Phản ứng của Đức Thánh Cha Phanxicô trước tin tức Tối Cao Pháp Viện Úc đồng thanh tuyên bố Đức Hồng Y George Pell hoàn toàn vô tội

Lúc 7 sáng thứ Ba 7 tháng Tư, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ tại nhà nguyện Santa Marta trong khuôn khổ các thánh lễ ban sáng được trực tiếp truyền hình để cầu nguyện cho những bệnh nhân nhiễm coronavirus, các nhân viên y tế, và những ai đang phải đau khổ vì trận dịch kinh hoàng này.

Tuy nhiên, như trong lời giới thiệu ở đầu thánh lễ, ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha trong ngày đã được rẽ qua một hướng khác, ngài cầu nguyện cho “những người phải chịu một bản án bất công”.

Đó là phản ứng của Đức Thánh Cha 5 tiếng đồng hồ sau khi Tối Cao Pháp Viện Úc, trong một phán quyết tuyệt đối 7/7, đã đồng thanh bác bỏ bản án của các tòa dưới.

Nhà báo Andrew Bolt của Sky News cho biết trong ký ức của ông, một ký giả kỳ cựu, một phán quyết đồng thanh lật ngược lại bản án của các tòa dưới như thế chưa từng xảy ra. Nó là một cái tát rất nặng đối với các tòa dưới và chỉ ra rằng đó là một bản án bất công và vô lý đến mức hiển nhiên của tòa dưới.

Mở đầu bài giảng, Đức Thánh Cha nói:

Ngày hôm nay tôi muốn cầu nguyện cho tất cả những người phải chịu một bản án bất công vì ai đó đã đổ vấy cho họ. Chúa Giêsu cũng đã bị các thầy thông luật săn lùng mặc dù họ biết rõ Ngài vô tội.

Trong bài giảng thánh lễ, Đức Thánh Cha đã tập trung vào ơn gọi của người tôi tớ được trình bày trong Bài đọc thứ nhất trong ngày, thường được gọi là Bài Ca thứ hai của người Tôi tớ Chúa.

Bài Ðọc I: Is 49, 1-6

“Ta đã làm cho con nên sự sáng các dân tộc, để con trở thành ơn cứu độ Ta ban cho đến tận cùng trái đất”.

Trích sách Tiên tri Isaia.

Hỡi các đảo, hãy nghe tôi đây; hỡi các dân tộc miền xa xăm, hãy chú ý: Chúa đã kêu gọi tôi từ khi tôi còn trong lòng mẹ, đã nhớ đến tên tôi khi tôi còn ở trong bụng mẹ. Người đã làm cho miệng tôi nên như lưỡi gươm sắc bén, đã bảo vệ tôi dưới bóng cánh tay Người, đã làm cho tôi nên như mũi tên nhọn, và đã ẩn giấu tôi trong ống đựng tên. Và Người đã phán cùng tôi: “Hỡi Israel, ngươi là tôi tớ Ta, vì Ta sẽ được vinh hiển nơi ngươi”. Và tôi thưa: “Tôi đã vất vả mất công vô cớ, tôi đã phí sức vô ích; nhưng công lý của tôi ở nơi Chúa; và phần thưởng của tôi ở nơi Thiên Chúa”. Và bây giờ Chúa phán: “Người là Ðấng đã tác tạo tôi thành tôi tớ Người, khi tôi còn trong lòng mẹ, để đem Giacóp về cho Người, và quy tụ Israel chung quanh Người. Tôi được vinh hiển trước mặt Chúa, và Thiên Chúa là sức mạnh tôi. Người đã phán: “Con là tôi tớ Ta, để tái lập các chi họ Giacóp, để dẫn đưa các người Israel sống sót trở về; này đây Ta làm cho con nên ánh sáng các dân tộc, để con trở thành ơn cứu độ Ta ban cho đến tận bờ cõi trái đất”.

Mở đầu bài giảng, Đức Thánh Cha nói:

Lời tiên tri Isaia liên quan đến Đấng Mêsia và Dân Chúa. Thiên Chúa đã chọn nhà tiên tri trước khi ông được sinh ra. Cũng thế, mỗi người trong chúng ta được chọn từ cung lòng mẹ với ơn gọi phục vụ. Không ai trong chúng ta đã rơi vào trong thế giới này bởi một sự tình cờ.

Mỗi người trong chúng ta đều có một vận mệnh, một vận mệnh tự do, là vận mệnh được Chúa chọn. Tôi được tiền định để sinh ra làm con cái Chúa, làm người tôi trung của Chúa với nhiệm vụ là phục vụ.

Phục vụ có nghĩa là không đòi hỏi những lợi ích nào cho chính bản thân khác hơn là được phục vụ. Chúa Giêsu, người Tôi trung của Chúa, cho chúng ta thấy một mẫu gương về sự phục vụ. Vinh quang của Chúa Giêsu là phục vụ cho đến khi chết. Có vẻ như đó là một thất bại nhưng đó là một cách để phục vụ.

Khi Dân Chúa xa lánh thái độ phục vụ, họ là “một dân tộc đã bội giáo”. Điều này dẫn họ đến việc xây dựng cuộc sống của mình trên những tình yêu khác, mà thường là các ngẫu tượng, và họ mất đi ơn gọi của mình.

Đức Thánh Cha giải thích rằng điều quan trọng là thái độ của chúng ta trước Thiên Chúa, là Đấng đã chọn chúng ta và xức dầu cho chúng ta làm tôi trung của Ngài. Ngoại trừ Đức Mẹ và Chúa Giêsu, tất cả chúng ta đều đã sa ngã. Trường hợp của Thánh Phêrô là một nguồn cảm hứng. Khi Phêrô chối không biết Chúa Giêsu, gà liền gáy, ông đã khóc và ăn năn (Mt 26:75). Đây là con đường của một tôi trung kêu cầu sự tha thứ khi người ấy trượt ngã.

Con đường khác là con đường của người tôi tớ không có khả năng hiểu rằng mình đã vấp ngã. Con đường này để cho trái tim mình mở ra với những đam mê dẫn đến việc tôn thờ ngẫu tượng. Giống như trường hợp của Giuđa, là người đã để trái tim mình rộng mở cho Satan.

Để kết thúc bài giảng, Đức Thánh Cha mời gọi chúng ta hãy nghĩ về Chúa Giêsu. Ngài luôn “trung tín trong việc phục vụ”. Ơn gọi của chúng ta là để phục vụ và không tìm kiếm lợi nhuận từ vị trí của chúng ta trong Giáo hội. Đức Thánh Cha cũng cầu xin cho chúng ta có thể hành động giống như Phêrô, có thể khóc khi trượt ngã.


Source:Vatican News