1. Lần đầu tiên số Công Giáo tại Bắc Ái Nhĩ Lan đông hơn Tin lành
Tờ “The Independent”, nghĩa là Độc Lập, cho biết trong cuộc kiểm tra dân số hồi tháng Ba năm nay và được công bố hôm 22 tháng Chín vừa qua, tại Bắc Ái Nhĩ Lan có 45,7% dân số là tín hữu Công Giáo và 43,5% là tín hữu Tin lành. Con số này xác nhận đà tiến triển dân số tại miền này từ nhiều năm này. Từ năm 1921, sau cuộc chiến tranh độc lập, đảo Ái Nhĩ Lan được chia thành Cộng hòa Ái Nhĩ Lan ở miền nam, và Bắc Ái Nhĩ Lan thuộc Anh quốc.
Cách đây 11 năm (2011), trong cuộc kiểm tra dân số, 48% dân Bắc Ái Nhĩ Lan là người Tin lành, tức là ít hơn 5% so với năm 2001. Hiện thời tại miền này có 1,5% dân số là các tín hữu thuộc các tôn giáo không Kitô. Số người không có tôn giáo là 9,3%, tức là nhiều hơn 5,6% so với năm 2011.
Phản ứng về kết quả cuộc thăm dò trên đây, ông John Finucane, thuộc đảng Sin-Fein yêu cầu chính phủ Ái Nhĩ Lan chuẩn bị một cuộc trưng cầu dân ý về việc thống nhất hai miền nam bắc Ái Nhĩ Lan. Vì theo ông, sự phân chia đảo này thành hai là một thất bại. Những kết quả kiểm tra dân số cho thấy rõ có sự thay đổi lịch sử hiện nay tại đảo này và sự khác biệt của xã hội làm cho tất cả chúng ta được phong phú.
2. Đức Thánh Cha tiếp Hội nghị về thánh Tôma Aquinô
Sáng ngày 22 tháng Chín năm 2022, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp kiến các tham dự viên Hội nghị quốc tế lần thứ XI về thánh Tôma Aquinô. Ngài đề cao đặc tính thời sự của học thuyết của thánh nhân và mời gọi mọi người noi gương thánh Tôma say mê tìm hiểu chân lý về Chúa và biểu lộ qua chứng tá cuộc sống hằng ngày.
Hiện diện tại buổi tiếp kiến, có Đức Hồng Y Ladaria, Tổng trưởng Bộ Giáo lý đức tin và đông đảo các thành viên Hàn lâm viện Tòa Thánh về thánh Tôma.
Trong diễn văn trao cho các tham dự viên, Đức Thánh Cha nhận định rằng: “Thánh Tôma là nguồn mạch một truyền thống tư tưởng được nhìn nhận là ‘sự mới mẻ ngàn đời’. Đạo lý thánh Tôma không được trở thành một đồ vật giữ trong bảo tàng viện, nhưng là một nguồn mạch sống động, như đề tài hội nghị của anh chị em là “Vetera novis augere”, làm tăng trưởng những gì cổ kính bằng những điều mới mẻ”. Nói theo thành ngữ của triết gia Jacques Maritain, cần thăng tiến một ‘học thuyết Tôma’ sinh động, có khả năng canh tân để trả lời cho những vấn nạn ngày nay”.
