Theo hãng tin LifeSiteNews, Đức Hồng Y Gerhard Müller, vị trước đây từng đứng đầu Bộ Giáo lý Đức tin (CDF), đã vui lòng cung cấp cho họ một bản sao những suy tư của ngài về việc cải cách Giáo triều như đang được thực hiện với tông hiến Praedicate Evangelium, do Đức Phanxicô ký ngày 19 tháng 3. Đức Hồng Y Müller có ý định trình bày tuyên bố của mình (xem toàn văn bên dưới) cho mật nghị Hồng Y nhóm họp vào cuối tháng 8 tại Rôma, nhưng do thời gian phát biểu tại cuộc họp có hạn, ngài không thể trình bầy được.
Trong tuyên bố của mình, vị Hồng Y người Đức, người bị Đức Phanxicô bất ngờ cách chức vào tháng 6 năm 2017, nói rõ ràng rằng ngài nhận thấy một xu hướng đáng lo ngại hiện đang diễn ra trong Giáo hội. Ngài phản đối cả chủ nghĩa giáo hoàng mạnh mẽ vì nó làm suy yếu thẩm quyền giảng dạy và bí tích của từng giám mục cá thể cũng như làm suy giảm chức vụ và thẩm quyền được truyền chức bằng cách giao các chức vụ lãnh đạo trong Giáo triều Rôma và trong các giáo phận cho giáo dân.
Ngài viết: “Đó không phải là sự tiến bộ về giáo hội học, mà là sự mâu thuẫn trắng trợn với các nguyên tắc căn bản của nó, nếu tất cả quyền tài phán trong Giáo hội được suy diễn từ quyền tài phán tối cao của Đức Giáo Hoàng. Ngoài ra, lối dùng từ lớn lao về thừa tác vụ, tính đồng nghị và tính phụ đới vẫn không thể che giấu sự thoái bộ của quan niệm thần quyền về chức vụ giáo hoàng.”
Vị giáo phẩm người Đức nhấn mạnh rằng thẩm quyền của Giáo hoàng dựa trên sự kiện này là chính Chúa Giêsu Kitô đã trao cho ngài thẩm quyền chứ không phải ai khác. “Phêrô hành động trong thẩm quyền của Chúa Kitô với tư cách là Vị Đại Diện của Người. Thẩm quyền buộc và tha của ngài không phải là sự tham gia vào Quyền Toàn năng của Thiên Chúa”, Đức Hồng Y Müller nhấn mạnh như thế. Ngài tiếp tục nói rằng “thẩm quyền tông truyền của Đức Giáo Hoàng và của các giám mục không phải là quyền riêng của các ngài mà chỉ là quyền năng thiêng liêng được ban cho các ngài để phục vụ việc cứu rỗi các linh hồn qua việc loan báo Tin Mừng, trung gian bí tích của ân sủng, và lãnh đạo mục vụ Dân lữ hành của Thiên Chúa đến mục tiêu là sự sống đời đời”.
Điều đó có nghĩa là, thẩm quyền của Giáo hoàng bị ràng buộc và giới hạn bởi nhiệm vụ của ngài là dẫn dắt các linh hồn đến sự cứu rỗi theo cách mà chính Chúa Giêsu Kitô đã ra lệnh. Ngài không độc lập với sự ủy thác của Chúa Kitô.
Đức Hồng Y giải thích, do đó, “một Giáo hội hoàn toàn chỉ chú mục vào Đức Giáo Hoàng đã và luôn là bức tranh biếm họa của giáo huấn Công Giáo về việc thiết lập, tính trường tồn, ý nghĩa và lý do của quyền tối thượng thánh thiêng của Giám mục Rôma”.
Dựa trên nguyên tắc liên quan đến giới hạn thẩm quyền của Đức Giáo Hoàng, Đức Hồng Y Müller nói rõ ràng rằng Đức Giáo Hoàng không thể thay đổi trật tự phẩm trật và bí tích của Giáo hội bằng cách bổ nhiệm giáo dân làm người đứng đầu một giáo phận hoặc một văn phòng giáo triều. Vị giáo phẩm này viết “Đức Giáo Hoàng cũng không thể ban cho bất cứ giáo dân nào một cách ngoài bí tích - nghĩa là, trong một hành vi chính thức, hợp pháp - quyền tài phán trong một giáo phận hoặc trong giáo triều Rôma, đến nỗi các giám mục hoặc linh mục phải hành động nhân danh họ”.
