Theo Aleteia, đối với Đức Phanxicô, Đức Celestinô V là vị Giáo Hoàng được ngài qúy mến đặc biệt đến nỗi năm 2014, ngài đã tuyên bố một năm thánh kính vị Giáo Hoàng này, vì vị Giáo Hoàng này là vị Giáo Hoàng của Lòng Thương Xót.



Thật vậy, trong nhiều thế kỷ, Aquila đã duy trì sống động di sản Đức Celestinô V đã để lại cho nó. Di sản này là đặc ân nhắc nhở mọi người rằng lòng thương xót, và chỉ với lòng thương xót thôi, đời đàn ông và đàn bà của họ mới được sống một cách hân hoan.

Tại đây, Đức Phanxicô nhắc đến điều Đức Celestinô V đã làm: dù triều Giáo Hoàng của ngài cực kỳ vắn vỏi, trong hành vi đầu tiên của ngài, ngài đã tạo nên một điều hoàn toàn mới mẻ: ban hành sắc chỉ Perdonanza hay Ơn Tha Thứ. Chính triều Giáo Hoàng này đã dẫn đến truyền thống năm thánh và các ơn đại xá được ân ban trong những dịp này.

Chính vì thế, năm 2014, Đức Phanxicô đã công bố một năm thánh để kỷ niệm 800 năm ngày sinh của Đức Celestinô V. Và năm 2025, Giáo Hội sẽ cử hành năm thánh thường lệ theo truyền thống của vị Giáo Hoàng này.

Tưởng cũng nên nhắc đến khẩu hiệu của Đức Phanxicô, miserando atque eligendo (thương xót và tuyển chọn). Khẩu hiệu này tuy lấy từ một bài giảng của Thánh Bede nhân ngày lễ kính Thánh Mátthêu, nhưng nó cũng vô tình nối kết với Đức Celestinô V: cả hai vị đều cổ vũ lòng thương xót. Hôm nay, tại Aquila, Đức Phanxicô nhắc lại chủ đề xuyên suốt của triều Giáo Hoàng của ngài: “Tên Thiên Chúa là Thương Xót. Đây là chính tâm điểm của Tin Mừng, vì thương xót là biết rằng chúng ta được yêu thương trong nỗi khốn cùng của chúng ta”.

Thành thử, với Đức Phanxicô, di sản của Đức Celestinô V không có điều gì liên quan tới việc ngài từ nhiệm ngôi Giáo Hoàng cả. Sau đây là nội dung bài giảng trong thánh lễ ngày 28 tháng 8 tại Aquila, nơi có phần mộ của Đức Celestinô V:

Các Thánh là lời giải thích hấp dẫn về Tin Mừng. Cuộc sống của các ngài là một vọng nhìn thuận lợi đặc biệt mà từ đó chúng ta có thể thoáng thấy Tin Mừng được Chúa Giêsu đến để loan báo – rằng Thiên Chúa là Cha của chúng ta và mỗi người chúng ta đều được Người yêu thương. Đây là tâm điểm của Tin Mừng, và Chúa Giêsu là bằng chứng của Tình yêu này – việc nhập thể của Người, khuôn mặt của Người.

Hôm nay chúng ta cử hành Thánh Thể vào một ngày đặc biệt đối với thành phố này và Giáo hội này: Ơn Tha thứ của Đức Celestinô. Tại đây còn lưu giữ các di vật của Đức Giáo Hoàng Celestinô V. Con người này dường như đã hoàn toàn hoàn thành những gì chúng ta đã nghe trong Bài Đọc Thứ Nhất: “Càng làm lớn, con càng phải tự hạ, như thế, con sẽ được đẹp lòng Chúa” (Hc 3:18). Chúng ta nhớ lầm Đức Celestinô V như “người đã thực hiện cuộc từ chức nổi tiếng,” theo cách diễn đạt được Dante sử dụng trong Divine Comedy của ông. Nhưng Đức Celestinô V không phải là người nói "không", mà là người nói "có."

