MỤC III. Khó có thể chứng minh sự hiện hữu của Thiên Chúa bằng ánh sáng tự nhiên; nhưng điều an toàn nhất là tin sự hiện hữu đó.

I. Chúng ta hãy nói theo ánh sáng tự nhiên. Nếu có một Thiên Chúa, thì Người hoàn toàn không thể hiểu được, vì, không có bộ phận cũng như giới hạn, Người không có nét gì giống chúng ta: do đó chúng ta không có khả năng biết được cả việc Người là gì lẫn Người có hiện hữu hay không. Vì sự thực là như vậy, ai dám tìm cách giải đáp vấn đề này? Không phải chúng ta, những người không có gì giống như Người.



II. Ở đây, tôi sẽ không tìm cách chứng minh bằng những lý lẽ tự nhiên, cả sự hiện hữu của Thiên Chúa lẫn Chúa Ba Ngôi, hay sự bất tử của linh hồn, hay bất cứ điều gì thuộc bản chất này; không những bởi vì tôi không cảm thấy đủ mạnh để tìm thấy trong tự nhiên bất cứ điều gì có thể thuyết phục những người vô thần cứng lòng, mà còn bởi vì nhận thức này, nếu không có CHÚA GIÊSU KITÔ, thì vô ích và vô dụng. Khi một người được thuyết phục rằng tỷ lệ số là các sự thật phi vật chất, trường cửu, và phụ thuộc vào sự thật đầu hết nhờ đó chúng tồn tại, điều người ta vốn gọi là Thiên Chúa, tôi không thấy họ tiến bao nhiêu trong ơn cứu rỗi của họ.

III. Thật là một điều lạ khi không có một tác giả kinh điển nào đã dùng thiên nhiên để chứng minh sự hiện diện của Thiên Chúa: Tất cả họ đều có khuynh hướng làm cho Người được tin; và không bao giờ họ nói: Không hề có khoảng chân không; vậy thì phải có một Thiên Chúa. Hẳn họ phải khôn khéo hơn những người khôn khéo nhất từ trước đến nay, từng đã sử dụng các luận điểm như thế.

Nếu việc chứng minh Thiên Chúa bằng tự nhiên là một dấu chỉ sự yếu kém, thì đừng coi thường Kinh thánh: nếu việc biết các mâu thuẫn này là dấu chỉ sức mạnh, thì hãy quý trọng Kinh thánh.

IV. Đơn vị nối dài tới vô tận không gia tăng được gì, chỉ là một bộ Anh so với chiều dài vô hạn. Thể hữu hạn hóa ra không trước sự hiện diện của thể vô hạn, và trở thành hư vô thuần túy. Tinh thần của chúng ta trước mặt Thiên Chúa cũng thế; công lý của chúng ta trước công lý của Thiên Chúa cũng thế. Sự chênh lệch không lớn như thế giữa đơn vị và vô hạn cho bằng giữa công lý của chúng ta và công lý của Thiên Chúa.

