Theo tờ The Pillar, trong mật nghị Hồng Y vừa qua, người ta không thấy diễn ra những chuyện như dư luận đồ đoán nào là Đức Phanxicô sẽ tuyên bố từ chức nào là chí ít ngài cũng sẽ ban hành một tự sắc hay tông hiến nào đó về định chế giáo hoàng hưu trí. Tuy nhiên, nhân bàn đến tông hiến Predicate Evangelium, các vị Hồng Y đã tranh luận rất sôi nổi về một sự thay đổi lớn của tông hiến này đối với nguyên tắc cai quản trong Giáo Hội, tức điều được gọi là việc giáo dân cai quản trong Giáo Hội.

Euphemia Szaniawska, Nữ đan viện trưởng với gậy Giám mục


Thực vậy, tông huấn trên bao gồm một cải cách nay đã được nhiều người biết đến. Cải cách này nói rằng “bất cứ thành viên giáo dân nào cũng có thể cầm đầu một thánh bộ hay văn phòng”, mở đường cho giáo dân nam nữ phục vụ ở những bình diện cao cấp nhất của guồng máy quản trị của Tòa Thánh.

Tuy nhiên, trong chính bản văn của tông hiến Praedicate, cuộc cải cách được bối cảnh hóa một cách bị các luật sư giáo luật cho là không rõ ràng. Và một số nhà thần học và luật sư giáo luật nói rằng kế hoạch - hoặc ít nhất là một số cách giải thích - có thể trái ngược với những lời dạy của Công đồng Vatican II.

Những mối quan tâm đó đã được lặp lại bởi một số Hồng Y ở Rôma nhân mật nghị vừa qua.

Và vấn đề không chỉ là về Vatican. Mặc dù sự thay đổi các chính sách quản trị ở Giáo triều Rôma là một vấn đề lớn lao, nhưng Đức Giáo Hoàng nói rõ ràng rằng ngài coi những cải cách giáo triều của ngài là một tấm gương cho toàn thể Giáo hội.

Hiện nay, ai có quyền hành?

Giáo hội nói rằng trong đời sống Giáo hội, các giám mục và những người khác ở các vị trí có thẩm quyền có thể thực hiện ba loại chức năng, hay munera: các chức năng giảng dạy, thánh hóa và cai quản; các chức năng này phát xuất từ thẩm quyền do Chúa Giêsu Kitô ban cho các Tông đồ của Người, và những người kế nhiệm các vị.

Mặc dù ý tưởng này luôn luôn quan trọng, nhưng Công đồng Vatican II đã đặc biệt quan tâm đến việc nhấn mạnh rằng các giám mục có một phần đặc biệt trong các chức năng đó.

Lumen gentium, hiến chế tín lý của Công đồng Vatican II về Giáo hội, giải thích rằng “Trong việc phong chức [giám mục] của mình, người thụ phong được ban cho việc tham gia hữu thể học vào các chức năng thánh thiêng; điều này hoàn toàn rõ ràng trong Truyền thống, bao gồm cả truyền thống phụng vụ.”

Sách Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo nói đơn giản hơn: “Chính Chúa Kitô đã chọn các tông đồ và ban cho các ngài quyền được thông phần vào sứ mệnh và quyền hành của Người”.

Sách Giáo lý giải thích: “Vì được liên kết với chức giám mục, nên chức vụ của các linh mục được chia sẻ thẩm quyền mà chính Chúa Kitô đã xây dựng, thánh hóa và cai trị Thân thể Người”.

Mối liên hệ giữa Bí tích Truyền chức và việc thực thi quyền lực cai quản trong Giáo hội cũng được định nghĩa trong Bộ Giáo luật, trong đó nói rằng “Những người được thiết lập trong phẩm trật Giám mục hoặc Linh mục lãnh nhận sứ mệnh và khả năng hành động nhân danh ngôi vị của Chúa Kitô là Đầu.”

Theo giáo luật, “những người đã nhận được các chức thánh có đủ tư cách, theo tiêu chuẩn quy định của giáo luật, đảm nhiệm quyền cai quản, hiện hữu trong Giáo hội bởi định chế thần linh và cũng được gọi là quyền tài phán”.

Dù Giáo hội nói về việc phong chức và thẩm quyền một cách đặc thù, giáo dân cũng có thể tham gia vào sinh hoạt cai quản của Giáo hội. Giáo dân đảm nhiệm các vai trò như chưởng ấn của giáo phận, người cổ vũ công lý (công tố viên giáo luật), và thậm chí cả thẩm phán tại các tòa án giáo luật.

