Con đường đồng nghị của Đức bị chính các giáo phẩm Đức cực lực phê phán. Theo Catholic News Service, trong bản tin ngày 25 tháng 5, Đức Hồng Y Rainer Maria Woelki của Cologne phê phán tiêu chuẩn thần học của một số tài liệu làm việc của Con Đường này, gọi nó là thiếu khả năng. Ngài nói: “cả thế giới hiện đang chăm chú nhìn vào Giáo Hội tại Đức và Con Đường Đồng Nghị này, nên một cách đơn giản, chúng ta không thể để mình bị xấu hổ về phương diện thần học vì sự thiếu khả năng này”.



Ngài thúc giục các nhà thần học bên trong và bên ngoài Con Đường Đồng Nghị nên can dự vào cuộc tranh luận. Ngài cũng hy vọng rằng diễn trình này sẽ thành công trong việc “khởi diễn cuộc cải tổ đích thực, một điều nhất định đang rất cần trong Giáo Hội”.

Nhưng cuộc cải tổ này phải “sửa lại mọi biểu hiện và thực tại từng dẫn người ta ra ngoài bản chất của Giáo Hội”. Phải hiểu Giáo Hội không như “một thực thể hoàn toàn có tính xã hội” mà phải như “công trình của Thiên Chúa. Mục tiêu của bất cứ cải tổ Giáo Hội nào cũng phải dẫn người ta tới Chúa Kitô và sứ điệp của Người”.

Ngài nhấn mạnh rằng nhiều người Công Giáo hiện nay không còn biết “Chúa Kitô là ai, Giáo Hội của Người là gì... bí tích là chi, cơ cấu bí tích của Giáo Hội là gì”.

Ngài nói thẳng điều tệ hại sẽ diễn ra nếu “một điều gì đó giống như một Giáo Hội quốc gia được tạo dựng ở đây”.

Đó chính là âu lo của Đức Tổng Giám Mục Aquila của tổng giáo phận Denver, Hoa Kỳ. Theo John Lavender của CruxNow, trong bản tin ngày 27 tháng 5, Đức Tổng Giám Mục Denver đã công bố một lá thư dài 15 trang tựa là “A Response to ‘Forum I” of the German Catholic Synodal Path: An Open Letter to the Catholic Bishops of the World” [Trả lời ‘Diễn Đàn I’ của Con Đường Đồng Nghị Đức: Thư ngỏ kính gửi Các Giám Mục Công Giáo Thế Giới] đề cập đến những điều được ngài coi như các đề nghị “cấp tiến” của con đường này, nhằm bàn tới việc dân chủ hóa việc bầu các Giám Mục, phong chức cho nữ giới, bãi bỏ luật độc thân linh mục...

Về việc phong chức cho phụ nữ, Đức Tổng Giám Mục Aquila cho hay Con Đường Đồng Nghị vừa hiểu phiến diện và đầy thiên kiến về nguồn gốc và bản chất thừa tác vụ thụ phong, vừa khai thác một lối giải thích đầy tính lọc lựa và sai lạc các văn kiện của Vatican II về bản chất Giáo Hội và tương quan của Giáo Hội với thế giới và việc Giáo Hội xây nền trên mạc khải Thiên Chúa.

Sai lầm khác của Con Đường Đồng Nghị là đề nghị thay đổi cơ cấu phẩm trật của Giáo Hội. Theo Đức Tổng Giám Mục Aquila, Con Đường Đồng Nghị đòi cải tổ việc thi hành quyền lực “bằng cách phân tán nó qua hệ thống kiểm soát và cân bằng”... Ngài cho rằng cải tổ kiểu này chỉ nhằm phục vụ tư lợi, chứ không hề đặt cơ sở trên các hồng ơn và ý muốn minh nhiên của Chúa Giêsu. Vì, theo Vatican II, cơ cấu phẩm trật của Giáo Hội là “ý hướng tỏ tường của Chúa Giêsu Kitô và Chúa Thánh Thần... Nên Giáo Hội, ở Đức hay ở bất cứ đâu, không có năng quyền thay đổi nó”.

Lời Đức Tổng Giám Mục Aquila: “Đọc Bản Văn Nền Tảng một cách chăm chú trong toàn bộ của nó cho thấy khó có thể không kết luận rằng Con Đường Đồng Nghị hy vọng tạo ra một Giáo Hội, thay vì sẵn sàng chịu bị thế gian khinh khi vì đã trung thành với Chúa Kitô, sẽ trổi vượt trong việc bị thế gian đặt điều kiện và được nó chấp nhận một cách thoải mái như một định chế đáng kính giữa các định chế khác”

Đức Tổng Giám Mục Aquila cho rằng dù tác dụng tài chánh đối với Giáo Hội quả có nặng nề, nhưng nó không thể là động lực đệ nhất đẳng đòi phải cải tổ.

Ngài đặt một số câu hỏi cho các Giám Mục thế giới: “Chúng ta có sẵn lòng nói về Thập Giá không? Chúng ta có can đảm bước theo đường Thập Giá, chịu sự khinh khi của thế gian vì sứ điệp Tin Mừng không? Chúng ta có chịu lắng nghe lời kêu gọi thống hối của Chúa Giêsu Kitô, và có can đảm làm nó vang vọng tới thế gian bất tín không?”

Trong khi đó, viết trên First Things ngày 26 tháng 5, Francis X. Maier, chuyên viên nghiên cứu cao cấp tại Trung Tâm Đạo Đức Học và Chính Sách Công, cho hay trước khi cho công bố lá thư, Đức Tổng Giám Mục Aquila đã đệ trình nó lên Đức Giáo Hoàng Phanxicô.

