VaticanNews, cơ quan ngôn luận của Tòa Thánh vừa cho công bố bài xã luận của Andrea Tornielli, giám đốc xã luận của Bộ Truyền Thông của Tòa Thánh. Tựa bài xã luận là Baptism and Mission, Two conciliar keys to Praedicate evangelium . Tornielli nhấn mạnh rằng ưu tiên rao giảng Tin Mừng và vai trò của giáo dân là những ý niệm hàng đầu nối kết Tông hiến mới với Công đồng Vatican II. Ông viết:
Tông Hiến Praedicate evangelium, một tông hiến sẽ quản lý Giáo triều Rôma, đã được công bố vào thứ Bảy, ngày 19 tháng Ba.
Bản Văn này đặt để thành hình thức có hệ thống con đường cải cách bắt nguồn từ các cuộc thảo luận trước mật nghị năm 2013, và phần lớn đã được thực hiện trong chín năm qua.
Đây là một văn kiện làm sâu sắc thêm và hữu hiệu hơn các hướng dẫn của Công đồng Vatican II, mà mục đích ban đầu chính là trả lời cho câu hỏi lớn làm thế nào để loan báo Tin Mừng trong một thời kỳ thay đổi mà cuối cùng chứng tỏ - như Đức Giáo Hoàng Phanxicô thường nhấn mạnh - là một sự thay đổi thời đại.
Việc hợp nhất thành một bộ duy nhất, do Đức Giáo Hoàng trực tiếp lãnh đạo, giữa Thánh bộ Truyền bá Phúc âm cổ xưa và có cấu trúc cao (còn được gọi là Bộ Phúc âm hóa các Dân tộc) và Hội đồng Giáo hoàng về Cổ vũ Tân Phúc âm hóa cho thấy ưu tiên được trao cho việc phúc âm hóa được phát biểu trong tài liệu ngay từ tiêu đề.
Làm sao chúng ta có thể làm chứng cho vẻ đẹp của đức tin Kitô giáo đối với các thế hệ mới không nói hoặc không hiểu các ngôn ngữ cũ? Làm thế nào chúng ta có thể bảo đảm rằng men Phúc âm sẽ một lần nữa làm bột nhào của cả các xã hội đã từng theo Kitô giáo và của các xã hội chưa biết Chúa Giêsu Kitô lên men?
Một Giáo hội biết dấn thân vào việc đối thoại để truyền giáo vốn là chủ đề quán xuyến của các triều đại giáo hoàng gần đây, và nay khía cạnh này cũng đang được nhấn mạnh hơn nữa trong cấu trúc của Giáo triều Rôma.
Giáo triều không phải là một tổ chức hành động dưới danh nghĩa của mình, một “quyền lực” cai trị đối với các Giáo hội địa phương, mà là một cơ cấu phục vụ thừa tác vụ của Giám mục Rôma, vốn hành động nhân danh ngài, theo các chỉ thị của ngài, thực thi quyền lực “thay thế” đối với quyền lực của Vị Đại Diện Chúa Kitô.
Yếu tố quan trọng thứ hai của Tông hiến mới là sự phát triển của ước muốn được phát biểu trong các bản văn công đồng liên quan đến vai trò của giáo dân.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhắc lại trong Lời mở đầu rằng “Đức Giáo Hoàng, các giám mục và các thừa tác viên thụ phong khác không phải là những người truyền giảng Tin Mừng duy nhất trong Giáo hội... Mỗi Kitô hữu, nhờ Bí tích Rửa tội, là một môn đệ truyền giáo trong chừng mực họ gặp gỡ tình yêu Thiên Chúa trong Chúa Giêsu Kitô”.
Do đó, có sự tham gia của giáo dân nam và nữ trong vai trò quản trị và trách nhiệm. Nếu “bất cứ thành viên tín hữu nào” có thể chủ trì một Bộ hoặc một cơ quan giáo triều, “do năng quyền đặc thù, quyền cai trị và chức năng đặc thù của họ,” đó là bởi vì mọi thể chế của Giáo triều đều hành động theo quyền lực được Đức Giáo Hoàng giao phó cho họ.
Việc chuyển tiếp này, đã bắt đầu được thực hiện, bắt nguồn từ nền thần học công đồng về giáo dân. Lời khẳng định trong Tông Hiến mới nói rõ rằng một vị tổng trưởng hoặc một thư ký của một Bộ, mà tình cờ là một giám mục thì ngài vẫn không có thẩm quyền như vậy, mà chỉ trong chừng mực khi ngài thi hành thẩm quyền do Giám mục Rôma trao cho.
Và thẩm quyền này, trong Giáo triều Rôma, là như nhau cho dù nó được nhận bởi một giám mục, một linh mục, một tu sĩ, một giáo dân nam hay nữ. Điều này loại bỏ qui định có trong Điều 7 của Tông hiến Pastor Bonus – tức tông hiến cải cách cơ cấu trước đây của Giáo triều Rôma, được thực hiện dưới triều đại của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II - trong đó tuyên bố rằng “các vấn đề đòi hỏi việc thi hành quyền cai trị được dành riêng cho những người có chức thánh".
Bằng cách trên, những gì do Công đồng thiết lập được thực hiện đầy đủ và đã được đưa vào giáo luật, công nhận rằng nhờ phép rửa, "giữa mọi tín hữu Kitô, có một sự bình đẳng thực sự về phẩm giá và hành động".