V. Chúng ta biết rằng vô hạn có hiện hữu, nhưng đồng thời bản chất của nó có thể là điều ta không tài nào hiểu nổi. Như thế, chúng ta biết, chẳng hạn, sẽ sai lầm khi cho rằng các con số là hữu hạn: nên phải suy đoán rằng chúng vô hạn. Nhưng chúng ta không biết vô hạn này là gì. Nói nó chẵn cũng sai, mà nói nó lẻ cũng sai; vì, bằng cách thêm một đơn vị vào, bản chất của nó vẫn không thay đổi: tuy nhiên, nó là con số, mà mọi con số đều chẵn hoặc lẻ; ít nhất điều này đúng đối với mọi con số hữu hạn. Như thế, chúng ta có thể biết rõ rằng có một Thiên Chúa mà không biết Người là gì: và bạn không nên kết luận rằng không hề có Thiên Chúa, căn cứ vào việc chúng ta không biết đầy đủ về bản chất của Người. Để thuyết phục bạn về sự hiện hữu của Người, tôi sẽ không nại đến đức tin, một điều vốn làm chúng tôi không thể hoài nghi về nó, cũng như bất cứ bằng chứng nào khác mà chúng tôi vốn có về nó, vì bạn không muốn tiếp nhận chúng. Tôi chỉ muốn hành động với bạn theo các nguyên tắc của bạn; và tôi có ý định làm bạn thấy, theo cách bạn vẫn lý luận hàng ngày về những điều ít gây hậu quả nhất, bạn phải suy luận kiểu gì trong việc này, và bạn phải theo phía nào để quyết định vấn đề quan trọng này về sự hiện hữu của Thiên Chúa. Bây giờ, bạn nói rằng chúng ta không có khả năng biết liệu có một Thiên Chúa hay không. Tuy nhiên, điều chắc chắn là Thiên Chúa hoặc hiện hữu, hoặc không hiện hữu; không hề có điểm ở giữa. Nhưng chúng ta sẽ nghiêng về phía nào? Bạn nói, lý trí không thể xác định bất cứ điều nào. Có sự hỗn mang vô tận ngăn cách chúng ta (với Thiên Chúa). Ở khoảng cách vô tận này, một trò chơi được chơi, trong đó, sẽ có hoặc sấp hoặc ngửa. Bạn sẽ đánh cuộc bên nào? Căn cứ vào lý trí, bạn không thể chắc chắn điều này hay điều nọ; căn cứ vào lý trí, bạn cũng không thể bác bỏ một trong hai.

Vì vậy, đừng đổ lỗi sai lầm cho những người làm một lựa chọn; vì bạn không biết liệu họ có sai hay không, và liệu họ có lựa chọn tệ hay không.

Tôi sẽ đổ lỗi cho họ không phải vì đã chọn bên này, hay bên kia: nhưng đã chọn bất cứ bên nào: kẻ chọn sấp, và kẻ chọn ngửa, cả hai đều sai: không đặt cuộc mới là điều đúng hơn cả.

Đúng, nhưng bạn phải đặt cuộc: điều này không phải là điều muốn làm hay không muốn làm; bạn đã xuống tầu rồi; và không đặt cuộc rằng Thiên Chúa hiện hữu, là đặt cuộc rằng ngài không hiện hữu. Vậy bạn sẽ chọn điều nào? Ta hãy xem điều gì khiến bạn quan tâm ít nhất: bạn có hai điều để mất, điều chân và điều thiện; và hai điều cần can dự vào, lý trí và ý chí của bạn, nhận thức và hạnh phước (béatitude) của bạn: và bản chất của bạn có hai điều cần tránh, sai lầm và khốn cùng. Vậy, bạn hãy đánh cuộc rằng Người hiện hữu, không nên do dự: lý trí của bạn không bị tổn hại hơn khi chọn điều này hơn điều kia, vì điều nhất thiết là phải chọn. Thế là một điểm đã được khai quang; nhưng còn hạnh phước của bạn? Ta hãy cân nhắc cái được và cái thua: chọn bên sấp, nếu thắng, bạn thắng tất cả; nếu thua, bạn không mất gì. Vì vậy, hãy tin, nếu bạn có thể.

Điều ấy thật kỳ diệu: vâng, phải tin; nhưng có lẽ tôi mạo hiểm quá chăng.

Chúng ta hãy xem sao: vì dù cơ may được và thua y như nhau, khi bạn chỉ có hai mạng sống để thắng lấy một, bạn vẫn có thể đánh cuộc. Và nếu có mười mạng sống để thắng, há bạn không điên rồ hay sao khi không mạo hiểm một mạng sống của mình để thắng mười mạng sống trong một trò chơi trong đó có cùng cơ may thua và thắng như nhau? Nhưng ở đây, có vô tận mạng sống vô cùng hạnh phúc để thắng, với cùng cơ may thua và thắng; và điều bạn chơi không đáng kể, không thể kéo dài như bạn muốn, thì thật là ngu ngốc khi còn dè dặt trong dịp này.

