Chương Chín: Bằng chứng Nhận dạng Khuôn mặt


Chúa Giêsu có hội đủ các thuộc tính của Thiên Chúa không?

Ngay sau khi tám sinh viên y tá bị sát hại tại một căn hộ ở Chicago, người sống sót duy nhất run rẩy hội ý với cảnh sát để phác thảo một bản vẽ về nghi phạm và mô tả chi tiết kẻ giết người mà cô đã nhìn thấy từ vọng nhìn bí mật của cô dưới giường ngủ.

Bản vẽ nhanh chóng được chiếu khắp thành phố- đến các cảnh sát viên, bệnh viện, trạm trung chuyển, sân bay. Ngay sau đó, một bác sĩ phòng cấp cứu đã gọi cho các thám tử để nói rằng ông ta điều trị một người đàn ông trông có vẻ đáng ngờ như người chạy trốn có đôi mắt cứng rắn, được miêu tả trong bản vẽ. Đó là cách cảnh sát bắt giữ một người phiêu bạt tên là Richard Speck, người đã nhanh chóng bị kết tội giết người cách dã man và cuối cùng chết trong tù ba mươi năm sau (1).

Kể từ khi Scotland Yard lần đầu tiên biến hồi ức của nhân chứng thành một bản phác vẽ nghi phạm giết người vào năm 1889, các nghệ sĩ pháp y đã đóng vai trò quan trọng trong việc chấp pháp. Ngày nay, hơn ba trăm họa sĩ ký họa làm việc với các cơ quan cảnh sát Hoa Kỳ, và ngày càng có nhiều phòng ban dựa vào hệ thống vi tính hóa được gọi là EFIT (Kỹ thuật điện tử nhận dạng khuôn mặt).

Kỹ thuật phát triển gần đây này đã được sử dụng thành công để giải quyết một vụ bắt cóc năm 1997 xảy ra tại một trung tâm mua sắm chỉ vài dặm từ căn nhà ngoại ô Chicago của tôi. Nạn nhân cung cấp thông tin chi tiết về sự xuất hiện của kẻ bắt cóc với một kỹ thuật viên, người đã sử dụng một máy tính để tạo ra một chân dung điện tử của người phạm tội bằng cách chọn từ các kiểu mũi, miệng, đường chân tóc và vân vân. Chỉ một lúc sau khi bản vẽ được “fax” cho cảnh sát, các cơ quan trên toàn khu vực, một điều tra viên ở một vùng ngoại ô khác đã nhận ra Bức tranh như rất giống với một tên tội phạm mà ông đã gặp trước đây. May mắn thay, điều này dẫn đến một vụ bắt giữ nhanh chóng nghi can vụ bắt cóc (2).

Lạ một điều, khái niệm về bản vẽ của nghệ sĩ có thể cung cấp một sự tương tự đại khái có thể giúp chúng ta trong việc truy tìm sự thật về Chúa Giêsu.

Đây là cách thực hiện: Cựu Ước cung cấp nhiều chi tiết về Thiên Chúa có thể phác thảo rất chuyên biệt việc Người như thế nào. Chẳng hạn, Thiên Chúa được mô tả như có mặt khắp nơi, hoặc hiện hữu ở khắp mọi nơi trong vũ trụ; như toàn tri, hoặc biết mọi sự có thể được biết đến trong suốt cõi đời đời; như toàn năng; như vĩnh cửu, hoặc vừa vượt thời gian vừa là nguồn gốc của mọi thời gian; và như bất biến, hoặc không thay đổi trong các thuộc tính của Người. Người yêu thương, Người thánh thiện, Người công chính, Người khôn ngoan, Người công bằng.

Bây giờ, Chúa Giêsu cho rằng Người là Thiên Chúa. Nhưng Người có thực thi những đặc điểm này của thiên tính không? Nói cách khác, nếu chúng ta xem xét Chúa Giêsu cẩn thận, liệu chân dung của Người có giống với bức phác họa về Thiên Chúa mà chúng ta tìm thấy ở nơi khác trong Kinh thánh không? Nếu không, chúng ta có thể kết luận rằng các khẳng định của Người cho mình là Thiên Chúa là sai.

