... Sự hạn chế tranh luận, cho dù bởi một chính phủ áp chế hay một xã hội bất khoan dung, luôn gây tổn thương cho những người thiếu quyền lực và khiến mọi người không còn khả năng tham gia dân chủ. Cách để đánh bại những ý tưởng tồi là bằng cách trình bày, lập luận và thuyết phục, chứ không phải bằng cách cố gắng làm chúng im bặt hoặc muốn chúng khuất dạng”.
Lý lẽ hơn phản ứng. Đối thoại và tranh luận thay vì tố cáo. Đàm thoại, chứ không khinh miệt. Tự do, chứ không ép buộc. Cố gắng thuyết phục, chứ không kết án và thúc bách. Chủ nghĩa cấp tiến cổ điển nhằm bênh vực văn minh, trong đó, người ta, khi sống chung trong một quốc gia, cố gắng tạo lập xã hội tốt nhất có thể, bằng cách cùng nói chuyện và suy nghĩ với nhau. Như các cha ông lập quốc từng làm khi tạo lập quốc gia này, trong một phát triển đáng ngạc nhiên nhất trong lịch sử chính trị hoàn cầu.
Văn hóa Triệt tiêu ghét điều đó
Nhưng nền Văn hóa Triệt tiêu không ưa những điều trên. Chủ nghĩa cấp tiến trung kiên ghét nó. Họ ghét ý niệm một ai khác có thể đúng, nên lắng nghe những người khác. Theo David Mills, rất nhiều người không đồng ý với lá thư trên.
Nhà văn cánh tả Fredrik deBoer thấy điều đó. Ông tin rằng “cuộc nổi dậy chính trị hiện thời có cơ may trở thành một phát triển cực kỳ tích cực”. Nhưng ông không cho rằng nó là chủ nghĩa cấp tiến cổ điển.
Trên trang mạng riêng của mình, ông yêu cầu các người cấp tiến “chấm dứt trò chơi” của họ và nhìn nhận rằng họ quả bác bỏ tự do ngôn luận. “Dĩ nhiên, Yelling Woke Twitter (Tỉnh Giấc La To) ghét tự do ngôn luận! Dĩ nhiên những người cấp tiến kêu gào công bằng xã hội luôn ngăn cản những phát biểu họ không nhất trí với nếu họ có thể làm thế! Bất cứ con người trung thực nào quan sát các phát ngôn chính trị của chúng ta bất cứ dài lâu thế nào lại có thể kết luận cách khác? ”
Ông bảo “Thật vậy, mọi người đều âm thầm biết rằng đa số áp đảo các người cấp tiến đơn giản không còn tin giá trị của tự do ngôn luận nữa”.
Nhưng ít nhất, khá nhiều nhà cấp tiến hàng đầu nay tin và cuối cùng đã lên tiếng nói ra như thế. Những người luôn báo động bất công xã hội, nhất là chủ nghĩa phân biệt chủng tộc (woke), sẽ tự tỏ ra kỳ quặc lếu tìm cách triệt tiêu Noam Chomsky và Gloria Steinem.
_____________________________________________________________________________________________________
(1) Dịch từng chữ của lối nói “my way or the highway”, một kiểu nói có nghĩa là không có cách nào khác (ngoại trừ bỏ đi) ngoài việc chấp nhận ý kiến hay chính sách của người nói.