Song song với việc Đức Hồng Y Müller cho công bố ý kiến của mình ở đây, Đức Hồng Y Walter Brandmüller, một nhà giáo sử học, cũng cho công bố ý kiến của ngài về cùng một chủ đề trên trang mạng của Sandro Magister. Đức Hồng Y Brandmüller cho rằng dưới triều đại của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, việc thảo luận tự do giữa các Hồng Y với Đức Giáo Hoàng, trong căn bản, đã không còn tồn tại nữa. Đức Hồng Y viết, “Thời xưa, chức năng này của các Hồng Y tìm được biểu thức tượng trưng và nghi lễ trong nghi thức 'aperitio oris', tức mở miệng", nghĩa là "nhiệm vụ phát biểu thẳng thắn xác tín của mình, lời cố vấn của mình, đặc biệt là trong mật viện”. Sau đó, ngài nói thêm rằng sự thẳng thắn cần thiết này "đang được thay thế bằng một sự im lặng lạ kỳ."
Do đó, vị giáo phẩm người Đức nhận thấy rằng các mật nghị dưới thời Đức Giáo Hoàng Phanxicô không hữu hiệu và hữu ích cho lắm. “Ngày xưa, các mẫu in ấn được phân phát cho ai muốn có thời gian nói, tiếp theo là những nhận xét rõ ràng và tự phát về bất cứ loại chủ đề nào, và cứ thế diễn tiến”, ngài mô tả các mật nghị trong quá khứ. “[còn bây giờ] Chưa bao giờ có một cuộc tranh luận, cuộc trao đổi lập luận về một chủ đề chuyên biệt. Rõ ràng là một thủ tục hoàn toàn vô ích”.
Mật nghị có tính tranh cãi cuối cùng được biết đến mà các Hồng Y của Giáo Hội Công Giáo được tự do nói năng là mật nghị năm 2014, trong đó Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã mời Đức Hồng Y Walter Kasper trình bày đề nghị Kasper của ngài về việc cho những người ly dị tái hôn được Rước lễ. Như chuyên viên về Vatican người Ý Marco Tosatti đã báo cáo vào thời điểm đó, một số lượng lớn các Hồng Y đã phản đối sáng kiến của Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Kể từ đó, Đức Giáo Hoàng Phanxicô không bao giờ cho phép một cuộc thảo luận tự do như vậy diễn ra trong một mật nghị.
Nhận định của Đức Hồng Y Gerhard Müller
Đó không phải là tiến bộ trong giáo hội học, mà là một sự mâu thuẫn trắng trợn với các nguyên tắc căn bản của nó, nếu mọi quyền tài phán trong Giáo hội được suy diễn từ quyền tài phán tối cao của Đức Giáo Hoàng. Ngoài ra, lối dùng từ lớn lao về thừa tác vụ, tính đồng nghị và tính phụ đới vẫn không thể che giấu sự thoái bộ của quan niệm thần quyền về ngôi giáo hoàng.
Những lý tưởng trên không những nên được truyền cho người khác như là những điều đáng ước ao [desiderata] mà còn phải được thể hiện hàng ngày trong cách đối xử gương mẫu với những người cộng tác của mình, đặc biệt là các linh mục. Điều cần thiết là phải hoàn toàn rõ ràng về sự khác biệt căn bản giữa thẩm quyền giáo hội của Đức Giáo Hoàng với tư cách là người kế vị Chúa Kitô và các chức năng chính trị - thế gian của ngài với tư cách là quốc trưởng của Quốc gia Vatican hoặc của Tòa thánh với tư cách là một chủ thể của luật pháp quốc tế. Bất cứ quyền tài phán nào của Giáo hội đều mang tính chất tông truyền và bí tích và liên quan đến việc cứu rỗi các linh hồn, vốn khác biệt với bản chất chính trị - luật pháp của việc thực thi quyền lực trong một quốc gia, kể cả Quốc gia Vatican.
Thánh Phêrô hành động trong thẩm quyền của Chúa Kitô với tư cách là Đại diện của Người. Thẩm quyền buộc và tha của ngài không phải là việc tham dự vào Quyền toàn năng của Thiên Chúa. Vì Người đã không nói với ngài rằng: “Mọi quyền lực trên trời và dưới đất đều được ban cho con” (x. Mt 28:18). Thẩm quyền tông đồ của Đức Giáo Hoàng và của các giám mục không phải là quyền riêng của các ngài mà chỉ là quyền năng thiêng liêng được ban cho để phục vụ việc cứu rỗi các linh hồn qua việc loan báo Tin Mừng, qua trung gian bí tích của ân sủng, và lãnh đạo mục vụ để Dân lữ hành của Thiên Chúa tiến đến mục tiêu của cuộc sống vĩnh cửu. Vì Thánh Phêrô tuyên xưng Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa Hằng Sống dựa vào Mạc khải của Chúa Cha, Chúa Kitô đã ban cho ngài lời hứa: “Con là Phêrô, và trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Giáo Hội của Thầy” (Mt 16:18).
