1. Tuyên bố của Tòa Thánh: Đức Hồng Y Becciu bị oan. Chuyển tiền sang Úc để hại Đức Hồng Y Pell là tin giả

Hôm 13 tháng Giêng, Phòng Báo Chí Tòa Thánh ra tuyên bố sau:

Tòa thánh ghi nhận các kết quả kiểm toán do Tòa thánh yêu cầu, do ASIF và AUSTRAC cùng thực hiện, và về sự khác biệt đáng kể được báo cáo ngày hôm nay của một tờ báo Australia, liên quan đến dữ liệu được công bố trước đây về các giao dịch tài chính được chuyển từ Vatican sang Australia trong khoảng thời gian từ năm 2014 đến năm 2020: 9.5 triệu so với 2.3 tỷ Úc Kim. Con số này có thể là do một số nghĩa vụ theo hợp đồng và việc quản lý tài nguyên thông thường và các lý do khác. Tòa thánh nhân cơ hội này để tái khẳng định sự tôn trọng của mình đối với các cơ quan của Australia và bày tỏ sự hài lòng về sự hợp tác giữa các đơn vị liên quan.

Thông báo này nghĩa là gì? Thưa: Dễ hiểu lắm: Một trò vu cáo được dàn xếp hết sức tinh quái nhằm làm nhục Giáo Hội Công Giáo đã hạ màn.

Hôm thứ Tư 13 Giêng, tờ The Australian của Úc cho biết Cơ Quan Giám Sát Tội Phạm Tài Chính của Úc đã nhìn nhận họ đã tính toán quá sai sự thật các khoản chuyển ngân của Vatican.

Tờ The Australian cho biết Trung tâm Báo cáo và Phân tích Giao dịch Úc, gọi tắt là AUSTRAC, một cơ quan chính phủ, cho rằng việc tính toán sai lầm kinh hoàng này là do “computer coding error”, nghĩa là do lỗi của thảo chương điện toán.

Theo tờ báo, AUSTRAC đã thông báo với Thượng viện Australia rằng họ đã phát hiện ra sai sót sau khi đưa ra “đánh giá chi tiết” về phát hiện ban đầu rằng khoảng 1.8 tỷ Mỹ Kim (2.3 tỷ Úc Kim) đã được chuyển từ Vatican đến Australia trong khoảng 47,000 lần chuyển tiền riêng biệt kể từ năm 2014.

Tòa Thánh đã không giơ má còn lại cho người ta tát nhưng đã yêu cầu Cơ quan Giám sát và Thông tin Tài chính của Vatican, gọi tắt là ASIF, làm việc với AUSTRAC. Kết quả cuối cùng là chỉ có 362 lần chuyển tiền từ Vatican đến Úc từ năm 2014 đến năm 2020, và số tiền chỉ lên đến 7.4 triệu Mỹ Kim (9.5 triệu Úc Kim) mà thôi.

Cơ quan này cũng kết luận rằng trong sáu năm qua đã có 237 vụ chuyển tiền với tổng trị giá 20.6 triệu Mỹ Kim theo hướng ngược lại: từ Úc sang Vatican.

Các báo cáo về việc chuyển tiền đáng ngờ từ Vatican sang Úc bắt đầu từ tháng 10 trong bối cảnh có các đồn thổi tại Ý cho rằng Đức Hồng Y Angelo Becciu đã chuyển một số tiền lớn từ Vatican sang Úc nhằm hại chết Đức Hồng Y George Pell trong trò cáo gian ngài xâm phạm tình dục 2 ca viên tại nhà thờ chính tòa St. Patrick của Melbourne.

Trong phiên điều trần của ủy ban Thượng viện Úc vào ngày 20 tháng 10, giám đốc điều hành AUSTRAC Nicole Rose đã được hỏi về các cáo buộc rằng quỹ của Giáo hội đã được gửi đến Úc theo lệnh của Hồng Y Becciu với mục đích ảnh hưởng đến phiên tòa xét xử của Hồng Y George Pell về tội lạm dụng tình dục.

Thượng nghị sĩ Concetta Fierravanti-Wells đã hỏi Rose về các báo cáo chuyển tiền “được cho là từ quỹ của Vatican cho một người hoặc nhiều người ở Úc.”

“Có, tôi có thể xác nhận AUSTRAC đã xem xét vấn đề và chúng tôi đã cung cấp thông tin cho Cảnh sát Liên bang Úc và Cảnh sát Victoria,” Rose nói với Ủy ban Hiến pháp và Pháp chế Sự vụ.