Cũng không hẳn là một luận bác thực sự khi nói rằng không chắc gì có thắng hay không, và chắc chắn đây chỉ là chuyện may rủi; và khoảng cách vô hạn giữa sự chắc chắn về những gì người ta liều mình đánh cuộc và sự không chắc chắn về những gì người ta có thể thắng đặt sự thiện hữu hạn, điều mà người ta chắc chắn sẽ thua, ngang hàng với điều vô hạn vốn không chắc chắn sẽ được. Nhưng không phải như vậy: mọi người chơi đều liều mình một cách chắc chắn mình sẽ thắng một cách không chắc chắn; thế nhưng, họ chắc chắn đã liều một điều tốt hữu hạn để đạt được một điều tốt khác cũng hữu hạn một cách không chắc chắn, mà đâu có chống lại lý trí. Điều không đúng là nói rằng có khoảng cách vô hạn giữa sự chắc chắn này về những gì người ta sẽ thua và sự không chắc chắn của việc thắng. Quả có sự vô tận giữa sự chắc chắn thắng và sự chắc chắn thua. Nhưng sự không chắc chắn thắng tỷ lệ thuận với sự chắc chắn của điều người ta thử liều, theo tỷ lệ của các may rủi thắng và thua; và do đó, nếu có cơ may như nhau cho cả hai phía, thì trò chơi phải được chơi ngang ngửa; và lúc đó độ chắc chắn của điều người ta liều mình thua bằng với độ không chắc chắn thắng, vì nó cách xa điều sau vô hạn. Và như thế, định đề của chúng ta có sức mạnh vô hạn, khi, như trong trường hợp này, ta chỉ liều một điều hữu hạn trong một trò chơi cơ may thắng thua bằng nhau, để lấy một điều vô hạn. Điều này đã được minh chứng; và nếu người ta có khả năng biết một số sự thật nào đó, họ phải có khả năng biết sự thật này.

Tôi thú nhận điều ấy, tôi thừa nhận điều ấy. Nhưng há không hề có cách nào để thấy điều nằm ở bên dưới của trò chơi này hay sao?

Có, bằng Kinh thánh, và bằng tất cả những bằng chứng khác về tôn giáo, vốn có tính vô hạn.

Bạn nói rằng những ai hy vọng vào ơn cứu rỗi của họ đều hạnh phúc vì điều này; nhưng há họ không có nỗi sợ hãi hỏa ngục làm đối trọng đó sao?

Nhưng ai có nhiều lý do để sợ hãi hỏa ngục, đó là người không biết liệu có hỏa ngục hay không, và liệu chắc chắn có bị đầy xuống đó hay không, nếu có; hay là người xác tín rằng có hỏa ngục, nhưng hy vọng được cứu thoát?

Bất cứ ai, khi chỉ còn tám ngày để sống, mà không phán đoán rằng phía an toàn nhất là tin rằng tất cả những điều này không phải là một sự may rủi, đều hoàn toàn mất trí. Bây giờ, nếu các đam mê không đánh lừa chúng ta, tám ngày và một trăm năm đều như nhau.

Và điều tệ hại nào sẽ xảy ra với bạn khi bạn quyết định tin? Bạn sẽ là người trung thành, trung thực, khiêm tốn, biết ơn, nhân từ, chân thành, chân thực. Quả thật, bạn sẽ từ bỏ các thú vui gây hại, các xa hoa, và khoái lạc của thế gian. Nhưng há bạn không thể không có những thú vui khác hay sao? Tôi nói với bạn rằng bạn sẽ là người thắng cuộc ngay ở đời này; và với mỗi bước bạn đi trên con đường này sẽ cho bạn thấy rất nhiều chắc chắn sẽ thắng cuộc, và không hề liều mình mất điều chi, cho đến cuối cùng bạn sẽ nhận biết rằng bạn đã đánh cuộc một điều chắc chắn và vô hạn, và bạn đã không mất gì để có được nó.

Đúng, nhưng tay tôi bị trói và miệng tôi bị chặn; tôi buộc phải đánh cuộc, và tôi không được tự do, người ta không buông tha tôi: và tôi được tạo dựng theo cách tôi không thể tin. Vậy bạn muốn tôi làm gì?

