Gần đây, Đức Hồng Y Cupich của Chicago, Mỹ, được dư luận chú ý qua việc lớn tiếng phản đối Đức Tổng Giám Mục Gomez, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ trong việc phê phán tân Tổng Thống Mỹ Joe Biden vào ngay ngày nhậm chức của ông ta, và liền sau đó, bay qua Rôma và được Đức Giáo Hoàng Phanxicô tiếp kiến riêng.
Viết trên tờ National Catholic Register ngày 5 tháng 2, 2021, Cha Raymond de Souza trích lời ký giả Gerard O’Connell của Tạp chí America, cho hay: mục đích của gặp gỡ công khai trên là để chứng tỏ rằng Đức Hồng Y Cupich là người của Giáo hoàng ở Hoa Kỳ, còn Tổng giám mục Gomez thì nằm ngoài các ưu tiên của ngài.
Cha Raymond de Souza, trong bài báo trên, cho rằng: Tất cả các vị giáo hoàng đều có người các ngài ưu ái (favoutires) ở Mỹ. Tuy nhiên, trích dẫn lời Joan Frawley Desmond (‘Ill-Considered’? Cardinal Cupich’s Tweets Get Few ‘Likes’ Among Bishops| National Catholic Register [ncregister.com]), cha cho rằng Đức Hồng Y Cupich đã không tỏ ra đặc biệt thành công trong việc thuyết phục các giám mục anh em của mình.
Đúng vậy, Desmond minh họa rằng Đức Hồng Y Cupich luôn là một loại người đứng ở bên ngoài (outlier) và ngay cả sau sáu năm ở Chicago, ngài vẫn như vậy.
Cha de Souza nghĩ rằng ta nên xem xét tình hình hiện tại của Đức Hồng Y Cupich trong một bối cảnh rộng lớn hơn.
Đầu tiên, “người của Giáo hoàng” có nghĩa gì ở một quốc gia nào đó. Thứ hai, theo quan điểm của Đức Tổng Giám Mục Gomez, việc bị coi nằm ngoài các ưu tiên của Đức Giáo Hoàng có nghĩa gì.
Chọn Người của Giáo hoàng
Khi Đức Cha Blase Cupich được bổ nhiệm từ Spokane về Chicago vào năm 2014, trái với nhiều kỳ vọng, người ta đã công nhận rộng rãi rằng, 18 tháng sau khi đắc cử, Đức Thánh Cha Phanxicô đã sử dụng việc ngài bổ nhiệm chức vụ quan trọng đầu tiên để đưa ra đường hướng mới cho Giáo hội tại Hoa Kỳ. Đó không những là đặc quyền của Đức Giáo Hoàng, mà còn là điều được người ta mong đợi nữa. Tại một đất nước rộng lớn và phức tạp, Đức Thánh Cha cần một người thụ ủy (proxy) tại địa phương, có thể nói, để phản ảnh và làm chứng cho các ưu tiên của ngài.
Có lẽ điển hình rõ ràng nhất của điều trên là việc Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nâng Giám mục John O’Connor từ Scranton, Pennsylvania về New York vào năm 1984.
Xuất thân từ nghiệp tuyên úy quân đội, Đức Hồng Y O’Connor chỉ mới ở Scranton được bảy tháng khi Đức Gioan Phaolô chọn ngài cho tòa nổi bật nhất trong nước.
Nói một cách ngắn gọn, Đức Hồng Y O’Connor đã trở thành điển hình của giám mục Gioan Phaolô ở Hoa Kỳ - ngay cả đôi khi điều đó khiến ngài đối nghịch với ban lãnh đạo của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ. Vì vậy, hoàn toàn không có gì là mới lạ hay thậm chí rắc rối, khi
Đức Hồng Y Cupich, giám mục của Đức Phanxicô, thấy mình ở trong một tình huống tương tự.
Câu hỏi liên quan hơn là liệu Đức Hồng Y Cupich có hữu hiệu trong vai tuồng của ngài như Hồng Y O’Connor hay không. Có vẻ như không, theo các lời phàn nàn của chính Đức Hồng Y Cupich về việc ngài không gây được ảnh hưởng.