Thực thế, không có cách nào khác để hoàn thành thánh ý của Thiên Chúa ngoài việc mặc lấy sức mạnh của người khiêm tốn, không có cách nào khác. Chính vì họ là như vậy, nên những người khiêm nhường xem ra yếu đuối và là kẻ thất bại trước mắt những người nam nữ, trong khi thực tế, họ là những kẻ chinh phục thực sự vì họ là những người hoàn toàn tin tưởng vào Chúa và biết thánh ý của Người. Thật vậy, “đối với người khiêm tốn, Thiên Chúa bày tỏ bí mật của Người, và Người được tôn vinh bởi người khiêm nhường,” (xem Hc 3: 19-20). Trong tinh thần thế gian, vốn bị tính kiêu ngạo thống trị, Lời Chúa dành cho ngày hôm nay mời gọi chúng ta trở nên khiêm nhường và nhu mì. Sự khiêm tốn không hệ ở việc coi thường bản thân, mà đúng hơn hệ ở tính hiện thực lành mạnh khiến chúng ta nhận ra những tiềm năng cũng như nỗi khốn cùng của mình. Bắt đầu từ sự khốn cùng của chúng ta, sự khiêm nhường khiến chúng ta rời mắt khỏi bản thân để hướng về Thiên Chúa, về Đấng có thể làm mọi sự và thậm chí là Đấng dành cho chúng ta những gì chúng ta không thể tự mình kiếm được. “mọi sự có thể đuợc thực hiện cho những người có đức tin” (Mc 9:23).

Sự khiêm tốn không hệ ở việc coi thường bản thân, mà đúng hơn hệ ở tính hiện thực lành mạnh khiến chúng ta nhận ra những tiềm năng cũng như nỗi khốn cùng của mình.

Sức mạnh của người khiêm tốn là Chúa, không phải các chiến lược, phương tiện của con người, luận lý của thế gian này, tính toán. Không, chính là Chúa. Theo nghĩa đó, Đức Celestinô V là một nhân chứng dũng cảm của Tin Mừng vì không có luận lý hay sức mạnh nào có thể giam cầm hoặc kiểm soát ngài. Nơi ngài, chúng ta ngưỡng mộ một Giáo hội thoát khỏi luận lý thế gian, làm chứng hoàn toàn cho danh Thiên Chúa vốn là Lòng Thương Xót. Đây là tâm điểm của Tin Mừng, vì lòng thương xót là biết rằng chúng ta được yêu thương trong sự khốn cùng của chúng ta. Chúng đi với nhau. Không thể hiểu được lòng thương xót nếu không hiểu được nỗi khốn cùng của chính mình. Là tín hữu không có nghĩa là tiến gần một vị Thiên Chúa tối tăm và đáng sợ. Thư gửi tín hữu Hípri nhắc chúng ta điều này:

“Anh em đã chẳng tới một quả núi sờ thấy được, có lửa đang cháy, mây mù, bóng tối và dông tố, có tiếng kèn vang dậy, và tiếng nói thét gầm, khiến những kẻ nghe phải van xin đừng để lời ấy thốt ra với họ nữa” (12:18 -19).

Không. Anh chị em thân mến, chúng ta tiến gần Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, Đấng là Lòng Thương Xót của Chúa Cha và là Tình yêu cứu độ. Người là lòng thương xót, và chỉ với lòng thương xót của Người, Người mới có thể nói lên nỗi khốn cùng của chúng ta. Nếu một trong chúng ta nghĩ rằng họ có thể với tới lòng thương xót theo cách khác ngoài nỗi khốn cùng của chính họ, thì họ đã đi sai đường. Đây là lý do tại sao điều quan trọng là phải hiểu thực tại của chính mình.

Lòng thương xót là biết rằng chúng ta được yêu thương trong nỗi khốn cùng của chúng ta…

