Elise Ann Allen, trên Crux ngày 29 tháng 3 năm 2024, tường trình rằng Trong buổi lễ hôm thứ Sáu tưởng niệm sự đau khổ và cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá, Đức Hồng Y Raniero Cantalamessa, nhà giảng thuyết của Phủ Giáo Hoàng, nói rằng sự hy sinh của Chúa dành cho tất cả mọi người, không ngoại lệ, và là minh họa cho quyền năng thực sự của Thiên Chúa, không nằm ở sức mạnh mà ở sự hy sinh đầy yêu thương.



Phát biểu trong buổi lễ Thương Khó Thứ Sáu Tuần Thánh ngày 28 tháng 3 tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô, ĐHY Cantalamessa, 89 tuổi, đã lưu ý cách Chúa Giêsu trong Tin Mừng nói với các môn đệ của Người: “Hỡi tất cả những ai đang lao nhọc và mang gánh nặng, hãy đến với tôi, và tôi sẽ cho anh em được nghỉ ngơi”.

Lời mời này thật nghịch lý vì Chúa Giêsu trong suốt sứ vụ của Người đã bị bác bỏ, chế nhạo và cuối cùng bị kết án tử hình.

Tuy nhiên, bất chấp tất cả những điều này, Chúa Giêsu vẫn nói với mọi người: “Hỡi những người già, bệnh tật và cô đơn, hãy đến với tôi, những người mà thế gian để cho chết trong nghèo đói, hoặc trong khi bị bắn phá; những người mòn mỏi trong xà lim vì niềm tin vào tôi hoặc vì cuộc chiến giành tự do của anh chị em, hãy đến với tôi, anh chị em là nạn nhân của bạo lực.”

“Tóm lại, tất cả mọi người, không trừ ai: Hãy đến với tôi, tôi sẽ cho anh chị em nghỉ ngơi! Chẳng phải tôi đã hứa với anh chị em: ‘Khi tôi được nâng lên khỏi trái đất, tôi sẽ thu hút mọi người về phía tôi’”, ĐHY nói thế và trích dẫn kinh thánh.

Là một tu sĩ dòng Phanxicô từng phục vụ trong tư cách nhà giảng thuyết của phủ giáo hoàng từ năm 1980, ĐHY Cantalamessa đã giảng thuyết cho ba vị giáo hoàng và nhận được chiếc mũ đỏ từ Đức Giáo Hoàng Phanxicô vào năm 2020.

Trong tư cách nhà giảng thuyết của phủ giáo hoàng, ĐHY Cantalamessa giảng thuyết cho các thành viên của Giáo triều Rôma trong các mùa phụng vụ Mùa Vọng và Mùa Chay, và hàng năm ngài giảng trong buổi lễ Thương khó Thứ Sáu Tuần Thánh do Đức Giáo Hoàng chủ sự, phụng vụ Tuần Thánh duy nhất mà theo truyền thống, Đức Giáo Hoàng không giảng.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô, người ngồi trên một chiếc ghế trên bục bên cạnh bàn thờ chính, lắng nghe bài giảng và sau đó hướng dẫn những người tham dự theo truyền thống Thứ Sáu Tuần Thánh về việc “tôn kính thánh giá”, trong đó các tín hữu tiến tới cây thánh giá và hôn các vết thương của Chúa Giêsu trên thập giá.

Sau đó, vào tối thứ Sáu, Đức Giáo Hoàng Phanxicô dự kiến sẽ chủ trì buổi cầu nguyện Via Crucis [Đàng Thánh giá] truyền thống tại Đấu trường La Mã ở Rome, nơi chính ngài đã viết các bài suy niệm cho lần đầu tiên trong triều đại giáo hoàng 11 năm của ngài.

Trong bài giảng Lễ Thương Khó, ĐHY Cantalamessa đã chỉ ra một đoạn trong Tin Mừng Gioan, trong đó Chúa Giêsu nói: “Khi các ông nâng Con Người lên, các ông sẽ nhận ra TÔI HẰNG HỮU”.

ĐHY nói: Đáng chú ý, Chúa Giêsu không nói “Tôi là cái này hay cái kia” như Người thường nói trong các đoạn Kinh thánh trước, rằng Người là bánh sự sống, hay ánh sáng của thế gian, mang lại cho tuyên bố của Người “một chiều hướng siêu hình, tuyệt đối”.

Ngài lưu ý rằng lời tuyên bố của Chúa Giêsu “TÔI HẰNG HỮU” xuất hiện sau câu nói “khi các ông nâng Con Người lên”.

ĐHY nói rằng: như thể Chúa Giêsu muốn nói: “Tôi là ai - và do đó, Thiên Chúa là gì! – sẽ chỉ được biểu lộ trên thập giá”.

Ngài nói: “Chúng ta đang phải đối diện với sự đảo ngược hoàn toàn quan niệm của con người về Thiên Chúa và, một phần, cả quan niệm của Cựu Ước,” Chúa Giêsu “không đến để cải thiện và hoàn thiện quan niệm mà con người có về Thiên Chúa, nhưng, theo một nghĩa nào đó, là lật đổ nó và tiết lộ bộ mặt thật của Thiên Chúa.”