Một Giáo Hội hoàn toàn chỉ chú mục vào Đức Giáo Hoàng đã và luôn là bức tranh biếm họa của “giáo huấn Công Giáo về việc thiết lập, tính trường tồn, ý nghĩa và lý do của quyền tối cao thánh thiêng của Giám mục Rôma” (Lumen gentium 18). Với quan niệm này, bất cứ cố gắng đại kết nào với Chính thống giáo và Thệ phản đều sẽ thất bại ngay từ đầu. Về sự tách biệt cổ điển giữa potestas ordinis [quyền do chức thánh] và potestas jurisdictionis [quyền tài phán], vốn giả thiết lập ra quyền tài phán toàn diện của Giáo hoàng, Công đồng Vatican II đã bác bỏ nó vì tính bất cập của nó. Theo Thánh Tôma Aquinô, potestas ordinis không chỉ có nghĩa là thẩm quyền ban các bí tích. Đúng hơn, potestas ordinis có nghĩa là trong việc truyền chức, mọi quyền hành đã được trao ban, ngay cả khi chức vụ mục vụ có thể bị giới hạn trong thẩm quyền cụ thể của nó. (S.th. II-II q. 39 a.3). Do đó, không có hai loại potestas ecclesiastica bằng nhau, mà chỉ có một loại potestas ordinis, mà potestas jurisdictionis là một phần cấu tạo nhưng phụ thuộc nó.
Ngoài ra, việc tách giám mục Rôma với potestas ordiniscủa ngài cho giáo phận của ngài khỏi potestas juridictionis của Giáo hoàng như người kế vị Phêrô cho Giáo hội Hoàn vũ, mâu thuẫn một cách chính thức với tín điều của Vatican I (Hiến chế Tín lý Pastor aeternus điều 2: “Si quis dixerit…. Romanum pontificem non esse beati Petri in eodem primatu sucessorem anathema sit [nếu ai nói rằng...giám mục Rôma không phải là người kế vị Thánh Phêrô trong tối quyền của ngài, người ấy phải bị tuyệt thông]” (DH 3058). Giáo triều Rôma là việc tham gia được định chế hóa của Giáo hội Rôma trong quyền tối thượng của Thánh Phêrô. Nó không thể được tổ chức một cách thuần túy thế tục theo tiêu chuẩn nền tảng đa quốc gia. Đây dường như là vấn đề căn bản chưa được giải quyết trong phương thức tiếp cận của “Praedicate Evangelium”. Nó trả thù (?) khi, trong quá trình soạn thảo các tài liệu quan trọng của Giáo hoàng, thần học có hệ thống bị bỏ qua và thay vì các nguyên tắc tín điều rõ ràng, một kết hợp các điều đáng ước ao thiêng liêng và các phạm trù quyền lực thế tục là phương thức tiếp cận thông diễn căn bản.
Giáo hội với tư cách bí tích phổ quát của ơn cứu rỗi dành cho thế giới bắt nguồn từ việc Nhập thể. Chúng ta không thể, giống như người Thệ phản, chia tách Giáo hội thành một cộng đồng ân sủng vô hình (Communio) và một cộng đồng pháp luật hữu hình (societas). Cộng đồng đức tin hữu hình không phải là một tổ chức tôn giáo do con người thành lập, nhưng là Thân thể Giáo hội - Bí tích của Chúa Kitô (Vat. II. Lumen gentium 8). Nó phục vụ, bằng martyria, leiturgia và diakonia [làm chứng, phụng vụ và phục vụ], sự kết hợp mật thiết nhất của con người với Thiên Chúa và sự hợp nhất của Nhân loại (Lumen gentium 1). Do đó, luôn luôn là chính Chúa Kitô, Đấng, qua vị giám mục, dạy dỗ, thánh hóa và cai quản về mặt mục vụ hay tài phán (Lumen gentium 20f). Cả Đức Giáo Hoàng và các giám mục lẫn các cơ quan quyền lực thế tục hoặc một nhóm hỗn hợp gồm giáo dân và giáo sĩ (xin xem sự sai lạc của con đường đồng nghị Đức!) không thể lãnh đạo Giáo hội của Thiên Chúa giống như một tổ chức thế tục, bất kể dưới hình thức độc tài-độc quyền, hay dưới hình thức dân chủ đồng nghị.