Đó có thể là lý do tại sao có báo cáo suy đoán rằng cuộc gặp gỡ của Đức Hồng Y Cupich với Đức Giáo Hoàng Phanxicô là về việc ngài được trao một chức vụ có ảnh hưởng ở Vatican - có lẽ là tổng trưởng Bộ Giám mục. Nếu người của giáo hoàng ở Mỹ không hoàn thành tốt được công việc giao phó, thì có lẽ tốt hơn nên là người xử lý công việc cho Đức Giáo Hoàng tại Rôma.
Các vị giáo hoàng bổ nhiệm rất nhiều giám mục. Trong 27 năm, Đức Gioan Phaolô đã bổ nhiệm hầu hết mọi vị. Nhưng chỉ một số có thể nói là nắm được yếu tính chương trình của triều giáo hoàng và đó là lý do tại sao các vị quan trọng, cũng như các thành công hay thất bại của các vị. Cùng với O’Connor ở New York, Đức Gioan Phaolô còn có Hồng Y Jean-Marie Lustiger ở Paris - cũng được thăng chức sau một nhiệm kỳ ngắn ngủi ở một giáo phận nhỏ - Hồng Y Camillo Ruini ở Rome và Hồng Y George Pell, đầu tiên ở Melbourne và sau đó ở Sydney. Những vị giáo phẩm này nhất định đã làm thay đổi hẳn nền văn hóa giáo hội ở các quốc gia liên hệ của các vị.
Từ O’Connor / Neuhaus đến Cupich / Martin
Tại Hoa Kỳ, một số giáo phẩm nắm được yếu tính của một triều giáo hoàng. Hồng Y Cupich là của Đức Giáo Hoàng Phanxicô y như Hồng Y O’Connor là của Đức Gioan Phaolô và Hồng Y Francis George là của Đức Bênêđictô XVI. Đó không phải là vấn đề chức vụ cho bằng thế giá tinh thần, kỹ năng lãnh đạo, chiều sâu thần học, sức lôi cuốn, trí thông minh và lòng quý trọng, toàn là những điều phải giành được chứ không phải do một mình chức vụ mà có được.
Đức Gioan Phaolô không cần phải bơm hơi cho Đức Hồng Y O'Connor, một mục tử anh hùng và là nhân chứng phò sinh, bằng những cuộc yết kiến đặc biệt, và Đức Bênêđíctô cũng không cần dành sự ưu ái đặc biệt cho dự án tin mừng hóa nền văn hóa của Đức Hồng Y George, với ưu tiên dành cho sự thật và vẻ đẹp.
Điều đó cũng có thể được mở rộng cho các nhà giải thích nổi tiếng. Trong số các linh mục, Cha Richard John Neuhaus là nhà giải thích có ảnh hưởng và là nhà trí thức bênh vực Đức Gioan Phaolô. Cha Robert Barron lúc đó cũng làm y như vậy với Đức Bênêđíctô. Đối với Đức Giáo Hoàng Phanxicô, vai trò đó đã rơi vào tay Linh mục Dòng Tên James Martin.
Sự thất vọng của Đức Hồng Y Cupich đối với lễ nhậm chức có thể một phần là do việc vận động của cặp Cupich / Martin cho các ưu tiên mục vụ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô vẫn chưa có được tác động như O’Connor / Neuhaus và George / Barron. Cả Đức Hồng Y Cupich và Cha Martin đều đã được mời tiếp kiến cách trang trọng với Đức Giáo Hoàng Phanxicô để hỗ trợ họ trong công việc; câu hỏi đặt ra là liệu Đức Thánh Cha có hài lòng với kết quả đầu tư mà ngài đã thực hiện nơi họ hay không.
Nằm ngoài với Rome?
Theo O’Connell, buổi tiếp kiến của Đức Hồng Y Cupich ở Rôma, là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy sự mất ưu ái của Đức Giáo Hoàng với Đức Tổng Giám Mục Gomez. Đức Tổng Giám Mục Gomez nên nghĩ gì về điều này?