Đức Thánh Cha đã buộc Hồng Y Becciu từ chức tổng trưởng Bộ Tuyên Thánh và từ bỏ các đặc quyền liên quan đến tước vị Hồng Y vào ngày 24 tháng 9. Tuy nhiên, chủ yếu chỉ liên quan đến vụ mua bán bất động sản tại Luân Đôn.

Hồng Y Becciu đã nhiều lần phủ nhận mọi hành vi sai trái hoặc bất kỳ nỗ lực nào nhằm tác động đến phiên tòa xét xử của Hồng Y Pell.

Đến đây chúng ta có thể hiểu được trò vu cáo được dàn xếp hết sức tinh quái nhằm làm nhục Giáo Hội Công Giáo của các thế lực thù địch thù hận đức tin Công Giáo tại Úc. Có thể tóm lược như sau:

Ngày 7 tháng 4 năm 2020, Tối Cao Pháp Viện Úc, bao gồm bảy thẩm phán, đã đồng thanh nhất trí Đức Hồng Y Pell vô tội trong trò cáo gian lạm dụng tính dục, đồng thời mạnh mẽ phê phán phán quyết của các tòa dưới. Đức Hồng Y liền được ra tù ngay lập tức, sau 400 ngày bị giam giữ.

Các thế lực thù địch thù hận đức tin Công Giáo tại Úc quay sang chơi trò mới. Lần này đến lượt Đức Hồng Y Becciu.

Họ tung tin giả ngay tại Thượng Viện Úc về các vụ chuyển ngân đáng ngờ từ Vatican sang Australia trong thời gian có vụ xét xử Đức Hồng Y Pell với thâm ý vu cáo cho Đức Hồng Y Becciu và chung cuộc là sỉ nhục Giáo Hội Công Giáo.

Các giám mục Úc nói rằng các ngài không biết bất kỳ giáo phận, tổ chức từ thiện hoặc tổ chức Công Giáo nào ở nước này nhận được số tiền quá lớn như thế. Báo chí tại Ý lại làm già lên, nhất mực cáo buộc Hồng Y Becciu gởi tiền sang Úc để hãm hại Hồng Y Pell.

Sau khi đã đạt mục đích, tháng 10 năm ngoái, Cảnh sát Victoria nói rằng họ không có kế hoạch điều tra thêm về các báo cáo chuyển tiền từ Vatican. Tại sao không điều tra thêm? Thưa: dễ hiểu vì họ biết ngay từ đầu chuyện này là hoang đường được dựng đứng lên. Điều tra thêm sẽ chỉ khiến âm mưu của mình bại lộ.

Vào tháng 12, tờ The Australian đưa tin rằng AUSTRAC cho biết họ đã phát hiện ra khoảng 47,000 vụ chuyển tiền có liên quan đến Vatican, trị giá khoảng 1.8 tỷ Mỹ Kim hay 2.3 tỷ Úc Kim. Trước diễn biến này, Tòa Thánh đã yêu cầu ASIF phải làm việc với AUSTRAC, và mọi việc đã sáng tỏ.

Nói tóm lại: Trong khoảng thời gian từ năm 2014 đến năm 2020 chỉ có 9.5 triệu Úc Kim được chuyển từ Vatican sang Úc, không phải 2.3 tỷ Úc Kim; trong cùng thời gian đó 20.6 triệu Mỹ Kim được chuyển theo hướng ngược lại: từ Úc sang Vatican.

Như thế, không hề có chuyện Hồng Y Becciu chuyển tiền sang Úc để hãm hại Hồng Y Pell. Đó là trò cáo gian chống Hồng Y Becciu và Giáo Hội Công Giáo.


Source:Holy See Press Office

2. Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 sẽ được tiêm vắc-xin coronavirus sớm hết sức có thể

Đức Tổng Giám Mục Georg Gänswein nói với CNA Deutsch, hôm 12 tháng Giêng rằng Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16, năm nay 93 tuổi, sẽ được tiêm chủng “ngay khi có vắc xin”.

Đức Tổng Giám Mục Gänswein nói: “Tôi cũng sẽ được tiêm phòng cùng với toàn bộ gia đình của Tu viện Mẹ Giáo Hội”. Tu viện Mẹ Giáo Hội của Vatican là nơi Đức Bênêđíctô 16 đã sống kể từ khi thoái vị vào năm 2013.

