Theo bản tin của tờ The Pillar ngày 25 tháng 5, một nhóm hơn 60 giám mục đã viết thư cho Đức Tổng Giám Mục Jose Gomez trong tháng này, thúc giục ban lãnh đạo Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ đình chỉ việc thảo luận về chủ đề Nhất quán Thánh Thể trong cuộc họp tháng 6 của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, bất chấp một lá thư gần đây từ Bộ Giáo lý của Vatican góp ý với các giám mục về việc tiếp tục cuộc thảo luận về vấn đề này. Cuộc thảo luận về chủ đề này đã được lên kế hoạch vào tháng 3 đúng theo thủ tục thông thường của Hội Đồng Giám Mục trong việc thiết lập các nghị trình họp hành.



Bức thư được ký bởi một số vị Hồng Y Hoa Kỳ, trong đó có Đức Hồng Y Wilton Gregory của Washington, Đức Hồng Y Blase Cupich của Chicago, và Đức Hồng Y Sean O’Malley của Boston. Đức Hồng Y Timothy Dolan của New York ban đầu là người ký vào bức thư, nhưng đã rút tên khỏi bản văn sau khi nó được gửi đi.

Bức thư kêu gọi công việc của ủy ban trong diễn trình bàn về “sự Nhất quán Thánh Thể” nên dừng lại và cuộc thảo luận đã lên kế hoạch về chủ đề này nên bị loại bỏ khỏi lịch trình của cuộc họp tháng 6 của các giám mục - trì hoãn cho đến khi có cuộc họp trực tiếp giữa các giám mục.

Một đoạn của lá thư được lưu hành giữa các giám mục để xin chữ ký, và được The Pillar thu thập từ nhiều nguồn, cho biết, “Nay, sau khi nhận được lá thư ngày 7 tháng 5 năm 2021 của Đức Hồng Y Luis F. Ladaria, SJ, Tổng Trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin, chúng tôi kính cẩn kêu gọi tất cả các cuộc thảo luận rộng rãi và công việc của ủy ban về vấn đề xứng đáng được lãnh nhận Thánh Thể và các vấn đề khác do Tòa Thánh nêu ra sẽ được hoãn lại cho đến khi toàn thể giám mục có thể gặp mặt trực tiếp”.

Bức thư ngày 7 tháng 5 của Đức Hồng Y Ladaria yêu cầu rằng "cuộc đối thoại... diễn ra giữa các giám mục để họ có thể đồng ý như một Hội đồng rằng việc ủng hộ luật lệ phò lựa chọn không phù hợp với giáo huấn Công Giáo".

Nhưng, bản văn The Pillar có được cho biết, “tiêu chuẩn cao phải đồng thuận giữa chúng ta và duy trì sự hợp nhất với Tòa Thánh và Giáo hội Hoàn vũ như Đức Hồng Y Ladaria đề ra còn lâu mới đạt được trong thời điểm hiện tại”.

Bản văn viết thêm, “Hơn nữa, vì lời khuyên sáng suốt về thần học và mục vụ của vị Tổng trưởng mở ra một con đường mới để tiến lên phía trước, chúng ta nên tận dụng cơ hội này để hình dung lại cơ cấu hợp đoàn tốt nhất nhằm đạt được điều đó”.

Tờ The Pillar xác nhận rằng bức thư được gửi tới Đức Tổng Giám Mục Gomez trên giấy có tiêu đề của Tổng giáo phận Washington. Các nguồn tin nói với tờ The Pillar rằng sáng kiến này được tổ chức chủ yếu do nỗ lực của các Đức Hồng Y Gregory và Cupich.

Một số viên chức Giáo hội nói với tờ The Pillar rằng có tới 68 giám mục giáo phận và Giám Mục Phụ Tá ban đầu đã ký vào bức thư.

Một phát ngôn viên của Tổng giáo phận New York đã xác nhận với tờ The Pillar hôm thứ Hai rằng Đức Hồng Y Dolan ban đầu đã ký vào bức thư, nhưng sau đó đã yêu cầu xóa tên ngài khỏi bức thư. Người phát ngôn từ chối trả lời các câu hỏi thêm về việc tham gia của Đức Hồng Y Dolan trong vấn đề này.

