1. Ý nghĩa của lá thư có ba viên đạn: Cách thức hăm dọa của mafia.
Cảnh sát Ý đã tăng cường an ninh quanh khu vực Vatican trong buổi tiếp kiến chung thứ Tư 11 tháng 8.
Như chúng tôi đã đưa tin, đúng một tháng sau khi chịu giải phẫu đại tràng tại bệnh viện đa khoa Gemelli ở Roma, sáng thứ Tư, 04 tháng 8, Đức Thánh Cha Phanxicô đã mở lại các buổi tiếp kiến chung dành cho các tín hữu hành hương. Lần này tại Đại thính đường Phaolô Đệ Lục, ở nội thành Vatican, một phần vì số người tham dự đông đảo hơn, và đàng khác vì thính đường có máy điều hòa không khí, tránh tình trạng thời tiết nóng nực giữa mùa hè này.
Buổi tiếp kiến chung thứ Tư 11 tháng 8 cũng được tổ chức bên trong Đại thính đường Phaolô Đệ Lục. Đó là buổi tiếp kiến chung thứ 23, tính từ đầu năm nay. Và nếu tính từ đầu triều đại Giáo hoàng, từ ngày 13/3 năm 2013 đến nay, Đức Thánh Cha Phanxicô đã thực hiện 366 buổi tiếp kiến chung.
Biện pháp tăng cường an ninh quanh khu vực Vatican đã diễn ra sau khi lực lượng cảnh sát quân sự Carabinieri tại Milan, Ý, đã chặn một lá thư vào ngày 9 tháng 8 gửi cho Đức Thánh Cha Phanxicô trong đó có chứa ba viên đạn để dằn mặt ngài.
Giám đốc một chi nhánh bưu điện Ý ở thị trấn Peschiera Borromeo, cách Milan khoảng bảy dặm về phía đông nam, đã báo cho nhà chức trách khi tìm thấy bao thư khả nghi trong quá trình phân loại vào đêm 8/8. Lực lượng cảnh sát quân sự Carabinieri đã lập tức đến nơi thu giữ bức thư và đang điều tra vụ việc cùng với đơn vị điều tra Milan. Dẫn đầu cuộc điều tra là phó công tố viên Alessandra Cerreti tại Văn phòng Công tố Milan.
Theo các phương tiện truyền thông địa phương của Ý, bức thư chứa ba viên đạn cỡ 9 mili mét kiểu Flobert. Bức thư cũng bao gồm một thông điệp liên quan đến các hoạt động tài chính của Vatican, cụ thể là liên quan đến một vụ kiện đang được xét xử chống lại một số người, bao gồm cả Hồng Y Angelo Becciu.
Người gửi viết trên bao thư bằng một cây bút máy: Gởi đến “Đức Giáo Hoàng - Thành phố Vatican - quảng trường Thánh Phêrô ở Rôma.”
Các phương tiện truyền thông Ý đưa tin rằng bức thư đến từ Pháp.
Nó có một con tem của Pháp và một bản sao của một khoản tiền gửi 10 euro. Tuy nhiên, nội dung chi tiết vẫn chưa được biết.
Cảnh sát chưa tiết lộ tên của người này, nhưng hôm 9/8 cho biết đây là một công dân Pháp “đã được an ninh Vatican biết đến, người mà Carabinieri của Milan hiện sẽ phối hợp để đánh giá ý nghĩa của cử chỉ và sự nguy hiểm có thể xảy ra của nó”.
Hiện tại, theo hãng tin ANSA của Ý, “thông tin mà hầu hết các nhà điều tra quan tâm là biết rằng anh ta đang ở đâu, bởi vì nó sẽ nâng cao một mức độ báo động khác nếu biết được anh ta đang ở Pháp hay ở quảng trường Thánh Phêrô ở Rôma”.
Báo chí tại Italia cho biết lá thư có ba viên đạn là cách thức hăm dọa thường thấy của mafia.
Source:Church POP
2. Bức thư hăm dọa Đức Thánh Cha Phanxicô khiến dư luận quan tâm hơn nữa đến vụ xét xử Hồng Y Becciu
Phiên tòa xét xử Hồng Y Becciu sẽ được tái tục vào ngày 5 tháng 10 tới đây. Tuy nhiên, ngay bây giờ dư luận đã tỏ ra quan tâm hơn nữa đến phiên tòa này sau khi xảy ra vụ bức thư có 3 viên đạn được gởi đến Đức Thánh Cha Phanxicô.