Đức Thánh Cha đặc biệt nhắc đến đạo lý của thánh Tôma về công trình sáng tạo, sự phong phú trong giáo huấn của thánh nhân về sự tạo dựng của Chúa, như đã được nhắc đến trong thông điệp “Laudato sì”, về việc bảo vệ căn nhà chung của nhân loại. Sự sáng tạo đối với thánh Tôma là sự biểu lộ đầu tiên lòng quảng đại tuyệt vời của Thiên Chúa, hay đúng hơn là lòng thương xót nhưng không của Chúa. Thánh Tôma dạy, đó là chìa khóa tình thương mở bàn tay của Thiên Chúa và giữ cho bàn tay ấy luôn rộng mở. Rồi thánh Tôma chiêm ngưỡng vẻ đẹp của Thiên Chúa chiếu tỏa rạng ngời trong sự khác biệt có trật tự của các thụ tạo. Vũ trụ các thụ tạo, hữu hình và vô hình, không phải là một khối duy nhất, cũng chẳng phải là sự khác biệt vô hình dạng, nhưng họp thành một trật tự, một toàn thể, trong đó tất cả các thụ tạo được liên kết, vì tất cả đều đến từ Thiên Chúa và tiến về Thiên Chúa và vì chúng tác động trên nhau tạo nên một mạng các mối quan hệ”.
3. Đức Giám Mục Cameroon tìm thấy Mình Thánh Chúa nguyên vẹn
Đức Giám Mục Giáo phận Mamfé đã tìm thấy Mình Thánh Chúa còn nguyên vẹn trong nhà thờ bị đốt tại Cameroon bên Phi châu.
Tối ngày 16 tháng Chín vừa qua, một lực lượng võ trang đã tràn vào làng Nchang, thuộc lãnh thổ giáo phận Mamfé, đốt nhà thờ Đức Mẹ tại đây, và bắt cóc 9 người gồm 5 linh mục, 1 nữ tu và 3 giáo dân.
Trong những ngày qua, Đức Cha Aloysius Fondong, Giám mục giáo phận Mamfé sở tại đã đến nhà thờ để tìm Mình Thánh Chúa và thấy Mình Thánh và chén thánh giữ Mình Thánh Chúa còn nguyên vẹn. Một Video do tổ chức bác ái Trợ giúp các Giáo hội đau khổ, phổ biến hôm 21 tháng Chín vừa qua, cho thấy Đức Cha Fondong đi vào nhà thờ bị đốt cháy, tìm thấy nhà tạm được đặt trên một tường gần thánh giá. Sau khi mở nhà tạm, Đức Cha bái quì và rước Mình Thánh ra khỏi nhà tạm.
Đức Cha nói: “Vụ đốt phá nhà thờ và bắt cóc thật là điều đáng kinh tởm. Họ thử thách sự kiên nhẫn của Chúa!”
Đài “Radio Evangelium” của giáo phận Mamfé nói rằng khoảng 60 người võ trang đã tấn công cộng đoàn Công Giáo Mamfé và bắt cóc 9 người vừa nói. Họ đòi tiền chuộc mạng 50.000 Mỹ kim. Nhưng Giáo hội từ khước làm theo yêu cầu của họ.”
Cha Christopher Eboka, Giám đốc truyền thông của giáo phận Mamfe, nói với phái viên hãng tin Công Giáo Hoa Kỳ, ngày 21 tháng Chín vừa qua, là cha đã liên lạc với 9 người bị bắt cóc, họ cho biết không bị tra tấn, nhưng nếu không trả tiền chuộc mạng thì họ sẽ lần lượt bị giết”.
Trong số 27 triệu dân Cameroon, có 20% nói tiếng Anh và từ năm 2016, có những lực lượng ở vùng này đòi ly khai để trở thành một nước độc lập vì họ than rằng ở chung với phần nói tiếng Pháp, họ bị thiệt thòi về nhiều phương diện.
Thống kê chính thức cho biết đã có ít nhất 4.000 người bị giết và hơn 700.000 người phải di tản vì các cuộc xung đột, và 70.000 người tị nạn sang Nigeria.
Một thông cáo của các giám mục Cameroon nói rằng Giáo hội đã phải trả giá đắt đỏ vì tình trạng xung đột này: “Từ khi cuộc khủng hoảng bắt đầu hồi năm 2016, dân chúng chịu đau khổ kinh khủng, những người của Chúa thường bị những kẻ bắt cóc, tra tấn và những kẻ vô lương tâm chiếu cố. Một làn sóng bách hại hàng giáo phẩm nay trở thành một thứ trò chơi mới cho cuộc tranh đấu và đủ loại tín hiệu đe dọa được gửi tới các thừa sai đang tận hiến cuộc đời để phục vụ dân chúng”.
