Theo phân tích của Ed. Condon trên The Pillar ngày 2 tháng 6, bao gồm trong các dự liệu của Quyển VI Bộ Giáo luật vừa được Đức Phanxicô ký ban hành, có một tội phạm mới, được phác thảo một cách minh nhiên hơn về mưu toan phong chức cho phụ nữ, một điều rõ ràng nhắm vào Giáo Hội Đức.



Thực thế, điều 1379 mới dự liệu rằng “cả người mưu toan phong chức thánh cho một phụ nữ lẫn người phụ nữ mưu toan lãnh nhận chức thánh, đều bị tuyệt thông tiền kết dành riêng cho Tòa Thánh” và người mưu toan phong chức cho một phụ nữ “có thể bị phạt loại trừ khỏi bậc giáo sĩ”.

Nói đúng ra, dù đây không phải là một sự đổi mới trong luật lệ, nhưng nó làm minh nhiên những gì trước đây chỉ được ngụ ý bằng một điều luật khái quát hơn nhiều, và không để một lỗ hổng tiềm ẩn nào về ngôn ngữ có thể bị tranh luận bởi một người nào đó đang mưu toan phong chức cho một phụ nữ ở bất cứ cấp nào.

Phiên bản trước của giáo luật dự liệu hình phạt tuyệt thông cho "một người giả bộ [simulate] ban một bí tích" Điều này bao gồm một linh mục hoặc giám mục cố ý cử hành một bí tích bằng một chất thể (matter) không hợp lệ, thí dụ, mưu toan truyền chức cho một phụ nữ, vì chất thể hợp lệ để truyền chức đúng bí tích là một người đàn ông đã được rửa tội.

Trong Con Đường Đồng Nghị hiện được các giám mục Đức hợp tác với Ủy ban Trung ương của người Công Giáo Đức theo đuổi, những người tham gia và các nhóm làm việc đã nhiều lần kêu gọi thay đổi giáo huấn và thực hành của Giáo hội hoàn vũ.

Trong số các thay đổi được kêu gọi thường xuyên nhất là việc chúc phúc cho các cặp đồng tính trong nhà thờ, và việc truyền chức cho phụ nữ, trước tiên lãnh chức phó tế và cuối cùng lãnh chức linh mục.

Đầu năm nay, Bộ Giáo lý Đức tin của Vatican đã đưa ra câu trả lời cho câu hỏi về việc chúc phúc cho các mối liên hệ đồng tính, minh nhiên phán quyết rằng việc này là việc bất khả hữu và bị cấm. Vào tháng trước, đáp lại, các giáo sĩ khắp nước Đức đã tổ chức một ngày "chúc phúc" cho hàng trăm cuộc kết hợp đồng tính, công khai thách thức Rôma.

Một số người ở Rôma lo ngại rằng sau khi kết thúc Con Đường Đồng Nghị Đức, một hoặc nhiều giám mục có thể mưu toan thực hiện một thủ đoạn tương tự bằng cách cố gắng phong một phụ nữ làm phó tế và bất chấp Rôma khi thực hiện điều này, một động thái mà luật sửa đổi dường như đã loại trừ.

Ngoài diễn trình đồng nghị Đức, cuộc tranh luận về khả thể phong phụ nữ làm phó tế đã xuất hiện nhiều lần trong thập niên qua. Năm 2016, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã thành lập một ủy ban tại Bộ Giáo lý Đức tin để khảo sát vai trò lịch sử của “các nữ phó tế” trong Giáo hội sơ khai. Mặc dù ủy ban đó không phát hiện được điều gì để kết luận, nhưng chính Đức Phanxicô nhận định rằng vai trò lịch sử ấy, nếu có, không giống với việc truyền chức có tính bí tích, nhưng, trong nhiều trường hợp, gần hơn với vai trò của một nữ đan viện trưởng.

Vấn đề lại xuất hiện một lần nữa trong Thượng hội đồng về vùng Amazon, với tài liệu cuối cùng của Thượng hội đồng yêu cầu xem xét lại vấn đề, điều mà Đức Giáo Hoàng đã đồng ý.

Trong khi đó, Giáo hội đã nhiều lần tuyên bố rằng việc dành truyền chức linh mục cho riêng nam giới là một chức năng của thiên luật, và nằm ngoài quyền hạn thay đổi hoặc loại bỏ của Giáo hội.

Một số nhà thần học và giám mục đã lập luận rằng, vì các phó tế không có năng quyền thừa tác vụ bí tích ngoài năng quyền chung của mọi tín hữu, nên việc truyền chức phó tế cho phụ nữ sẽ không trực tiếp thách thức giáo huấn này.