Thành phố Vatican sẽ bắt đầu tiêm chủng cho các cư dân và nhân viên làm việc tại Tòa Thánh để chống lại COVID-19 vào nửa cuối tháng Giêng. Bác sĩ Andrea Arcangeli, người đứng đầu dịch vụ y tế của Vatican, cho biết vào ngày 2 tháng Giêng rằng Vatican đã mua một tủ lạnh nhiệt độ thấp để bảo quản vắc-xin và dự định tiến hành tiêm chủng trong Đại Thính Đường Thánh Phaolô Đệ Lục, nơi Đức Thánh Cha vẫn dùng cho các buổi tiếp kiến chung.

Ông nói: “Ưu tiên sẽ được dành cho các nhân viên ngành y tế và an toàn công cộng, cho người già và cho những nhân viên thường xuyên tiếp xúc với công chúng”.

Mùa hè năm ngoái, Đức Bênêđíctô 16 đã phải chống chọi với bệnh tật sau cái chết của bào huynh ngài là Đức Ông Georg Ratzinger. Ngài bị bệnh giời leo ở mặt, một bệnh nhiễm trùng da do vi khuẩn gây ra, phát ban đỏ và đau đớn. Đức Tổng Giám Mục Gänswein cho biết vào tháng 8 rằng tình trạng “đang được cải thiện dần.”

Vào tháng 12, vị tổng giám mục người Đức đã bác bỏ những thông tin cho rằng Đức Bênêđíctô XVI đã bị mất giọng, nhưng nói rằng giọng của ngài đã trở nên “rất yếu và mỏng”.

Trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình được phát sóng hôm Chúa Nhật, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng ngài đã có một cuộc hẹn để được chủng ngừa coronavirus.

Ngài nói:

“Tôi tin rằng, về mặt đạo đức, mọi người đều phải tiêm vắc xin. Đó là một lựa chọn đạo đức vì nó liên quan đến cuộc sống không chỉ của bạn mà còn của những người khác nữa”.

Nhớ lại sự ra đời của vắc-xin bại liệt và các loại vắc-xin thông thường khác ở thời thơ ấu, Đức Thánh Cha nói: “Tôi không hiểu tại sao một số người lại nói đây có thể là một loại vắc-xin nguy hiểm. Nếu các bác sĩ giới thiệu nó với bạn như một thứ gì đó có thể tốt và không có nguy hiểm đặc biệt, tại sao lại không nhận nó? “

Tử vong tại Ý, tính đến ngày thứ Tư 13 tháng Giêng, đã lên đến 79,819 người, trong số 2,303,263 trường hợp nhiễm coronavirus. Chỉ riêng trong 24 giờ của ngày thứ Hai 11 tháng Giêng, Ý chứng kiến 12,531 trường hợp nhiễm bệnh. Trong đợt lây lan thứ nhất, ngày kinh hoàng nhất là ngày 26 tháng Ba, chỉ có 6,202 trường hợp nhiễm bệnh.

Nói cách khác, hiện nay tại Ý mức độ lây nhiễm nhanh hơn, nhiều người nhiễm bệnh hơn. Tuy nhiên, may mắn là số người chết vì coronavirus có vẻ ít hơn so với đợt lây lan thứ nhất. Trong 24 giờ của ngày 11 tháng Giêng, Ý ghi nhận 448 người chết. Trong đợt lây lan thứ nhất, ngày kinh hoàng nhất là ngày 27 tháng Ba, với 921 người chết.


Source:Catholic News Agency

3. Toàn văn Tông thư dưới dạng Tự Sắc “Spiritus Domini” của Đức Thánh Cha Phanxicô công bố ngày 11/1/2021

Tông thư dưới dạng Tự Sắc “Spiritus Domini”, nghĩa là “Thần Khí Chúa”, của Đức Thánh Cha Phanxicô về việc sửa đổi triệt 1, điều 230 của Bộ Giáo luật về quyền của phụ nữ đảm nhận các thừa tác vụ đã được thiết lập là Đọc Sách và Thừa Tác Viên Giúp Lễ.