Ít nhất bạn hãy học biết việc bạn không thể tin, vì lý trí dẫn bạn đến chỗ tin, thế nhưng bạn không thể tin. Vậy thì, bạn hãy cố gắng thuyết phục bản thân, không phải bằng cách gia tăng các bằng chứng về Thiên Chúa, mà bằng cách giảm bớt các đam mê của bạn. Bạn muốn đi đến đức tin, nhưng bạn không biết đường đi; bạn muốn được chữa khỏi sự bất trung, và bạn yêu cầu các biện pháp khắc phục: hãy học hỏi những điều này từ những người trước đây từng như bạn nhưng bây giờ không còn nghi ngờ nữa. Họ biết con đường bạn muốn đi; và họ đã được chữa khỏi sự dữ mà bạn hiện muốn được chữa khỏi. Bạn hãy làm theo cách họ từng bắt đầu; hãy bắt chước các hành động bên ngoài của họ, nếu bạn chưa thể bước vào các thiên hướng bên trong của họ; hãy từ bỏ những trò tiêu khiển vô dụng vốn chiếm hữu trọn con người bạn.

Bạn nói, có lẽ tôi sẽ sớm từ bỏ những thú vui này, nếu tôi có đức tin. Và tôi, tôi nói với bạn rằng bạn sẽ sớm có đức tin nếu bạn từ bỏ những thú vui này. Nhưng việc bắt đầu là tùy ở bạn. Nếu có thể, tôi đã cho bạn đức tin rồi: nhưng tôi không thể cho được, và do đó, không thể chứng minh sự thật của những điều bạn nói; nhưng bạn có thể từ bỏ những thú vui này, và chứng minh rằng điều tôi nói là đúng.

Lời phát biểu trên kích động tôi, làm tôi thích thú.

Nếu lời phát biểu ấy làm hài lòng bạn và có vẻ mạnh mẽ đối với bạn, bạn hãy biết rằng nó được thực hiện bởi một người đã quỳ gối trước và sau khi nói nó, để cầu xin Hữu thể vô hạn và không thiên vị ấy, Đấng mà người này trao phó mọi điều mình có, giúp bạn cũng phó thác mọi điều bạn có, vì sự thiện của chính bạn và vì vinh quang của Người; và nhờ thế sức mạnh toàn năng của Người sẽ tự thích ứng với sự yếu hèn của bạn.

VI. Không nên hiểu lầm bản thân: chúng ta là cả thể xác lẫn tinh thần, và do đó, công cụ nhờ đó việc thuyết phục được thực hiện không phải chỉ là chứng minh mà thôi. Những điều được chứng minh không có bao nhiêu đâu! Bằng chứng chỉ thuyết phục được tinh thần. Tập quán biến các bằng chứng của ta thành mạnh mẽ nhất; nó ảnh hưởng đến các giác quan, các giác quan lôi cuốn tinh thần không cần suy nghĩ. Ai đã chứng minh rằng sẽ có ngày mai, và chúng ta sẽ chết? nhưng có điều gì được mọi người tin tưởng hơn thế không? Do đó, tập quán thuyết phục chúng ta điều đó; chính nó tạo ra rất nhiều anh Thổ Nhĩ Kỳ và anh ngoại giáo; chính nó tạo ra nghề ngỗng, những anh lính, v.v. Đúng là không nên bắt đầu với nó để tìm ra sự thật; nhưng cần phải nhờ đến nó một khi tinh thần đã nhìn thấy đâu là sự thật, để làm chúng ta thỏa mãn và lên mầu sắc cho thứ niềm tin luôn luôn vượt thoát chúng ta này; vì quả là quá đáng khi luôn đòi phải có ngay các bằng chứng. Cần phải thu nhận được một niềm tin dễ dàng hơn, vốn là niềm tin của tập quán, thứ không cần áp lực, không cần nghệ thuật, tranh luận, chúng ta mới tin vào sự việc và làm cho mọi năng lực của chúng ta tự nhiên hướng về niềm tin này, đến nỗi linh hồn chúng ta tự nhiên rơi vào đó. Chỉ tin bằng sức mạnh của xác tín là không đủ, nếu các giác quan dẫn dắt chúng ta tin điều ngược lại. Do đó, cần phải làm cho hai phần của chúng ta cùng đi với nhau: tinh thần, với những lý do mà chỉ cần nhìn thấy một lần trong đời là đủ, cùng với các giác quan, nhờ tập quán, không tự để chúng nghiêng về phía ngược lại.

Kỳ tới: MỤC IV: Các đặc điểm của tôn giáo chân chính