THÁNH PHANXICÔ ASSISI
VÀ NỀN LINH ĐẠO HUYNH ĐỆ ĐẠI ĐỒNG
Ngày 4/10
Thánh Phanxicô Asissi là một vị thánh lớn, đã và đang là nguồn cảm hứng cho nhiều người, nhiều thế hệ sống lý tưởng Kitô giáo, trong đó cao nhất trong Giáo hội là Đức Giáo Hoàng Phanxicô và gần nhất là những anh em trong cộng đoàn đã chọn Ngài làm quan thầy.
Vẽ đẹp của nền linh đạo huynh đệ đại đồng.
Có rất nhiều điều thú vị để nói về vị thánh này. Nhưng trong thánh lễ hôm nay, tôi chỉ muốn chúng ta dừng lại một điểm sáng như là viên ngọc sáng chói trong di sản thiêng liêng của Ngài, đó là nền linh đạo huynh đệ phổ quát: “Tutti fratelli, - tất cả đều là anh em hay tứ hải giai huynh đệ.” Linh đạo này là nguồn cảm hứng cho từng trang của hai thông điệp xã hội: Laudato Sí và “Tutti fratelli.”
Thánh Phanxicô đã sống và mời gọi mọi người hãy đối xử với nhau như là anh chị em một nhà. Ngài nói rằng: “Phúc cho những ai biết yêu thương tha nhân dù họ ở gần hay ở xa.” Theo ngài, tình huynh đệ phổ quát cho phép chúng ta nhìn nhận, quý trọng và yêu thương mỗi người, bất kể sự gần gũi về thể lý, bất kể nơi người đó sinh ra hay sinh sống ở đâu.
Thực ra, linh đạo huynh đệ phổ quát này được gợi hứng hay dựa trên nền tảng của mạc khải Kitô giáo. Theo đó, tương quan huynh đệ giữa người với người bắt nguồn từ chính Thiên Chúa. Thiên Chúa đã dựng nên mọi loài và mọi người. Nên mọi người đều là anh em một nhà. Thế giới này như là ngôi nhà chung và mọi người là con cái và là hình ảnh Thiên Chúa. Nên mọi người đề bình đẳng về quyền lợi, nghĩa vụ, phẩm giá và được mời gọi đối xử với nhau như anh em một nhà.
Tình huynh đệ này được cũng cố bởi biến cố Ngôi Lời làm người, chết và phục sinh, rồi ban Thánh Thần để cứu độ nhân loại và làm cho mọi người trở thành dưỡng tử của Thiên Chúa và là anh em với nhau trong Đức Kitô. Như bài đọc II (Gl 6,14-18), của thánh Phaolô nói, “cắt bì hay không cắt bì chẳng là gì cả, điều quan trọng là trở nên tạo vật mới” trong Đức Kitô. Tin Mừng Chúa Giêsu (Lc 10,25-37) mở rộng tầm nhìn “tứ giải giai huynh đệ” qua dụ ngôn người Samaritanô nhân hậu, dám phá tan cái rào cản thù hiềm của ngăn cách chủng tộc, màu da, ngôn ngữ để giúp người anh em trong lúc khốn cùng cần có người giúp đỡ.
Đối với chúng ta, tình huynh đệ này cũng được cũng cố nhờ các bí tích trong Giáo hội: Phép Rửa tội, Thánh thể, hay Truyền chức mà chúng ta lãnh nhận làm cho chúng ta trở nên một, chi thể trong Nhiệm thể Chúa Kitô, và là anh em trong đại gia đình Giáo hội. Ta gọi đó là tình huynh đệ bí tích. Tất cả là anh em trong một nhà
Thánh Phanxicô đã sống tình huynh đệ phổ quát này đối với mọi người, không loại trừ ai. Thánh nhân đã gieo hoà bình khắp nơi, và đến với những người nghèo, những người bị bỏ rơi, những người bệnh tật, những người bị loại trừ, những anh chị em hèn mọn nhất. Ngài đã 3 lần đi sang Trung Đông, tới Ai Cập, gặp gỡ nhà vua Hồi giáo để thuyết phục họ từ bỏ chiến tranh và cùng nhau xây dựng nền hoà bình thế giới.