4. Đức Hồng Y Pell: Đứng vững với Lời Thiên Chúa
Trước các ngả nghiêng về luân lý và tín lý ngày càng trầm trọng thêm hiện nay, Đức Hồng Y George Pell, nguyên chủ tịch Văn phòng Kinh tế của Tòa Thánh, lên tiếng trên tạp chí First Things, khuyên nên đứng vững với Lời Thiên Chúa:
Cách đây khá lâu, trong những ngày còn ở chủng viện, một người bạn linh mục trẻ của tôi đã tham dự một bài giảng dẫn nhập vào Sách Khải huyền và Kinh thánh. Giảng viên nói với cả lớp rằng có khoảng cách đáng kể giữa thông điệp, sứ điệp và giáo huấn thực sự của Thiên Chúa và các văn bản chúng ta có trong Cựu ước và Tân ước. Vị giảng viên không nói, như bề trên tổng quyền Dòng Tên, rằng chúng ta không biết Chúa Giêsu Kitô đã dạy gì vì lúc đó chưa có máy ghi âm, không có điện thoại để ghi lại khoảnh khắc ấy. Nhưng quả bà ấy đi theo hướng đó.
Bạn tôi ngây ngô hỏi Công đồng Vatican II có nói gì về chủ đề này không. Vị giảng viên, tự tin vào chuyên môn của mình, giải thích rằng có. Tài liệu được gọi là gì? Nhanh như chớp, câu trả lời đến ngay: “Dei Verbum,” Lời Thiên Chúa. Chỉ khi bà dừng lại để mỉm cười và tận hưởng sự đóng góp của mình, giảng viên mới nhận ra rằng bà đã sai lầm. Kinh thánh là lời của Thiên Chúa dành cho chúng ta, được viết bằng các hình thức và phong cách khác nhau và ở các thời đại khác nhau bởi các tác giả loài người. Mặc dù chúng không được tổng lãnh thiên thần Gabriel đọc từng chữ, như người Hồi giáo cho rằng Kinh Qur'an được như thế, chúng vẫn là Lời của Thiên Chúa dành cho chúng ta.
Hai chủ đề chính gây căng thẳng một cách sáng tạo trong bốn kỳ họp của Công đồng Vatican II ở Rôma (1962–65) là “aggiornamento”, hoặc cập nhật mọi điều, và “ressourcement”, hoặc trở lại các nguồn để lấy linh hứng. Tất nhiên, cả hai thuật ngữ đều bao hàm khá nhiều khía cạnh. Chúng ta đọc các dấu chỉ thời đại để đưa Giáo hội đến chỗ được cập nhật. Nhưng như nhà thần học Tin lành người Thụy Sĩ Karl Barth đã hỏi Đức Giáo Hoàng Phaolô VI: cập nhật là gì? Sự thật được tìm thấy vào thời kỳ nào và ở những chỗ nào?
Đối với người Công Giáo, nguồn là gì? Tương phản với những người Thệ phản, người Công Giáo minh nhiên nại tới cả Kinh thánh lẫn Truyền thống, như đã được Công đồng Trent dạy bảo. Dei Verbum, hay Hiến chế tín lý về Mạc khải Thiên Chúa, được khai triển trong bốn phiên họp, là một trong những đóng góp tốt nhất của Công đồng, giải quyết nhiều căng thẳng trí thức trong Giáo hội và về phương diện đại kết. Thiên Chúa của Kinh Thánh không phải là sáng tạo của con người, cũng không phải là kẻ áp bức, nhưng tự mạc khải chính mình Người và sứ điệp cứu rỗi của Người qua Chúa Giêsu Kitô, “Đấng trung gian và tóm kết toàn thể mạc khải.”