Trong nhiều thế kỷ, Aquila đã duy trì sống động di sản vị Giáo Hoàng này đã để lại cho nó. Di sản này là đặc ân nhắc nhở mọi người rằng lòng thương xót, và chỉ với lòng thương xót thôi, đời đàn ông và đàn bà của họ mới được sống một cách hân hoan. Lòng thương xót là kinh nghiệm cảm thấy được chào đón, đặt lại trên đôi chân của chúng ta, được củng cố, chữa lành, khuyến khích. Được tha thứ là trải nghiệm ở đây và bây giờ điều gần gũi nhất với việc được sống lại. Tha thứ là hành trình từ cái chết đến sự sống, từ trải nghiệm thống khổ và tội lỗi đến tự do và hân hoan. Ước gì nhà thờ này luôn là một nơi trong đó mọi người có thể được hòa giải và cảm nghiệm được Ân sủng đã đặt chúng ta trở lại trên đôi chân của mình và cho chúng ta một cơ hội khác. Thiên Chúa của chúng ta là Thiên Chúa của những cơ hội thứ hai - “Lạy Chúa, bao nhiêu lần? Một lần? Bảy lần?” - "Bảy mươi lần bảy." Chính Thiên Chúa là Đấng luôn cho anh chị em một cơ hội khác. Cầu mong đó là một nhà thờ của sự tha thứ, không phải mỗi năm một lần, nhưng luôn luôn, mỗi ngày. Vì bằng cách này, hòa bình được xây dựng, nhờ sự tha thứ được nhận và cho đi.

Bắt đầu với nỗi khốn cùng của chính mình và nhìn vào đó, cố gắng tìm ra cách để vươn tới sự tha thứ, bởi vì ngay cả trong nỗi khốn cùng của chính mình, chúng ta sẽ luôn tìm thấy ánh sáng vốn là con đường đi đến Chúa. Người cho chúng ta ánh sáng trong sự khốn cùng của chúng ta. Chẳng hạn như sáng nay, tôi đã nghĩ về điều này khi chúng tôi đến L’Aquila và chúng tôi không thể hạ cánh - sương mù dày đặc, mọi thứ đều tối tăm, bạn không thể hạ cánh. Phi công trực thăng lượn vòng, lượn vòng, lượn vòng…. Cuối cùng, ông ấy đã nhìn thấy một lỗ hổng nhỏ và ông ấy đã đi qua đó - ông ấy đã thành công. Một phi công bậc thầy. Và tôi đã nghĩ về sự khốn cùng này và cách cùng những sự việc này đã xảy ra với sự khốn cùng của chính chúng ta. Đã bao lần chúng ta nhìn xem mình là ai - không là gì, không hơn không kém - và chúng ta lượn vòng, lượn vòng…. Nhưng đôi khi, Chúa tạo ra một lỗ hổng nhỏ. Anh chị em hãy đặt mình vào đó, chúng là các vết thương của Chúa! Đó là nơi mà lòng thương xót ở, nhưng nó ở trong sự khốn cùng của anh chị em. Có một lỗ hổng trong sự khốn cùng của anh chị em mà Chúa tạo ra để đi vào đó. Lòng thương xót đến với anh chị em, đến với tôi, đến với sự khốn cùng của chúng ta.

Anh chị em thân mến, anh chị em đã phải chịu nhiều thiệt hại vì trận động đất. Và với tư cách là một dân số, anh chị em đang cố gắng đứng dậy và đi lại trên đôi chân của mình. Nhưng những người đã từng đau khổ phải có khả năng tạo ra một kho báu từ những đau khổ của chính họ, họ phải hiểu rằng trong bóng tối mà họ đã trải qua, họ cũng đã nhận được món quà là thấu hiểu nỗi đau khổ của người khác. Anh chị em có thể trân trọng món quà của lòng thương xót bởi vì anh chị em biết ý nghĩa của việc mất đi mọi thứ, nhìn thấy mọi thứ đã được xây dựng nay đổ nát, phải lìa xa mọi thứ thân yêu đối với anh chị em, cảm thấy lỗ hổng do sự vắng mặt của những người anh chị em yêu thương. Anh chị em có thể quý trọng lòng thương xót bởi vì anh chị em đã cảm nghiệm được lòng thương xót.