Đây là một vấn đề cực kỳ phức tạp và căng thẳng. Chẳng hạn, khi Chúa Giêsu đang giảng Bài giảng trên núi ở một sườn đồi bên ngoài Caphácnaum, Người không đồng thời đứng tại con phố chính của Giêricô, thì theo nghĩa nào có thể gọi Người là ở khắp mọi nơi? Làm sao Người có thể được gọi là toàn trí nếu Người sẵn sàng thừa nhận trong Máccô 13:32 rằng Người không biết mọi sự về tương lai? Nếu Người là vĩnh cửu, tại sao thư Côlôsê 1:15 gọi Người là "con đầu lòng trên mọi tạo vật"?

Nhìn bề ngoài, những vấn đề này dường như gợi ý rằng Chúa Giêsu không giống như bản phác thảo về Thiên Chúa. Tuy nhiên, tôi đã học được qua nhiều năm rằng ấn tượng ban đầu có thể có tính đánh lừa. Đó là lý do tại sao tôi đã rất vui vì tôi có thể thảo luận những vấn đề này với Tiến sĩ D. A. Carson, nhà thần học xuất hiện trong những năm gần đây như một trong những nhà tư tưởng lỗi lạc nhất của Kitô giáo.



Cuộc Phỏng vấn Thứ tám: Donald A. Carson, Ph.D.

D. A. Carson, giáo sư nghiên cứu về Tân Ước tại Trường thần học Tin lành Trinity, đã viết hoặc biên tập hơn bốn mươi cuốn sách, bao gồm The Sermon on the Mount [Bài giảng trên núi]; Exegetical Fallacies [Các Ngụy biện chú giải]; The Gospel According to John [Tin Mừng Theo Thánh Gioan]; và cuốn đoạt giải thưởng của ông The Gagging of God [Sự bịt miệng Thiên Chúa].

Ông có thể đọc hàng chục thứ tiếng (thông thạo ngôn ngữ Pháp nhờ từ bé sống ở Québec) và là thành viên của Tyndale Fellowship for Biblical Research [Hiệp hội Tyndale Nghiên cứu Kinh Thánh], the Society for Biblical Literature [Hội Văn học Kinh thánh], và Institute for Biblical Research [Viện Nghiên cứu Kinh thánh]. Các lĩnh vực chuyên môn của ông bao gồm Chúa Giêsu lịch sử, chủ nghĩa hậu hiện đại, văn phạm Hy Lạp, và thần học của các Tông đồ Phaolô và Gioan.

Sau khi học ban đầu về hóa học (nhận bằng cử nhân khoa học từ Đại học McGill), Carson tiếp tục nhận được một bằng thạc sĩ về thần học trước khi đến Anh, nơi ông lấy bằng tiến sĩ về Tân Ước tại Trường đại học Cambridge danh giá. Ông đã dạy tại ba trường cao đẳng và chủng viện khác trước khi gia nhập Trinity vào năm 1978.

Tôi chưa bao giờ gặp Carson trước khi lái xe đến khuôn viên Deerfield của Trinity, thuộc Illinois, cho cuộc phỏng vấn của chúng tôi. Thành thật mà nói, tôi đã mong đợi một học giả cứng ngắc. Nhưng dù tôi thấy Carson hoàn toàn là một học giả mà tôi đã dự đoán trước, tôi rất ngạc nhiên bởi giọng điệu ấm áp, chân thành và mục vụ của ông khi ông trả lời những gì, trong một số trường hợp, hóa ra là các câu hỏi khá chua cay.

Cuộc trò chuyện của chúng tôi đã được tổ chức trong một giảng đường vắng vẻ trong kỳ nghỉ Giáng sinh. Carson đã mặc một áo gió màu trắng bên ngoài áo sơ mi cài khuy, quần jean xanh và Adidas. Sau một vài câu nói đùa ban đầu về sự đánh giá lẫn nhau của chúng tôi về nước Anh (Carson đã sống ở đó trong nhiều năm, và vợ ông, Joy, là người Anh), tôi rút cuốn sổ ra, mở máy ghi âm, và đặt ra một câu hỏi căn bản để giúp xác định liệu Chúa Giêsu có "chất liệu đúng mức" để trở thành Thiên Chúa hay không.