Thánh kinh và Thánh truyền gắn kết với nhau, phát xuất từ cùng một nguồn cội thần linh, và hướng tới cùng một mục đích. Thánh truyền lưu truyền Lời Thiên Chúa, được Chúa Kitô và Chúa Thánh Thần giao phó cho các tông đồ. “Truyền thống thánh thiêng và Sách thánh tạo nên một kho thánh thiêng duy nhất của Lời Thiên Chúa” (Dei Verbum, 7–8). Những quan điểm này đã được tái khẳng định gần như nhất trí trong Thượng Hội Đồng Rôma về Lời Chúa năm 2008.
Trong những thời kỳ hậu công đồng này, giống như các giáo hội và giáo phái khác ở phương Tây, Giáo Hội Công Giáo phải đối đầu với một điều mới mẻ trong lịch sử của mình. Giáo Hội sống ở một số quốc gia nơi nhiều người, đôi khi là đa số, sống phi tôn giáo, dù không phản tôn giáo. Những người ngoại giáo thời La Mã cổ xưa không phải là phi tôn giáo - hầu hết là mê tín, tin vào nhiều loại thần thánh. Tất cả những ai yêu mến Chúa Kitô và các cộng đồng Kitô giáo của họ đều đau buồn vì sự vô tín của phương Tây, nhưng thường bị chia rẽ một cách cay đắng và nền tảng về cách tốt nhất để xoay chuyển tình thế này.
Vấn đề trên có thể được phát biểu nhiều cách. Có phải những lời dạy của Chúa Kitô — và nhất là các ý tưởng Công Giáo về sự hy sinh và tình dục, về nhu cầu cầu nguyện và ăn năn — chỉ là lỗi thời, bị thay thế giống như niềm tin rằng mặt trời quay quanh trái đất không? Có phải thuyết tiến hóa và hàng triệu năm của loài khủng long đã đánh bật thần thoại Do thái-Kitô giáo ra khỏi vị trí của nó không? Mọi người có bị bắt buộc phải tin với Comte rằng thời đại của tôn giáo đã qua đi, rằng không còn có thể giữ cho Kitô giáo được cập nhật nữa?
Tất nhiên, những người có đức tin sẽ bác bỏ những hình thức vô tín ngưỡng triệt để này và đương đầu với tình hình bằng những hạn từ nhiều sắc thái hơn. Thế giới hiện đại đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc giảm nghèo và mù chữ, giảm đói và tăng tuổi thọ. Không thể phủ nhận những tiến bộ ngoạn mục của khoa học, kỹ thuật và y học. Trong những lĩnh vực này, chúng ta chắc chắn biết nhiều hơn tổ tiên chúng ta, mặc dù có quá nhiều người trẻ của chúng ta mong manh và khốn khổ, bị xiềng xích bởi thói quen theo nhiều cách không hay ho khác nhau. Thí dụ, tỷ lệ tự tử của thanh niên ở Úc quá cao. Tại sao lại có sự tương phản giữa sự tiến bộ và sự gia tăng đau khổ?
Trong khi chúng ta tiếp tục tin vào Thiên Chúa Tạo Hóa đầy yêu thương của chúng ta và tiếp tục chiêm ngưỡng những lời dạy tuyệt vời của Chúa Giêsu, Con của Đức Maria, Đấng đã bị đóng đinh bởi người La Mã và các nhà chức trách tôn giáo Do Thái gần hai nghìn năm trước, há chúng ta lại không nhận ra tốt hơn bao giờ hết rằng trong khi Chúa Giêsu là một thiên tài và một nhà tiên tri, Người cũng là một con người với những giới hạn về tuổi tác, văn hóa và tôn giáo của Người hay sao? Do đó, Kitô hữu có được phép, cùng với những vị giáo phẩm cao cấp nói tiếng Đức, bác bỏ các giáo huấn căn bản của Kitô giáo về tình dục vì họ tin rằng những lời giáo huấn đó không còn phù hợp với kiến thức khoa học hiện đại không? Hơn thế nữa, các Kitô hữu có bị khoa học hiện đại buộc phải bác bỏ các giáo huấn đó và các giáo huấn Kitô giáo tương tự như vậy không?