Tuy nhiên, các nhà thần học khác, những người vốn chấp nhận giáo huấn đã ổn định của Giáo hội, nhấn mạnh rằng chỉ có một bí tích truyền chức thánh trong Giáo hội, chung cho phó tế, linh mục và giám mục, với mỗi cấp giáo sĩ lãnh nhận sự trọn vẹn hơn của chức thánh. Họ lập luận rằng giáo huấn của Giáo hội loại trừ phụ nữ khỏi việc truyền chức bí tích, áp dụng cho cả ba cấp vì bản chất yếu tính của bí tích không thể bị phân chia.

Cách diễn đạt trước đó của giáo luật, được Đức Giáo Hoàng thay thế vào hôm thứ Ba, cung cấp điều mà một số người lập luận là một kẽ hở phản ảnh cuộc tranh luận này.

Thực vậy, điều 1379 trước đây dự liệu hình phạt tuyệt thông đối với “một người giả bộ ban một bí tích”.

Giả bộ [simulate] một bí tích nghĩa là hữu ý và cố ý mưu toan thực hiện một bí tích theo cách có thể khiến nó không thể hoặc không thành sự, đồng thời khiến người khác tin rằng nó thành sự.

Trong trường hợp bí tích truyền chức thánh, chất thể có tính yếu tính để thành sự là một người đàn ông đã được rửa tội và do đó, mưu toan phong chức cho một phụ nữ sẽ không thành sự. Trước đây, người ta vốn viện dẫn điều luật này để mưu toan truyền chức linh mục cho phụ nữ. Họ cho rằng người phụ nữ không nhất thiết phải là chất thể “không hợp lệ” khi chỉ lãnh nhận chức phó tế, và do đó, việc truyền chức - dù vi phạm rõ ràng kỷ luật của Giáo hội - có thể được lập luận là thành sự, hoặc ít nhất được thực hiện với niềm tin rằng nó thành sự...

Cách diễn đạt mới của điều luật dường như vừa loại trừ lập luận trên vừa là một phương tiện làm cho lập luận đó trở thành vô hiệu.

Bản văn mới nêu rõ, “Cả người mưu toan phong chức thánh cho một phụ nữ lẫn người phụ nữ mưu toan lãnh nhận chức thánh, đều bị tuyệt thông tiền kết dành riêng cho Tòa Thánh”.

Việc sử dụng thuật ngữ “mưu toan” nhấn mạnh rằng chính hành động, tức việc phong chức, không cần được hoàn tất, chỉ là mưu toan, vì nó sẽ không bao giờ thành sự. Cũng cần lưu ý là việc sử dụng thuật ngữ “một chức thánh” bao gồm tất cả ba cấp của chức thánh, kể cả chức phó tế.

Nếu một giáo sĩ Đức mưu toan tấn phong một phụ nữ làm phó tế bất chấp Rôma, như nhiều người đã làm trong nghi thức chúc phúc hàng loạt các cặp đồng tính, họ sẽ tự động bị vạ tuyệt thông - trong khi Rôma sẽ phải tuyên bố hình phạt một cách chính thức để trọn các hậu quả pháp lý được áp dụng đối với người mưu toan phong chức, điều này, trên thực tế, chỉ là một tuyên bố về sự kiện chứ không phải là một xác định pháp lý hoặc thần học về những gì đã xảy ra, với các lập luận đưa ra để ủng hộ và chống lại.

Trong nhiều lần tiếp xúc qua lại với Rôma về tiến trình của Con Đường Đồng nghị của họ, các giám mục Đức đã phát triển một chiến thuật rõ ràng là chủ yếu phớt lờ mệnh lệnh của Rôma khi được yêu cầu không nên làm một điều gì đó.

Mưu tính của họ, phần lớn thành công ở điểm trên, là tiếp tục và thách thức Vatican can thiệp và do đó, kích động sự phân ly có thể xảy ra giữa Giáo hội ở Đức và Rôma. Việc duyệt lại điều 1379 vạch ra một ranh giới rõ ràng, trong đó, kể từ nay, người Đức được cho biết điều gì sẽ xảy ra nếu họ mưu toan tiến hành việc phong chức phó tế cho phụ nữ, và, qua việc dự liệu để vạ tuyệt thông ở trạng thái tiền kết, thực tế, đã đặt trách nhiệm của họ trước sự kiện.

Nếu thông điệp đó vẫn chưa đủ rõ ràng, điều luật kết thúc bằng cách cảnh cáo rằng các giáo sĩ - bao gồm các giám mục - cũng có thể "bị trừng phạt bằng cách bị sa thải khỏi bậc giáo sĩ".