Cho đến nay, điều 230, triệt 1 của bộ Giáo Luật quy định như sau: “Các giáo dân thuộc nam giới có đủ tuổi và điều kiện do nghị định của Hội Ðồng Giám Mục ấn định, có thể lãnh tác vụ đọc sách hoặc giúp lễ, qua một nghi lễ phụng vụ đã qui định. Tuy nhiên, việc trao tác vụ này không cho họ quyền được Giáo Hội trợ cấp hoặc trả lương”.

Trong Tông thư dưới dạng Tự Sắc “Spiritus Domini”, Đức Thánh Cha Phanxicô truyền bỏ đi cụm từ “thuộc nam giới” để cho phép nữ giới có thể đảm trách thừa tác vụ Đọc Sách và Thừa Tác Viên Giúp Lễ, dưới hình thức ổn định và được thể chế hóa.

Không có gì mới trong việc giao phó cho nữ giới việc rao truyền Lời Chúa trong các cử hành phụng vụ hoặc làm công việc phục vụ tại bàn thờ với tư cách là người giúp lễ (altar servers, chierichette) hoặc với tư cách là thừa tác viên Thánh Thể (acolytes, accolitato). Ở nhiều cộng đồng trên khắp thế giới, những thực hành này đã được các giám mục địa phương cho phép từ lâu, đặc biệt là trong trường hợp các bé gái giúp lễ.

Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Thần Khí của Chúa Giêsu, nguồn mạch thường hằng của sự sống và sứ mệnh của Giáo Hội, phân phát cho các thành phần dân Chúa những ân sủng để mỗi người, theo những cách khác nhau, góp phần vào việc xây dựng Giáo Hội và loan báo Tin Mừng. Những đặc sủng này, được gọi là thừa tác vụ vì chúng được Giáo hội công khai công nhận và thiết định, được cung cấp cho cộng đồng và sứ mệnh của cộng đồng ở dạng ổn định.

Trong một số trường hợp, sự đóng góp thừa tác này có nguồn gốc từ một bí tích cụ thể, là bí tích Truyền Chức Thánh. Các thừa tác vụ khác, trong suốt lịch sử, đã được thiết lập trong Giáo Hội và được giao phó qua một nghi thức phụng vụ không có nguồn gốc bí tích cho cá nhân tín hữu, như một hình thức thực hiện cụ thể chức tư tế được lãnh nhận qua phép Rửa Tội; và như một cách hỗ trợ cho chức vụ cụ thể của các giám mục, linh mục và phó tế.

Theo một truyền thống đáng kính, Thánh Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục đã quy định trong Tông thư dưới dạng Tự Sắc Ministeria Quaedam (Một số thừa tác vụ - ngày 17 tháng 8 năm 1972) rằng việc tiếp nhận “các thừa tác vụ giáo dân” là tiền đề chuẩn bị cho việc lãnh nhận Bí tích Truyền Chức Thánh, mặc dù những thừa tác vụ này cũng được phong cho những nam giáo dân phù hợp khác.

Một số kỳ họp của các Thượng Hội Đồng Giám Mục đã nhấn mạnh sự cần thiết phải điều tra về mặt giáo lý chủ đề này, để nó đáp ứng với bản chất của các đặc sủng nói trên và nhu cầu của thời đại, cũng như đưa ra sự hỗ trợ thích hợp cho vai trò phúc âm hóa của cộng đồng Giáo hội.

Chấp nhận những khuyến nghị này, một sự phát triển giáo lý đã đạt được trong những năm gần đây làm nổi bật cách thức một số thừa tác vụ do Giáo hội thiết lập có nền tảng dựa trên tình trạng chung của những người được rửa tội và chức tư tế vương giả nhận được trong Bí tích Rửa tội; về cơ bản chúng khác biệt với thừa tác vụ thánh chức được lãnh nhận qua Bí tích Truyền Chức Thánh. Trên thực tế, một thực hành được củng cố trong Giáo hội Latinh cũng đã xác nhận rằng các thừa tác vụ giáo dân, dựa trên bí tích Rửa tội, như vậy có thể được giao phó cho tất cả các tín hữu, những người thích hợp, cả nam lẫn nữ, theo những gì đã ngầm được cung cấp bởi triệt 2, điều 230.

Do đó, sau khi nghe ý kiến của các Bộ có thẩm quyền, tôi đã quyết định đưa ra việc sửa đổi triệt 1, điều 230 của Bộ Giáo luật. Tôi quyết định rằng triệt 1, điều 230 của Bộ Giáo luật trong tương lai được quy định như sau:

“Các giáo dân có đủ tuổi và điều kiện do nghị định của Hội Ðồng Giám Mục ấn định, có thể lãnh tác vụ đọc sách hoặc giúp lễ, qua một nghi lễ phụng vụ đã qui định. Tuy nhiên, việc trao tác vụ này không cho họ quyền được Giáo Hội trợ cấp hoặc trả lương.”