Nhưng những người đã đau khổ phải có khả năng tạo ra một kho báu từ sự đau khổ của chính họ

Trong cuộc đời của họ, tất cả mọi người, ngay cả khi chưa sống qua một trận động đất, cũng có thể trải qua một “trận động đất linh hồn”, có thể nói như thế, điều đó khiến chúng ta tiếp xúc với sự yếu đuối của chính mình, những hạn chế của chính mình, sự khốn cùng của chính mình. Trong kinh nghiệm này, chúng ta có thể mất tất cả, nhưng chúng ta cũng có thể học được sự khiêm tốn thực sự. Trong hoàn cảnh như vậy, chúng ta có thể để cho cuộc sống làm cho mình ra cay đắng, hoặc chúng ta có thể học tính nhu mì. Vì vậy, khiêm nhường và hiền lành là đặc điểm của những người có sứ mệnh trân trọng và làm chứng cho lòng thương xót. Vâng, bởi vì lòng thương xót, khi nó đến với chúng ta và vì chúng ta trân trọng nó, chúng ta cũng có thể làm chứng cho lòng thương xót này. Lòng thương xót là một món quà cho tôi, cho sự khốn cùng của tôi, nhưng lòng thương xót này cũng phải được truyền cho người khác như một món quà của Chúa.

Tuy nhiên, có một lời cảnh tỉnh cho chúng ta biết liệu chúng ta có đang đi sai đường hay không. Tin Mừng hôm nay nhắc nhở chúng ta điều này (x. Lc 14: 1, 7-14). Chúng ta đã nghe thấy Chúa Giêsu được mời dùng bữa tối trong nhà của một người Biệt phái, và chăm chú quan sát xem có bao nhiêu người chạy vội tới những chỗ ngồi tốt nhất trong bàn ăn. Điều này cho Người gợi ý để kể một dụ ngôn vẫn còn giá trị đối với chúng ta ngày nay:

“Khi anh được mời đi ăn cưới, thì đừng vào chỗ nhất, kẻo lỡ có nhân vật nào quan trọng hơn anh cũng được mời, và rồi người đã mời cả anh lẫn nhân vật kia phải đến nói với anh rằng : ‘Xin ông nhường chỗ cho vị này.’ Bấy giờ anh sẽ phải xấu hổ mà xuống chỗ cuối” (câu 8-9).

Đã quá nhiều lần người ta căn cứ giá trị của mình vào vị trí mà họ chiếm giữ trên đời. Thực ra, người ta không phải là vị trí mà họ nắm giữ. Người ta là sự tự do họ có khả năng làm được điều thể hiện đầy đủ khi người đó chiếm vị trí cuối cùng, hoặc khi người đó được dành một vị trí trên Thập giá.

Đã quá nhiều lần người ta căn cứ giá trị của mình vào vị trí mà họ chiếm giữ trên đời. Thực ra, người ta không phải là vị trí mà họ nắm giữ

Người Kitô hữu biết rằng cuộc đời của họ không phải là sự nghiệp theo cung cách thế gian, nhưng là sự nghiệp theo cách thức của Chúa Kitô, Đấng đã tự nói về mình rằng mình đến để phục vụ chứ không phải để được phục vụ (x. Mc 10:45). Trừ khi chúng ta hiểu rằng cuộc cách mạng của Tin Mừng được bao hàm trong loại tự do này, chúng ta sẽ tiếp tục chứng kiến chiến tranh, bạo lực và bất công, tất cả không là gì khác hơn những triệu chứng bên ngoài của sự thiếu tự do bên trong. Nơi không có tự do nội tâm, chỉ có lòng ích kỷ, chủ nghĩa cá nhân, lợi ích cá nhân, và áp bức, và tất cả những điều khốn cùng này, sẽ tìm thấy con đường đi vào của chúng. Và sự khốn cùng chiếm quyền kiểm soát.

Anh chị em thân mến, ước chi L’Aquila thực sự là thủ đô của sự tha thứ, thủ đô của hòa bình và của hòa giải! Mong sao L'Aquila biết cống hiến cho mọi người sự biến đổi mà Đức Maria đã hát trong kinh Magnificat: “Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường” (Lc 1:52), cuộc biến đổi mà Chúa Giêsu đã nhắc nhở chúng ta trong Tin Mừng hôm nay, “Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống, ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên” (Lc 14:11). Và chúng ta muốn giao phó quyết tâm sống theo Tin Mừng cho chính Đức Maria, đấng mà anh chị em tôn kính dưới danh hiệu Cứu Rỗi Dân L’Aquila. Cầu mong sự chuyển cầu mẫu thân của ngài nhận được sự ân xá và hòa bình cho toàn thế giới. Nhận thức được sự khốn cùng của chính mình và vẻ đẹp của lòng thương xót.