Không có vụ bức thư với ba viên đạn, mà nhiều người cho rằng là cách thức hăm dọa thường thấy của mafia, vụ xét xử này đã là một tiến trình lịch sử. Thật thế, đây là lần đầu tiên một vị Hồng Y bị truy tố và xét xử theo luật của Quốc gia Thành phố Vatican.
Đây cũng là lần đầu tiên một vị Hồng Y bị phán xét bởi các thẩm phán giáo dân chứ không phải bởi các Hồng Y trong Hồng Y Đoàn. Đó là kết quả của một cuộc cải cách do Đức Thánh Cha Phanxicô ra quyết định vào cuối tháng Tư, một cuộc cải cách mà hầu hết các nhà quan sát cảm thấy là nhằm tạo tiền đề cho việc truy tố Hồng Y Becciu.
Bản cáo trạng dài 500 trang do Chưởng Lý, nghĩa là công tố viên của Vatican, viện dẫn nhiều tội danh, nhưng hầu hết tập trung vào một thương vụ bất động sản phức tạp trị giá 400 triệu đô la ở London của Phủ Quốc Vụ Khanh bắt đầu vào năm 2014. Theo các công tố viên, có sự mờ ám. Các nhà tài phiệt người Ý đã thông đồng với Hồng Y Becciu và những người khác trong hệ thống để bòn rút của Vatican những khoản phí cắt cổ, là một phần của những gì họ cho là “hệ thống săn mồi và sinh lợi thối nát” do Hồng Y Becciu điều hành với tư cách là cựu chánh văn phòng của Đức Giáo Hoàng.
Ngay cả vụ xử Vatileaks II đầy sóng gió vào năm 2016 cũng nhạt nhòa so với mức độ phức tạp của vụ này. Lúc đó, chỉ có 5 bị cáo, chứ không phải 13 người như lần này, và mặc dù một số người trong số họ giữ vị trí cao trong ngành báo chí, không ai có sức nặng như một vị Hồng Y đang tại vị, hoặc thậm chí như luật sư Thụy Sĩ René Brülhart, cựu lãnh đạo Cơ quan Thông tin Tài chính của Vatican và là một nhân vật nổi tiếng toàn cầu trong giới quản lý tài chính.
Source:Catholic News Agency
3. Đức Hồng Y Eduardo Martínez Somalo, nguyên Hồng Y Nhiếp Chính của Giáo Hội Công Giáo, đã qua đời tại nhà riêng ở Rôma.
Đức Hồng Y Martínez, 94 tuổi, đã bị một cơn đau tim vào tháng trước. Theo tạp chí Vida Nueva của Tây Ban Nha Ngài có tiền sử bệnh tim mạch và đã trải qua một cuộc phẫu thuật ba vòng vào năm 2003.
Xuất thân từ tỉnh Rioja của Tây Ban Nha, Đức Hồng Y Martínez đã điều hành Tòa thánh với tư cách là Hồng Y Nhiếp Chính trong thời gian giữa cái chết của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II và cuộc bầu cử Đức Bênêđíctô XVI vào năm 2005.
Nhiệm vụ của ngài cũng bao gồm giám sát việc chuẩn bị cho cơ mật viện bầu Giáo hoàng.
Đức Hồng Y đã có một sự nghiệp lâu dài trong Giáo triều Rôma dưới triều đại Giáo hoàng của Đức Gioan Phaolô II, là người mà ngài thường đi cùng trong nhiều chuyến công du ở Ý và nước ngoài.
Cái chết của Đức Hồng Y Martínez vào sáng ngày 10 tháng 8 đã được Giáo phận Calahorra y La Calzada-Logroño xác nhận với hãng thông tấn Tây Ban Nha Europa Press.
Giáo phận cho biết thi hài của vị Hồng Y sẽ được đưa về quê hương Baños de Río Tobía ở Tây Ban Nha để làm lễ an táng.