Thánh nhân còn đi xa hơn khi sống linh đạo huynh đệ phổ quát này không chỉ với mọi người mà còn với mọi loài: Ngài sống thân thiện, hài hoà và trân trọng thiên nhiên. Trong bài ca tạo vật, Ngài gọi anh mặt trời, mẹ trái đất, anh gió, chị nước và chị chết v.v... Bằng tinh thần và cách thế ấy, thánh Phanxicô đã trở thành người cha kiến tạo hoà bình và là người đánh thức giấc mơ về một xã hội huynh đệ.
Chúng ta đang xây tường hay xây cầu?
Ở ngoài xã hội, thế giới mà chúng ta đang sống, vẫn còn bị thống trị bởi nền văn hóa loại trừ và thù địch. Hay nói theo ngôn ngữ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, đó là nền văn hoá “xây tường và vứt bỏ.” Con người vẫn còn đối xử và nhìn người khác như là kẻ thù, nếu không muốn nói là như chó sói. Con người coi tha nhân và công trình tạo thành như đối tượng hay như phương tiện để lạm dụng, bóc lột và khai thác một cách vô tội vạ.
Ở trong Giáo hội, đó đây vẫn còn đó lối sống của một số người Công Giáo chỉ co cụm lại trong nhóm nhỏ của mình; ở một số nơi, nhà xứ luôn đóng cửa, nhà thờ chỉ dành cho những người ưu tiên, mục vụ chỉ theo lối bảo tồn hơn là mở ra với những người lương dân xung quanh để truyền giáo.
Đó đây vẫn còn đó những hiện tượng phá hoại thiên nhiên và môi trường, chẳng hạn như ở một giáo xứ nọ, có những cây cổ thụ hằng trăm năm, nhưng cụ xứ đến liền chặt bỏ một cách không thương tiếc để đổ bê tông lát gạch.... Thử hỏi lòng mình, chúng ta đang xây tường ngăn cách hay xây cầu nối kết hiệp thông? Đó là điều mà chúng ta cần hoán cải, không chỉ có thay đổi thái độ sống với tha nhân mà còn đối với thiên nhiên, Đức Giáo Hoàng Phanxicô gọi đó là sự hoán cái môi sinh.
Nền linh đạo huynh đệ của thánh Phanxicô giúp chúng ta không nhìn thụ tạo và người khác theo ánh mắt của một người xa lạ, hay của kẻ thù, hay của một ông chủ để độc quyền, lạm dụng, nhưng như một người bạn, với thái độ thân thiện, tôn trọng, chiêm ngưỡng, lắng nghe, gặp gỡ, đối thoại và chăm sóc công trình tạo thành.
Vì thế, noi gương người Samaritanô nhân hậu và thánh Phanxicô, chúng ta được mời gọi loại bỏ nền văn hoá cục bộ, loại trừ, phân biệt đối xử, nhưng xây dựng nền văn hóa gặp gỡ và quan tâm, bắt đầu từ trong môi trường sống của mình.
Từ đó, mỗi chúng ta vươn ra ngoài, ra vùng ngoại ô, để vươn tới mọi người, để gặp gỡ mọi người mà không loại trừ ai theo cách nhìn của Thiên Chúa, để sống tình liên đới nhân loại hoàn vũ khi nhìn nhận mọi người dù có khác biệt tôn giáo, văn hoá, chủng tộc, màu da, và địa lý..., để cùng nhau kiến tạo tình huynh đệ đại đồng và tình bằng hữu hoàn vũ giữa người với nhau, làm cho thế giới này trở thành ngôi nhà chung đáng sống hơn, nhân bản hơn và hoà bình hơn. Đồng thời chúng ta cũng được mời gọi sống hài hoà, thân thiện và có trách nhiệm đối với môi trường sinh thái.
Tóm lại, nếu không có khả năng trân trọng và chiêm ngắm công trình của Thiên Chúa, sẽ không có khả năng nói về Thiên Chúa. “Hãy đi và làm như vậy,” đó là lời mời gọi của Chúa Giêsu cho tôi và cho tất cả chúng ta hôm nay. Amen!
ĐCV Vinh Thanh - Nghệ An
http://nguoinguphu.blogspot.com/