Theo Maier đây không phải là lá thư đọc cho vui mà “có một mục đích nghiêm túc hơn: một tháo dỡ có phương pháp và thấu đáo các sai lạc của diễn trình đồng nghị Đức. Bản văn là một bài phê phán thần học có mạch lạc và đích nhắm. Nó đặt cơ sở sâu rộng trong Kinh Thánh, Vatican II và giáo huấn thường hằng của Giáo Hội. Và trong khi có giọng tôn kính một cách nghiêm ngặt, nội dung của nó quả kết án nặng nề”.

Theo Maier, Đức Tổng Giám Mục Aquila liệt kê khá nhiều đề nghị đòi thay đổi triệt để cơ cấu Giáo Hội của Con Đường Đồng Nghị:

"... Dù cho rằng mình dựa vào Công đồng Vatican II, Con đường Đồng nghị khai thác lối giải thích có tính lọc lựa và sai lạc các văn kiện của công đồng để đưa ra những quan điểm không vững vàng về bản chất của Giáo hội (Lumen Gentium), mối liên hệ của Giáo hội với thế giới (Gaudium et Spes), và việc Giáo Hội đặt nền tảng trên mạc khải Thiên Chúa (Dei Verbum), những quan điểm không thể nào đứng vững khi đọc công đồng cách trọn vẹn. Kết quả là một viễn kiến về Giáo hội có nguy cơ bác bỏ Đấng duy nhất có ‘những lời ban sự sống đời đời’ (Ga 6:68)”.

Và ở chỗ khác, “... Cách tiếp cận được [Bản Văn bản Nền tảng của Con Đường Đồng Nghị] chấp nhận dường như được tính toán để làm suy yếu đặc tính dứt khoát và vĩnh viễn của Bí tích Truyền chức thánh... [và] cho thấy một lượng tham chiếu quá ít ỏi đến ngỡ ngàng các sách Tin Mừng, những sách, theo Dei Verbum số 18, ‘làm chứng chính cho đời sống và việc giảng dạy của Ngôi Lời nhập thể, Đấng cứu rỗi của chúng ta’".

Và ở chỗ khác nữa, ngài viết: “... Bản Văn Nền Tảng giả định rằng cách tốt nhất hoặc duy nhất để cải tổ việc thực thi quyền lực [trong Giáo hội] là phân tán nó qua một hệ thống kiểm soát và cân bằng. Những giả định đằng sau một hệ thống như vậy rất đáng được đưa ra ánh sáng. Các giáo sĩ và giáo dân là các thành viên của Thân thể duy nhất của Chúa Kitô, tìm kiếm cùng một ích chung là sự cứu rỗi đời đời, hay họ là những nhóm lợi ích riêng biệt, cần theo đuổi các nghị trình riêng của họ để cạnh tranh với nhau? Quyền lực có luôn luôn là vấn đề tìm kiếm bản thân, hay nó có thể được thanh tẩy bởi ơn thánh Thiên Chúa trong Chúa Kitô? Thay vì đưa ra lời hiệu triệu nên thánh, như được đề xuất bởi Công đồng Vatican II (Lumen Gentium, số 5) và được Đức Giáo Hoàng Phanxicô củng cố trong Tông huấn Gaudete et Exsultate, bản văn này nại tới những mô hình thế gian không được định hình bởi Chúa Kitô hoặc được hướng dẫn bởi Chúa Thánh Thần".

Và cuối cùng, về cái giá không thể tránh của đời sống Kitô hữu Công Giáo chân chính:

“... Bản văn Nền tảng hầu như không cho thấy một sự đánh giá cao nào về việc các đòi hỏi chuyên biệt của Tin Mừng, như đã được Giáo hội công bố trong đức tin và đức ái, có thể và quả đã cổ vũ ra sao sự đối nghịch gay gắt mà Tân ước luôn đặt ra giữa tinh thần thế gian và lòng trung thành với Chúa Giêsu Kitô. Hơn nữa, bản văn bỏ qua cái giá phải trả của việc làm môn đệ như Chúa Kitô đã trình bày rõ trong Tin mừng”.

Cuối cùng, lá thư của Đức Tổng Giám Mục Aquila nhận định, Con Đường Đồng Nghị Đức “hình dung lại vai trò của Huấn quyền Giáo hội,” giản lược nó thành một cơ quan “phối hợp đối thoại”.

Như thế, Bản văn Nền tảng từ đầu đến cuối có đặc điểm của “một thuyết duy tương đối minh nhiên và triệt để về tín lý”. Kết quả là, “Hội nghị Con Đường Đồng Nghị khiến chúng ta tự hỏi: Thiên Chúa nói với hay không nói với dân Người?”.

Theo Maier, một lá thư như của Đức Tổng Giám Mục Aquila, nghĩa là của một giám mục hoặc các giám mục ở một quốc gia gửi cho một giám mục hoặc các giám mục ở một quốc gia khác, hầu như không phải là điều mới lạ trong lịch sử Giáo hội. Hợp đoàn giám mục dù sao cũng mang tính hoàn cầu, và các phương tiện thông tin đại chúng và truyền thông nhanh chóng ngày nay có nghĩa là “những gì xảy ra ở Đức” chắc chắn, và nhanh chóng, sẽ như diều gặp gió bay tới Denver, Nairobi, Calcutta và mọi nơi khác trên hành tinh với kết nối internet. Luther có máy in. Ngày nay, ta có mạng lưới hoàn cầu.