Tôi cũng ra lệnh sửa đổi các điều khoản khác, có hiệu lực pháp luật, có liên quan đến thay đổi này.

Những gì tôi đã đề cập đến trong Tông thư dưới dạng Tự Sắc, tôi truyền rằng nó có sức mạnh vững chắc và ổn định, bất chấp bất cứ điều gì ngược lại, ngay cả khi điều đó đáng được đề cập đặc biệt, và truyền công bố trên tờ Quan Sát Viên Rôma, và có hiệu quả thi hành ngay lập tức, và sau đó được xuất bản trong công báo chính thức của Tòa Thánh Acta Apostolicae Sedis..

Làm tại Đền Thờ Thánh Phêrô, Rôma vào ngày 10 tháng Giêng năm 2021, Lễ Chúa Chịu Phép Rửa, năm thứ tám trong triều đại giáo hoàng của tôi.

+ Đức Thánh Cha Phanxicô


Source:Holy See Press Office

4. Cẩn thận với tin giả: Đức Giáo Hoàng muốn chuẩn bị phong chức linh mục cho phụ nữ bằng Tự Sắc Spiritus Domini

Vào ngày 11 tháng Giêng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã công bố một tông thư dưới dạng tự sắc, sửa đổi triệt 1, điều 230 của bộ Giáo Luật để cho phép nữ giới có thể đảm trách thừa tác vụ Đọc Sách và Thừa Tác Viên Giúp Lễ, dưới hình thức ổn định và được thể chế hóa.

Ngài cũng đã công bố một lá thư gởi cho Đức Hồng Y Luis Ladaria, tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin để giải thích lý do cho quyết định này.

Một số các phương tiện truyền thông báo cáo sai lạc rằng Đức Giáo Hoàng muốn chuẩn bị phong chức linh mục cho phụ nữ bằng Tự Sắc Spiritus Domini. Điều đó không đúng.

Có gì thay đổi?

Cho đến nay, điều 230, triệt 1 của bộ Giáo Luật quy định như sau: “Các giáo dân thuộc nam giới có đủ tuổi và điều kiện do nghị định của Hội Ðồng Giám Mục ấn định, có thể lãnh tác vụ đọc sách hoặc giúp lễ, qua một nghi lễ phụng vụ đã qui định. Tuy nhiên, việc trao tác vụ này không cho họ quyền được Giáo Hội trợ cấp hoặc trả lương”.

Trong Tông thư dưới dạng Tự Sắc “Spiritus Domini”, nghĩa là “Thần Khí Chúa”, Đức Thánh Cha Phanxicô truyền bỏ đi cụm từ “thuộc nam giới” để cho phép nữ giới có thể đảm trách thừa tác vụ Đọc Sách và Thừa Tác Viên Giúp Lễ, dưới hình thức ổn định và được thể chế hóa

Chẳng phải phụ nữ đã được phép đảm trách thừa tác vụ Đọc Sách và Thừa Tác Viên Giúp Lễ sao?

Đúng vậy, ở nhiều nơi trên thế giới, phụ nữ đã được phép đảm trách thừa tác vụ Đọc Sách và Thừa Tác Viên Giúp Lễ, nhưng cho đến nay điều này vẫn chưa được chính thức thể chế hóa trong các nghi thức phụng vụ. Họ thực hiện vai trò “theo chỉ định tạm thời”, như được quy định theo Điều 230 triệt 2 của Bộ Giáo luật.

Hình ảnh chúng ta thường thấy nhất là các bé gái phục vụ tại bàn thờ với tư cách là người giúp lễ, tiếng Anh là altar servers, tiếng Ý là chierichette. Thừa Tác Viên Giúp Lễ hay còn gọi là Thừa Tác Viên Thánh Thể, tiếng Anh là acolytes, và tiếng Ý là accolitato, là một tác vụ cao hơmn, phù hợp hơn với người lớn. Đến nay hình ảnh của các phụ nữ trong vai trò acolyte vẫn là điều hiếm thấy.

Tại sao vai trò của Đọc Sách và Thừa Tác Viên Giúp Lễ trước đây chỉ được dành cho nam giới?