Các yêu cầu của bức thư sẽ dẫn đến sự trì hoãn nghiêm trọng các kế hoạch của hội đồng về “tính Nhất quán Thánh Thể”. Dù Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ đã lên lịch cuộc thảo luận vào tháng 6 và biểu quyết về việc có thể soạn thảo một bản văn, những người ký bức thư đã thúc giục rằng thay vào đó, “các giám mục tập trung trực tiếp theo giáo vùng hoặc theo giáo tỉnh để thảo luận về bức thư của Đức Hồng Y Ladaria trước cuộc họp của Ủy ban hành chính vào tháng 9 và trước khi bất cứ việc làm nào khác của hội đồng hoặc của ủy ban được tiếp tục về vấn đề này”.

Ban lãnh đạo Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ đã nhấn mạnh rằng bất cứ văn kiện cuối cùng nào về tính Nhất quán Thánh Thể sẽ có phạm vi rộng rãi, đề nghị các chủ đề và nguyên tắc giúp các giám mục cá thể đưa ra các quyết định mục vụ trong giáo phận của họ.

Bức thư được gửi tới Đức Tổng Giám Mục Gomez trong bối cảnh các giám mục đang có bất đồng về vấn đề chấp nhận để các chính trị gia Công Giáo phò lựa chọn được Rước lễ, và sau sự xung đột giữa Đức Hồng Y Cupich và các giám mục khác, bao gồm cả ban lãnh đạo của Hội đồng Giám mục, xoay quanh việc bắt tay với chính phủ Biden.

Vào tháng Giêng, Đức Hồng Y Cupich đã cáo buộc Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ về "những thất bại trong thể chế nội bộ" trong khi tweet chống lại tuyên bố Ngày nhậm chức của Biden do Đức Tổng Giám Mục Gomez đưa ra. Tuyên bố này cam kết các giám mục sẽ làm việc với Tổng thống Joe Biden về các lĩnh vực thỏa thuận, đồng thời chỉ ra "các tệ nạn đạo đức" trong nghị trình chính sách của chính phủ Biden về các vấn đề như phá thai, ý thức hệ phái tính và tự do tôn giáo.

Đức Hồng Y buộc tội rằng tuyên bố của Đức Tổng Giám Mục Gomez là "thiếu cân nhắc" và được đưa ra mà không tham khảo ý kiến của ủy ban hành chính của hội đồng, một điều bị ngài cáo buộc là vi phạm thông lệ của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ.

Đức Hồng Y Cupich đã tweet vào ngày 20 tháng 1, “Những thất bại nội bộ liên quan đến thể chế phải được giải quyết, và tôi mong muốn được đóng góp vào mọi cố gắng cho mục đích đó, để, nhờ được Tin Mừng linh hứng, chúng ta có thể xây dựng sự hợp nhất của Giáo hội, và cùng nhau thực hiện công việc chữa lành đất nước chúng ta trong thời điểm khủng hoảng này”.

Cả hai Đức Hồng Y Dolan và Gregory đều tuyên bố công khai rằng họ sẽ không từ chối việc rước lễ đối với một chính trị gia Công Giáo ủng hộ phá thai, vì lo ngại rằng một quyết định như vậy sẽ “vũ khí hóa” hoặc “chính trị hóa” Bí tích Thánh Thể.

Nhưng các giám mục khác đã bày tỏ lo ngại về các hậu quả thiêng liêng của việc rước lễ trong tình trạng có tội trọng tỏ tường, một điều Sách Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo vốn dạy có thể gây ra những tổn hại nghiêm trọng về mặt thiêng liêng.

Viết trên tờ First Things tuần trước, Đức Cha James Wall của Giáo phận Gallup, New Mexico, đã cho rằng “Mối quan tâm của chúng ta không phải là chính trị mà là mục vụ; để cứu rỗi các linh hồn. Vấn đề này có những hệ quả chính trị, nhưng đó không phải là cái cớ để trốn tránh vào thời điểm quan yếu này”.

Khuôn định kỷ luật bí tích như một công cụ để dấn thân mục vụ, Đức Cha Wall gợi ý rằng ngài và các giám mục khác hãy tự hỏi mình: “Tôi đã tuyệt đối làm mọi sự có thể làm trong tư cách một giám mục để cố gắng đưa tất cả các chính trị gia Công Giáo ủng hộ phá thai trong đoàn chiên của tôi trở lại tình trạng ơn thánh chưa?”

Các viên chức cao cấp của Vatican thân cận với Phủ Quốc Vụ Khanh ở Rôma xác nhận với tờ The Pillar rằng nội dung bức thư [của Đức Hồng Y Ladaria) đã được lưu hành trong phủ Quốc Vụ Khanh, khi Cupich đang ở Rôma vào tuần trước.