Nhưng luật pháp của Giáo hội xác định sự tham gia của họ là "hợp tác" vào quyền cai quản và phạm vi của vai trò hợp tác này có giới hạn.

Điều gì đã thay đổi?

Khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô ban hành tông hiến Praedicate, tông hiến mới này đã xác định: mọi vai trò ở giáo triều, trong căn bản, là một chức năng được chức vụ Giám mục Rôma ủy quyền; nó nói rằng “mỗi định chế giáo triều thực thi sứ mệnh riêng của mình do quyền lực mà nó đã nhận được từ Giám mục Rôma mà nhân danh ngài, nó điều hành bằng quyền lực ủy nhiệm để thực thi nhiệm vụ tối thượng [primatial munus] của ngài. "

Tông hiến nói rõ, “Vì lý do này, bất cứ thành viên giáo dân nào cũng có thể chủ trì một Thánh bộ hoặc một Văn phòng, tùy thuộc vào quyền cai quản và năng quyền và chức năng chuyên biệt của Thánh bộ hoặc Văn phòng được đề cập.”

Điều đó đang được một số nhà quan sát giải thích như một thay đổi hết sức lớn lao về mặt thần học - họ cho rằng nó tách biệt việc phong chức bí tích khỏi khả năng đảm nhiệm các chức vụ trong Giáo hội, vốn trực tiếp thực thi các đặc quyền cai quản quan trọng.

Nhưng nhiều người khác nói rằng điều khoản giới hạn, "tùy thuộc vào quyền cai quản..." có nghĩa là công bố của Đức Giáo Hoàng không đi xa bao nhiêu – có nghĩa, giáo dân bị hạn chế trong việc bổ nhiệm vào hầu hết các chức vụ quan trọng trong giáo triều, bởi vì theo giáo luật (hoặc thần học) họ không có khả năng thực thi quyền cai quản do quyền riêng của họ.

Vậy cải cách ở đâu?

Một số vai trò ở Vatican, như đứng đầu Bộ Giáo dục Công Giáo, có thể sẽ được giáo dân đảm nhiệm mà không đặt ra những nghi vấn sâu rộng về bản sắc Giáo hội.

Nhưng liệu một giáo dân có thể được bố trí phụ trách các Bộ như Bộ Giáo lý Đức tin, hoặc Giáo sĩ, hoặc Thờ phượng Thiên Chúa và được trao quyền lực ổn định vượt trên các giám mục về các vấn đề đức tin và luân lý, quản trị các linh mục của chính họ, hoặc cai quản các bí tích hay không?

Chính tông hiến Praedicate không nói rõ về những vấn đề này - nó đưa ra một khả thể và một giới hạn cho khả thể đó, nhưng không cho biết các chi tiết chuyên biệt.

Và nó không giải quyết những hệ lụy của một quyết định hành chính có thể nêu lên những câu hỏi thần học sâu xa về quyền lực và mục đích của các chức thánh trong đời sống của Giáo hội.

Đó là những gì mà tuần này các vị Hồng Y nói các ngài đang thắc mắc.

Các vị Hồng Y nói gì?

Trong một cuộc họp báo ở Vatican sau khi ban hành tông hiến Praedicate, Cha Gianfranco Ghirlanda, Dòng Tên, một luật sư giáo luật cao cấp, người đã giúp soạn thảo tông hiến, đã đưa ra cách giải thích cực đoan [maximalist] về các vai trò mở ra cho giáo dân. Ngài nói rằng “quyền lực quản trị trong Giáo hội không phát xuất từ Bí tích Truyền Chức Thánh, nhưng phát xuất từ việc ủy thác hợp luật [canonical mission].”

Ghirlanda xem ra tán thành một lập luận thần học cho rằng cuối cùng, quyền lực cai trị duy nhất trong Giáo hội phát xuất từ Đức Giáo Hoàng, và ngài có thể chia sẻ hoặc ủy thác nó tùy thích. Theo một số phiên bản của lập luận này, các giám mục chỉ có chức năng bí tích đúng nghĩa mà thôi, ngoài ra các ngài hoạt động dưới quyền lực của một mình Đức Giáo Hoàng.