Theo truyền thống, các tác vụ này được dành riêng cho nam giới vì chúng được liên kết với những gì được gọi là “minor orders”, nghĩa là các “bậc thấp” của chức tư tế, đó là các giai đoạn trên con đường thụ phong linh mục.

Nhưng vào năm 1972, Thánh Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục đã có ý định bãi bỏ các bậc hấp trong tông thư dưới dạng tự sắc “Ministeria Quaedam”, nghĩa là “Một số thừa tác vụ”. Từ đó, ngài nói, Đọc Sách và Thừa Tác Viên Giúp Lễ nên được coi là các thừa tác vụ, thay vì các bậc thấp. Ngài viết rằng việc phong tặng tác vụ này, không nên được gọi là “phong chức”, nhưng là “chỉ định”.

Với việc sửa đổi Bộ Giáo luật năm 1983, luật Giáo hội đã công nhận rằng “giáo dân” - nam hay nữ - có thể “phụ trách chức năng người đọc sách trong các cử hành phụng vụ bằng cách chỉ định tạm thời”; và nói thêm rằng “Tất cả các giáo dân có thể thi hành những công tác của người chú giải, ca trưởng hoặc những công tác khác theo quy tắc luật định” (điều 230 triệt 2).

Phụ nữ bắt đầu đảm nhận các chức năng Đọc Sách và Thừa Tác Viên Giúp Lễ ở nhiều nơi trong thế giới Công Giáo, nhưng điều này chưa được chính thức thể chế hóa.

Năm 1994, Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích xác nhận rằng các giám mục có thể cho phép phụ nữ làm Thừa Tác Viên Giúp Lễ.

Tác vụ Đọc Sách là gì?

Người Đọc Sách là người đọc Kinh thánh cho cộng đoàn trong Thánh lễ (khác với Phúc âm, chỉ được công bố bởi các phó tế và linh mục).

Đức Phaolô Đệ Lục giải thích rằng người Đọc Sách “được chỉ định cho tác vụ này, thích hợp với anh ta, để đọc lời Chúa trong các cử hành phụng vụ”.

“Người đọc sách, cảm thấy trách nhiệm của tác vụ đã nhận, nên làm tất cả những gì có thể và sử dụng những phương tiện thích hợp để thu nhận mỗi ngày một cách trọn vẹn hơn tình yêu ngọt ngào và sống động cũng như sự hiểu biết về Sách Thánh, để trở thành một môn đệ hoàn hảo hơn của Chúa”, vị Thánh Giáo Hoàng viết.

Acolyte hay Thừa Tác Viên Giúp Lễ là gì?

Sau khi bãi bỏ các bậc thấp, Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục đã viết rằng acolyte hay Thừa Tác Viên Giúp Lễ là một tác vụ trong Giáo Hội với “nhiệm vụ lo việc phục vụ bàn thờ, giúp đỡ phó tế và linh mục trong các hoạt động phụng vụ, đặc biệt là trong việc cử hành Thánh lễ”.

Những trách nhiệm thông thường đối với một Thừa Tác Viên Giúp Lễ bao gồm việc phân phát Mình Thánh Chúa như một thừa tác viên ngoại thường nếu những thừa tác viên đó không có mặt, trưng bày Bí tích Thánh Thể để tôn thờ trong những trường hợp không có linh mục, và chỉ dẫn của các tín hữu khác, là những người trên cơ sở tạm thời giúp các phó tế và linh mục trong các cử hành phụng vụ bằng cách mang sách lễ, thánh giá, nến, v.v.

Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục đã viết: “Thừa Tác Viên Giúp Lễ được chỉ định cách đặc biệt cho việc phục vụ bàn thờ, học hỏi tất cả những quan niệm liên quan đến việc thờ phượng Chúa công khai và cố gắng hiểu ý nghĩa sâu sắc và thiêng liêng của nó: bằng cách này, anh ta có thể dâng mình mỗi ngày, hoàn toàn đối với Thiên Chúa và trong đền thờ, một tấm gương cho tất cả mọi người về hành vi nghiêm túc và tôn trọng của mình, và cũng có tình yêu chân thành đối với nhiệm thể Chúa Kitô, là dân Thiên Chúa, và đặc biệt là đối với những người yếu đuối và bệnh tật”.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa ra những lý do gì cho những thay đổi này?