Bất cứ nghĩ gì, ngài cũng đã quen với nó rồi. Tổng giám mục Los Angeles, người Mỹ gốc Mexico đầu tiên đứng đầu giáo phận lớn nhất tại Hoa Kỳ và là người đầu tiên đề xướng khắp hoàn cầu hai ưu tiên song đôi của Đức Phanxicô là phò sinh và nhập cư, đã bị làm ngơ mũ Hồng Y quá nhiều lần đến nỗi cả thế giới đều biết rằng Đức Thánh Cha không ưu ái ngài. Khi những chiếc mũ màu đỏ được trao cho một số giám mục mà toàn bộ giáo phận nhỏ hơn một giáo xứ ở Los Angeles, tín hiệu quả là rõ ràng. Việc chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ không được Đức Thánh Cha ưu ái không phải là chuyện mới lạ; mới lạ là việc các giám mục Hoa Kỳ đã chọn ngài làm nhà lãnh đạo của họ mặc dù biết điều đó.
Trong một bối cảnh rộng hơn, điều hoàn toàn bình thường khi các giám mục can đảm và đáng ngưỡng mộ ở các vùng khác nhau trên thế giới thấy mình nằm ngoài các ưu tiên của Đức Giáo Hoàng Phanxicô.
Trong nhiều năm, khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô thích dấn thân, dù không có kết quả, vào việc đối thoại với các chế độ chuyên chế ở Nga / Ukraine, Venezuela và Trung Quốc, các giám mục địa phương vốn đã là những người đã đưa ra quan điểm phê phán, thách thức và can đảm hơn.
Khi Chủ tịch Tập ở Bắc Kinh nhận được những lời chỉ trích nặng nề từ Đức Hồng Y Joseph Zen ở Hồng Kông và Đức Hồng Y Charles Maung Bo của Myanmar, ông biết rằng mình có thể tin tưởng vào sự im lặng bù trừ từ Rôma. Khi Tổng thống Vladimir Putin phải đối mặt với sự phản kháng từ cả Công Giáo và Chính thống giáo ở Ukraine vì cuộc xâm lược của mình, ông biết rằng một sự tiếp đón thân thiện đang chờ đợi ông tại Vatican. Khi Hồng Y Jorge Urosa và Hồng Y Baltazar Porras tố cáo sự tàn bạo gây chết đói của chế độ Maduro ở Venezuela, chính Maduro đã kêu gọi các ngài hãy lắng nghe những lời dịu dàng hơn của Đức Giáo Hoàng Phanxicô.
Tổng thống Joe Biden không phải là người đứng đầu độc đoán của một chế độ xấu xa, nhưng động lực của ông cũng không hoàn toàn khác. Khi chính sách phá thai triệt để của ông vấp phải sự chỉ trích từ các giám mục Hoa Kỳ, đứng đầu là Đức Tổng Giám Mục Gomez, ông tìm đến Đức Thánh Cha để đỡ đạn. Đó là lý do tại sao ông ta đặt một bức ảnh của Đức Giáo Hoàng Phanxicô cùng với các bức ảnh gia đình sau bàn làm việc của mình trong Phòng Bầu dục, ngay cả khi ông ký các lệnh hành pháp cổ vũ việc phá thai ở nước ngoài và hạn chế tự do tôn giáo ở trong nước.
Về mặt lịch sử, Đức Tổng Giám Mục Gomez có những bạn đồng hành rất tốt. Vị giáo sĩ vĩ đại nhất thế kỷ 20, chỉ trừ người cộng sự “đàn em” Karol Wojtyła của mình, sẽ sớm được phong chân phước, tức Đức Hồng Y Stefan Wyszynski của Warsaw, người đã chiến đấu với cộng sản trong tư cách là giáo chủ của Ba Lan trong 33 năm, 1948-1981. Ngài thấy mình mâu thuẫn với chính sách của Vatican trong phần lớn thời gian đó. Đầu tiên, dưới thời Đấng Đáng Kính Piô XII, khi các viên chức cao cấp của Rôma cho rằng ngài quá thỏa hiệp, và sau đó, dưới thời Thánh Phaolô VI, khi Vatican cho rằng ngài không thỏa hiệp đủ.
Cha de Souza kết luận rằng: Sự ưu ái của Đức Giáo Hoàng không tương đương với sự lãnh đạo mục vụ khôn ngoan.