Những bình luận của Ghirlanda đã gây xôn xao dư luận vào thời điểm đó - một số nhà thần học và giáo luật cho biết dường như chúng làm giảm giáo huấn của Lumen Gentium Sách Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo về mối liên hệ nội tại giữa việc truyền chức thánh và việc cai quản Giáo hội, và sự nhấn mạnh của Công đồng Vatican II về bản chất và thẩm quyền của hợp đoàn giám mục - với Đức Giáo Hoàng đứng đầu - như là thẩm quyền tối cao trong Giáo hội.

Chẳng bao lâu sau đó, Đức Phanxicô đã thăng vị giáo sĩ khi đó 79 tuổi làm lên làm Hồng Y; Ghirlanda là một trong số 20 thành viên mới của Hồng Y đoàn đã tham dự mật nghị vừa qua.

Nhưng dù việc đưa ngài vào Hồng Y đoàn cho thấy ít nhất Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng sẵn sàng lắng nghe lý thuyết của Ghirlanda về việc cai quản Giáo hội, thì đây không hề là ý kiến duy nhất mà ngài được nghe vào cuối tuần qua.

Mặc dù không có cuộc thảo luận chung công khai nào trong suốt mật nghị, các Hồng Y được khuyến khích gửi thẳng suy nghĩ của họ đến Đức Phanxicô, sau khi họ gặp nhau trong các nhóm ngôn ngữ nhỏ hơn.

Một số Hồng Y, bao gồm cả các thành viên trong giới cố vấn thân cận nhất của Đức Giáo Hoàng, đã cảnh cáo chống lại việc thúc đẩy việc tách quyền cai quản khỏi các chức thánh bí tích.

Đức Hồng Y Marc Ouellet, tổng trưởng Bộ Giám mục và là thành viên phục vụ lâu nhất của giáo triều dưới thời Đức Phanxicô, đã công bố phản hồi của mình, cũng như Đức Hồng Y Walter Kasper, vị Hồng Y người Đức mà Đức Phanxicô đã giao nhiệm vụ dẫn dắt cuộc thảo luận chính trong suốt mật nghị toàn thể mới đây nhất vào năm 2014.

Trong đánh giá của riêng ngài về quan điểm của Đức Hồng Y Ghirlanda, được đăng tải trên tờ L’Osservatore Romano vào tháng trước, Đức Hồng Y Ouellet thừa nhận rằng cùng một vấn đề đã được tranh luận vào những thời điểm khác nhau trong suốt lịch sử của Giáo hội và đưa ra các thí dụ cho cả hai bên. Nhưng vị Hồng Y lưu ý rằng nhiều nhà giáo luật học coi lập luận của Ghirlanda là "một cuộc cách mạng Copernicus trong việc cai quản Giáo hội, không liên tục hoặc thậm chí đi ngược lại sự phát triển giáo hội học của Công đồng Vatican II."

Đức Hồng Y Ouellet viết: “Về việc cai quản giáo triều Rôma, nói rằng việc ủy thác hợp luật mà Đức Thánh Cha giao phó đã đủ để thiết lập quyền tài phán của mọi thẩm quyền được thi hành trong các thánh bộ, dù người được chỉ định là Hồng Y, giám mục, tu sĩ hoặc giáo dân, là điều không đủ.”

Đức Hồng Y nói, làm như thế là duy trì mãi “não trạng vụ luật… chỉ nhấn mạnh đến việc ủy thác quyền lực, mà không tính đến chiều kích đặc sủng của Giáo hội, một điều sẽ trực tiếp đi ngược lại việc mở đầu cho sự phân quyền chân chính.”

Theo suy nghĩ của riêng mình, Đức Hồng Y Kasper, người được Đức Thánh Cha Phanxicô nhiều lần coi là nguồn cảm hứng và là người cố vấn trong những năm đầu của triều đại giáo hoàng của ngài, nhấn mạnh rằng Công đồng Vatican II “có xu hướng tái nối kết hai phạm vi và hợp nhất hai quyền lực” của thẩm quyền bí tích và cai quản.

Đức Hồng Y Kasper viết: “Tính nhị nguyên giữa thẩm quyền được ban cho qua bí tích do việc truyền chức và thẩm quyền cai quản hoặc quyền tài phán được ban cho do ủy quyền có thể kết cục ở chỗ tách biệt khỏi đời sống bí tích của Giáo hội và cũng có thể phát triển một cuộc sống nào đó của riêng nó với những hậu quả bất hạnh."