Trong tông thư của mình, Đức Thánh Cha nói rằng một số kỳ họp của các Thượng Hội Đồng Giám Mục đã nhấn mạnh sự cần thiết phải điều tra về mặt giáo lý chủ đề này, để nó đáp ứng với bản chất của các đặc sủng nói trên và nhu cầu của thời đại, cũng như đưa ra sự hỗ trợ thích hợp cho vai trò phúc âm hóa của cộng đồng Giáo hội.

Chấp nhận những khuyến nghị này, một sự phát triển giáo lý đã đạt được trong những năm gần đây làm nổi bật cách thức một số thừa tác vụ do Giáo hội thiết lập có nền tảng dựa trên điều kiện chung là được rửa tội và chức tư tế vương giả nhận được trong Bí tích Rửa tội; về cơ bản chúng khác biệt với thừa tác vụ thánh chức được lãnh nhận qua Bí tích Truyền Chức Thánh. Trên thực tế, một thực hành được củng cố trong Giáo hội Latinh cũng đã xác nhận rằng các thừa tác vụ giáo dân, dựa trên bí tích Rửa tội, như vậy có thể được giao phó cho tất cả các tín hữu, những người thích hợp, cả nam lẫn nữ, theo những gì đã ngầm được cung cấp bởi triệt 2, điều 230.

Điều này có mở ra con đường phong chức linh mục cho phụ nữ không?

Trong thư gửi Đức Hồng Y Ladaria, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc lại lời tuyên bố của vị tiền nhiệm ngài là Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong tông thư “Ordinatio Sacerdotalis”, nghiã là “Truyền Chức Linh Mục” năm 1994 rằng “ Giáo hội không có thẩm quyền nào trong việc truyền chức linh mục cho phụ nữ. “

Ngài nhấn mạnh sự phân biệt giữa “các thừa tác vụ được phong chức” và “các thừa tác vụ không được phong chức”, và giải thích rằng “có thể, và ngày nay có vẻ là thích hợp” để mở ra “các thừa tác vụ không được phong chức” cho cả nam và nữ.

Ngài nói rằng việc bảo lưu các chức vụ không được truyền chức trước đây cho nam giới có “ý nghĩa riêng của nó trong một bối cảnh nhất định nhưng có thể được suy nghĩ lại trong bối cảnh mới, với một tiêu chí thường hằng là trung thành với sứ vụ được Chúa Kitô ủy thác và ý chí sống và công bố Tin Mừng do các Tông đồ truyền lại và giao phó cho Giáo hội”.

Ai sẽ giám sát những thay đổi?

Trong lá thư của Đức Thánh Cha Phanxicô gửi cho Đức Hồng Y Ladaria, ngài nói rằng Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích sẽ chịu trách nhiệm hướng dẫn những thay đổi, sửa đổi các phần của Sách lễ Rôma và nghi thức chỉ định người đọc sách và Thừa Tác Viên Giúp Lễ khi cần thiết.


Source:Catholic News Agency

5. Đức Thượng Phụ Kirill gây căng thẳng với Tòa Constantiople

Căng thẳng giữa Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô và Đức Thượng Phụ Chính Thống Giáo Nga Kirill đã tăng lên một mức độ mới ngay trong ngày lễ Giáng Sinh của Chính Thống Giáo.

Tưởng cũng nên nhắc lại trước ngày 15/12/2018, tại Ukraine có đến 3 Giáo Hội Chính Thống Giáo. Nhóm đông nhất là nhóm Chính Thống Giáo Nga trực thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa. Nhóm thứ hai là Chính Thống Giáo Ukraine thuộc Tòa Thượng Phụ Kiev và nhóm thứ ba là Chính Thống Giáo Ukraine tự trị với đa số là các vị Chính Thống Giáo Ukraine trở về từ hải ngoại sau khi cộng sản sụp đổ.

Trong phiên họp ngày 15/12/2018, hai nhóm sau, cùng với hai vị Giám Mục của nhóm thứ nhất đã quyết định nhập lại thành một Giáo Hội duy nhất gọi là Chính Thống Giáo Ukraine dưới sự lãnh đạo của Đức Thượng Phụ Serhii Petrovych Dumenko, nguyên là Tổng Giám Mục Pereyaslavsky và Bila Tserkva của Chính Thống Giáo Ukraine thuộc Tòa Thượng Phụ Kiev.