Sống và Tha thứ như Thiên Chúa

Câu hỏi ban đầu của tôi tập trung vào lý do tại sao Carson nghĩ Chúa Giêsu là Thiên Chúa trước nhất. Tôi hỏi, "Người đã nói hay làm gì, để thuyết phục ông rằng Người là Thiên Chúa?" Tôi không biết chắc ông sẽ trả lời ra sao, mặc dù tôi đoán trước ông sẽ tập chú vào các kỳ tích siêu nhiên của Chúa Giêsu. Tôi đã lầm. Carson nói, khi ngả người ra sau dựa vào ghế bọc nệm thoải mái, "Người ta có thể chỉ ra những điều như vậy như các phép lạ của Người, nhưng những người khác cũng làm các phép lạ, vì vậy dù điều này có thể là dấu hiệu, nó không mang tính quyết định. Tất nhiên, sự Phục sinh là sự minh chứng tối hậu cho căn tính của Người. Nhưng trong số rất nhiều điều Người đã làm, một trong những điều nổi bật nhất đối với tôi là sự tha thứ tội lỗi."

“Thật thế sao?" tôi nói vậy, trong khi đổi bên trong chiếc ghế đặt vuông góc với ghế của ông, để đối diện với ông một cách trực tiếp hơn. "Làm thế nào mà thế được?"

"Trọng điểm là, nếu ông làm điều gì đó chống lại tôi, tôi có quyền tha thứ cho ông. Tuy nhiên, nếu ông làm điều gì đó chống lại tôi và ai đó khác đến và nói, 'Tôi tha thứ cho bạn', hỗn xược kiểu gì vậy? Người duy nhất có thể nói những điều như vậy một cách có nghĩa là Thiên Chúa, bởi vì tội lỗi, ngay cả khi nó chống lại người khác, trước hết và trên hết là sự bất chấp Thiên Chúa và các lề luật của Người.

“Khi Đavít phạm tội ngoại tình và sắp xếp cái chết của chồng người phụ nữ, cuối cùng ông nói với Thiên Chúa trong Thánh vịnh 51, 'Đối với một mình Ngài, con đã phạm tội và làm điều ác này trước nhan Ngài.' Ông nhận ra rằng mặc dù ông đã làm sai đối với người ta, nhưng cuối cùng ông đã phạm tội chống lại Thiên Chúa, người đã tạo ra ông theo hình ảnh của Người, và Chúa cần phải tha thứ cho ông.

“Vì vậy, Chúa Giêsu đã đến và nói với những người tội lỗi, 'Tôi tha thứ cho bạn.' Các Người Do Thái ngay lập tức nhận ra sự phạm thượng trong điều này. Họ phản ứng bằng cách nói rằng, 'Ai có thể tha thứ tội lỗi ngoài một mình Thiên Chúa?' Theo suy nghĩ của tôi, điều đó là một trong những điều nổi bật nhất mà Chúa Giêsu đã làm.”

Tôi nhận xét: “Chúa Giêsu không chỉ tha thứ tội lỗi, mà Người còn quả quyết rằng bản thân Người không có tội lỗi. Và chắc chắn vô tội là một thuộc tính của thiên tính."

Ông đáp, “Đúng. Trong lịch sử ở phương Tây, người ta coi những người thánh thiện nhất cũng là những người ý thức nhất về những thất bại và tội lỗi của chính họ. Họ là những người ý thức được khuyết điểm, ham muốn và oán giận của mình, và họ đang chiến đấu với chúng một cách trung thực bằng các ân sủng của Thiên Chúa. Thực thế, họ đang chiến đấu với chúng tốt đến nỗi những người khác phải lưu ý và nói, 'Đấy là một người đàn ông hoặc người đàn bà thánh thiện.'

Nhưng Chúa Giêsu đến, người có thể nói với khuôn mặt thẳng thắn, ‘Ai trong các ông có thể kết tội tôi?' Nếu tôi nói như thế, vợ và con cái tôi và tất cả những ai biết tôi sẽ rất vui khi được đứng lên và làm chứng, trong khi không ai có thể làm chứng về Chúa Kitô."

Mặc dù sự hoàn hảo về luân lý và sự tha tội chắc chắn là đặc điểm của thiên tính, có một số các thuộc tính bổ sung mà Chúa Giêsu phải hoàn thành nếu muốn phù hợp với bản phác họa về Thiên Chúa. Đã đến lúc phải bàn đến những điều đó. Sau khi đã bắt đầu bằng cách ném những đường banh thẳng (softball) vào Carson, tôi đã sẵn sàng ném những đường banh quanh co (curveball).