Giáo phận viết trên Twitter: “Chúng tôi gửi lời chia buồn chân thành đến toàn thể gia đình thân yêu của ngài, và chúng tôi khen ngợi người đầy tớ tốt lành và trung thành đã hiến dâng cả cuộc đời mình để phụng sự Thiên Chúa và Giáo hội. Xin Chúa cho ngài yên nghỉ trong an bình”.
Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã phong Đức Tổng Giám Mục Martínez làm Hồng Y vào tháng 6 năm 1988, sau khi ngài giữ chức sostituto, tức là Phụ tá Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh trong chín năm.
Đức Hồng Y Martínez từng là tổng trưởng Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích từ năm 1988 đến năm 1992, trước khi được bổ nhiệm Hồng Y Nhiếp Chính, một chức vụ mà ngài đảm nhiệm từ năm 1993 đến năm 2007.
Đức Hồng Y từ chức Hồng Y Nhiếp Chính vào ngày sinh nhật thứ 80 của mình, ngày 31 tháng 3 năm 2007. Vài ngày sau, Đức Bênêđíctô XVI đã viết thư cho ngài, nhắc lại “sự phục vụ lâu dài và tận tụy đã ràng buộc chặt chẽ chức vụ linh mục và giám mục của ngài với Tòa Thánh.”
“Tôi muốn bày tỏ với Đức Hồng Y lòng biết ơn nồng nhiệt của tôi về sự siêng năng, năng lực và tình yêu mà hiền huynh đã thực hiện nhiệm vụ tinh tế này trong sự phục vụ Tòa Thánh và Giáo hội hoàn vũ,” Đức Bênêđíctô viết.
Đức Bênêđíctô nhấn mạnh rằng: “Khi chức vụ cao cấp của hiền huynh với tư cách là Hồng Y Nhiếp Chính và các chức vụ quan trọng khác trong các Bộ khác nhau của Giáo triều La Mã kết thúc, tôi chắc chắn rằng ký ức về tất cả những điều tốt đẹp hiền huynh đã làm sẽ là niềm an ủi cho hiền huynh và là một điều đáng để cảm tạ và ngợi khen Chúa”.
Đức Hồng Y Martínez cũng từng là tổng trưởng Bộ Đời sống Thánh hiến và các Hiệp hội Tông đồ từ năm 1992 đến năm 2004.
Tang lễ của Đức Hồng Y Eduardo Martínez Somalo sẽ được cử hành tại Bàn thờ Ngai Tòa bên trong Đền Thờ Thánh Phêrô lúc 11 giờ sáng thứ Sáu ngày 13 tháng 8. Đức Hồng Y người Ý Giovanni Battista Re, sẽ chủ sự thánh lễ. Thi thể của Đức Hồng Y Martínez Somalo sẽ được chôn cất tại quê hương Baños de Río Tobía bên Tây Ban Nha.
Source:Catholic News Agency
4. Hồng Y đoàn sau cái chết của Đức Hồng Y Eduardo Martínez Somalo
Hôm thứ Ba 10 tháng 8, Đức Hồng Y Eduardo Martínez Somalo, được Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II thăng Hồng Y vào ngày 28 tháng 6 năm 1988, đã qua đời.
Với cái chết này của ngài, Hồng Y đoàn còn 219 vị, gồm 123 vị Hồng Y cử tri và 96 vị không còn quyền bầu Giáo Hoàng. Các vị không còn quyền bầu Giáo Hoàng là các vị trên 80 tuổi. Hồng Y Becciu tuy dưới 80 nhưng cũng không còn quyền bầu Giáo Hoàng vì đã mất các quyền lợi chỉ dành cho Hồng Y.
Trong số 123 Hồng Y cử tri, 13 vị được thăng Hồng Y dưới thời Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, 39 vị dưới thời Đức Bênêđíctô XVI, và 71 vị dưới thời Đức Thánh Cha Phanxicô.
Trong số 96 vị Hồng Y không có quyền bầu Giáo Hoàng, 47 vị được thăng Hồng Y dưới thời Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, 27 vị dưới thời Đức Bênêđíctô XVI, và 22 vị dưới thời Đức Thánh Cha Phanxicô.
Tính chung trong Hồng Y đoàn, 60 vị được thăng Hồng Y dưới thời Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, 66 vị dưới thời Đức Bênêđíctô XVI, và 93 vị dưới thời Đức Thánh Cha Phanxicô.
Source:Sismografo