Đức Thượng Phụ Serhii Petrovych Dumenko sinh ngày 3 tháng Hai, 1979 mới 39 tuổi đã được Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô trao cho Tomos, hay quyền tự trị, vào tháng Giêng 2019.

Đáp lại diễn biến này, Đức Tổng Giám Mục Alfeev Hilarion phụ trách Ủy ban Đối ngoại của Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa tuyên bố rằng Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa sẽ thành lập các giáo phận và giáo xứ Chính Thống Giáo Nga tại tất cả các lãnh thổ theo giáo luật là thuộc tòa Constantinople; và cuộc tranh chấp giữa hai tòa Mạc Tư Khoa và Constantinople sẽ mở rộng ra trên toàn thế giới và như thế Chính Thống Giáo không bao giờ trở lại như trước đây. Ngài cũng ra lệnh chấm dứt tất cả mọi hình thức hiệp thông Thánh Thể giữa các linh mục Chính Thống Giáo Nga và các linh mục thuộc tòa Constantinople. Đức Thượng Phụ Kirill cũng ra lệnh ngưng không cầu nguyện cho Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô trong các nghi thức Phụng Vụ.

Tình hình đã leo thang thêm một bước nữa sau khi Đức Thượng Phụ Kirill nói việc đền thờ Hagia Sofia bị mất vào tay người Hồi Giáo là bằng cớ cho thấy “Chúa phạt” Đức Thượng Phụ Bácthôlômêô.

Trong lịch sử 1,500 năm của mình, Hagia Sophia, nghĩa là Sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa, ở Istanbul vốn là một đền thờ Công Giáo trước khi trở thành đền thờ Chính Thống Giáo sau cuộc đại ly giáo năm 1054. Sau đó, đền thờ này bị biến thành một đền thờ Hồi Giáo.

Nhận thức được sự bất công này, Kamal Ataturk, tổng thống đầu tiên của Cộng Hòa Thổ Nhĩ Kỳ, người được gọi là cha già dân tộc, đã có can đảm biến tòa nhà thành một bảo tàng viện, như một biểu tượng của thiện chí và sự cùng tồn tại hòa bình giữa các cộng đồng Kitô giáo và Hồi giáo. Tuy nhiên tháng 7 năm ngoái 2020, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ quyết định lật ngược chính sách này và biến tòa nhà trở thành một đền thờ Hồi Giáo lần thứ hai vào ngày 24/7/2020.

Bình luận về diễn biến này trong cuộc phỏng vấn với Rossia TV của Nga cuối tuần qua, Đức Thượng Phụ Kirill nói:

“Tôi không muốn thốt ra những lời chỉ trích đối với anh trai tôi ở Constantinople, nhưng chắc chắn rằng những gì vừa xảy ra ở Constantinople, ở Istanbul, là bằng chứng cho thấy ngài bị Chúa phạt. Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô đã đưa những kẻ ly giáo vào Nhà thờ linh thánh Sophia ở Kiev và rồi để mất Nhà thờ Sophia ở Constantinople vì giờ đây nó đã trở thành một đền thờ Hồi giáo. Tôi muốn mọi người suy ngẫm về những gì đã xảy ra. Ngài đã lấy Nhà thờ Sophia ở Kiev từ tay những người Chính thống giáo, từ tay Giáo Hội Chính thống, ngài đã đến đó và mang theo những người ly giáo, và rồi ngài đánh mất Nhà thờ Sophia của chính mình… Tôi tin rằng thật khó có thể tưởng tượng bất kỳ hậu quả nào có tính cách rõ ràng, xảy ra nhanh chóng hơn vì tội lỗi này quá lớn. Tuy nhiên, chúng ta phải cùng nhau thoát ra khỏi điều này. Chúng ta phải cầu nguyện cho nhau, ít nhất là trong những lời cầu nguyện cá nhân của chúng ta, nếu điều này bây giờ hầu như không thể xảy ra trong việc thờ phượng công cộng vì chúng ta không còn cầu nguyện cho Đức Thượng phụ Constantinople trong Phụng Vụ Thánh. Tuy nhiên, hãy cầu nguyện cho nhau, chúng ta phải và làm tất cả những gì trong khả năng của chúng ta để cuộc khủng hoảng này trong thế giới Chính thống giáo kết thúc càng nhanh càng tốt. Giáo hội Nga đã sẵn sàng chuẩn bị bước đi trên con đường này để đạt được mục tiêu này.”


Source:Moscow Orthodox