Theo tính chất bí tích của nó và không chỉ vì các quy tắc pháp lý thực định, chức vụ giám mục chỉ có thể được thực hiện một cách hợp đoàn trong sự hiệp thông với toàn thể giám mục cum et sub Petro [cùng và dưới Phêrô]. Mỗi giám mục, nhờ việc thụ phong của mình, chia sẻ quyền tài phán của Giám mục đoàn như một toàn thể, trong khi Đức Giáo Hoàng, với tư cách là người đứng đầu hợp đoàn, cũng có thể nói và hành động nhân danh Chúa Kitô cho toàn thể Giáo hội. Mọi giám mục, nhờ quyền thần linh của mình, đều tham dự Công đồng Chung (Lumen gentium 25).
Tuy nhiên, Đức Giáo Hoàng không phải là một siêu giám mục hay người nắm quyền tối cao tuyệt đối của Giáo hội như thể ngài đã chia sẻ quyền Toàn năng của Thiên Chúa, nhưng như người đứng đầu giáo hội địa phương của Rôma, ngài là nguyên tắc và nền tảng hữu hình vĩnh viễn của sự hiệp nhất trong đức tin và là communio ecclesiarum [hiệp thông các giáo hội] (Lumen gentium 18: 23).
Đức Giáo Hoàng cũng không thể ban cho bất cứ giáo dân nào một cách ngoài bí tích - nghĩa là, trong một hành vi chính thức, hợp pháp - quyền tài phán trong một giáo phận hoặc trong giáo triều La Mã, đến nỗi các giám mục hoặc linh mục có thể phải hành động nhân danh giáo dân này. “Do đó, các giám mục, với những người trợ giúp các ngài, tức các linh mục và phó tế, đã đảm nhận việc phục vụ cộng đồng, chủ trì thay cho Thiên Chúa trên đoàn chiên, mà các ngài là những chủ chăn, như những người dạy tín lý, những linh mục cho việc thờ phượng thánh thiêng” (Lumen gentium 20).
Những trường hợp trái ngược trong lịch sử của Giáo hội và Ngôi Giáo hoàng không phải là những lập luận thần học, mà chỉ là bằng chứng của một nền thần học thiếu sót hoặc của việc lạm dụng quyền hành thiêng liêng vì những mục đích trần tục. Nó báo trước việc dẹp bỏ các cuộc hội họp của các Hồng Y (như một cuộc hội họp một phần của mật nghị gồm tất cả các Hồng Y) để ủng hộ sự bình đẳng chính thức của mọi định chế của Giáo triều và Tòa thánh như các thẩm quyền công chức, hành chánh với tên gọi là Dicastery [thánh bộ].
Chắc chắn, bộ phận truyền thông báo chí có thể do một giáo dân có năng lực đứng đầu, nhưng chắc chắn không phải Bộ Giáo lý Đức tin, Phụng vụ, Giám mục, Giáo sĩ, v.v., mà các vị đứng đầu, với tư cách giáo sĩ của Giáo hội Rôma, làm việc với Giám mục Rôma trong tư cách là người kế vị Thánh Phêrô (gọi tắt là “Giáo hoàng”).
Do đó, tính bí tích của hàng giám mục cũng có nghĩa là các giám mục không phải là người thụ ủy cũng không phải là người đại biểu của giáo hoàng (Lumen gentium 27). Các ngài thực thi các quyền năng thiêng liêng do Chúa Giêsu ban cho các ngài khi các ngài được thụ phong nhân danh Chúa Giêsu Kitô, chứ không phải trong thẩm quyền của Đức Giáo Hoàng, như chủ nghĩa giáo hoàng cực đoan ngày nay một lần nữa muốn. Việc phế truất một giám mục hoặc áp lực đạo đức buộc ngài phải tự nguyện từ chức chỉ có thể được biện minh trước mặt Thiên Chúa với tư cách là ultima ratio [lý do tối hậu] lưu ý tới bonum ecclesiae [lợi ích của Giáo Hội]. Điều cần thiết là đọc lại “Praedicate evangelium” dưới ánh sáng của tín lý ràng buộc về Giáo hội trong Hiến chế tín lý “Lumen gentium.”của Công đồng Vatican II.