Những người ủng hộ trường phái suy nghĩ của Ghirlanda có xu hướng lập luận căn cứ theo lịch sử. Họ chỉ ra những thời điểm trong quá khứ, trong đó một số thẩm quyền giáo dân trong Giáo Hội xem ra đã thực thi thẩm quyền tài phán. Thí dụ phổ biến nhất thuộc loại này là thí dụ của các nữ đan viện trưởng đội mũ Giám Mục trong các thế kỷ trước; các vị này đôi khi thực thi một loại thẩm quyền thông thường, trên thực tế, đối với đời sống giáo hội trong lãnh thổ xung quanh các đan viện của họ.

Mẹ Đan viện trưởng Placida von Eichendorff của Đan viện Frauenchiemsee


Những người ủng hộ khác cho rằng ý tưởng cai quản trong Giáo hội coi các chức thánh bí tích như điều chủ yếu để thực thi một số chức vụ nào đó chỉ là một lập luận bênh vực cho chủ nghĩa giáo sĩ trị. Theo họ, nếu thẩm quyền cai quản tối cao thuộc về Đức Giáo Hoàng, ngài sẽ quyết định ai có thể và nên chia sẻ quyền cai quản của ngài, và ngài có thể giao quyền đó cho bất cứ ai mà ngài quyết định có khả năng thực hiện tốt nhất công việc được giao phó.

Mặc dù hầu hết các nhà giáo luật và nhà thần học đồng ý với nguyên tắc đó ở một mức độ nào đó, nhưng không có sự nhất trí về việc có thể mở rộng nó tới bao xa, và hậu quả thần học có thể là gì khi cố gắng tách việc cai quản Giáo hội khỏi hệ thống phẩm trật bí tích của nó.

Bên ngoài Rôma

Việc tản thẩm quyền cai quản Giáo hội, nhằm nâng cao việc đánh giá mới đối với thẩm quyền tông truyền của các giám mục giáo phận cá thể, là chủ đề chính của Công đồng Vatican II, và vẫn là một vấn đề sống động trong cuộc cải cách việc lãnh đạo đang tiếp diễn của Giáo hội.

“Con đường đồng nghị”, hiện đang được thực hiện bởi các giám mục Đức, đã làm cho việc tản thẩm quyền giảng dạy và cai quản giáo hội khỏi Rôma và hướng tới việc cai quản của giáo dân địa phương, trở thành ưu tiên chính, bao gồm việc thúc đẩy kế hoạch tạo ra một “hội đồng đồng nghị” thường trực hoạt động như một cơ quan toàn quốc cai quản Giáo hội, đặt một ủy ban gồm giáo dân và giám mục có thẩm quyền trên các giám mục giáo phận về nhiều vấn đề.

Kế hoạch đó, và nói rộng hơn “con đường đồng nghị” của Đức, đã gây ra nhiều cảnh cáo lặp đi lặp lại từ Rôma, bao gồm cả Thánh bộ Giám mục của Đức Hồng Y Ouellet, vốn gọi con đường đồng nghị của Đức là “không có giá trị về mặt giáo hội học,” và ý niệm về một hội đồng quản trị hỗn hợp gồm giám mục và giáo dân là điều bất khả.

Đức Hồng Y Kasper, từ lâu được coi là một trong những tiếng nói tiến bộ hàng đầu trong Giáo hội Đức và hoàn cầu, đã lên án ý tưởng về một cơ quan cai quản đồng nghị thường trực gồm các thành viên giáo dân là “một sự đổi mới thái quá”.

Nhưng nếu các kế hoạch của Đức muốn có việc giáo dân cai quản nhiều hơn đã liên tiếp bị Rôma và chính Đức Giáo Hoàng phản đối nhiều lần, thì sự phản đối đó dường như không phổ quát, ngay cả với những cộng tác viên thân cận nhất của Đức Phanxicô.

Trong cuộc phỏng vấn với tạp chí Herder Thema của Đức tuần này, người đứng đầu Văn phòng Thư ký Thường trực của Thượng Hội đồng Giám mục ở Rôma, Đức Hồng Y Mario Grech, đã chỉ trích những lời cảnh cáo công khai chống các kế hoạch Đức của các giáo phẩm cao cấp như Đức Hồng Y Kasper.

Grech, người được Đức Phanxicô phong làm Hồng Y vào năm 2020, chịu trách nhiệm điều hợp tiến trình hoàn cầu của “Thượng hội đồng về tính đồng nghị”, hiện đang ở giai đoạn lục địa và dự kiến sẽ kết thúc tại Rôma vào năm tới.