Hai sự phát triển gần đây đáng chú ý. Tại cuộc họp gần đây của Con đường Đồng nghị Đức, gần hai phần ba số giám mục Đức dường như đã đi hơi xa một chút theo hướng bác bỏ, và Bộ Giáo lý Đức tin đã không bình luận gì. Bây giờ các giám mục Bỉ cũng đang di chuyển cùng một hướng. Những lực lượng này, những lực lượng muốn phá hủy tính độc hữu của hôn nhân dị tính, giáo huấn luân lý Do thái – Kitô giáo cổ xưa ấy, và hợp pháp hóa hoạt động tình dục đồng tính, đang làm việc để truyền bá chất độc của họ.
Tân Ước vạch rõ bổn phận của Người Kế vị Thánh Phêrô, con người đá tảng, nền đá (Mt. 16:18), là củng cố đức tin của anh em mình — nhất là khi một số người đang suy yếu (Lc. 22:32). Hiện đang cần có hành động dứt khoát từ Bộ Giáo lý Đức tin, để ngăn chặn tình trạng xấu thêm và sửa chữa sai lầm.
Lời tuyên bố của Đức Hồng Y Jean-Claude Hollerich rằng ngài không còn muốn thay đổi học thuyết của Giáo hội đáng được hoan nghênh, và Đức Hồng Y Reinhard Marx cũng đã phần nào đi theo hướng này. Đây là những bước phát triển tốt; nhưng phần lớn các giám mục Đức thì sao?
Ai có sự thật trong cuộc tranh chấp này? Ý kiến khai sáng của phương Tây và những người Công Giáo Đức có thiện cảm với nó, hay giáo huấn Kitô giáo truyền thống, vốn được đa số áp đảo những người thờ phượng Công Giáo ủng hộ? Kitô hữu quyết định như thế nào? Đâu là các tiêu chuẩn? Ban đầu chúng ta có thể quay trở lại với Sách Giáo lý Công Giáo, hoặc Bộ Giáo luật, nhưng việc quay trở lại với thuật ngữ và các giáo huấn của Công đồng Vatican II cũng rất hữu ích.
Đâu là chữ cuối cùng cần được khám phá? Câu trả lời phụ thuộc vào các sự thật đang được thảo luận, vì Giáo hội không có tài chuyên môn đặc thù nào để quyết định sự thật của khoa học, lịch sử, hay kinh tế học. Tuy nhiên, với huấn quyền Công Giáo, cả Cựu ước lẫn Tân ước đều dạy rằng mạc khải có thẩm quyền về luân lý cũng như đức tin. Do đó, các chân lý luân lý phải được công nhận và thừa nhận trong truyền thống tông đồ.
Giáo huấn Công Giáo cho rằng giáo hoàng, các giám mục và tất cả các tín hữu là những người phục vụ và bảo vệ truyền thống tông đồ, không có quyền bác bỏ hoặc bóp méo các yếu tố thiết yếu, đặc biệt khi truyền thống đang được khai triển và giải thích. Điều đang tranh cãi khi chúng ta bác bỏ giáo huấn luân lý căn bản về tình dục (chẳng hạn) không phải là một đoạn trong Sách Giáo lý Công Giáo, hoặc giáo luật của Giáo hội, hoặc thậm chí là một sắc lệnh công đồng. Chính Lời Thiên Chúa, vốn được trao phó cho các tông đồ, đang bị bác bỏ. Chúng ta không biết rõ hơn Thiên Chúa.
Nếu sự mạc khải của Thiên Chúa, như thấy trong Kinh Thánh, được chấp nhận như Lời của Thiên Chúa, thì chúng ta sẽ phục tùng và tuân theo. Chúng ta đứng vững dưới Lời Thiên Chúa.