Mầu nhiệm Nhập thể

Sử dụng một số ghi chú tôi đã mang theo, tôi tấn công Carson một cách liên tiếp nhanh như chớp với một số trở ngại lớn nhất đối với các khẳng định của Chúa Giêsu về thiên tính của Người.

Tôi hỏi, "Thưa Tiến sĩ Carson, làm thế nào trong thế giới này, Chúa Giêsu có thể có mặt khắp nơi nếu Người không thể ở hai nơi cùng một lúc? Làm thế nào Người có thể toàn tri khi Người nói, 'Ngay cả Con Người cũng không biết giờ Người trở lại'? Làm thế nào Người có thể toàn năng khi các sách Tin Mừng nói rõ ràng với chúng ta rằng Người không thể làm nhiều phép lạ tại thị trấn quê hương?”

Hướng cây bút về phía ông để nhấn mạnh, tôi kết luận rằng, "Ông hãy thừa nhận điều đó: chính Kinh thánh dường như lập luận chống việc Chúa Giêsu là Thiên Chúa."

Dù Carson không nao núng, ông đã thừa nhận rằng những câu hỏi này không có câu trả lời đơn giản. Dù sao, chúng đánh vào chính trái tim việc Thiên Chúa nhập thể trở thành người, tinh thần mang xác thịt, thể vô hạn trở thành thể hữu hạn, thể vĩnh cửu trở thành bị giới hạn bởi thời gian. Đó là một tín lý đã khiến các nhà thần học bận rộn trong nhiều thế kỷ. Và đó là chỗ Carson đã chọn để bắt đầu câu trả lời của ông: bằng cách trở lại cách các học giả đã cố gắng trả lời những vấn đề này suốt nhiều năm tháng.

"Trong lịch sử, đã có hai hoặc ba cách tiếp cận vấn đề này," ông bắt đầu như thế, nghe như thể ông đang bắt đầu một bài giảng ở lớp học.

"Thí dụ, vào cuối thế kỷ trước, nhà đại thần học Benjamin Warfield đã nghiên cứu trọn các sách Tin Mừng và gán các phần khác nhau cho nhân tính của Chúa Kitô hoặc cho thiên tính của Người. Khi Chúa Giêsu làm điều gì đó phản ảnh các giới hạn hay tính hữu hạn hoặc nhân tính của Người, thí dụ như nước mắt của Người; Chúa có khóc không? Điều này được gán cho nhân tính của Người."

Đối với tôi, cách giải thích đó dường như có nhiều vấn đề. Tôi hỏi, "Làm điều đó, há ông không kết cục với một Chúa Giêsu tâm thần phân liệt đó sao?”.

Ông trả lời, “Thật dễ dàng vô tình rơi vào điều đó. Tất cả các tuyên bố có tính cách tuyên xưng đã nhấn mạnh rằng cả nhân tính lẫn thiên tính của Chúa Giêsu luôn khác biệt, nhưng chúng kết hợp trong một ngôi vị. Vì vậy, ông muốn tránh một giải đáp trong đó xét về yếu tính, có một loại hai tâm trí - một tâm trí nhân bản của Chúa Giêsu và một tâm trí thiên giới của Chúa Kitô. Tuy nhiên, đây là một loại giải đáp, và có thể có một điều gì đó ở đây.

“Một loại giải đáp khác là một số hình thức kenosis, có nghĩa là 'trút bỏ.' Điều này xuất phát từ thư Philíphê 2, nơi Thánh Phaolô nói với chúng ta rằng Chúa Giêsu, ‘vốn dĩ là Thiên Chúa, nhưng không nghĩ việc ngang hàng với Thiên Chúa là một điều gì đó để khai thác' - đó là cách nên dịch như thế, ‘nhưng tự trút bỏ’ trở thành người vô giá trị."

Điều đó có vẻ hơi mơ hồ với tôi. Tôi hỏi, "ông có thể nói rõ hơn không? Chính xác thì Người đã trút bỏ điều gì?"

Rõ ràng, tôi đã vạch đúng vấn đề. Carson trả lời với một cái gật đầu, "À, đó là vấn đề. Qua nhiều thế kỷ, người ta đã đưa ra nhiều câu trả lời cho câu hỏi này. Chẳng hạn, Người có trút bỏ thiên tính của Người không? Chà, lúc đó, Người sẽ không còn là Thiên Chúa nữa.