ĐHY Cantalamessa cho biết đây là một thông điệp đầy thách thức đối với bất cứ ai, kể cả những người ở thời Chúa Giêsu và trong thế giới hiện đại.

Ngài nói “Thật không may, trong vô thức của chúng ta, chúng ta tiếp tục mang theo chính ý tưởng này về Thiên Chúa mà Chúa Giêsu đã đến để thay đổi”. Đồng thời ngài nói rằng Thiên Chúa chắc chắn là “toàn năng”, nhưng quyền năng của Người có khác.

Trước loài người, Thiên Chúa không có khả năng áp đặt chính mình lên những người cầm quyền, áp đặt ý muốn của mình lên họ. Ngài nói, đúng hơn, Thiên Chúa “không thể không tôn trọng, ở một mức độ vô hạn, sự lựa chọn tự do của con người”.

ĐHY Cantalamessa nói, Thiên Chúa mạc khải quyền năng toàn năng thực sự của Người nơi Chúa Giêsu, Đấng quỳ xuống và rửa chân cho các môn đệ của mình, và là Đấng bị biến thành sự bất lực của thập giá nhưng vẫn tiếp tục yêu thương và tha thứ, không lên án.

Theo ĐHY, “Không cần nhiều sức mạnh để khoa trương; nhưng cần rất nhiều sức mạnh để đặt mình sang một bên và che giấu chính mình. Chúa là sức mạnh vô hạn của sự tự che giấu! Thật là một bài học cho chúng ta, những người ít nhiều có ý thức, luôn muốn khoa trương”.

Đề cập đến sự phục sinh của Chúa Giêsu, Đức Hồng Y Cantalamessa cho biết nó cho thấy bản chất toàn năng của Thiên Chúa, “nhưng theo một nghĩa rất khác so với những gì chúng ta thường nghĩ”.

Ngài nói, Chúa Giêsu không sống lại từ cõi chết bằng một màn trình diễn hay bằng một chiến dịch chiến thắng hoành tráng, nhưng đúng hơn, chiến thắng của Người trước cái chết “xảy ra một cách mầu nhiệm, không có nhân chứng”.

ĐHY Cantalamessa nói, trong khi cái chết của Chúa Giêsu được công khai và diễn ra trước mặt các cơ quan tôn giáo và chính trị cao nhất, thì khi Người sống lại, Người chỉ xuất hiện với một số ít người”.

Ngài nói “Bằng cách này, Người muốn nói với chúng ta rằng sau khi chịu đau khổ, chúng ta không nên mong đợi một chiến thắng hữu hình bên ngoài, chẳng hạn như vinh quang trần thế… Chiến thắng được trao ban trong điều vô hình và thuộc một trật tự cao siêu vô cùng bởi vì nó là vĩnh cửu!”

Lưu ý rằng Chúa Giêsu xuất hiện để chọn lựa những cá nhân sau khi Người phục sinh, ĐHY Cantalamessa cho biết những lần hiện ra này đặt nền tảng đức tin cho các tín hữu, nhưng không nhằm mục đích trở thành một hành động trả thù hoặc sỉ nhục cho những người đã đối xử tệ với Người.

Ngài nói: “Bất cứ sự trả thù nào như vậy sẽ không phù hợp với tình yêu mà Chúa Kitô muốn làm chứng trong cuộc khổ nạn của Người”.

Giống như cái chết trên thập tự giá, Chúa Giêsu, trong sự phục sinh, “cư xử khiêm tốn”, với mục tiêu chính là “không làm kẻ thù bối rối, nhưng đi trấn an các môn đệ đang thất vọng và trước mặt họ là những người phụ nữ chưa bao giờ ngừng tin tưởng nơi Người”.

ĐHY Cantalamessa kêu gọi các tín hữu chấp nhận lời mời của Chúa Giêsu từ thập giá, “Hãy đến với tôi, tất cả những ai đang lao nhọc và gánh nặng, và tôi sẽ cho nghỉ ngơi,” mà ngài nói là hướng đến toàn thể nhân loại, không trừ ai.

Ngài chỉ vào một đoạn trong Kinh thánh có viết rằng, “sự yếu đuối của Thiên Chúa mạnh hơn sức mạnh của con người”. Theo ngài, lời hứa của Chúa Giêsu với cái chết và sự phục sinh của Người là, “Ta có thể an ủi và cho các con được nghỉ ngơi ngay cả khi không lấy đi sự mệt nhọc và lao khổ trên thế giới này.”

ĐHY Cantalamessa nói, “Hãy hỏi những người đã trải nghiệm nó!”; ngài kết thúc bằng cách trích dẫn Thư của Thánh Phaolô gửi giáo đoàn Rôma, trong đó thánh nhân viết, “Tôi tin rằng không phải sự chết, sự sống, thiên thần, quyền lực, những điều hiện tại, những điều tương lai, cũng không phải quyền lực, chiều cao, chiều sâu nào, cũng không có tạo vật nào khác có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta”.