Theo bản tin ngày 4 tháng 5 của Edward Pentin trên National Catholic Register, Mục sư Thệ phản của nhà thờ Đức nơi Martin Luther thuyết giảng và được gọi là “nhà thờ mẹ của Cải cách” đã cảnh cáo rằng Con đường Đồng nghị của Giáo Hội Công Giáo Đức là “con đường sai lầm” đang “áp đặt việc thệ phản hóa lên Giáo Hội Công Giáo”.



Trong một lá thư gửi vào dịp Lễ Phục sinh tới nguyệt san Vatican Magazin của Đức, Mục sư Alexander Garth của nhà thờ St. Mary ở Wittenberg cho biết ông đang quan sát “một cách quan tâm” cả Con đường Đồng nghị lẫn Maria 2.0, một phong trào với những mục tiêu tương tự.

Ông viết: “Việc dân chủ hóa một Giáo Hội quốc gia luôn có nghĩa một Kitô giáo theo chủ nghĩa dân túy, duy tối thiểu, trở thành tiêu chuẩn giáo hội, dẫn đến việc toàn bộ Giáo Hội bị coi thường và Tin mừng bị loãng đi.

Mục sư Garth tin rằng những “nhà cải cách” như vậy trong Giáo Hội Công Giáo nên trở thành Thệ phản vì trong các Giáo hội Thệ phản “bạn sẽ tìm thấy mọi thứ mà bạn đang đấu tranh cho: nữ linh mục, hiến pháp đồng nghị, mục sư kết hôn, chủ nghĩa duy nữ”.

Nhưng ông cảnh cáo rằng "tình trạng tinh thần và thể chất của Giáo hội Thệ phản còn tồi tệ hơn nhiều, và hậu quả của việc tục hóa vẫn còn tàn khốc hơn trong Giáo Hội Công Giáo".

Giáo Hội Công Giáo ở Đức đã đi được hơn nửa chặng đường của Con đường Đồng nghị đầy tranh cãi trong 2 năm của mình, dự kiến sẽ kết thúc vào tháng 2 năm 2022.

Những người ủng hộ nó, bao gồm hầu hết các giám mục của Đức, coi đây là con đường cần thiết để cải tổ Giáo hội sau cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục. Nhưng những người chỉ trích con đường này nói rằng nó có nguy cơ phá hoại cấu trúc phẩm trật, thẩm quyền và giáo huấn luân lý của Giáo hội, có thể dẫn đến ly giáo.

Maria 2.0, một phong trào giáo dân của phụ nữ Đức được thành lập vào năm 2019 để đối phó với cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục, nhằm nhổ tận gốc điều các thành viên của nó coi là phân biệt giới tính trong Giáo hội và giống như các khía cạnh của Con đường Đồng nghị, cổ vũ việc phong chức linh mục cho phụ nữ và chấm dứt việc độc thân của linh mục. Hai người sáng lập của nó đã chính thức rời khỏi Giáo Hội Công Giáo vào tháng trước.

Mục sư Garth, người tự mô tả mình trong bức thư “như một người Thệ phản có trái tim Công Giáo và là mục sư trên bục giảng của Martin Luther,” cho biết ông coi việc Thệ phản hóa Giáo Hội Công Giáo “là một điều bất hạnh lớn, vì thế giới này cần khuôn mạo Công Giáo của nền linh đạo Công Giáo, với lòng trung thành với Đức Giáo Hoàng, lòng sùng kính Đức Mẹ, và gương các thánh của Giáo hội”.

Ông nói thêm, thế giới Kitô giáo, “cần bản sắc Công Giáo, vì sẽ là một mất mát lớn đối với thế giới Kitô giáo nếu màu sắc đức tin Công Giáo mất đi cường độ của nó”.

Ông cũng nhắc lại tiền lệ của một con đường đồng nghị của Thệ phản thời Đệ Tam Đế chế, con đường, theo ông, dẫn đến việc đa số theo Quốc xã trong các hội đồng đó “làm ô nhiễm, biến thái và làm tê liệt về tinh thần toàn bộ giáo hội bằng con quỷ Quốc xã”.

Mục sư Garth nói, Giáo hội Thệ phản ở Đệ tam Đế chế, là một câu chuyện “phản bội Đức tin” với “ngoại lệ chói sáng” là Dietrich Bonhoeffer, vị mục sư của giáo phái Luthêrô bị hành quyết vào năm 1945 vì vai trò của ông trong âm mưu giết Adolf Hitler.

Wittenberg có mối quan hệ chặt chẽ với Luther, là trụ sở của Nhà thờ All Saints, trên cánh cửa nhà thờ này, đan sĩ dòng Augustinô là Martin Luther, đã ghim đinh 95 luận đề nổi tiếng của ông báo hiệu sự khởi đầu của cuộc Cải cách Thệ phản. Ông cũng dạy thần học tại trường đại học của thị trấn.

Nhà thờ Thánh Maria ở Wittenberg, còn được gọi là “Stadtkirche,” không những nổi tiếng với bục giảng mà từ đó, Luther và nhà đồng cải cách, Johannes Bugenhagen, đã thuyết giảng trong nhiều năm vào thế kỷ 16, mà còn là nhà thờ đầu tiên trên thế giới tổ chức các phụng vụ Thệ phản và là nhà thờ đầu tiên tổ chức các nghi lễ bằng tiếng Đức chứ không phải tiếng Latinh.