Đức Hồng Y nói rằng "những lời tố cáo" các kế hoạch Đức không hề có tính giúp đỡ và chỉ gây phân cực, và những người chia sẻ các quan tâm của các Đức Hồng Y Ouellet và Kasper nên 'đối thoại' với các nhà lãnh đạo con đường đồng nghị.

Đức Hồng Y Grech khuyến khích các nhà phê bình "tin tưởng vào Giáo Hội Công Giáo ở Đức và vào các giám mục, các ngài biết những gì các ngài đang làm."

Sự thiện cảm rõ ràng của Đức Hồng Y Grech đối với các kế hoạch của Đức, và khuynh hướng của ngài muốn dành cho chúng giá trị đáng tin có thể được chứng minh là đáng kể. Ngoài việc có trong chương trình nghị sự tuần này, chủ đề giáo dân cai quản đã nhiều lần được nêu trong các báo cáo về Thượng hội đồng của các quốc gia và giáo phận khác.

Điều quan trọng là, các báo cáo về Thượng hội đồng coi việc giáo dân cai quản như một vấn đề then chốt có xu hướng phát xuất từ các giáo phận Châu Âu hoặc Bắc Mỹ, nơi báo cáo mức tham gia thấp nhất vào chính tiến trình thượng hội đồng – thấp đến độ bất thường là 1% người Công Giáo địa phương - so với các giáo phận ở những nơi như Châu Phi, nơi có tỷ lệ tham gia cao hơn nhiều và tin tưởng hơn nhiều vào các cơ cấu cai quản truyền thống của Giáo hội.

Với tư cách là người đứng đầu văn phòng thư ký thượng hội đồng, quan điểm của Đức Hồng Y Grech về cuộc tranh luận giáo dân quản trị có thể ảnh hưởng nhiều đến chương trình nghị sự của thượng hội đồng và giọng điệu của cuộc đàm luận xung quanh việc giáo dân quản trị ở Rôma trước cuộc họp vào tháng 10 tới.

Chuyện gì xảy ra tiếp?

Trước mắt, Đức Giáo Hoàng Phanxicô dự kiến sẽ bổ nhiệm một loạt những người đứng đầu mới cho các thánh bộ của Vatican trong tháng tới, bao gồm cả việc cử người thay thế cho Đức Hồng Y Ouellet 78 tuổi. Đức Giáo Hoàng sẽ quyết định bổ nhiệm bao nhiêu giáo dân, và vào những bộ phận nào, sẽ là một dấu hiệu rõ ràng ban đầu cho thấy ngài muốn thúc đẩy khái niệm giáo dân cai quản đi xa đến đâu - ít nhất là vào lúc này.

Nhưng cũng có thể Vatican âm thầm cho phép các giáo phận bổ nhiệm giáo dân vào các văn phòng tòa Giám Mục địa phương vốn dành riêng cho các giáo sĩ trong giáo luật.

Chẳng hạn, nhiều nguồn tin ở Tổng giáo phận Washington, DC nói với The Pillar rằng đầu năm nay, Đức Hồng Y Wilton Gregory đã yêu cầu Tòa thánh cho phép ngài bổ nhiệm một giáo dân làm người điều hành phủ giáo phận, một vai trò giám sát việc quản lý của tổng giáo phận vốn được giáo luật nói thông thường nên là tổng đại diện và luôn phải là một linh mục.

Nếu Washington và các giáo phận khác ở những nơi như Hoa Kỳ bắt đầu bổ nhiệm giáo dân vào các vai trò được dành riêng cho các linh mục trong giáo luật - với sự chấp thuận của Vatican - thì điều đó có thể báo hiệu Đức Phanxicô dự định để các cải cách giáo triều của ngài được thực hiện ngay lập tức trong vận hành bình thường của các Giáo hội địa phương.

Xa hơn nữa, nếu việc giáo dân cai quản được nhắc đến trong các tài liệu Thượng Hội Đồng phát xuất từ Vatican từ nay cho đến năm tới thì chắc chắn nó sẽ lên âm điệu và hướng đi cho cuộc tranh luận của chính Thượng Hội Đồng. Còn nếu nó được thông qua trong văn kiện cuối cùng của Thượng Hội Đồng, thì hẳn nó sẽ giúp lên khuôn cho thái độ của Đức Giáo Hoàng đối với các cuộc bổ nhiệm giáo dân trong tương lai tại nhiều bộ phận của Vatican và tại các giáo phận trên khắp thế giới.

Kỳ tới: Phản hồi của Đức Hồng Y Müller đối với việc giáo dân cai quản trong Giáo Hội