“Người có trút bỏ các thuộc tính của thiên tính Người không? Tôi cũng có vấn đề với điều đó, bởi vì rất khó để tách thuộc tính khỏi thực tại. Nếu ông có một con vật trông giống như ngựa, có mùi giống ngựa, đi như ngựa, và có tất cả thuộc tính của một con ngựa, thì ông đã có một con ngựa. Vì vậy, tôi không biết đối với Thiên Chúa có nghĩa gì khi Người trút bỏ các thuộc tính của Người và vẫn là Thiên Chúa.

“Một số người nói, 'Người không trút bỏ các thuộc tính của Người, nhưng Người trút bỏ việc sử dụng các thuộc tính của Người - một kiểu tự giới hạn làm sự việc. Điều này đang trở nên gần gũi hơn, mặc dù có những lúc đó không phải là điều Người tự giới hạn như thế - Người tha thứ tội lỗi thì chỉ Thiên Chúa mới có thể làm được, rõ ràng đây là một thuộc tính của thiên tính.

“Những người khác đi xa hơn bằng cách nói, 'Người tự trút bỏ việc sử dụng độc lập các thuộc tính của Người! Nghĩa là, Người hành động như Thiên Chúa khi Cha trên trời cho phép Người làm như vậy. Điều này gần hơn nhiều. Khó khăn là có một cảm giác trong đó Con vĩnh cửu luôn hành động phù hợp với Điều răn của Chúa Cha. Ông không muốn mất điều đó, ngay trong quá khứ vĩnh hằng. Nhưng quả ta đang tiến gần hơn."

Tôi cảm thấy chúng tôi đang ở đâu đó gần với tâm điểm vấn đề, nhưng tôi không chắc chúng tôi đang đến gần hơn. Đó dường như cũng là tâm tư của Carson.

Ông nói, “Nói đúng ra, Philípphê 2 không cho chúng ta biết chính xác những gì Con vĩnh cửu đã trút bỏ. Người trút bỏ chính Người; Người trở thành người vô giá trị. Một loại trút bỏ đang được nói đến ở đây, nhưng chúng ta hãy thẳng thắn - ông đang nói về Nhập thể, một trong những mầu nhiệm trung tâm của đức tin Kitô giáo.

“Ông đang bàn tới Tinh thần vô hình thức, vô thân xác, toàn tri, có mặt khắp nơi, toàn năng và các tạo vật hữu hạn, có thể chạm vào được, vật lý, ràng buộc về thời gian. Việc thể này trở thành thể kia chắc chắn buộc ông phải thừa nhận mầu nhiệm.

"Vì vậy, một phần của thần học Kitô giáo là quan tâm không phải tới việc 'giải thích nhằm bác bỏ tất cả cho xong' nhưng với việc cố gắng lấy bằng chứng kinh thánh và, nhờ giữ lại tất cả bằng chứng này một cách hợp tình hợp lý, tìm cách tổng hợp một cách mạch lạc hợp lý, ngay cả khi chúng không giải thích được hết."

Đó là một cách tinh vi để nói rằng các nhà thần học có thể tiến đến chỗ đưa ra những lời giải thích có vẻ hợp lý, mặc dù họ có thể không giải thích được mọi sắc thái về Nhập thể. Một cách nào đó, điều này có vẻ hợp lý. Nếu Nhập thể là sự thật, thì không có gì đáng ngạc nhiên khi những bộ óc hữu hạn không thể hoàn toàn hiểu được nó.

Đối với tôi, dường như một loại tự nguyện "trút bỏ" việc sử dụng độc lập các thuộc tính của Chúa Giêsu là hợp lý trong việc giải thích tại sao Người thường không bày tỏ thuộc tính “toàn”: toàn trí, toàn năng, và toàn hiện diện - trong sự hiện hữu ở trần thế của Người, mặc dù Tân Ước tuyên bố rõ ràng rằng tất cả những phẩm tính tối hậu đều đúng với Người.

Tuy nhiên, đó chỉ là một phần của vấn đề. Tôi lật sang trang tiếp theo trong các ghi chú của mình và bắt đầu một dòng câu hỏi khác về một số đoạn Kinh thánh chuyên biệt dường như mâu thuẫn trực tiếp với lời khẳng định của Chúa Giêsu rằng Người là Thiên Chúa.

Còn 1 kỳ