Một viên chức cao cấp của Vatican thân cận với Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh nói với tờ The Pillar rằng Đức Hồng Y Cupich đã trình cho Phủ việc ngài đích thân đánh cả tình hình lẫn bức thư, đồng thời đề nghị Vatican can thiệp vào lịch trình của hội đồng. Các viên chức Vatican khác cho biết họ không thể xác nhận báo cáo đó, nhưng vốn nghĩ Đức Hồng Y sẽ tìm kiếm sự can thiệp của Phủ để ngăn chặn vấn đề Nhất quán Thánh Thể được tranh luận tại Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ.

Vào tháng Giêng, Đức Hồng Y Cupich đã đóng vai trò lớn trong việc thuyết phục Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh can thiệp trước khi công bố bản nhận định của Đức Tổng Giám Mục Gomez về Ngày nhậm chức của Biden, yêu cầu loại bỏ bản văn này để có những từ ngữ thích hợp hơn. Việc công bố bản văn đó đã bị trì hoãn cho đến khi Tòa thánh ban hành thông cáo riêng của mình.

Một số chuyên gia Vatican cũng suy đoán rằng Đức Hồng Y Cupich, cùng với Đức Hồng Y Joseph Tobin của Newark, có thể đã dự phần vào việc công bố bức thư ngày 7 tháng 5 của Đức Hồng Y Ladaria, khi hai vị này gặp Đức Hồng Y Ladaria một tuần trước khi bức thư đó được gửi đi.

Cả Tổng giáo phận Washington lẫn Tổng giáo phận Chicago đều không trả lời yêu cầu bình luận và làm sáng tỏ của tờ The Pillar.

Thư của Đức Hồng Y Ladaria đã được gửi sau nhiều ngày các giám mục Hoa Kỳ đã thông báo cuộc họp của họ sẽ diễn ra dưới hình thức ảo; Đức Hồng Y Ladaria không nêu lên một lo ngại về viễn cảnh đó. Nhưng các giám mục đã viết thư cho Đức Tổng Giám Mục Gomez nói rằng “bản chất nghiêm trọng của những vấn đề này – nhất là yêu cầu buộc phải xây dựng một sự hợp nhất có chất lượng - khiến chúng ta không thể giải quyết chúng một cách hiệu quả trong bối cảnh rạn nứt và cô lập của một cuộc họp từ xa”.

Cuộc thảo luận vẫn nằm trong lịch trình của cuộc họp tháng 6 sắp tới.

Trong một thông tư được gửi hôm thứ Sáu tới mọi giám mục Hoa Kỳ, Đức Tổng Giám Mục Gomez, chủ tịch hội đồng giám mục, nói rằng cuộc thảo luận vào tháng Sáu về Bí tích Thánh Thể đã được lên lịch trình từ lâu, kể từ khi có một cuộc bỏ phiếu đã được sự chấp thuận của ủy ban hành chính của hội đồng, một điều vốn là diễn trình lập nghị trình được vạch rõ trong nội quy của hội đồng.

Thông tư của Đức Tổng Giám Mục Gomez, tuy không đề cập đến bức thư của hơn 60 vị giáo phẩm bất đồng, nhưng đã giải thích rằng mục đích của cuộc thảo luận được lên lịch vào tháng 6 là để bỏ phiếu về việc liệu ủy ban giáo lý của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ có nên soạn thảo một văn kiện về tính Nhất quán Thánh Thể hay không, sau đó sẽ tùy thuộc vào “ diễn trình tham vấn, sửa đổi và tu chính thông thường của Hội đồng” trước khi nó được biểu quyết cuối cùng về khả thể công bố “tại một Hội nghị toàn thể trong tương lai”.

Dù lá thư ngày 7 tháng 5 của Đức Hồng Y Ladaria có xem xét việc các giám mục Hoa Kỳ có thể đang lên kế hoạch chấp nhận một chính sách quốc gia về kỷ luật Thánh Thể, thông tư của Đức Tổng Giám Mục Gomez nhấn mạnh rằng hội đồng dự tính một bản giáo lý, chứ không phải một bộ quy tắc.

“Tập chú của văn kiện giáo huấn được đề xuất này là làm thế nào giúp mọi người tốt nhất để họ hiểu được vẻ đẹp và mầu nhiệm của Bí tích Thánh Thể như trung tâm của đời sống Kitô hữu của họ”.

Đức Tổng Giám Mục Gomez kết luận, “Tôi biết ơn về cách mà Ủy ban Giáo lý đã tiếp cận công việc của mình và về những lời khuyên tốt đẹp mà chúng ta đã nhận được từ Bộ Giáo lý Đức tin. Tôi mong đợi Hội nghị toàn thể của chúng ta”.